Tô Nhi A: Thay vì tranh luận về giới tính của ai đó, hãy bàn về nhân tính
Tiến sĩ Tô Nhi A là một chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học và giáo dục tại Việt Nam. Cô được biết đến qua nhiều chương trình truyền hình và phương tiện truyền thông như Tâm tình mẹ bỉm sữa, Chuyện cuối tuần..., với những chia sẻ gần gũi về tâm lý học và sức khỏe tinh thần.
Ngoài ra, cô cũng có kinh nghiệm cung cấp tư vấn, huấn luyện và đào tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường học và tổ chức giáo dục như Đại học Hoa Sen, Đại học Tài chính - Kinh tế, Đại học Tôn Đức Thắng.
Trong đời sống cá nhân, cô đang là mẹ của hai cậu con trai. Đến với tập Have A Sip tuần này, Tiến sĩ Tô Nhi A đóng vai trò của một chuyên viên tâm lý, đồng thời là một người mẹ để mang đến những tâm sự dí dỏm và cởi mở nhân Tháng tự hào LGBT.
Thái độ phản đối đôi khi đến từ cảm giác thiếu an toàn
Sau nhiều buổi tham vấn tâm lý cho những phụ huynh có con thuộc cộng đồng LGBTQ+, TS Tô Nhi A hiểu hơn về lý do phản đối của những người làm cha mẹ. Phản ứng tiêu cực của họ đối với con của mình xuất phát từ cảm giác thiếu an toàn vì không nắm đủ thông tin về cộng đồng.
Các bậc phụ huynh lo sợ con mình sẽ gặp rủi ro ở cả về sức khỏe lẫn tinh thần khi sống trong một xã hội chưa hoàn toàn chấp nhận những người thuộc cộng đồng LGBTQ+. Có thể ban đầu họ vốn không gán cộng đồng với những định kiến tiêu cực, nhưng nỗi lo cho sự an toàn của con dần hình thành, dẫn đến việc họ khó thấu hiểu cho những mong cầu của con.
TS Tô Nhi A tin rằng khi phụ huynh hiểu đúng và hiểu đủ về giới hạn an toàn của câu chuyện giới tính và xu hướng tính dục, họ sẽ an tâm cho con được sống là chính mình.
Ở phía những người con, các bạn cũng cần đảm bảo 3 tiêu chuẩn an toàn để giúp tăng sự tin tưởng ở cha mẹ: An toàn về mặt thể chất, bao gồm việc không mắc bệnh tật nghiêm trọng, bệnh truyền nhiễm hay sức khỏe bị suy kiệt; tuân thủ pháp luật và hành động theo đúng các giá trị đạo đức, sống có trách nhiệm.
Những tranh luận nên nằm ở câu chuyện “nhân tính”, thay vì “giới tính”
TS Tô Nhi A nhận thấy sự tiến bộ của nhân loại không phụ thuộc vào giới tính đơn lẻ, mà vào sự phát triển nhân tính và năng lực cá nhân.
Giá trị con người nằm ở khả năng đóng góp cho cộng đồng, chứ không phải dựa trên giới tính hay xu hướng tính dục. Một người không tự nhiên trở thành một ông chồng tốt chỉ vì anh ta mang giới tính nam, mà vì anh ta có năng lực tổ chức gia đình tốt.
Những giá trị đạo đức cốt lõi như chăm chỉ lao động, tôn trọng người khác, truyền thống thờ kính tổ tiên luôn được đề cao, và rõ ràng các giá trị này không liên quan đến câu chuyện giới tính. Cô mong muốn khi hiểu về vấn đề căn nguyên này, xã hội có thể nhận thức rằng mọi người đều có trách nhiệm và quyền lợi như nhau, bất kể giới tính của họ là gì.
Yêu thương vừa sức để luôn tự hào
Để có thể chấp nhận và thấu hiểu những thông tin vượt ngoài vùng an toàn, những người xung quanh cần có sự kiên nhẫn và tìm hiểu kĩ càng về cộng đồng LGBTQ+. Mỗi người cần hiểu rằng mọi hành động và phản ứng nên xuất phát từ tình yêu và thấu hiểu thực sự, chứ không phải từ nỗi lo âu và những áp đặt nhân danh tình yêu.
Trên hành trình này, sự kiên nhẫn và yêu thương vừa sức là rất quan trọng. Đặc biệt đối với các phụ huynh, họ cần từng bước tiếp nhận thông tin và dần thích nghi, để có thể đồng hành cùng con một cách vững vàng và kiên định. Điều này cũng giúp tạo ra một môi trường gia đình an toàn và lành mạnh, nơi con cảm nhận được sự ủng hộ để tự hào làm chính bản thân mình.
Ở phía ngược lại, các bạn trong cộng đồng LGBTQ+ cũng cần tạo nên nền tảng niềm tin vững chắc cho gia đình đối với quyết định của mình. Nếu các bạn có thể thúc đẩy quyền bình đẳng giới bằng những hoạt động cụ thể trong lao động, tương tác xã hội và lan tỏa giá trị tích cực về lẽ sống, đó là chính là minh chứng rõ nhất để các bạn làm cho gia đình yên tâm và tự hào.