Cấp độ 1 của tự nhận thức: Bạn cần biết khi nào mình sao nhãng

Cùng Mark Manson – tác giả tựa sách "The Subtle Art of Not Giving a F*ck" tìm hiểu về 3 cấp độ tự nhận thức mà con người thường trải qua. Bạn đang ở cấp độ nào?
Mark Manson
Nguồn: Simon Migaj/Unsplash

Nguồn: Simon Migaj/Unsplash

Mark Manson là tác giả của cuốn sách đình đám "The Subtle Art of Not Giving a F*ck" (tựa tiếng Việt: Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm)– sách yêu thích của nhiều độc giả khắp thế giới, trong đó có cả nhà Vietcetera. Anh thường được giới thiệu là người chuyên “viết self-help cho người ghét đọc self-help”, nhờ cách tiếp cận mới mẻ và ngôn ngữ đơn giản, phù hợp với tất cả mọi người.

Vừa qua, chúng tôi đã có vinh dự được anh trao quyền Việt hóa nội dung từ website MarkManson.net và đăng tải trên Vietcetera. Bài viết đầu tiên mà Vietcetera chọn giới thiệu đến bạn đọc là "3 Cấp độ của tự nhận thức", được chia thành 5 phần.

Hy vọng, những chia sẻ của anh sẽ giúp bạn đọc bình tâm hơn trong việc giải quyết những vấn đề cá nhân, bớt lo nghĩ quá nhiều và tập trung vào điều thật sự có ý nghĩa đối với mình, nhất là trong giai đoạn rối ren như năm vừa qua.

Nhận thức về bản thân cũng giống như tình dục: ai cũng nghĩ là mình biết, nhưng chẳng mấy ai biết rằng mình làm việc đó dở tệ.

Sự thật là phần lớn suy nghĩ và hành động của chúng ta đều rất bản năng. Và điều này chẳng có gì xấu. Những thứ bản năng như thói quen, sở thích và phản xạ luôn dẫn lối chúng ta trong cuộc sống. Đó là lý do chúng ta không tốn sức đắn đo mỗi khi đi vệ sinh hay lái xe.

Vấn đề ở chỗ chúng ta sống theo bản năng quá lâu đến độ quên mất cả việc đó. Và khi không nhận thức được, ta không còn quyền kiểm soát chúng nữa mà chính chúng đang kiểm soát ta. Người có khả năng tự nhận thức sẽ để ý đến việc họ ăn uống vô độ mỗi khi trầm cảm. Người không có nhận thức thì chỉ ăn thôi mà chẳng bao giờ bận tâm đến lý do.

3 Cấp độ của tự nhận thức

Cấp độ 1 - Tôi đang làm cái gì thế này?

Có rất nhiều điều tồi tệ xảy đến trong cuộc sống mỗi người. Suốt 30 ngày qua, đã bao lần chúng ta:

  • Gặp khó khăn trong mối quan hệ với những người xung quanh?
  • Cảm thấy đơn độc, tách biệt hoặc không được lắng nghe?
  • Cảm giác chẳng làm được gì nên hồn hoặc chẳng biết mình nên làm gì?
  • Thiếu ngủ, biếng ăn và mệt mỏi?
  • Trầm cảm về công việc hoặc tài chính?
  • Không biết tương lai sẽ đi về đâu?
  • Kiệt quệ về mặt thể chất?

Khả năng cao là thời lượng dành cho những thứ trên chiếm hết cả 30 ngày.

Rồi chúng ta cố trốn chạy khỏi nó bằng cách trở nên sao nhãng. Tâm trí ta chuyển dịch đến chiều không gian và thời gian khác nơi mà nó tạm thoát khỏi nỗi đau ở thực tại. Chúng ta không thể rời mắt khỏi màn hình điện thoại, trở nên ám ảnh với quá khứ và tương lai, lên những kế hoạch mà chẳng bao giờ làm hoặc cố gắng lờ đi.

Chúng ta ăn, uống và cố làm tâm trí mình tê liệt hòng quên đi những vấn đề đang hiện hữu. Chúng ta dùng sách, phim ảnh, game và âm nhạc để mang mình tới một thế giới, nơi mà nỗi đau không còn tồn tại và mọi thứ luôn dễ dàng.

Chẳng có gì sai khi ta trở nên sao nhãng. Đôi khi, việc chuyển hướng suy nghĩ khiến chúng ta giữ được sự tỉnh táo và lạc quan.

