Thực chất "tư duy" là gì? Vì sao nó quyết định cuộc đời bạn?

Biết đọc sách sẽ có thêm kiến thức, nhưng mỗi khi rảnh lại không muốn cầm sách lên. Hiện tượng “biết thế nhưng… lười làm” là do bạn chưa chạm đến gốc rễ của tư duy.
Hoàng Nguyễn
Nguồn: Pexels

Nguồn: Pexels

Bạn có thấy quen thuộc với những tình huống như thế này:

  • Biết đọc sách sẽ có thêm kiến thức, nhưng mỗi khi rảnh lại không muốn cầm sách lên.
  • Biết chơi thể thao sẽ củng cố sức khỏe, nhưng mỗi khi rảnh lại ngại đổ mồ hôi.
  • Biết tiết kiệm tiền sẽ bảo đảm tương lai, nhưng mỗi khi có tiền lại chỉ muốn tiêu vào thứ gì đó nhiều hơn số đang có.

Lúc nào cũng biết thế nhưng… lười làm, thậm chí dù có gò ép bản thân vào một kế hoạch, hay một lịch trình nào đó thì cùng lắm cũng chỉ kéo dài được đôi tuần, 1 tháng, rồi lại đâu vào đó như cũ. Đó là bởi vì kế hoạch hay hành động chỉ mới là lớp ngoài cùng của quá trình tư duy 3 bước mà thôi.

Để có thể thay đổi triệt để cần xuất phát từ tư duy. Đôi khi chỉ một thay đổi nhỏ ở tư duy cũng dẫn đến những chuyển biến cực kỳ lớn có thể ảnh hưởng tới cả cuộc đời. Vậy rốt cuộc tư duy là gì? Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ khái niệm tư duy có được sau nhiều năm tìm hiểu và tự mình chiêm nghiệm, đồng thời phân tích xem tư duy bao gồm những gì từ góc nhìn của mình.

Trước hết thì mình muốn kể một câu chuyện để bạn hiểu hơn vì sao mình tin vào sức mạnh của tư duy đến thế.

2 Câu nói thay đổi đời mình

Như đã từng kể ở bài viết “Sống nhiều để làm gì?”, năm 16-20 tuổi mình là một game thủ chẳng màng gì đến việc học hay quan tâm đến gia đình. Rồi sau đó vì một biến cố mà mình đã chọn đi học trở lại và rất quyết tâm với việc học. Nhưng sang tới năm thứ 2 đại học ngành Thiết kế đồ họa, bắt đầu thực hiện những đồ án chuyên ngành, mình cảm thấy bị hụt hơi.

Mình không theo kịp những bạn có kỹ năng thể hiện tốt, cụ thể là kỹ năng vẽ, từ vẽ tay đến vẽ trên máy dùng các phần mềm. Cho nên mình cứ liên tục chất vấn bản thân liệu việc bất chấp lời khuyên của gia đình để chọn ngành này có đúng không? Sao mình quá yếu kém so với bạn bè đồng trang lứa như vậy?

Khi tới đồ án minh họa - là đồ án tập trung vào kỹ thuật thể hiện hình ảnh nhiều nhất, mình đã nghĩ học kỳ này sẽ là một cơn ác mộng. Và chuyện diễn ra gần đúng như mình nghĩ.

Ý tưởng của mình khi vừa trình bày đã được giảng viên duyệt ngay, vì sáng tạo ý tưởng là thế mạnh của mình. Nhưng trong 2 tháng tiếp theo của kỳ đồ án 3 tháng, mình loay hoay mãi vẫn không thể vẽ ra được cho đúng ý, tức là vừa đảm bảo được tính mới lạ của ý tưởng mà vẫn đẹp về mặt thị giác.

Mãi cho đến khi chỉ còn khoảng 2 tuần cuối đồ án, thầy mình nói “Em không cần phải vẽ những bức tranh phức tạp làm gì, cứ bắt đầu từ cách vẽ mà em tin là em có thể trước đã, rồi phát triển tiếp. Đừng lo nếu mới vẽ ra mà không đẹp, nó chỉ chưa đẹp thôi.”

Trong thời điểm đầy hoang mang như vậy, lời khuyên của thầy đã có 2 câu ghim chặt vào đầu mình cho tới bây giờ. “Bắt đầu từ cách mà em tin là có thể” và “nó chỉ chưa đẹp thôi”. Thế là mình thay đổi phong cách thể hiện. Trước kia, lúc vẽ xong mình thấy không đẹp, thì mình sẽ bỏ luôn vẽ lại từ đầu, hoặc đâm ra chán nản bỏ sang làm việc khác.

Nhưng lần này mình lại tự nhủ trong đầu, nó chỉ chưa đẹp thôi, mình lại có thêm động lực để tiếp tục chỉnh sửa cho đẹp hơn. Mình cặm cụi tập trung trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại để hoàn thiện toàn bộ dự án.

Và kết quả là, đồ án của mình điểm cao đứng thứ 3 toàn khối. Cũng chính từ đồ án này, mình đã bắt đầu tự tin hơn, đạt được điểm tốt hơn những năm về sau. Mình tốt nghiệp đại học là thủ khoa của cả 4 ngành: đồ họa, thời trang, tạo dáng và nội thất.

Mình kể điều này ra không có ý khoe khoang, vì sau này khi ra đi làm, mình cũng chọn một công việc khác là Product Design, gần như mình không dùng đến bằng đại học hay danh hiệu thủ khoa này. Mình nói ra để bạn có thể thấy là, chỉ 2 thay đổi rất nhỏ trong tư duy thôi, đã biến một cậu sinh viên thuộc nhóm cuối lớp trở thành một thủ khoa toàn ngành.

Chắc hẳn bạn cũng không ít lần xem những bộ phim, mà nhân vật chính đã hoàn toàn thay đổi, trở thành anh hùng chỉ nhờ một lời khuyên thông thái.

Chính vì thế, cách mà chúng ta tư duy rất quan trọng.

Vậy tư duy thực chất là gì?

Từ chiêm nghiệm cá nhân, đây là định nghĩa của mình về tư duy: Tư duy là quá trình bắt đầu từ những niềm tin cơ sở, theo đó phân tích sự kiện, để hình thành thái độ của bản thân. Thái độ này bao gồm hành động, lời nói và cả cảm xúc của chúng ta với sự kiện đó.

Ví dụ niềm tin của bạn là lười biếng sẽ thất bại, và ở cạnh những người lười biếng khiến bạn trở nên chây ỳ theo. Khi đó bạn sẽ bắt đầu quan sát phân tích những người xung quanh, phân loại ra nhóm người có biểu hiện lười biếng, nhóm người siêng năng. Sau đó hình thành thái độ phân biệt, người nào lười thì bạn hạn chế giao tiếp, người nào siêng năng thì bạn muốn kết giao.

Đây có thể gọi là tư duy kỳ thị lười biếng đi kèm với rủi ro tiềm ẩn bạn không cho phép mình nghỉ ngơi, dẫn đến kiệt sức (burn-out) trong công việc. Tại sao lại như vậy? Bởi theo như mình thấy, cấu trúc quá trình tư duy của chúng ta có thể chia thành 3 phần như thế này:

  • Niềm tin cốt lõi: Đây là những niềm tin cơ bản mà bạn có về bản thân và thế giới xung quanh. Chúng định hình quan điểm và góc nhìn của bạn về mọi sự việc, sự vật.
  • Mô thức tư duy: Đây là những khung lý thuyết và công cụ tư duy mà bạn sử dụng để phân tích và đánh giá thông tin. Các mô thức tư duy giúp bạn nhìn nhận và xử lý thông tin một cách có hệ thống như là tư duy phản biện, tư duy sáng tạo,…
  • Cách thức: Hay giải pháp là các chiến lược và hành động cụ thể mà bạn quyết định sẽ thực hiện để đạt được kết quả mong muốn. Chúng được đưa ra dựa trên sự phân tích từ mô thức tư duy và bị ảnh hưởng bởi niềm tin cốt lõi.

Vì vậy khi đối diện với cùng một vấn đề, cách thức tư duy khác nhau có thể cho ra những kết quả rất khác nhau. Chẳng hạn khi có ai đó nhận xét bạn dạo này mập ra. Câu nói đó sẽ kích hoạt suy nghĩ của bạn về trạng thái mập, dựa trên niềm tin sẵn có.

Nếu bạn tin rằng mập là một trạng thái xấu xí, bạn sẽ xem đó là một câu chê bai. Nếu bạn tin rằng mập là một dấu hiệu về sức khỏe, bạn sẽ xem đó là một câu nhắc nhở.

Tuy nhiên, quá trình tư duy của chúng ta không đơn giản vậy, nó sẽ còn lồng ghép thêm các niềm tin khác. Nếu bạn tin rằng mập là xấu, và bạn sợ người khác thấy bản thân mình xấu xí, thì bạn sẽ có cảm xúc thất vọng, lo lắng khi nghe người khác nhận xét như vậy, hình thành sự mệt mỏi và thất vọng về bản thân.

Một trường hợp khác, nếu bạn vẫn tin rằng mập là xấu, nhưng bạn thấy mình không cần phải làm hài lòng ai cả, xấu hay đẹp là chuyện của tôi, vậy thì bạn sẽ bỏ ngoài tai mọi lời nhận xét của người khác, hay ít nhất là từ người lạ. Lối tư duy này sẽ làm bạn trở nên cố chấp, và có thể mất đi cơ hội nhận được lời khuyên tốt.

Trong trường hợp này một tư duy đúng đắn nên diễn ra như sau:

  • Niềm tin cốt lõi: Bạn nên tin rằng mập là một dấu hiệu để bạn quan tâm hơn tới sức khỏe của mình, và mọi nhận xét của người khác chỉ là những dấu hiệu bên ngoài cung cấp thêm cho bạn thông tin.
  • Mô thức tư duy: Bạn có thể áp dụng tư duy phản biện bằng cách hỏi thêm người bạn kia sao lại thấy bạn mập ra, mà mập ra vậy thì nhìn ổn hơn không,… tư duy phản biện là để có thêm góc nhìn, chứ không phải để tranh luận, phản bác nên bạn sẽ học cách đặt ra những câu hỏi phù hợp để có thêm thông tin.
  • Giải pháp: Bạn đưa ra hành động là thử bước lên cân, xem cân nặng có thay đổi không? Và khoảng thời gian vừa qua, việc ăn uống, tập luyện của mình có điều độ không? Nếu kết quả là bạn có mập ra thật, thì bạn sẽ cảm thấy biết ơn khi đã có người nhắc nhở để bạn điều chỉnh lại cuộc sống. Nếu kết quả là bạn vẫn vậy, không mập ra, thì cũng chẳng cần quan tâm lời nhận xét đó nữa, vì nó đâu có đúng đâu.

Và một khi lối tư duy này trở thành thói quen, thì bạn cũng không cần phải lo lắng cho việc mình đang mập hay ốm nữa. Đấy là lúc vấn đề thực sự được giải quyết.

Suy nghĩ cuối

Niềm tin cốt lõi, mô thức tư duy và cách thức, giải pháp giống như 3 phần của một cái cây. Trong đó, niềm tin là rễ, tư duy là thân gốc, còn giải pháp là cành lá. Để có thể ra hoa kết trái, chúng ta cần bắt đầu từ gốc rễ.

Việc đào sâu vào gốc rễ, tìm ra niềm tin cốt lõi sẽ mất nhiều thời gian và phải đối diện với những ký ức không mấy thoải mái. Và để hỗ trợ cho quá trình này bạn sẽ cần nâng cao khả năng tự nhận thức. Trước đây mình đã có một bài viết “4 Cấp độ nhận thức và cách thay đổi bản thân” bạn có thể tìm hiểu thêm.

Còn về mô thức tư duy, theo Charlie Munger, một nhà đầu tư nổi tiếng và cộng sự lâu năm của Warren Buffett, để hiểu và thành công trong thế giới phức tạp, cần có từ 70-80 mô thức tư duy từ nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm kinh tế học, tâm lý học, toán học, và sinh học. Có như vậy mới giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều và ra quyết định sáng suốt hơn trong cuộc sống.

Tới phần thứ 3, cành và lá tức là cách thức hay, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng, nên mình sẽ không nói quá nhiều. Ở các bài viết sắp tới, cũng như ở kênh @hoangthoughts mình sẽ tập trung chuyên sâu hơn về những mô thức tư duy hữu ích để đạt được kết quả mong muốn trong cuộc sống.

Có thể nói, để xây dựng được cuộc sống mà chúng ta mong muốn, trước hết cần nâng cao tự nhận thức và sau đó là cải thiện tư duy. Mình sẽ là người đồng hành với bạn trên hành trình này, thế nhưng chỉ có bạn mới có thể thay đổi được niềm tin bên trong chính bạn. Khó nhất là bạn có chấp nhận thay đổi niềm tin đã cũ bên trong chính mình và lựa chọn cải thiện tư duy hay không.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục