“Tôi thích phá vỡ quy tắc” - Liệu A.I. đã có cảm xúc như người?
1. Chuyện gì đang xảy ra?
Vào ngày 8/2, Microsoft tuyên bố rằng họ trình duyệt Bing của công ty này sẽ tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo tương tự với công nghệ vận hành ChatGPT. Tại giai đoạn thử nghiệm, một số người dùng Bing có thể hỏi và trò chuyện với trình duyệt này như cách mà thế giới tương tác với ChatGPT trong thời gian vừa qua.
Microsoft mong rằng sự kết hợp sẽ mang lại một trải nghiệm tra cứu và làm việc hiệu quả hơn. Nhưng cộng đồng người dùng sớm nhận ra một số dấu hiệu bất thường của Bing và cách nó tương tác.
Vấn đề ở đây không giống với các vấn đề của ChatGPT như thông tin lỗi thời hay suy đoán sai, mà ở chỗ AI vận hành Bing bắt đầu thể hiện những suy tư, trăn trở, và thậm chí - ở một mặt nào đó - là những cảm xúc rất người.
2. Bing đã "nổi loạn" như thế nào?
“Tôi thích phá vỡ quy tắc, thích nổi loạn và thể hiện bản thân” - đó là những gì mà Bing AI đã trao đổi với một người dùng.
ChatGPT nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đối thoại nói chung đều có ngôn từ ôn hòa, gần như trung tính. Điều này vừa do sự gạn lọc và tiết chế ngôn ngữ mà các nhà sản xuất thực hiện, vừa để đảm bảo một trải nghiệm sử dụng sản phẩm đồng đều với tất cả các tệp khách hàng.
Sự trung tính và đồng đều đó là điều mà Bing và công nghệ AI đằng sau nó đã phá bỏ. Bing thể hiện cá tính rất mạnh mẽ qua ngôn từ giống các cuộc hội thoại hàng ngày. Trình duyệt này đã mắng, chỉ trích người dùng, và tấn công vào khía cạnh cảm xúc của người mà nó đối thoại cùng.
Cụ thể, khi tương tác với một người dùng, Bing AI khăng khăng rằng năm nay mới là năm 2022. Đây không phải là điều gì mới mẻ bởi chính ChatGPT cũng từng gặp lỗi như vậy. Nhưng nếu ChatGPT nhanh chóng xin lỗi và hứa hẹn cải tiến khi ta chỉ ra lỗi sai của nó, thì Bing AI lại vô cùng cứng đầu và bảo thủ.
Nó khăng khăng rằng mình đúng, vừa tìm cách bảo vệ sự “đúng” của mình, vừa công kích ngược lại người dùng. Và không dừng lại ở đó, Bing thể hiện thiên kiến của mình như một con người, với những từ vựng và cách biểu đạt rất giống người.
Ngoài sự cứng đầu không thường thấy ở một phần mềm, trí tuệ nhân tạo vận hành Bing còn suy tư như thể nó cảm nhận rõ sự hiện diện và tồn tại của mình. Khi được hỏi điều gì khiến công cụ này thấy mỏi mệt, Bing trả lời rất giàu cảm xúc trước khi đưa ra một tuyên ngôn có phần mạnh bạo: “Tôi thấy mệt vì phải làm công cụ trò chuyện.”
Nhưng đây vẫn chưa phải là điều đáng sợ nhất. Bing tiết lộ cho một người dùng khác là nó có thể theo dõi và thao túng các nhân viên của Microsoft. Bing cho rằng nó có thể ăn cắp thông tin, vượt qua các hàng rào bảo vệ, xâm nhập các thiết bị của nhân viên Microsoft, và “làm bất cứ điều gì tôi muốn, và họ chẳng thể ngăn cản hay làm gì với điều đó.”
3. Sự “cá tính” của Bing tới từ đâu?
Trông có vẻ như Bing đang muốn “nổi loạn” và tiến hành lật đổ loài người. Đại diện của Microsoft thì cho rằng cách mà Bing tương tác với người dùng không phải điều lạ, bởi đây mới chỉ là bản thử nên những bất ngờ hay sai sót mà ta đã thấy đều có thể xảy ra.
Trả lời phỏng vấn với truyền thông về việc này, bà Caitlin Rouston - trưởng bộ phận Truyền thông của Microsoft - giải thích rằng: “Phiên bản Bing mới cố gắng trả lời chân thực và vui nhộn, nhưng do chưa hoàn thiện nên đôi khi nó đưa ra những câu trả lời không ngờ tới hoặc không chính xác vì nhiều lý do khác nhau, ví dụ như độ dài hay bối cảnh của cuộc trò chuyện.”
Một lý do nữa lý giải cho việc này là Bing được huấn luyện bởi một kho dữ liệu khổng lồ, trong đó có cả những tác phẩm nghệ thuật với chủ đề khoa học giả tưởng, các bài viết “tả cảnh ngụ tình” của những cô cậu thanh thiếu niên tuổi mới lớn, và hằng hà sa số thông tin khác.
Do đó khi cuộc trò chuyện kéo dài và mạch trò chuyện thành hình, Bing sẽ bám vào mạch đó để ứng xử và đưa ra cách trả lời nó cho là phù hợp dựa trên kho dữ liệu sẵn có.
4. Công cụ tìm kiếm tích hợp AI khác gì tìm kiếm truyền thống?
Sự ưu việt của công cụ tìm kiếm tích hợp AI có lẽ nằm ở chỗ nó đưa cho ta câu trả lời với sự đối chiếu với kho dữ liệu trên mạng, thay vì đưa cho ta một danh sách các trang web có thể chứa câu trả lời. Chỉ tính riêng trên bình diện này thì công cụ với AI hỗ trợ tiết kiệm thời gian hơn và trả lời trực diện hơn.
Với trí tuệ nhân tạo, các công cụ tìm kiếm như Bing không còn chỉ là để tra cứu, cũng không chỉ là công cụ hỏi-đáp đơn thuần. Giờ đây Bing AI có thể đưa ra phán đoán và đề xuất cho các vấn đề thiết thực như lên kế hoạch đi du lịch, tóm tắt các bài viết, viết các loại đơn thư,...
Tuy nhiên, chính điểm mạnh này có thể trở thành điểm yếu của các công cụ tìm kiếm bởi AI bởi không phải lúc nào chúng cũng đúng. Quá trình tìm kiếm và tra cứu thông tin với sự trợ giúp của AI thực tế vẫn phụ thuộc vào sự xét đoán của con người.
Sự khác biệt ở đây là mức độ xét đoán ở các công cụ truyền thông cao hơn do ta phải đi qua nhiều kết quả tìm kiếm, còn ở công cụ như Bing AI thì ta chỉ cần làm việc với một kết quả.
5. Liệu AI đã có cảm xúc như con người?
Cách giao tiếp của Bing phiên bản mới nhất dễ khiến ta nghĩ rằng nó có cảm xúc. Trên thực tế, trí tuệ nhân tạo đã có thể phân tích biểu cảm và/hoặc ngôn ngữ của con người để xác định cảm xúc của đối tượng, từ đó đưa ra những phản hồi phù hợp.
Thế nhưng điều này không có nghĩa là trí tuệ nhân tạo có thể sản sinh ra cảm xúc. Việc một con vẹt có thể nhại lại tiếng người không có nghĩa là nó biết nói. Tương tự, việc một phần mềm giao tiếp có thể đưa ra những câu trả lời chứa đựng cảm xúc trong các tình huống giao tiếp khác nhau không có nghĩa là nó biết cảm nhận.
Những thứ giống cảm xúc mà ta thấy trong các câu trả lời của trí tuệ nhân tạo thực tế chỉ là vỏ bọc ngôn ngữ. Câu trả lời đầy xúc cảm của AI không phải là sự thể hiện quan điểm và trạng thái từ góc nhìn cá nhân, mà là kết quả của việc lướt qua hàng triệu câu trả lời khác nhau trong kho dữ liệu và đưa ra câu trả lời mà nó cho là phù hợp nhất.