The Call không chỉ là một phim hot trên Netflix!
1. The Call nói về gì?
The Call kể về hành trình của nhân vật Seo Yeon (Park Shin Hye). Một ngày nọ, cô khám phá được chiếc điện thoại có thể liên lạc với quá khứ, cụ thể là với Young Sook (Jeon Jong Seo). Ở hiện tại, Young Sook đã mất sau một vụ án mạng. Nhờ chiếc điện thoại, Seo Yeon thành công cứu được cô bạn của mình, mà không biết rằng Young Sook là một kẻ giết người hàng loạt, với dự tính sát hại Seo Yeon.
Ra mắt vào 27/11, cuộc đối đầu giữa kẻ sát nhân và nạn nhân ở quá khứ-hiện tại đang đứng top 2 trending tại Netflix Việt Nam.
2. Chúng ta chú ý đến tội phạm như thế nào?
Sự chú ý dành cho The Call cũng phần nào nói lên sức hấp dẫn của các tên tội phạm.
Trên Google, kết quả tìm kiếm dành cho cái tên Jeong In Cheol (hung thủ vụ án giết người phi tang trong vali tại khu chung cư Him Lam, quận 7) là gần 8 triệu. Câu chuyện về Lê Văn Luyện cũng có đến hơn 36 triệu lượt tìm kiếm trên Google.
Ted Bundy (nguyên mẫu bộ phim Sự im lặng của bầy cừu) hay Ed Gein (nguyên mẫu bộ phim Psycho) vẫn được nhiều tờ báo liên tục khai thác về cuộc đời, cho đến thời điểm này.
Có thể thấy, những vụ án giết người, đặc biệt là giết người liên hoàn, hoặc có nhiều tình tiết man rợ, luôn chiếm nhiều sự chú ý của cộng đồng.
Lượt tìm kiếm thuộc độ “khủng” về các sát nhân là lý do khiến truyền thông luôn phải đào sâu về họ. Vụ án như thế nào là chưa đủ. Mọi tình tiết về vụ án đều phải được khai thác triệt để. Có thể, với một cộng đồng luôn cần những tin mới, bất kỳ tình tiết nào ‘nóng hổi’ cũng sẽ được chú ý, dẫn đến việc các ký giả luôn chăm chỉ cập nhật mọi thứ, bất kể là chi tiết có ‘rùng rợn’ hay không.
Phần lớn, khi xảy ra vụ án, các báo điện tử sẽ đăng lại những thông tin chính thống từ các cơ quan ngôn luận lớn (chẳng hạn Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Pháp Luật, Công An Nhân Dân…).
3. Vì sao chúng ta quan tâm đến các vụ án mạng?
Những vụ án giết người tác động đến não của người lớn như cách các bộ phim kinh dị tác động đến não của trẻ con: trong sợ hãi, vẫn giữ nguyên sự tò mò. Những cuộc điện thoại đe dọa của Young Sook luôn khiến ta trong trạng thái căng thẳng, nhưng sự thôi thúc "chuyện tiếp theo sẽ thế nào" khiến ta không thể bấm nút tắt phim.
“Everyday sadism” (sự ưa thích ngược đãi mỗi ngày) là cảm giác hưng phấn khi xem những thông tin khiến ta phần nào khó chịu, mà những thông tin về các vụ thảm sát cũng là một ví dụ điển hình.
Não bộ cũng có công tắc. Khi đón nhận những tin tức như thiên tai, tội ác, công tắc tò mò được bật, báo động cho chúng ta về những hiểm nguy mình có thể gặp phải, từ đó tạo sự cảnh giác cho bản thân. Thêm vào đó, tâm lý đám đông cũng phần nào khiến ta dễ bị cuốn theo những tin tức ‘hot’ trong cộng đồng.
4. Khi kẻ giết người từng là một-đứa-con-bình thường
Trước khi Young Sook 'lộ chân tướng', hẳn Seo Yeon chưa bao giờ nghĩ cô bạn thân thiết của mình là một sát nhân hàng loạt.
Khi được phỏng vấn về con mình, mẹ của Lê Văn Luyện chia sẻ: “Hồi nhỏ, Luyện không phải là đứa trẻ hư đốn, ích kỷ chỉ nghĩ tới mình, mà chịu khó giúp đỡ bố mẹ và trông em.”
Mẹ của Ted Bundy khi được hỏi về con, cũng khẳng định: “Niềm tin tôi dành cho con mình - niềm tin rằng nó vô tội - không bao giờ dứt. Ted Bundy là đứa con tốt nhất thế giới.”
Trước khi là tội phạm, rất nhiều người từng là một đứa con bình thường, thậm chí là ‘con ngoan trò giỏi’ trong mắt bố mẹ.
5. Có gì đằng sau tâm trí của một tội phạm?
“Tội phạm không phải là bẩm sinh, họ được tạo thành”. Một số lý do khách quan tạo nên những kẻ giết người thường là:
- Các chấn thương tinh thần từ thơ bé. Trong một khảo sát với 62 tên giết người hàng loạt, nhà tội phạm học Eric Hicky nhận thấy 48% số đó đã từng bị gia đình hoặc những người thân thiết gây những tổn thương sâu sắc từ thuở bé: bị hành hạ về tinh thần, bị lạm dụng về thể xác…
- Bị dồn ép. Ed Gein đã sống suốt thời thơ ấu với những hình ảnh xấu xí về phụ nữ mà mẹ ông tạo dựng, khiến ấn tượng về phụ nữ, với ông, đều là những người cần phải diệt trừ lập tức.
- Sự sợ hãi. Như Lê Văn Luyện khi thực hiện đánh cướp tiệm vàng, vì ‘chột dạ’ khi nhìn thấy chủ nhà nên đã tiến hành ‘giết người diệt khẩu’. Jeong In Cheol cũng giết bạn mình vì sợ bị phát hiện.
6. Chuyện gì đã xảy ra với những tên tội phạm “không được tạo thành”?
Không phải tội ác nào cũng xảy ra dưới bàn tay người có một tuổi thơ bất hạnh, hay bị sự sợ hãi xâm chiếm. Có những tội phạm ‘được sinh ra’, như Young Sook, bởi các loại bệnh tâm lý. Thái nhân cách (psychopathy) là một ví dụ. Người bị thái nhân cách không thể cảm nhận được cảm xúc của người khác. Họ có xu hướng nói dối, thích ‘cảm giác mạnh’, và, ‘không có tình người’.
Trong phần cận rìa của vỏ não thùy trước (prefrontal cortex) có hai nơi quan trọng đưa ra những quyết định khác nhau. Quyết định dựa theo cảm xúc - những quyết định bị ảnh hưởng bởi trạng thái cảm xúc và làm chủ bởi cảm xúc - được điều khiển bởi vỏ trán hốc mắt (orbitalfrontal cortex), và quyết định dựa trên suy nghĩ, nhận thức.
Sự tử tế đến từ việc chúng ta thấu hiểu nỗi đau của người khác. Tuy nhiên, với những người thái nhân cách, trong quá trình trưởng thành, phần cảm xúc được điều khiển bởi vỏ trán hốc mắt dừng phát triển mãi mãi. Họ mất đi khả năng đồng cảm, và cũng mất đi tình cảm dành cho đồng loại của mình.
7. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng…
Năm 2015, báo New York Times hỏi bạn đọc rằng: “Nếu có thể thay đổi tiến trình lịch sử tốt đẹp hơn, liệu bạn có sẵn sàng trở về quá khứ để giết chết “cậu bé” Hitler?”. Thật đáng ngạc nhiên, rằng dù tất cả chúng ta đều biết Hitler đã làm gì với thế giới, nhưng cuộc tranh luận “giết hay không giết” vẫn nổ ra.
Bởi suy cho cùng, chúng ta không bao giờ kiểm soát được một đứa trẻ có thể hay không thể trở nên thế nào. Không phải 100% những người thái nhân cách đều sẽ là tội phạm, cũng không phải 100% người có tuổi thơ bất hạnh đều sát hại đồng loại của mình.
Không ai có thể quay lại quá khứ để ngăn tất cả chuyện xấu diễn ra. Nhưng thời điểm hiện tại, vẫn cần rất nhiều sự tử tế: dám đứng lên để báo với lực lượng chức năng; hiểu rằng không phải người nhà của thủ phạm cũng là thủ phạm; dùng sự phẫn nộ của mình đúng lúc, để đòi lại quyền cho gia đình của nạn nhân.
Dẫu sao thì, "thế giới này không xấu đi vì người xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt".