Sam Bankman-Fried lần đầu đối diện với công chúng sau thảm họa FTX | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpLET’s GO
01 Thg 12, 2022
Xu Hướng Kinh Doanh

Sam Bankman-Fried lần đầu đối diện với công chúng sau thảm họa FTX

Hội nghị Dealbook có sự tham dự của Tổng thống Ukraine, CEO Meta, và nhiều gương mặt cộm cán khác. Nhưng Sam Bankman-Frieid mới là "ngôi sao" của buổi tiệc.
Sam Bankman-Fried lần đầu đối diện với công chúng sau thảm họa FTX

Nguồn: Vanity Fair

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Tại Hội nghị Dealbook tổ chức ở New York vào ngày 30/11, cựu CEO của sàn giao dịch tiền số FTX - Sam Bankman-Fried - đã có buổi phỏng vấn trực tuyến với đại diện tờ New York Times Andrew Sorkin. Đây là lần đầu tiên Sam Bankman-Fried xuất hiện trước công chúng kể từ khi FTX phá sản trong một tuần chao đảo của giới tài chính.

Trong cuộc trò chuyện kéo dài hơn một giờ đồng hồ, Sam rất bình tĩnh và từ tốn giải thích những gì đã dẫn tới sự sụp đổ của FTX, cũng như của chính bản thân anh trên cương vị một cựu tỷ phú, một nhà đầu tư, và một gương mặt vàng của làng tiền mã hóa.

01dec202230dealbookbriefingpromosbfsub17841articlelargejpg
Sam Bankman-Fried tham gia trực tuyến. | Nguồn: New York Times

2. Đế chế FTX đã sụp đổ thế nào?

9 ngày là khoảng thời gian để giới đầu tư nhận ra các chỉ dấu báo hiệu thảm họa. Dấu hiệu đầu tiên xuất hiện vào ngày 2/11 khi CoinDesk báo cáo rằng đang có hàng loạt lỗ hổng tài chính trong dòng tiền của FTX.

Lỗ hổng lớn nhất nằm ở quỹ Alameda Research - khách hàng lớn nhất của FTX, do chính Sam sáng lập và điều hành bởi bạn gái anh. Alameda nắm giữ lượng đồng FTT (tiền số của FTX, được phân phối cho nhà đầu tư như cổ phiếu) trị giá 5 tỉ đô. Đây là tài sản đảm bảo duy nhất của Alameda, và quỹ này hoàn toàn không có khoản dự phòng mang tính ổn định khác.

Sự nhập nhằng về tài chính giữa Alameda và FTX đã thu hút sự chú ý của Changpeng Zhao - CEO Binance, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất hiện nay. Vào ngày 6/11, Binance tuyên bố bán toàn bộ đồng FTT mà sàn này đang cầm, trị giá 529 triệu đô.

Tới lúc này, người ta bắt đầu nhìn ra những điểm tương đồng giữa FTX của Sam và dự án LUNA của Do Kwon. Thị trường phản ứng vô cùng tiêu cực trước tác động của bản báo cáo CoinDesk và việc Binance bán tháo. Các nhà đầu tư nối gót Binance, họ thi nhau bán FTT và đồng loạt yêu cầu rút tiền từ FTX.

Công ty chịu áp lực phải chi trả 6 tỷ đô ngay lập tức cho các khách hàng. Việc bán tháo đã thổi bay 80% giá trị đồng FTT, tương đương với 2 tỷ đô. Các nhà đầu tư tháo chạy, và cuộc khủng hoảng thanh khoản là khởi đầu của sự kết thúc.

Tưởng như mọi thứ rồi sẽ ổn khi đích thân Sam lên tiếng trấn an giới đầu tư. Song song với đó, anh yêu cầu sự giúp đỡ từ Binance. Ngày 8/11, Binance tuyên bố đã đạt thỏa thuận mua lại FTX. Đồng FTT phục hồi nhẹ trước thông tin này.

Ấy vậy mà ngay ngày hôm sau, Binance thông báo sẽ rút khỏi thỏa thuận giải cứu FTX. Sam Bankman-Fried mất chiếc phao cuối cùng. Tất cả tài sản như tiền mặt hay bất động sản của FTX bị đóng băng. Hai ngày sau, Sam từ chức, công ty của anh nộp đơn phá sản.

01dec2022image20221201164747495png
"Ban đầu, chúng tôi hi vọng có thể hỗ trợ thanh khoản cho khách hàng của FTX, nhưng các vấn đề [của FTX] vượt quá khả năng trợ giúp của chúng tôi." | Nguồn: Twitter @binance

Những điều tra dựa trên báo cáo tài chính của FTX cho thấy công ty có một khoản thâm hụt trị giá 8 tỷ đô. Việc thiếu minh bạch trong kiểm soát tài chính khiến cả cơ quan điều tra lẫn bản thân Sam đều không thể lý giải được 8 tỷ đó đã bay đi đâu.

Sam còn dùng quỹ của công ty để mua bất động sản, và tiến hành kiểm toán một cách mập mờ thông qua một công ty metaverse vô danh. Bên cạnh đó, dường như quỹ Alameda đã rút hàng tỷ đồng từ vốn huy động của FTX để đầu tư và thâu tóm các dự án khác.

Vài giờ sau khi nộp đơn phá sản, trong lúc tất cả mọi thứ bị đóng băng và thị trường hoảng loạn, hệ thống của FTX còn bị hack. Gần 500 triệu đô nữa “bay màu,” khép lại màn kịch của Sam và FTX.

01dec2022fhj85ztxgaenbdpng
Dòng Tweet của CEO Binance sau khi rút khỏi thương vụ FTX. | Nguồn: Twitter @cz_binance

3. Sam Bankman-Fried có gì để nói?

Trong buổi phỏng vấn trực tuyến tại hội nghị, Sam cay đắng nói: “Tôi đã làm hỏng chuyện.” Anh tỏ ra bình tĩnh, hợp tác, và hối lỗi. Vị cựu CEO tiết lộ rằng luật sư đã khuyên anh đừng xuất hiện trước công chúng, nhưng anh cảm thấy “có trách nhiệm phải giải thích những gì đã xảy ra và cố hết sức để làm điều đúng đắn.”

Về cơ bản, toàn bộ cuộc nói chuyện là bản tóm tắt lại quá trình sụp đổ của FTX từ góc nhìn của Sam. Anh không phủ nhận các sai phạm của công ty, nhưng phân trần rằng bản thân “không cố tình lừa bất kỳ ai,” và tất cả những vấn đề dẫn tới thảm họa FTX đều tới từ khả năng quản lý yếu kém và sự thờ ơ của chính anh với những gì đã diễn ra.

01dec2022img5250custom9c48fac42c908461366eb08de881efaf4541141cs1100c50jpg
Sam và người phỏng vấn tại Dealbook Summit. | Nguồn: NPR

Nói về sự nhập nhằng tài chính giữa Alameda và FTX, Sam thừa nhận đã “vô tình trộn lẫn vốn đầu tư của hai đơn vị.” Anh khẳng định mình “không hề biết gì” và không cố tình gây ra sự nhập nhằng này, bởi dù là sáng lập viên nhưng Sam không điều hành Alameda.

Một sai phạm khác cũng được thừa nhận là việc quảng cáo sai sự thật và dắt mũi nhà đầu tư. Sam và các chiến dịch PR của FTX đã tung ra những lời nói dối để thuyết phục giới đầu tư và thị trường rằng công ty đang rất khỏe mạnh. Hơn cả lời nói, sự dối trá của FTX tràn lan trong báo cáo tài chính và những con số đẹp đẽ mà công ty trưng ra.

Vị cựu CEO không nghĩ rằng mình phải đối diện với cáo buộc hình sự nào. Cuối cùng, khi được hỏi về tương lai, Sam nói sẽ cố gắng hết sức để bù đắp thiệt hại. Nhưng đằng sau lời khẳng định đó là một sự dè chừng: “Tôi không dám hứa điều gì.”

4. Trận động đất FTX để lại những dư chấn gì?

Trước khi phá sản, FTX là sàn giao dịch tiền số lớn thứ ba trên thế giới. Sự sụp đổ của FTX đã giáng một đòn mạnh vào giới đầu tư tiền số cũng như nhóm ngành tài chính-ngân hàng nói chung. Sự việc làm kiệt quệ cả các quỹ đầu tư lẫn các nhà đầu tư nhỏ lẻ - những người đã đánh cược nhà, xe, và tài sản tiết kiệm cả đời.

Ngay trước khi FTX sụp đổ, vốn hóa thị trường crypto toàn cầu mất hơn 200 tỷ đô, từ mốc hơn một ngàn tỷ vào ngày 1/11 xuống còn gần 800 tỷ vào ngày 10/11. FTX nói trong hồ sơ phá sản rằng mình có khoảng 10 ngàn chủ nợ, nhưng con số thực tế của chính các luật sư FTX đưa ra sau đó thì cho thấy công ty này có ít nhất một triệu chủ nợ. Nếu chỉ tính riêng 50 chủ nợ lớn nhất, con số mà công ty của Sam phải trả đã là 3,1 tỷ đô.

Sau khi FTX sụp đổ, hàng loạt các sàn giao dịch khác hứng chịu làn sóng rút tiền ồ ạt. Một sàn giao dịch nổi tiếng là BlockFi công bố phá sản vào ngày 28/11 do dư âm từ FTX. Bitcoin chạm đáy ở mức hơn 16 ngàn đô, mức thấp nhất trong nhiều năm nay.

01dec2022image20221201170305457png
Bitcoin chạm đáy. | Nguồn: CoinMarketCap

Nhưng ảnh hưởng lớn nhất của FTX là sự tác động về niềm tin. Cú ngã của Sam và trước đó là của Do Kwon cho thấy thị trường tiền số mong manh như thế nào. Và với một hệ thống tiền tệ được xây dựng thuần dựa trên niềm tin như tiền mã hóa, thì đây mới là đòn chí mạng với thị trường.

5. Tương lai nào cho tiền mã hóa?

Khi năm 2022 bắt đầu, giới đầu tư tiền mã hóa đã mong đây là năm khởi sắc sau nhiều ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh và sự bấp bênh của nền kinh tế thế giới. Tới thời điểm này, họ bước vào tháng cuối cùng của năm trong sự bẽ bàng.

Sự sụp đổ của FTX, cộng hưởng với LUNA, chính thức đánh dấu mùa đông tiền số tồi tệ nhất trong lịch sử của ngành này. Ngay cả những người lạc quan nhất cũng không thể vui trong tình cảnh hiện tại. Vấn đề lớn nhất không phải là đà giảm không phanh của hàng trăm mã tiền ảo khác nhau, mà là sự tiêu cực đang bao trùm toàn thị trường.

Tương lai phục hồi còn rất xa vời cho cả những nhà đầu tư quốc tế lẫn tại Việt Nam.