Thời trang giới tính linh hoạt: Kéo nam giới ra khỏi khuôn mẫu độc hại
Giới tính là thứ được mặc định từ khi một đứa bé vừa chào đời. Sau đó, màu hồng là dành cho bé gái, màu xanh là cho bé trai. Nữ thì phải mang váy, nam thì phải mang quần. “Con là con trai, không được chơi trò công chúa với các chị,” hoặc, “con là con gái, đi học thì phải mang váy, đứa nào được bố mẹ cho mang quần thì kệ nó”. Như tác giả Alison Lurie từng viết trong quyển “The Languagues of Clothes”: “Chức năng cơ bản nhất của trang phục là để phân biệt giữa nam và nữ.”
Tự bao đời nay, váy và đầm luôn được xem là tấm thẻ thành viên (membership card) của giới tính. Những năm cuối thế kỷ 19, phụ nữ tại Mỹ và các quốc gia châu Âu phải đứng lên đấu tranh để có thể được tự do mặc quần thay vì váy, đầm. Đây cũng là phát súng khởi đầu cho phong trào nữ quyền kéo dài hàng thế kỷ. (Theo qz.com)
Ngày nay, nam giới cũng đang muốn xóa bỏ lằn ranh giới tính bằng thời trang giới tính linh hoạt (gender-fluid). Giới mộ điệu phát sốt với những bộ cánh của Ezra Miller hay Billy Porter – những nam nhân tiên phong liên tục càn quét thảm đỏ lẫn tập san về thời trang để phá bỏ định kiến và thay đổi bộ mặt thời trang đương đại nam. Sau Billy Porter, chúng ta lại có Harry Style, và sau đó nữa là Jaden Smith,…
Vậy có phải phái nam cũng góp phần tái định nghĩa lại khuôn khổ của giới tính qua thời trang? Liệu thế giới đã sẵn sàng cho xu hướng này chưa?
Câu trả lời là CÓ! Bởi thời trang và nghệ thuật luôn chiều theo dòng chảy văn hóa của thế giới.
Bắt đầu từ Tuần lễ Thời trang nam Xuân-Hè 2018, chúng ta đã dần nhận thấy ngành thời trang nhen nhóm chuyển mình theo hướng giới tính linh hoạt, khi mà váy, đầm không chỉ đơn thuần là món đồ thiết yếu trong tủ đồ phụ nữ, mà dần trở thành thứ được mặc và ưa chuộng bởi tất cả mọi giới tính.
Tại Paris, Thom Browne gửi lên sàn runway một loạt người mẫu nam mang váy xếp ly xám, được lấy cảm hứng một cách khéo léo từ những chú bé học sinh tại thành phố Exeter, Anh. Cùng năm đó, corset được người mẫu nam trình diễn một cách đầy tự tin tại show của Charles Jeffrey Loverboy và Edward Crutchley, còn tại Vivienne Westwood, nam giới được quyền mang váy và để vai trần.
Mike Eckhaus, nhà thiết kế (NTK) đồng sáng lập thương hiệu Eckhaus Latta từng chia sẻ: “Tôi từng dành rất nhiều thời gian ngắm nghía và lựa chọn quần áo ở các gian hàng đồ nữ. Nhưng vì bả vai rộng hơn chuẩn size đồ nữ, mà tôi thì quan tâm về việc phải mặc quần áo vừa với cơ thể, đó là lý do tôi cho ra mắt dòng đồ nam xu hướng nữ tính.”
Không chỉ có các thương hiệu độc lập, những “cây đại thụ” trong ngành thời trang cũng đang xòa nhoà lằn ranh giới tính, điển hình là Saint Laurent dưới thời NTK Anthony Vaccarello, Louis Vuitton dười thời NTK Virgil Abloh, Dior dưới thời NTK Kim Jones, và đặc biệt là Gucci dưới thời NTK Alessandro Michele.
@harrystyles performed double duty as host and musical guest on Saturday Night Live @nbcsnl. Presenting his new album ‘Fine Line’ the actor, singer and songwriter wore a custom all-over sequin jumpsuit and ready-to-wear looks from #GucciSS20 designed by @alessandro_michele. #AlessandroMichele #HarryStyles #HarryOnSNL - A post shared by Gucci (@gucci) on Nov 21, 2019 at 6:23am PST
Nổi tiếng là một người yêu sự phá cách, tự do và bình đẳng, kể từ khi mới ra mắt với tư cách Giám đốc sáng tạo của Gucci, Alessandro Michele đã luôn sử dụng cả người mẫu nam và nữ để trình diễn cùng một bộ sưu tập để nhấn mạnh yếu tố giới tính linh hoạt trong các thiết kế của mình. Tại sao một người đàn ông không được phép mang áo cổ nơ như phụ nữ? Chính nhờ tư tưởng tiến bộ của Alessandro mà Gucci, từ một thương hiệu ở đáy bờ vực phá sản, được hồi sinh.
Không chỉ trên sàn diễn, ngày nay, ngoài phố, việc nhìn thấy một người nam giới để tóc dài, mang trang sức và túi xách, áo xuyên thấu hay quần jeans bó cũng được bình thường hoá. Những hình ảnh phá bỏ khuôn mẫu này đã đặt neo gợi báo về xu hướng hướng thời trang hiện đại của nam giới trong những năm kế tiếp.
Những chuẩn mực xã hội mà chúng ta bị tiêm nhiễm vào trong đầu, hoặc, chính chúng ta cũng đang thực hành nó, như: không được tỏ ra mềm yếu, phải vững vàng tâm lý, không được hành xử nhu hoà hay phải tỏ ra là người luôn chiếm thế thượng phong–chính những điều này đang tạo nên một tính nam độc hại (toxic masculinity).
Tuy nhiên, chúng ta có Gen Z – những thế hệ có tư duy tiến bộ và cởi mở–những người xem khuôn mẫu giới tính là tư duy lỗi thời, trói buộc sự tự do thể hiện cái tôi của họ. Chính họ sẽ mở đường cho sự cởi mở về giới tính, xu hướng tính dục, và sở thích.
Để kết thúc, xin trích lời của diễn viên Ezra Miller trong một bài viết của Vogue UK: “Bản thân giới tính đã, đang và sẽ không bao giờ là kẻ thù của chúng ta, đơn giản bởi vì nó là một phần thiết yếu của sự tồn tại… Nhưng nếu muốn, bạn có thể vẽ nên một thế giới, mà ở đó chúng ta được tự do thoát khỏi những khuôn mẫu và được nuôi dưỡng bằng chính niềm hân hoan và vẻ đẹp của nó.” Suy cho cùng, chúng ta không phải giả vờ như giới tính không hề tồn tại, mà thay vào đó, hãy hướng tư tưởng của mình đến việc đón nhận sự đa dạng và nét đẹp riêng của nó.
Bài viết được thực hiện bởi Hồ Phát Đạt.