Trung Quốc mở cửa biên giới sau 1016 ngày bế quan tỏa cảng vì "zero Covid"
1. Chuyện gì đang xảy ra?
Vào ngày 8/1, Trung Quốc dỡ bỏ các quy định về hạn chế nhập cư và đóng cửa biên giới do ảnh hưởng của dịch Covid-19, qua đó kết thúc hơn 3 năm thực hiện chính sách “zero Covid.” Trước đó, những chính sách nội địa yêu cầu giãn cách, phong tỏa, hay hạn chế đi lại đã hết hiệu lực. Những người nhập cảnh vào nước này cũng không phải cách ly bắt buộc như trước.
Việc Trung Quốc cho phép xuất nhập cảnh trở lại là một điều phấn khởi với người dân Trung Quốc nói riêng, và với nền kinh tế toàn cầu nói chung. Sau hơn 3 năm sống trong sự phong tỏa, người Trung Quốc vui mừng vì có thể dần quay lại nhịp sống bình thường.
2. Ai được lợi từ việc Trung Quốc mở cửa?
Người dân Trung Quốc, dù đang phải chịu cách ly trong nước hay bị kẹt ở nước ngoài, là những người hạnh phúc nhất bởi họ có thể đoàn tụ với người thân. Việc giãn cách khiến nhiều người phải xa gia đình trong một khoảng thời gian rất dài, nên việc gỡ bỏ phong tỏa ngay trước dịp Tết nguyên đán là cơ hội tốt để người Trung Quốc hồi hương.
Tại Việt Nam, ngay từ sáng ngày 8/1 đã có nhiều người Trung Quốc làm thủ tục xuất cảnh khỏi Việt Nam để về nước. Đây phần lớn là những người buộc phải ở lại Việt Nam vì chính sách cấm nhập cảnh trước đây. Tương tự, nhiều du học sinh tại Mỹ, Úc, hay châu Âu đã có thể trở về nhà.
Tự do xuất nhập cảnh cũng đồng nghĩa với việc tái khởi động ngành du lịch, đồng thời hứa hẹn sự quay trở lại của những đoàn khách du lịch Trung Quốc. Đây là một tin tốt với ngành du lịch khu vực châu Âu và Đông Nam Á, vốn phụ thuộc nhiều vào sức mua và khả năng lưu trú của các đoàn khách này.
Việc dỡ bỏ chính sách bế quan tỏa cảng cũng đồng nghĩa với việc giao thông ở cả ba đường bộ, biển, và hàng không sẽ tái kích hoạt tại Trung Quốc. Trong thời gian nước này đóng cửa, các hãng bay hay hãng vận tải đã phải thiết kế lại các chặng di chuyển của mình để tránh khu vực Trung Quốc.
Cuối cùng, đất nước mở cửa, cuộc sống dần về nhịp cũ tức người Trung Quốc sẽ tiếp tục hành trình tiêu dùng, sử dụng dịch vụ, tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa và thể thao. Người ta kỳ vọng kinh tế Trung Quốc cũng như khu vực và thế giới sẽ nhanh chóng hồi phục sau khi đã điều chỉnh theo trạng thái bình thường mới tại Trung Hoa.
3. Có phải ai cũng lạc quan trước việc dỡ bỏ chống dịch?
Triển vọng lạc quan là vậy, nhưng kế hoạch “tái xuất” của đất nước đông dân nhất thế giới sẽ phải đối mặt với một số thử thách trong giai đoạn mới khởi động. Sẽ cần thời gian để thiết lập mọi thứ, cũng như xem xét phản ứng của các cộng đồng dân cư tại Trung Quốc và cả cộng đồng quốc tế.
Tờ The Economist cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, triển vọng kinh tế sau “zero Covid” của quốc gia tỉ dân này có thể gây khó khăn cho những nền kinh tế đang phải chống chọi với lạm phát. Nguyên nhân là do sự hồi phục của Trung Quốc đặt áp lực lên giá cả của nhiều loại hàng hóa khiến chúng tiếp tục tăng giá, đặc biệt là các mặt hàng như xăng dầu hay khí đốt.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia lo ngại việc dỡ bỏ các quy định phòng dịch quá đường đột mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng có thể vô tình kích thích sự lây lan của virus. Trong bối cảnh dịch Covid vẫn đang tiếp diễn tại Trung Hoa, đây là một mối nguy có thật, đe dọa chặn đứng kế hoạch trở lại với thế giới của quốc gia này.
Ngoài ra, một số nước như Úc, Canada, Mỹ, Nhật Bản, hay Ý đã yêu cầu người tới từ Trung Quốc phải tiến hành xét nghiệm trước khi nhập cảnh vào nước họ. Bên cạnh đó, nhiều nước tỏ ra e dè trước làn sóng người Trung Quốc di chuyển ồ ạt ra các ngõ ngách của thế giới sau khi các chuyến bay quốc tế từ nước này khôi phục.
4. Biến chủng mới của Covid-19 nguy hiểm tới đâu?
Mới đây, các nhà khoa học trên thế giới công bố kết quả nghiên cứu về biến chủng XBB của biến thể Omicron. Theo đó, biến chủng này có ít nhất 7 đột biến mới, sở hữu đủ đặc tính của cả Delta lẫn Omicron nhưng tốc độ lây lan nhanh hơn rất nhiều, đi kèm với khả năng né tránh một phần hệ miễn dịch.
Cùng với một biến chủng khác gần tương tự là BQ.1.1, XBB đang làm gia tăng số ca bệnh tại nhiều nước. Nếu BQ.1.1 đang tìm cách làm phức tạp tình hình dịch bệnh ở châu Âu, thì XBB đang xuất hiện ở nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore.
Biến chủng XBB cũng đã có mặt tại Tây Ninh và TP.HCM. Các chuyên gia y tế nhận định rằng chúng ta nên cẩn thận, tuy nhiên không quá lo ngại trước biến chủng này cũng như nguy cơ xuất hiện một đợt bùng phát mới trong nước.
5. Covid-19 có còn nguy hiểm như xưa?
Sau những gì đã xảy ra trong năm 2020 và 2021, nhiều người vẫn thấy ám ảnh khi nghĩ tới Covid-19, sự chết chóc của nó, cũng như những gì nó bắt loài người phải trải qua. Do vậy, người ta có lý do để lo sợ trước sự xuất hiện của những biến chủng mới, bởi chúng lây lan nhanh hơn và có khả năng làm vô hiệu các loại vaccine hay các loại thuốc điều trị hiện nay.
Ở thời điểm hiện tại, với sự giám sát thường xuyên của cộng đồng y học quốc tế và sự trợ giúp của vaccine cùng thuốc đặc hiệu, sự hiện diện của Covid-19 đã ít gây chú ý hơn, bởi bệnh không còn khả năng làm chết người cao như trước. Nhiều nhà nghiên cứu và y bác sĩ đều chung quan điểm: XBB không phải là mối đe dọa với ngành y tế, và cũng không nguy hiểm như Delta hay Omicron.
Điều này không có nghĩa là chúng ta được phép buông lỏng sự cảnh giác với sức khỏe của bản thân và cộng đồng, nhất là khi kỳ nghỉ Tết nguyên đán sắp tới gần. Vì thế, chúng ta vẫn nên thực hiện những biện pháp phòng dịch tự thân cơ bản nhất như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay,...