Toni Morrison: Đừng chỉ ghi chép và chỉnh sửa sự kiện

Trải nghiệm cuộc sống đầy đủ là điều kiện cần cho việc viết lách.
Trà Nhữ
Nguồn: Jill Krementz chụp Toni Morrison tại văn phòng NXB Random House, 1974

Nguồn: Jill Krementz chụp Toni Morrison tại văn phòng NXB Random House, 1974

Người làm sáng tạo khi thiếu vốn sống sẽ dễ rơi vào ngõ cụt sáng tác. Ám ảnh về sự thành công khiến họ bận rộn lao đầu vào công việc vì càng muốn rút ngắn thời gian.

Chính điều này khiến họ bỏ qua sự thật rằng: bằng cách trải nghiệm cuộc sống chúng ta mới đạt được độ chín cho những sản phẩm nghệ thuật của mình.

Toni Morrison (tên thật Chloe Anthony Wofford) là nhà văn và nhà giáo dục người Mỹ.

Bà viết về nỗi thống khổ và bản sắc văn hóa của người Mỹ da đen, lột tả những xung đột chủng tộc, giới tính và giai cấp trong xã hội Mỹ. Với niềm tin ngôn ngữ có sức mạnh để giải phóng, bà tích cực tham gia các phong trào bình quyền ở Mỹ và trên toàn thế giới.

Bà nhận giải thưởng Pulitzer năm 1988 với tiểu thuyết Beloved (Người yêu dấu), và trở thành nhà văn nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên nhận giải thưởng Nobel Văn học năm 1993.

Vốn sáng tác đến từ trải nghiệm sống - và chỉ thời gian mới bồi đắp vốn sống bền bỉ

Câu chuyện đằng sau Mắt Biếc (The Bluest Eye - 1970), tác phẩm đầu tay được xuất bản khi bà đã 39 tuổi, là minh chứng về quyền năng của trải nghiệm.

Ý tưởng cho Mắt Biếc đã nhen nhóm từ thời thơ ấu và được Morrison phác thảo trong một truyện ngắn. Câu chuyện là một tấn bi kịch xoay quanh bé gái da đen Pecola, người có niềm tin rằng màu da trắng mới là tiêu chuẩn của vẻ đẹp còn mình là hiện thân của xấu xí.

Morrison viết Mắt Biếc trong năm năm sau khi ly dị chồng, gom nhặt từng chút thời gian để viết bằng cách thức dậy trước khi bình minh lên và bản thân phải bận bịu chăm sóc hai con nhỏ.

Với trải nghiệm thực tế dày dặn, bà đã xây dựng nên hình ảnh mang đầy tính hiện thực về không chỉ cô bé Pecola mà còn cả cộng đồng người da đen tại thời điểm đó với bạo lực, đói nghèo và tầng tầng áp bức.

Câu chuyện thành công muộn của Morrison luôn là lời nhắn nhủ: trong sáng tạo, đừng tìm cách đốt cháy giai đoạn. Trước hết, hãy sống tốt cuộc đời của người trưởng thành, và trên hành trình ấy, không ngừng chiêm nghiệm, tưởng tượng và làm việc.

Như Toni trả lời trong một buổi phỏng vấn với Charles Ruas năm 1981:

“Tôi chưa bao giờ muốn lớn lên và trở thành một nhà văn, tôi chỉ muốn trở thành người trưởng thành.”

“I never wanted to grow up to be a writer, I just wanted to grow up to be an adult.”

Đừng chỉ tường thuật từ trải nghiệm của riêng mình

Morrison chia sẻ: khi bà dạy sáng tác văn chương ở Princeton, sinh viên trước đó luôn được dạy viết những gì họ đã biết.

Tuy nhiên, đừng viết từ cuộc sống bé nhỏ của bạn. “Thứ nhất, vì bạn không biết tất cả, và thứ hai, tôi không có nhu cầu nghe về chân ái, về bố mẹ và đám bạn chí cốt của bạn đâu”.

Bà đặt ra bài tập để sinh viên đặt mình vào vai của những con người mà họ không biết. “Một cô bồi bàn người Mexico ở Rio Grande không biết nói tiếng Anh? Hoặc một quý bà (grande madame) ở Paris?”

Hãy tưởng tượng và thật sự sáng tạo, đừng chỉ ghi chép và chỉnh sửa lại những sự kiện bạn đã sống qua.

Bài tập này luôn giúp sinh viên tìm được cảm hứng mới. Họ thoát khỏi lối mòn tư duy khi cho phép bản thân tưởng tượng những gì nằm ngoài sự tồn tại của riêng mình. Dù sinh viên có viết một cuốn hồi ký, “họ vẫn có thể nhìn thấy bản thân như một người lạ.”

Đó là một bài tập của lòng trắc ẩn và của trí tưởng tượng - những nguồn giàu có nhất của nhà văn. Như Morrison nói: “Nghĩ về những thứ bên ngoài bản thân, làm cái xa lạ trở nên quen thuộc và điều quen thuộc trở nên kỳ bí, là minh chứng cho khả năng của người viết."


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục