Tư duy chu kỳ là gì? Cách để không còn bao giờ cảm thấy mắc kẹt
Bạn cảm thấy cuộc sống của mình giống như một vòng tròn hay một chiếc lò xo?
Vòng tròn chỉ xoay quanh một điểm, lặp đi lặp lại và mãi không thay đổi. Còn lò xo, cũng quay tròn, nhưng mỗi vòng lại vươn cao hơn, đưa bạn đến một phiên bản tốt hơn của chính mình. Nếu bạn đang cảm thấy cuộc sống của mình cứ luẩn quẩn trong một vòng lặp mà chẳng có gì tiến bộ, thì đây là lúc bạn cần một cách tư duy khác kéo bạn lên như chiếc lò xo.
Trong bài viết này, mình sẽ giúp bạn hiểu hơn về cách những vòng lặp nhỏ hàng ngày đang ảnh hưởng đến bạn. Từ đó, bạn sẽ có thể biến mỗi ngày thành một cơ hội học hỏi. Và rồi, chúng ta sẽ cùng khám phá cách phá vỡ những vòng lặp tiêu cực, để tiến tới xây dựng một hành trình tiến bộ không ngừng.
Vòng lặp là một quy luật tất yếu của tự nhiên
Để bắt đầu hãy thử nhắm mắt lại và tưởng tượng về một giọt nước nhỏ bé rơi xuống mặt biển. Giọt nước ấy bốc hơi, hoà vào những đám mây, rồi lại trở về đại dương dưới hình hài những cơn mưa, tạo nên một vòng tuần hoàn bất tận.
Chu kỳ ấy không chỉ diễn ra trong những giọt nước, đại dương mà còn bao trùm cả vũ trụ rộng lớn. Những ngôi sao cũng vậy. Chúng hình thành từ bụi vũ trụ, cháy sáng rực rỡ hàng triệu năm rồi lụi tàn, để lại vật chất cho thế hệ sao mới. Và trái đất cứ thế xoay vần qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Hạt giống nảy mầm, lớn lên, héo tàn và rồi trở thành chất dinh dưỡng cho sự sống kế tiếp.
Tự nhiên nhắc chúng ta rằng, không có gì tồn tại mãi mãi, nhưng cũng không điều gì thực sự mất đi. Tất cả chỉ là sự chuyển hoá, là một phần của những vòng lặp lớn lao hơn. Điều này cũng áp dụng cho cuộc sống của mỗi người. Đó có thể là một ngày làm việc, một dự án, hay những cảm xúc đến rồi sẽ đi.
Một điều tưởng chừng đơn giản như vậy nhưng ta lại rất dễ lãng quên. Nhất là khi chúng ta gặp những điều không như ý, tâm trí thường bị cuốn vào vòng xoáy của lo lắng và mệt mỏi, quên đi rằng mọi thứ chỉ là tạm thời.
Khi chấp nhận rằng mọi thứ—dù tốt hay xấu—đều có điểm khởi đầu và kết thúc, ta mới có thể giữ được sự bình tĩnh và sáng suốt hơn trước những thăng trầm của cuộc sống. Thế nên mình nghĩ cần đến một khái niệm, một cái tên để cài đặt vào trong bộ não. Và mình gọi nó là Tư duy chu kỳ.
Tư duy chu kỳ là gì?
Đó là cách chúng ta nhìn nhận mọi điều xảy ra như một vòng tròn có khởi đầu, diễn biến và kết thúc. Nhưng điểm đặc biệt là sau mỗi vòng tròn ấy, ta dừng lại, chiêm nghiệm, rút ra bài học trước khi bước tiếp.
Điều này từng được rất nhiều bậc vĩ nhân của nhân loại nhắc tới. Đức Phật từng dạy: “Luân hồi không chỉ là câu chuyện của kiếp này qua kiếp khác, mà còn diễn ra ngay trong từng khoảnh khắc.” Ngay trong mỗi hơi thở, từng suy nghĩ, cảm xúc đều có sinh, trụ,dị, diệt. Chúng đến và đi như những con sóng nhỏ trên đại dương.
Steve Jobs cũng từng nói: “Bạn không thể kết nối các điểm khi nhìn về phía trước, bạn chỉ có thể kết nối chúng khi nhìn lại phía sau.” Đó là lời nhắc nhở rằng việc dừng lại và suy ngẫm là chìa khoá để ta trở nên tốt hơn ở vòng lặp tiếp theo.
Người Nhật cũng có một triết lý tên là Kaizen - nghĩa là cải tiến liên tục. Họ không tìm kiếm những thay đổi lớn ngay lập tức, mà kiên nhẫn cải thiện từng chút một qua mỗi chu kỳ. Và đó cũng là cách chúng ta trưởng thành, không áp lực, không vội vàng.
Trong cuốn Có Cách - cuốn sách đầu tay của mình về kỹ năng sáng tạo, mình có viết về việc để tối ưu cuộc sống, hãy xem mọi việc bạn làm hàng ngày là các vấn đề cần cải thiện. Từ việc nhỏ như routine buổi sáng nên như thế nào để tiết kiệm thời gian nhất, hay nên chọn con đường nào tới văn phòng để thuận tiện, đến việc lớn hơn như cải thiện quy trình làm việc của nhóm qua mỗi dự án.
4 Bước áp dụng tư duy chu kỳ vào cuộc sống
1. Nhận biết những chu kỳ hiện diện trong cuộc sống
Đó có thể là một ngày, một tuần hay cả một dự án dài. Ngay cả một cuộc trò chuyện hay một lần thất bại cũng là một vòng lặp hoàn chỉnh.
Bạn có thể bắt đầu với một chu kỳ nhỏ, như thói quen buổi sáng. Nhưng hãy đặt câu hỏi đào sâu vào từng chi tiết: Mình đã bắt đầu ngày mới như thế nào? Điều đó có giúp mình có một ngày năng suất không? Từ đó, bạn sẽ thấy mỗi ngày là một cơ hội để cải thiện.
2. Tạm nghỉ trước khi bước vào vòng lặp tiếp theo
Khoảnh khắc dừng lại là thời điểm vàng để bạn nhìn lại và học hỏi từ những gì vừa diễn ra. Hãy dành thời gian để tự hỏi bản thân những câu hỏi quan trọng như:
- Điều gì mình đã làm tốt?
- Điều gì cần cải thiện?
- Làm sao để lần sau tốt hơn?
Trong bài viết 4 Bước để biết bạn đã cố gắng "hết sức" hay chưa, mình có giới thiệu bộ câu hỏi giúp bạn nhìn nhận thành quả và đưa ra điều chỉnh phù hợp để tiến bộ hơn. Bạn có thể coi nó như một công cụ hỗ trợ cho việc viết nhật ký. Hoặc nếu không có thói quen viết, việc suy ngẫm trong 5 phút yên tĩnh cuối ngày cũng đủ để tái cấu trúc suy nghĩ, giúp bạn nhận ra những nỗ lực của mình đã đi đúng hướng hay chưa.
3. Đừng kỳ vọng mọi thứ sẽ hoàn hảo ngay
Hãy xem mỗi chu kỳ là cơ hội để thử nghiệm, tinh chỉnh, giống như triết lý của người Nhật: "Hôm nay chỉ cần tốt hơn hôm qua một chút." Nếu một kế hoạch không đạt như mong đợi, hãy coi đó là một thí nghiệm nhỏ. Thay đổi, cải thiện, và bắt đầu lại. Điều quan trọng không phải là bạn đạt được kết quả ngay lập tức, mà là bạn đang dần tốt hơn từng ngày.
4. Đón nhận vô thường là lẽ tự nhiên
Đón nhận vô thường không có nghĩa là buông xuôi mà là nhận ra giá trị của những chu kỳ trong cuộc sống. Mỗi kết thúc không phải là dấu chấm hết, mà là điểm tựa giúp bạn tiếp tục học hỏi, trưởng thành và tiến bước.
Và việc hướng đến phá vỡ những vòng lặp tiêu cực không có nghĩa là phủ nhận đi tính chu kỳ của cuộc sống. Thay vào đó, nó là sự nhận diện sáng suốt về những điều đang diễn ra và đưa ra lựa chọn tạo dựng các vòng lặp tích cực hơn. Điều này đòi hỏi sự tỉnh thức để hiểu rõ bản chất của từng sự việc và lòng can đảm để thực hiện những thay đổi cần thiết.
Suy nghĩ cuối
Trước khi kết thúc, mình muốn gửi đến bạn một thử thách: Hãy chọn một chu kỳ bất kỳ trong cuộc sống – có thể là ngày hôm nay, tuần này, hay một mối quan hệ vừa kết thúc. Dừng lại và tự hỏi ba câu:
- Mình đã học được gì?
- Làm sao để mình bước vào chu kỳ tiếp theo tốt hơn?
- Và quan trọng nhất, làm sao để biến mỗi kết thúc thành một khởi đầu đầy cảm hứng?
Năm mới thực chất cũng là một vòng lặp của chu kỳ 12 tháng. Nó có thể vẫn là một vòng tròn quen thuộc. Nhưng mình chúc bạn biến nó trở thành một vòng lò xo đưa bạn đến những nấc phát triển mới và tạo ra nhiều chu kỳ tích cực mới.