Tóm Lại Là: Cốc cốc Bar Stories ơi!
1. Cốc Cốc Sam ơi giống Bar Stories bao nhiêu?
Theo chính người trong cuộc, Giám đốc sáng tạo của Bar Stories là Richard Vũ, thì hai show giống nhau khá nhiều:
- Tone màu của logo show (xanh/hồng);
- Cách thiết kế dùng đạo cụ đèn neon;
- Nhạc hiệu cùng sử dụng tiếng rè rè làm sound effect;
- Bối cảnh là các quầy rượu, khách mời là nghệ sĩ trong showbiz;
- Trò chuyện bằng cách chơi game (gồm game uống rượu).
Tuy nhiên, đây không (hoặc chưa) phải là một cuộc khẩu chiến. Dustin Nguyễn không lên tiếng, còn Richard Vũ cũng nhấn mạnh anh không định “bóc phốt” mà chỉ là những chia sẻ sau hơn 3 năm thực hiện 35 tập của chương trình.
Phía Sam không chính thức trả lời. Vài tiếng sau bài đăng của Richard, Sam chỉ đăng story “mệt mỏi quá, đừng ai làm phiền nha” trên Instagram.
2. Talkshow Việt đã tiến hóa như nào?
Talkshow có thể nói là định dạng phổ biến nhất ở Việt Nam, ngay sau gameshow.
Set-up sân khấu của talkshow đơn giản, chỉ cần bục sân khấu và hai ghế sofa, 3 góc máy, không tốn chi phí cao. Cách sản xuất chỉ cần có nhiều hơn một nhân vật: người dẫn chương trình và khách mời, khai thác bằng phỏng vấn, chia sẻ… Bản thân người Việt mình, “miếng trầu là đầu câu chuyện”, cũng có thói quen nghe tâm sự, trước khi chuyển sang xem nhiều hơn về giải trí.
Talkshow hoành tráng nhất thời kỳ mở màn cho kênh VTV3 ra đời nhiều năm về trước (năm 1998) có tên Người Đương Thời, được dẫn dắt bởi nhà báo kỳ cựu Tạ Bích Loan.
Chính chị Loan sau này chia sẻ: “Cần phải có thêm các phần game vào cho đỡ khô!”. Nhưng cũng có những talkshow như Chuyện đêm muộn hay Văn hoá Sự kiện Nhân vật, đã phát sóng hơn mười năm vẫn không hề thay đổi format.
3. Talkshow kiểu Mỹ và Việt, vì sao na ná nhau?
Chương trình kiểu “trò chuyện đêm muộn” từ lâu đã là đặc sản giải trí ở Mỹ, hầu hết đều là “hậu duệ” của Tonight Starring Steve Allen (1954, chiếu đài NBC, Mỹ).
Talkshow kiểu này có kết hợp chơi game, phong cách thoải mái hơn nhiều với những show chuyện trò ta thường thấy. Một phần vì văn hoá hài độc thoại trở thành một phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp show ở đây, nên trào phúng vì thế cũng trở thành đặc tính quan trọng. Tuy vậy, cú nhảy lên ghế sofa của tài tử Tom Cruise trên show Oprah năm 2005 vẫn gây chấn động Hollywood và được coi là “bước ngoặt” trong làng giải trí.
Chơi game trên talkshow Việt được thực hiện lần đầu bởi Vân Tay VTV6 năm 2006. Những game về tâm lý được dùng để làm “miếng trầu” thay vì những kiểu dẫn đặc trưng còn lại của VTV. Khán giả nhận ra, người ta muốn xem nhiều hơn mặt tự nhiên và “con người” hơn của người nổi tiếng, thay vì chỉ là những chuyện trò thông thường.
4. Show giống show
Vài năm trước, khi chương trình Sze U Tonight của đài TVB (Hong Kong) bị tố “đạo nhái” ý tưởng các show Mỹ trên, người đại diện bào chữa “chỉ tham khảo” (take references). Luật sư Albert Luk Wai-hung “phán” một câu trung lập “Chuyện mượn ý tưởng nước ngoài rồi ‘địa phương hóa’ diễn ra khá thường xuyên”.
Luật bản quyền Hoa Kỳ không bảo vệ ý tưởng mà chỉ bảo vệ cách thể hiện ý tưởng. Hiểu đơn giản, hai họa sĩ được vẽ một cảnh giống nhau nhưng cách thể hiện (màu sắc, nét vẽ) cần phải khác.
Còn ở Việt Nam, tác quyền show hoàn toàn được đăng ký và bảo vệ, các nhà đài đều sở hữu và đăng ký bản quyền cho các show của mình, theo format (thời lượng, thiết kế sân khấu, logo…).
5. Điều gì khiến một talkshow được nhận dạng?
Trong trường hợp chưa đăng ký bản quyền, thì liệu người ta nhận dạng ra một chương trình bằng cách nào?
Format của Bar Stories có đặc điểm khác biệt nhất là khả năng pha chế của người dẫn chương trình. Tạo một đồ uống theo tính cách riêng của khách mời, từ đó bắt đầu cuộc chuyện trò, được coi là DNA của show, chứ không phải bối cảnh quay hình hay logo được vẽ theo tông màu nào.
Bản thân việc chơi game trong show cũng chỉ là một yếu tố thêm vào. Bạn mặc quần áo có thể giống nhau, nhưng vẫn là hai người khác nhau - có thể tạm so sánh theo cách này.
Format của Cốc Cốc Sam ơi hiện tại không có sự cố định về cấu trúc, không rõ là talkshow hay gameshow. Tất nhiên về “áo quần” thì đúng là có sự tham khảo chắc chắn từ Bar Stories. Tuy nhiên, DNA thì chưa được tìm thấy.
6. Người dẫn chương trình đóng vai trò gì?
Người dẫn là linh hồn của show. Ở Mỹ, khi Ellen Degeneres dẫn show thì gọi là Ellen’show, cũng vì Ellen là tất cả. Năm 2017, không ít fan hâm mộ nuối tiếc khi MC Lại Văn Sâm quyết định khép lại chặng đường cùng Ai Là Triệu Phú - một chương trình đã quá gắn bó với tên tuổi của chú.
Hiện tại ở Việt Nam, những người dẫn chương trình đều đã tìm thấy con đường mình đi, chuyển từ chuyện làm MC (dẫn dắt cho bất kỳ chương trình nào) đến việc làm ‘host’- là làm chủ một show của riêng mình. Dustin và Sam đều chọn hướng đi này trên nền tảng digital.
7. Format mới là không có format nào cả!
Nền talkshow Việt đang chuyển biến, “tiến hoá” nên những đụng chạm trong việc đi tìm bản dạng sẽ tiếp tục diễn ra.
Tuy nhiên, khi format đã được đóng khung, đôi khi người ta sẽ…bỏ hết format để cùng nhau làm những format không hề đòi hỏi một format nào cả. Đấy là lý do podcast (lại là ở Mỹ) đang trở nên hưng thịnh và đưa chúng ta quay vòng trở lại với những gì cơ bản nhất cách đây nhiều năm.
Khi ấy, những gì thuộc về “linh hồn” như ý tưởng, nội dung và người dẫn, là quan trọng nhất!