Thuyết chiếc muỗng là gì mà giúp bạn duy trì năng lượng đến cuối ngày?
Bạn có bao giờ cảm thấy mệt mỏi, đuối sức dù ngày chỉ mới trôi qua một nửa? Hay sau khi về nhà sau giờ làm, bạn rã rời và không còn sức đi đến phòng gym, nấu nướng hay dọn dẹp?
Bởi mỗi người đều có giới hạn về mức năng lượng được sử dụng trong mỗi ngày. Việc cạn kiệt năng lượng có thể là do bạn không phân bổ chúng một cách hợp lý, tốn nhiều thời gian vào những hoạt động nhỏ và cảm thấy mệt mỏi khi làm các công việc cần nhiều năng lượng hơn. Nếu bạn đang gặp rắc rối với việc sắp xếp công việc hằng ngày hay quản lý nguồn lực của bản thân, thuyết chiếc muỗng có thể hữu ích.
Thuyết chiếc muỗng nhưng không hề liên quan đến việc ăn uống
Thuyết chiếc muỗng (Spoon Theory) là phương pháp ẩn dụ giúp quy đổi năng lượng của mỗi người trong ngày sang số muỗng tương ứng. Các hoạt động khác nhau sẽ đòi hỏi số lượng muỗng khác nhau. Những việc đơn giản như mặc quần áo, vệ sinh cá nhân cũng tiêu tốn năng lượng, nhưng sẽ ít hơn những việc cần dùng nhiều thời gian và sức lực như làm việc, chạy bộ,... Và khi sử dụng hết số muỗng trong ngày, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc là cách để nạp lại số muỗng.
Nghiên cứu của Catherine Hale, một chuyên gia về hệ thần kinh, cho biết phương pháp này giúp chúng ta cảm hiểu hơn góc nhìn của những người có nguồn năng lượng hạn chế, hay còn gọi là chứng suy giảm sức bền (stamina impairment). Thuyết chiếc muỗng đã nhanh chóng phổ biến trên mạng xã hội, tạo thành một phong trào lớn với các hashtag như #chronicillness và #spoonie, giúp nâng cao nhận thức về bệnh căng thẳng mãn tính.
Phương pháp chiếc muỗng được nhà văn Mỹ Christine Miserandino giới thiệu lần đầu vào năm 2003 để giải thích việc sống với bệnh Lupus ban đỏ. Căn bệnh này đã giới hạn hoạt động mà cô được phép làm hằng ngày, và thuyết chiếc muỗng ra đời giúp cô có thể giải thích về căn bệnh này cho bạn bè, những người thắc mắc về chúng.
Thuyết chiếc muỗng nhưng không cần luôn đem theo 12 chiếc muỗng
Không chỉ với những người gặp chứng bệnh này, thuyết chiếc muỗng phù hợp cho tất cả mọi người, đặc biệt là những ai đang gặp các tình trạng liên quan đến sức khỏe tâm thần, căng thẳng mãn tính, trầm cảm, hay ADHD,... Theo đó, mỗi người sẽ được sử dụng tối đa 19 chiếc muỗng mỗi ngày, được phân bổ và sử dụng như sau:
Quy đổi các hoạt động tương ứng với số muỗng:
- Thức dậy (1 muỗng)
- Vệ sinh cá nhân và thay quần áo (2 muỗng)
- Chạy xe đến công ty (1 muỗng)
- Ăn sáng (1 muỗng)
- Làm việc (4 muỗng)
- Ăn trưa (1 muỗng)
- Tụ tập cùng bạn bè (4 muỗng)
- Tập thể dục (3 muỗng)
- Chạy xe về nhà (1 muỗng)
- Nấu ăn và ăn bữa tối (2 muỗng)
- Dọn dẹp (2 muỗng)
- Xem phim thư giãn (1 muỗng)
- … (tuỳ thuộc vào sinh hoạt của mỗi người)
Tìm phương pháp ghi chú phù hợp: Tiếp theo, bạn cần phải sắp xếp để phân bổ những hoạt động này sao cho hợp lý, bằng cách dùng một số công cụ hỗ trợ như sổ tay, ứng dụng ghi chú trên điện thoại và các ứng dụng chuyên lên kế hoạch như Notion, Spoonie Day, AppChecker,...
Nếu đến cuối ngày, bạn được bạn bè mời đi tụ tập (3 chiếc muỗng), nhưng bạn chỉ còn lại 1 chiếc. Bạn có thể “mượn” 2 chiếc của ngày mai bằng cách bỏ đi 1 hoạt động. Nhưng nên cân nhắc việc ứng trước này, vì nó có thể khiến ngày hôm sau của bạn mệt mỏi hơn.
Bạn có thể lựa chọn xem phim thư giãn (1 chiếc muỗng) và hẹn gặp bạn bè vào ngày hôm sau để bảo toàn năng lượng. Ngược lại, nếu bạn thừa muỗng sau khi kết thúc một ngày, bạn cũng có thể dự trữ phần năng lượng dư này cho hôm khác mà không nhất thiết phải dùng hết trong một ngày.
Có những ngày bạn sẵn sàng làm việc và giao tiếp xã hội hăng say, nhưng ngược lại, có những ngày chỉ mỗi việc rời khỏi giường cũng vô cùng khó khăn. Thuyết chiếc muỗng có thể giúp bạn phần nào cân bằng và phân bổ lại sức lực, hạn chế tình trạng quá tải hay cạn kiệt năng lượng.