23 Thg 10, 2018Thưởng ThứcUống

Top 5 cốc cà phê Arabica thơm dịu cho mùa thu Hà Nội

Phong cách thưởng thức cà phê Arabica tại Hà Nội ngày một sáng tạo hơn, hoặc là áp dụng các phương pháp rang xay và pha chế từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới, hoặc là tạo ra những biến thể rất riêng của dân Hà Thành, cho dân Hà Thành. Cùng khám phá 5 quán cà phê Arabica nổi bật tại Hà Nội.

Thai Anh Ngo
Top 5 cốc cà phê Arabica thơm dịu cho mùa thu Hà Nội

Lớn lên cùng vị đắng đậm và cái mùi hương khét cháy, hiếm có người Hà Nội nào gọi một thứ đồ uống không có những phẩm chất trên là cà phê. Thế nhưng vị đắng đậm ấy chỉ đại diện cho loại hạt Robusta được trồng phổ biến tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên như Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) và Lâm Hà (Lâm Đồng), và mùi khét cháy thực chất là do kỹ thuật rang xay và chế biến mà ra chứ không phải mùi hương nguyên thuỷ của cà phê.

Những năm gần đây, nhờ sự “càn quét” của làn sóng cà phê thứ ba mà người yêu cà phê Thủ Đô được dịp làm quen với một loại hạt cà phê mới: hạt Arabica. Cả Robusta và Arabica đều là những loại hạt cà phê nổi tiếng của Việt Nam. Nhưng nếu Robusta là gã người hùng mạnh mẽ, bẩm sinh đã mang trong mình vị đậm và đắng đến tê đầu lưỡi thì Arabica lại là cô gái thanh lịch với mùi hương nhẹ và vị đắng vừa đủ. Khi được rang xay vừa phải, không để quá cháy, Arabica sẽ mang cả vị chua hoà lẫn trong cái đắng ấy.

Và đặc biệt hơn cả, hàm lượng cafein trong hạt Arabica chỉ bằng một nửa so với hạt Robusta – đủ để những người mới tập tành thưởng thức cà phê đổ gục một cách “tỉnh táo”, chứ không phải trải qua những “cơn say” bồn chồn thấp thỏm.

Lại nói về cách thưởng thức, ban đầu chỉ đơn giản là những shot Espresso kiểu Ý, ngày nay, phong cách thưởng thức Arabica ngày một sáng tạo hơn, hoặc là áp dụng các phương pháp rang xay và pha chế từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới, hoặc là tạo ra những biến thể rất riêng của dân Hà Thành, cho dân Hà Thành.

Sau đây, hãy cùng Vietcetera lượn khắp Thủ Đô để tìm ra những cốc cà phê Arabica thơm dịu và bỏ túi một vài địa điểm hay ho cho những buổi hẹn hò chiều thu.

1. Reng Reng Café

Nếu không phải tín đồ cà phê, bạn khó lòng mà gắn bó với quán cà phê sở hữu những luật lệ khó yêu, khó chiều như sau: không check-in, không chụp hay đăng ảnh, không nói to, không cắn hạt hướng dương, không sử dụng toilet, không phục vụ thứ 2 đầu tuần, và không bán sau 3 giờ chiều các ngày trong tuần,…

Nhưng đừng vội nản lòng, vì mọi thứ đều có lý do của nó.

Ở Reng Reng, bạn sẽ cảm nhận được sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối, âm thanh duy nhất có quyền “lộng hành” ở đây là tiếng bình lắc cà phê. Và chỉ có trong không gian như thế bạn mới có đủ khoảng lặng để cảm nhận được cái mùi cà phê đậm đặc. Đến mức chẳng cần truyền thông hay quảng cáo ầm ĩ thì cái mùi lôi cuốn kia cũng đã quyến rũ được biết bao nhiêu là khách hàng trung thành, ngồi chật quán từ 7 giờ sáng mỗi ngày.

Đối với chúng tôi, Reng Reng là một triết lý lạ nhưng hiệu quả, đó là: bỏ qua hết những khâu vận hành râu ria chỉ để làm tập trung vào một điều duy nhất, và cũng là điều người yêu cà phê cần nhất – một ly cà phê rang mộc đúng chất, được pha tỉ mỉ và cẩn thận, với mức giá mà ai cũng vui vẻ chi trả.

Lần đầu đến đây, bạn nên thử loại truyền thống nhất là Cafe Sữa Đá, được pha bằng 2 shot Espresso và sữa đặc. Trước hết là để cảm nhận vị cà phê đậm đặc không đâu sánh bằng, rồi sau đó tuỳ theo khẩu vị thích nhiều hay ít sữa mà chọn Bà Nà hay Bạc Sỉu. Ngoài ra, quán cũng có những món Espresso đặc trưng như Cappucino hay Latte.

Cá nhân tôi, dù đã tới đây bao lần, thì vẫn không thể nào tự mình tìm ra câu trả lời thích đáng cho thắc mắc này: liệu các barista ở đây đã làm thế nào mà vị đắng và chua của cà phê quyện lại với vị béo của sữa một cách duyên đến thế, và cái vị ấy cứ thể ổn định xuyên suốt quá trình thưởng thức, thậm chí đến khi những viên đá li ti đã tan hết thì mùi vị cũng chẳng hề suy suyển? Ai đến quán hỏi anh barista dùm tôi.

Địa chỉ: cuối ngõ 12B Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nên thử: tất cả những món cà phê nhiều sữa! Tuỳ khẩu vị của mình mà bạn chọn theo mức độ sữa tăng dần: Nâu đá – Bà Nà – Bạc Sỉu.

Mách nhỏ: hãy mang theo cốc hoặc đồ đựng của riêng bạn để được giảm giá 15.000 VNĐ/cốc. Tham khảo giờ mở cửa và liên hệ quán tại Fanpage.

Website | Facebook

2. Cafe YÊN

Người ta tìm đến YÊN như tìm đến một trạm nghỉ tạm thời trước sự xô bồ và hối hả của cuộc sống ngoài kia. Vẫn là những chiếc ghế gập, những chiếc bàn trà nhỏ, nhìn sơ qua, YÊN không khác gì những quán trà đá vỉa hè đặc sản của Hà Nội. Và cái tên quán dường như đã mặc định một quy tắc ngầm ở đây: đi nhẹ, nói khẽ và có tán gẫu với nhau thì cũng bằng tông giọng trầm ấm vừa đủ nghe thôi. Vậy nên, dù là đi với ai, thì đến YÊN cũng là để “yên”.

“Mỗi cốc cà phê đều có một câu chuyện đằng sau…” – anh chủ ở YÊN vừa pha đồ uống cho chúng tôi vừa từ tốn kể chuyện về Vạn VânSapa – 2 thức uống “tủ” của quán.

Sapa là biến thể của cà phê sữa đá truyền thống, sử dụng hỗn hợp kem sữa (whipping cream) để tạo độ sánh đặc, tạo thành một lớp màng cà phê dày với hậu vị đọng lại nơi cuống họng đủ lâu để người uống nhận ra sự đặc biệt của nó. Bằng một phép nhiệm mầu nào đó, cái ngậy của kem sữa lại làm vị đắng của Arabica nổi bật hơn.

Tiếp đến là Vạn Vân, nghe tên thôi cũng dễ hiểu nguồn cảm hứng của anh chủ bắt nguồn từ đâu – đó là vạn lớp mây trôi bồng bềnh trên vùng núi Sapa. Tuy vậy, khi anh mang Vạn Vân đặt lên bàn, chúng tôi vẫn không hỏi hoang mang vì tại sao một cốc Espresso lại có lớp bọt dày đến thế.

Theo văn hoá cà phê phương Tây, cà phê có quá nhiều bọt thường không ngon, bởi lớp bọt sữa khiến bạn không còn cảm nhận được lớp cà phê ở dưới nữa. Nhưng thật may mắn vì lớp bọt dày của Vạn Vân sẽ tan trong miệng chỉ trong tíc tắc, tiếp theo đó là vị cà phê rang mộc đậm đà, không hổ danh món “tủ” của YÊN. Thậm chí anh chủ còn đốc thúc chúng tôi thưởng thức nhanh kẻo tầng mây sữa này tan đi mất.

Cũng như Reng Reng, YÊN chọn cách sống “ẩn dật” khỏi những phương tiện truyền thông, những trang đánh giá ẩm thực, thức uống phổ biến. Chỉ có những tín đồ cà phê đích thực hay đi lùng sục từng ngõ ngách mới tìm được YÊN rồi về truyền lại cho nhau. Như đã nói, dù đi với ai, thì đến YÊN cũng là để “yên”.

Địa chỉ: 184 Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội.

15 Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Nên thử: Sapa, Vạn Vân, và Cafe Kem Trứng.

Mách nhỏ: tham khảo giờ mở cửa và liên hệ tại trang Fanpage trước khi quyết định đến quán.

Facebook

3. Tranquil Books & Cafe

Không ẩn mình như Reng Reng và YÊN, Tranquil là cái tên khá nhiều bạn trẻ Hà thành biết đến. Nhắc đến Tranquil, người ta nghĩ ngay đến không gian ấm cúng, chiếc tủ sách cao đụng trần chất đầy những quyển sách độc đáo, và những giai điệu lãng mạn bất hữu của The Beatles.

Không những thế, Tranquil còn cung cấp những hạt cà phê Arabica chất lượng cao như một nỗ lực xây dựng một văn hoá thưởng cà phê. Nếu trót lỡ phải lòng loại hạt nâu vàng này, hãy đến Tranquil vào các sáng Chủ nhật hàng tuần để tham dự buổi thử cà phê miễn phí cùng họ.

Arabica của Tranquil được chuyển về từ xứ Đà Lạt thơ mộng, và pha với Robusta theo tỉ lệ 80/20. Muốn cảm nhận rõ sự kết hợp này, hãy chọn những phương pháp pha chế như rót trực tiếp (pour over) hay ủ lạnh (cold brew).

Nếu như pour over là một phương pháp cầu kỳ và đòi hỏi kỹ thuật cao từ người pha chế, chỉ cần rót hơi sai lệch một chút sẽ cho ra một vị khác hẳn thì cold brew lại là thức uống đơn giản hơn, phản ánh rõ vị cà phê và bảo quản được lâu.

Cold brew ở Tranquil được đựng trong một chai thuỷ tinh trong suốt, nhìn rõ màu vàng cánh gián vô cùng đẹp mắt. Và vì được pha chế từ cà phê vừa rang nên vitamin và dưỡng chất trong cà phê cold brew được giữ lại gần như hoàn toàn, chứ không mất đi như khi rang ở nhiệt độ cao. Vậy nên, đã đặt chân đến Tranquil, bạn nhất định phải thử qua pour over hoặc cold brew để cảm nhận cái vị nguyên bản của hạt Arabica.

Địa chỉ: 5 Nguyễn Quang Bích, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

8 Nguyễn Quang Bích, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (có buổi Thử cà phê miễn phí mỗi sáng Chủ Nhật)

18B Nguyễn Biểu, quận Ba Đình, Hà Nội.

Nên thử: Pour Over, Cold Brew, Cappuccino.

Mách nhỏ: Ngoài thử cà phê, Tranquil còn có những sự kiện văn hoá, âm nhạc khác được tổ chức đều đặn mỗi tuần. Thông tin được công bố trên trang Fanpage của Tranquil.

Website | Facebook | Instagram

4. Circle Coffee

Nằm lọt thỏm trong phố Hàng Quạt, Circle mang vẻ kín đáo và yên tĩnh đúng điệu phố cổ. Ngay từ những giây phút đầu tiên bước vào lối nhỏ màu xanh vương vấn những giai điệu êm đềm của Circle, bạn đã biết mình có thể kỳ vọng những gì từ cái quán cà phê nhỏ này.

Circle đẹp nhất là vào sớm tinh mơ hoặc chiều tà, khi mà những mảng tường xanh và khoảng sân nhỏ ngoài quán tràn ngập ánh nắng. Xanh cũng là triết lý kinh doanh mà Circle chọn cho mình, từ những hạt cà phê chất lượng được chọn lọc cẩn thận bởi Green Fair Trade, một tổ chức thúc đẩy kinh doanh bền vững, công bằng và hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội theo định hướng “Fair Trade”; cho đến những phiên chợ cuối tuần diễn ra tại quán để các hộ kinh doanh sản phẩm hữu cơ có thể quảng bá và thúc đẩy nếp sống xanh.

Cà phê ở Circle được rang vừa nên vị đắng lẫn lượng cafeine đều rất nhẹ, thức uống cà phê cơ bản như Americano được pha đúng chuẩn. Có thể nói, Circle là một lựa chọn hoàn hảo cho những ai vừa muốn thưởng thức cà phê trong không gian độc đáo, vừa muốn ủng hộ phong cách tiêu thụ sản phẩm xanh và văn minh.

Địa chỉ: 49 Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nên thử: Americano và Rose Coffee

Mách nhỏ: Ở Circle thường có những đêm nhạc Acoustic.

Website | Facebook

5. Starbucks Reserve

Để trở thành một công dân thực thụ trong liên minh cà phê thứ ba thì thưởng thức thôi là chưa đủ, bạn cũng nên trang bị cho mình một số kiến thức về cà phê, hoặc một số thuật ngữ chuyên dụng trong bộ môn cà phê… và Starbucks Reserve, trong tình huống này, là một lớp học khá lý tưởng.

Đặc biệt là những thời điểm vắng khách trong ngày, những “bậc thầy cà phê” (coffee master) ở đây luôn sẵn lòng cùng bạn làm một tour khám phá cà phê, từ lúc nuôi trồng, thu hoạch, rồi rang, nghiền cho đến khi trở thành tách cà phê thơm lừng mà bạn đang thưởng thức.

Nếu The Coffee House có The Coffee House Signature là không gian dành riêng cho cà phê thì Starbucks Reserve với ngôi sao trắng và tông đen chủ đạo của nhà Starbucks cũng mang sứ mệnh tương tự – đây là dòng trải nghiệm cà phê phân khúc cao, dành cho những tín đồ cà phê khó tính nhất – một chiến lược nhằm khẳng định vị thế số 1 của nàng mỹ nhân ngư trên toàn thế giới.

Vậy cà phê và trải nghiệm cà phê ở Reserve thì có gì đặc biệt?

Đầu tiên, hạt cà phê tại đây được tuyển chọn nghiêm ngặt từ khắp các nông trại chất lượng cao nhất trên thế giới. Starbucks sẽ thu mua khi hạt cà phê được các tổ chức cà phê uy tín đánh giá và cho điểm 9/10.

Sau khi thu mua, những hạt cà phê này laị được sàng lọc và tuyển chọn thêm một lần nữa tại trung tâm nghiên cứu sản phẩm riêng của Starbucks. Chỉ hạt cà phê có phẩm chất hảo hạng mới được phân phối ra các cửa hàng Reserve trên toàn thế giới. Do số lượng hạt cà phê tại mỗi vùng rất ít nên cứ sau chu kỳ 2-3 tháng, mỗi cửa hàng Reserve lại đổi loại hạt cà phê một lần, tạo nên sự đổi mới liên tục trong quy trình vận hành chuẩn.

Tất cả cà phê tại Reserve, khác với những cửa hàng Starbucks thông thường khác, đều được rang vừa để giữ lại vị thơm chua tinh tuý nhất của hạt cà phê. Nếu đến Starbucks Reserve lần đầu, bạn có thể thử cà phê pha theo phong cách “French Press” vì nó giữ được nguyên bản vị cà phê đậm đà và đắng nhất.

Còn nếu có thời gian để nán lại lâu, hãy yêu cầu pha theo kiểu “Siphon” và ngắm nhìn những dòng hơi nước trong bình pha thuỷ tinh trong veo. Vị cà phê pha chế theo kiểu này mang hương vị thanh nhẹ hệt như một ly trà nóng.

Chưa dừng lại tại đó, barista tại Reserve cũng được tuyển chọn từ những barista giỏi nhất tại các cửa hàng Starbucks trên toàn quốc. Chỉ có họ mới đáp ứng được những kỹ thuật pha chế phức tạp, cầu kỳ tại đây, vì thế họ xứng đáng với danh hiệu “Coffee Master” – Bậc thầy cà phê.

Bạn Lys Nguyễn, một coffee master tại Starbucks Reserve đã giảng thích tỉ mỉ cho chúng tôi lịch sử từng loại hạt cà phê có tại cửa hàng hôm ấy. Lys còn hướng dẫn chúng tôi 4 bước thử cà phê chuẩn: ngửi – húp một ngụm ngay khi còn nóng, ngậm khoảng vài giây để hương vị cà phê đọng lại lâu trong miệng và tan trong vòm họng – cảm nhận – chia sẻ cho người bên cạnh.

Hôm ấy, chúng tôi đã chọn loại hạt từ vùng đất Rwanda màu mỡ, có hậu vị chua chua của lê và mận đỏ. Cuối cùng, Lys tâm sự: “Nếu không phải người thực sự yêu cà phê, bạn sẽ không thể trở thành một coffee master được bởi quá trình học và thi rất vất vả.”

Địa chỉ: Số 6 Nhà Thờ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nên thử: Pour Over, Siphon, Nitro Cold Brew, Vanilla Sweet Cream Cold Brew (thức uống Theo mùa, siêu ngon!)

Mách nhỏ: Tại đây lượng khách rất đông vào buổi sáng và trưa, nên nếu muốn được coffee master hướng dẫn tận tình thì các bạn hãy đến vào khoảng 3-6 giờ chiều. Và nhớ mang theo cốc riêng để được giảm giá 10.000 VNĐ/cốc nhé!

Website | Facebook | Instagram

Xem thêm:

[Bài viết] The Coffee House – Nơi hội tụ của người yêu cà phê

[Bài viết] Cheese Coffee – Không gian khơi nguồn cảm hứng


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục