Internalized Homophobia - Khi ta là vật cản giới tính của chính mình
Từ nhỏ, chúng ta thường được nuôi dạy theo khuôn mẫu giới (gender stereotype) và vai trò giới (gender role) rất rạch ròi. Chẳng hạn như việc ‘màu hồng cho con gái, màu xanh cho con trai’. Lớn lên một chút thì sẽ là chuẩn mực để trở thành một người đàn ông trụ cột gia đình, hay thế nào là một người phụ nữ đảm đang, biết quán xuyến việc nhà.
Trong xã hội mà người dị tính (heterosexual) chiếm phần đông, không tránh khỏi những thiên kiến về cộng đồng LGBT+, một cộng đồng có phần thiểu số hơn.
Điều này vô hình chung khiến nhiều người thuộc cộng đồng LGBT+, đặc biệt những bạn trẻ đang trong độ tuổi khám phá bản thân, có cái nhìn sai lệch đối với chính xu hướng tính dục (sexual orientation) và cách thể hiện giới (gender expression) của mình. Một trong những hệ quả của việc này chính là sự “tự kỳ thị đồng tính”.
Sự tự kỳ thị đồng tính là gì và hậu quả
Theo George M. Herek, tác giả của nghiên cứu “Beyond Homophobia”, sự tự kỳ thị đồng tính (internalized homophobia) là những mâu thuẫn trong nội tâm của người thuộc cộng đồng LGBT+ về cách thể hiện giới và xu hướng tính dục của bản thân. Lý do có thể bắt nguồn từ niềm tin rằng trở thành người dị tính hoặc gần giống với người dị tính nhất sẽ giúp họ được xã hội chấp nhận.
Dạng cực đoan nhất của sự tự kỳ thị đồng tính là việc từ chối xu hướng tính dục của bản thân. Điều này dẫn đến sự dằn vặt và cố gắng thay đổi xu hướng tính dục của chính mình – hay nói một cách dễ hiểu hơn là “thẳng” trở lại. Họ sẽ ở trong trạng thái bối rối vì luôn nghi ngờ về mức độ nam tính hay nữ tính của mình. Sự tự kỳ thị đồng tính còn tác động lên sức khỏe tinh thần khiến và tệ hơn khiến người tự kỳ thị có suy nghĩ liên quan đến tự tử.
Nếu không chấp nhận sự khác biệt của bản thân, cũng khó để làm điều tương tự cho người khác
Herek cũng cho rằng, sự tự kỳ thị đồng tính là mức kỳ thị cao hơn “homophobia” (người dị tính kỳ thị LGBT+) vì nó ảnh hưởng ngay trong cộng đồng LGBT+, khiến họ có những thái độ, suy nghĩ phân biệt lẫn nhau.
Những người tự kỳ thị không thể sống thật với bản thân mình khi phải cố gò ép mình vào khuôn mẫu “nam tính” hay “nữ tính”. Do đó, họ có thể cảm thấy khó chấp nhận những người thuộc cộng đồng LGBT+ khác có phần cởi mở, hay nôm na là “lộ” hơn về cách thể hiện giới.
Điều này khá ngạc nhiên, bởi vì nhiều người vẫn nghĩ, kỳ thị đồng tính chỉ diễn ra giữa những người dị tính và cộng đồng LGBT+.
Chúng ta nên nhìn nhận việc này như thế nào?
Sự tự kỳ thị đồng tính xuất hiện và ảnh hưởng lên tất cả chúng ta bằng nhiều cách, đôi khi là vô thức. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ văn hóa, niềm tin tôn giáo hoặc cách chúng ta được nuôi dạy,... Vì những lý do bén rễ sâu sắc này, nên việc thay đổi rất phức tạp và đòi hỏi sự kiên trì.
Nhưng nếu bạn chú ý, thực chất xã hội chúng ta đang dần trở nên cởi mở hơn. Chúng ta có những văn phòng không mặc đồng phục, những chương trình thảo luận về giới một cách công khai và những người bạn LGBT+ ta yêu quý mà chẳng mảy may bận tâm về sự khác biệt của họ.
Cũng giống như việc chúng ta nhìn những bộ cánh màu sắc khác nhau ngoài kia. Chúng ta có thể thích mặc màu tím nhưng lại không thích màu xanh, nhưng ta luôn chấp nhận những màu sắc đó tồn tại như điều hiển nhiên. Liệu giới tính có nên được nhìn nhận như vậy? Khi chúng ta chấp nhận sự đa dạng giới như cách chúng ta nhìn những bộ đồ sặc sỡ, đó sẽ là lúc ta đặt dấu chấm hết cho sự kỳ thị.