Vấn đề nằm ở chỗ ta cần nhận biết khi nào mình trở nên sao nhãng

Chúng ta cần chắc rằng mình chọn sự sao nhãng chứ không phải ngược lại. Chúng ta chọn bước vào nó chứ không phải là không thể khước từ nó. Chúng ta cần biết đâu là điểm dừng. Sự sao nhãng cần phải được lên kế hoạch và kiểm soát. Chúng ta không thể cứ mãi “say sưa” trong nó.

Phần lớn mọi người dành quá nhiều thời gian để đắm chìm trong sự sao nhãng mà không hề nhận ra. Bao gồm cả tôi. Một bữa tối nọ, tôi lôi điện thoại ra chỉ để kiểm tra lịch, và khi kịp nhận thức thì tôi đã thấy mình đang lướt Reddit. Khi đó, vợ tôi đang nhìn chằm chằm vào tôi như nhìn kẻ mất hồn.

Giờ thì đỡ hơn rồi. Tôi chỉ mất hồn khoảng 23 lần trong ngày. Thỉnh thoảng, tôi mở Facebook, rồi mở một tab khác và theo bản năng gõ đường link Facebook, cái trang web mà rõ ràng là tôi đang coi. Tôi còn chẳng nhận ra mình làm vậy, nhưng tâm trí tôi theo một cách nào đó không còn thuộc về mình nữa.

Chúng ta đều cho rằng mình biết cách sử dụng thời gian, nhưng thường chỉ là lầm tưởng. Chúng ta cho rằng mình năng suất hơn thực tế (nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn tâm trí của ta “lang thang” đâu đó tầm ba giờ một ngày, số giờ còn lại cũng chẳng tập trung cho lắm).

Chúng ta nghĩ mình dành nhiều thời gian cho những người quan trọng hơn điều ta thực sự làm. Chúng ta tưởng rằng mình đang sống cho thực tại, rằng mình biết lắng nghe, chu đáo và thấu hiểu. Nhưng sự thật là, chúng ta tệ đều ở những khoản này.

Một số người cố gắng loại bỏ mọi sao nhãng trong cuộc sống, nhưng thực tế đây là một hành vi tự hủy (và khả năng cao là ta còn làm tổn thương những người xung quanh trong quá trình này).

Mục đích của ta không nên là đánh bại sự sao nhãng, mà nên là nhận thức và kiểm soát nó. Thay vì xin nghỉ phép để cày game cả ngày, chúng ta nên có khả năng dành chút thời gian để thỏa mãn sở thích một cách lành mạnh. Bạn có thể lướt điện thoại nếu đó là những gì não bạn đòi hỏi, miễn là bạn nhận ra mình đang làm gì và có thể đưa nó về tầm kiểm soát khi cần.

Mục tiêu ở đây là loại bỏ được sự thôi thúc. Nhưng để loại bỏ được nó bạn cần phải biết là nó đang tồn tại.

Nhiều năm liền, tôi có thói quen mang theo iPod và đeo tai nghe mỗi khi đến nơi công cộng. Đi ra khỏi nhà mà không có chúng khiến tôi cảm giác rằng mình “trần như nhộng”. Suốt những năm tháng ấy, tôi chỉ nghĩ đơn thuần là mình thích nghe nhạc hơn người khác, rằng tôi có sự kết nối đặc biệt với âm nhạc mà những kẻ khác chẳng hiểu được.

Nhưng thật ra, đây chỉ là một loại thôi thúc mà tôi chẳng thể nào kiểm soát. Tai nghe chính là cách mà tôi bảo vệ bản thân khỏi thế giới xung quanh. Nó chẳng phải là đam mê gì mà chính là nỗi sợ. Đứng gần những người lạ mà không đeo tai nghe khiến tôi cảm thấy bồn chồn như thể mình bị bóc trần.

Đừng vội đánh giá quan sát của chính mình. Đây chính là cấp độ 1 của việc tự nhận thức. Bạn cần phải biết tâm trí mình đang ở đâu và vào lúc nào, trước khi tự hỏi tại sao nó lại ở đó và liệu rằng nó đang giúp đỡ hay đang làm bạn khốn khổ.

Xem tiếp phần 2 tại đây.

Bài viết được chuyển ngữ bởi Trân Lê.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục