Từ năm bản lề 2022, startup học được gì để phát triển bền vững năm 2023?
Trong bối cảnh thị trường quá khắc nghiệt như hiện nay, với lãi suất tăng cùng nguy cơ suy thoái kinh tế, ngay cả các startup kỳ lân cũng gánh chịu những khó khăn thách thức rất lớn để phát triển.
Năm 2022 đến và đi, chắc hẳn đã dạy cho chúng ta rất nhiều bài học quan trọng. Những ngày đầu tiên của năm 2023, tôi dành thời gian ngồi chiêm nghiệm những bài học ý nghĩa để cùng chia sẻ với mọi người trong hệ sinh thái startup Việt Nam.
2022 - Năm điều chỉnh khắc nghiệt trên thị trường tài chính
Cuối năm 2021, có lẽ nhiều người còn đang say sưa, lâng lâng với một năm hoạt động sôi nổi của hệ sinh thái startup với tổng số vốn startup Việt huy động được đạt kỷ lục - hơn 1.3 tỷ USD.
Bài học đầu tiên tôi học được trong năm nay là ở trong thị trường có nhiều nhà đầu tư mới, dù không thực sự am hiểu thị trường nhưng họ vô cùng tích cực đưa ra điều khoản. Nếu họ nhanh chóng đồng ý đầu tư vào startup với mức định giá cao không tưởng, vượt xa cả giá trị thực sự của doanh nghiệp chính là dấu hiệu cho thấy thị trường đạt đỉnh. Đây là lúc phải chuẩn bị cho sự điều chỉnh của thị trường.
Năm 2022 mang tới những cú shock khiến cả thị trường tài chính và hệ sinh thái startup phải đối mặt bởi những “Cú quay xe”. Sự thay đổi chóng mặt đến từ các nhà đầu tư khiến giá cổ phiếu của các công ty công nghệ trên toàn cầu nói chung đều sụt giảm và các công ty startup gặp nhiều khó khăn khi gọi vốn.
Có ba nguyên nhân chính cho sự thay đổi khắc nghiệt này: lạm phát, căng thẳng địa chính trị và suy thoái kinh tế.
Lạm phát đi cùng với đó là các chiến dịch tăng lãi suất, khiến các doanh nghiệp và startup rơi vào khó khăn khi không thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ như các năm trước.
Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị đã và đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng và đình trệ hoạt động thương mại quốc tế.
Cuối cùng, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến các doanh nghiệp đứng trước rủi ro khó có thể duy trì được doanh thu, lợi nhuận như trước. Khi người tiêu dùng sẽ thắt chặt hầu bao hơn, các nhà đầu tư cũng trở nên bi quan hơn.
2022 - Năm của sự thay đổi về chất để tồn tại
Chính những thay đổi khắc nghiệt của thị trường vĩ mô, startup không còn sự lựa chọn nào khác là buộc phải thích ứng để tồn tại, với những thay đổi cơ bản mang tính bước ngoặt đột phá trong nhận thức tư duy và cách vận hành doanh nghiệp.
Đầu tiên, là thay đổi từ Blitzscaling (tăng trưởng thần tốc) sang Fitscaling (tăng trưởng phù hợp) để hướng tới sự phát triển về chất, một cách phù hợp hơn và bền vững hơn.
Việc gặp khó khăn khi huy động vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài khiến các startup phải tập trung hơn vào bên trong để tồn tại. Đó là phải tối ưu chi phí và đa dạng hoá các nguồn thu, để đảm bảo dòng tiền của doanh nghiệp.
Startup phải tập trung vào sản phẩm cốt lõi, mang lại giá trị thực sự để thuyết phục khách hàng tới và ở lại sử dụng. Điều đó khác với trước đây là theo đuổi chiến lược “đốt tiền” để có được khách hàng bằng mọi giá hay tập trung vào các chỉ số “phù phiếm”, để có được định giá cao đến từ phía các nhà đầu tư sau mỗi vòng gọi vốn như thời dòng tiền rẻ trước đây.
Startup phải tập trung tuyệt đối vào tính bền vững của mô hình kinh doanh và sự phát triển về chất của doanh nghiệp là tối ưu tính đơn vị kinh tế (unit economic), gia tăng hiệu quả sử dụng vốn (capital efficiency), tìm cách đạt được sản phẩm phù hợp với thị trường (product market fit - PMF), gia tăng biên lợi nhuận (margin).
Đây chính là những điều kiện cần có để startup đạt được North Star Metric (chỉ số nắm bắt tốt nhất giá trị cốt lõi mà sản phẩm của bạn mang lại cho khách hàng) trong thời điểm này, đó là profitability - có lãi.
2022 - Năm để học về sự kỷ luật
Năm 2022 đã chứng kiến những startup đình đám trong nước, khu vực và cả trên thế giới gây ra những “chấn động tâm lý” lớn lên niềm tin của mỗi cá nhân ở hệ sinh thái startup.
Đầu tiên là Propzy. Startup này đã tuyên bố ngừng hoạt động vào giữa tháng 9 vừa qua. Mặc dù, Propzy đã huy động được 37 triệu USD trong 3 vòng gọi vốn trước đó, với sự góp mặt của các quỹ đầu tư lớn, như Gaw Capital Partners, SoftBank Ventures.
Nhưng theo chia sẻ của chính người trong cuộc là nhà sáng lập của Propzy, cho rằng việc không có khả năng huy động vốn tiếp nữa trong bối cảnh thị trường toàn cầu nhiều biến động, là “nhát dao” chí mạng cuối cùng cho startup này.
Tuy nhiên sau đó, mọi người cũng đã kịp đặt ra những câu hỏi quan trọng cho những sai lầm chí mạng, khi vướng phải vấn đề về quản lý dòng tiền thiếu hiệu quả, kỷ luật, khi ồ ạt mở các dịch vụ kinh doanh khác nhau trong khi chưa thực sự đạt được PMF một cách thuyết phục trên từng mảng dịch vụ đó.
Tiếp theo, tiến ra khu vực Đông Nam Á, là Zilingo. Tháng 3 năm nay, Zilingo đã quyết định đình chỉ Nhà sáng lập, CEO Ankiti Bose vì những khiếu nại về bất thường tài chính. Startup này đã huy động được 310 triệu USD từ một số nhà đầu tư nổi tiếng nhất trong khu vực, bao gồm Temasek và Sequoia Capital India.
Tuy nhiên, trong 2 năm hoạt động liên tiếp, công ty này đã không nộp báo cáo tài chính hàng năm - đây là yêu cầu cơ bản đối với tất cả các doanh nghiệp startup, thậm chí cả với startup ở giai đoạn sớm.
Cuối cùng là “gáo nước lạnh nhất” mang tên FTX. Với những sai phạm khó có thể chấp nhận, gây ra “khủng hoảng niềm tin” rất lớn đối với các nhà đầu tư mạo hiểm.
Sau nhiều cuộc điều tra, công ty này cho thấy sự thất bại hoàn toàn của việc kiểm soát doanh nghiệp ở mọi cấp độ của một tổ chức. Từ việc thiếu báo cáo tài chính đáng tin cậy, đến không có bất kỳ hoạt động kiểm soát nội bộ hoặc quản trị nào.
Thêm nữa, SEC còn cáo buộc nhà sáng lập sàn giao dịch điện tử này, Sam Bankman-Fried đã sử dụng tiền của khách hàng tại Alameda để thực hiện các khoản đầu tư mạo hiểm, mua bất động sản xa hoa và quyên góp chính trị.
Chính thất bại của những startup như FTX đã mang lại nhiều bài học đắt giá cho bất kỳ startup và nhà đầu tư khởi nghiệp nào. Đó là sự kỷ luật.
Với startup, bên cạnh tầm nhìn phát triển dài hạn bền vững, thì sự kỷ luật trong duy trì những giá trị đạo đức của nhà sáng lập và đội ngũ, kỷ luật quản lý tài chính hiệu quả và minh bạch là những “nền móng” vô cùng quan trọng, ko thể thiếu cho bất kỳ một doanh nghiệp nào.
Với các nhà đầu tư mạo hiểm, đó là kỷ luật đầu tư. Đã tới lúc chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận, để từ đó tìm cách hạn chế những vấn đề là thực trạng tồn tại trong hoạt động đầu tư mạo hiểm vừa qua.
Đầu tiên là FOMO - hội chứng sợ bị bỏ lỡ cơ hội đầu tư, trong bối cảnh dòng tiền rẻ. Nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng bị “thao túng tâm lý” ồ ạt đứng “xếp hàng” trước những startup “hot” mà bỏ qua những chu trình cơ bản cho DD - thẩm định đầu tư.
Tiếp theo, trong giới đầu tư khởi nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào văn hoá dựa trên “niềm tin” với các nhà đầu tư khác. Đó là Referral Culture - văn hoá giới thiệu cho nhau các mối đầu tư.
Bên cạnh đó là thực trạng các startup ở giai đoạn sớm luôn gặp hạn chế với vấn đề rào cản tiếp cận thông tin sẵn có một cách đúng và đủ. Đây chính là những lý do cho việc các nhà đầu tư mạo hiểm đành phải thỏa hiệp với việc buông lỏng thẩm định, được đầu tư vào một startup nào đó.
2023 - Năm đánh thức để nhìn nhận lại về “Giấc mơ Kỳ Lân”
Có lẽ tới lúc chúng ta phải nhìn nhận lại về giấc mơ kỳ lân. Kỳ lân là con linh vật ưa thích của rất nhiều startup và các nhà đầu tư mạo hiểm, về một doanh nghiệp phát triển với quy mô định giá từ 1 tỷ USD.
Chúng ta cần ủng hộ những giấc mơ lớn bay cao, nhưng cần bàn chân đứng trên mặt đất, một cách thực tế hơn.Chúng ta cần phải hiểu đúng và đủ về định nghĩa cơ bản của startup.
Startup là một công ty tăng trưởng cao, có khả năng mở rộng quy mô, tập trung vào tăng trưởng liên tục và là công ty có chiến lược exit cho tất cả cổ đông của mình từ việc M&A hoặc IPO. Tiếc là ở vế cuối cùng, là chiến lược exit này luôn là vấn đề “nút thắt cổ chai” của hệ sinh thái startup Việt Nam chúng ta tới nay.
Trở thành startup Kỳ Lân có thực sự ý nghĩa nếu doanh nghiệp không có lãi, và không thể mang lại "exit" ý nghĩa cho cổ đông của mình? Liệu có thể có đường “exit" cho startup Kỳ lân trong bối cảnh định giá đã quá cao để được M&A hoặc để IPO nếu chưa đáp ứng được những quy định tài chính khắt khe để lên sàn chứng khoán tại Việt Nam, hoặc dù có thể IPO nhưng làm sao để không bị giảm định giá công ty ở vòng trước đó?
Có lẽ tới lúc chúng ta cần phải thiết kế lại mục tiêu gắn liền với con linh vật này, để đưa doanh nghiệp phát triển bền vững, và thực chất nhất phù hợp với thực tế thị trường tại Việt Nam. Đó là, kỳ lân phải có lãi.
Nếu không thì không cần thành Unicorn, cứ là doanh nghiệp có lãi, đường đường chính chính IPO, rồi dần dần trở thành công ty đại chúng có vốn hoá tỷ đô, là “Unicorn” được nhà đầu tư đại chúng ghi nhận.
2023 và những mong đợi tồn tại, phát triển có kiểm soát và bền vững hơn
Năm 2023 sắp tới được dự đoán là sẽ càng khó khăn hơn cho các startup trong việc tiếp cận nguồn vốn rẻ, trong bối cảnh lãi suất có thể tiếp tục tăng, và doanh thu có thể giảm đi trước nguy cơ tiệm cận với suy thoái kinh tế toàn cầu.
Nhờ năm bản lề 2022, startup đã có được bài học quan trọng cho những thay đổi cần thiết về tư duy phát triển bền vững, khả năng thích ứng để doanh nghiệp tồn tại, tập trung vào giá trị và quản trị có kỷ luật.
Năm 2023 này, tại một số thời điểm quan trọng startup có thể sẽ cần linh hoạt thực hiện chiến lược Controlled Growth - Tăng trưởng có kiểm soát.
Tư duy tăng trưởng có kiểm soát là một kỷ luật lành mạnh để bảo vệ doanh nghiệp, chống lại các mối đe dọa đến từ những biến động khó đoán hay chu kỳ giảm phát từ thị trường.
Chiến lược này giúp startup có thể tập trung vào phát triển sức mạnh nội tại, mà không phải các tiêu chuẩn tăng trưởng tùy ý. Từ đó phát triển được bánh đà với nhiều giá trị tích lũy lớn dần theo thời gian, một cách bền vững.
Để làm được như vậy, startup cần tập trung vào việc hoàn thiện chất lượng sản phẩm tốt hơn, liên tục duy trì và tạo ra nhiều giá trị lớn hơn nữa cho khách hàng của mình. Thêm nữa, startup cần xây dựng tổ chức đội ngũ mạnh cùng với tầm nhìn rõ ràng, văn hoá doanh nghiệp truyền cảm hứng cống hiến cho các nhân viên của mình.