Từ thất bại đi lên. Tại sao không?
Nếu bạn muốn biết thật-sự-tự-do là gì? Hãy thất bại thảm hại trước mắt mọi người.
Đã thành thông lệ, cứ mỗi năm, chúng tôi lại tìm đến người bạn lâu năm Đào Chi Anh. Năm nay, giữa thời điểm của những sự bất định, cô thông báo ra mắt GATHER, một địa điểm retreat toàn diện cho người dân thành thị, đặc biệt là phụ nữ, ngay giữa lòng Hà Nội.
4 năm kể từ The KAfe, Đào Chi Anh ở đây để trải lòng về thất bại, về những lần quay trở lại vạch xuất phát.
Cảm xúc của chị hiện giờ mỗi khi nhớ về The KAfe?
Tuy không phải là mô hình khởi nghiệp đầu tiên của mình, nhưng The KAfe là mô hình được nhiều người biết đến nhất. Từng là nơi để trải nghiệm sự giao thoa giữa ẩm thực Đông - Tây (môt concept mới lạ ở thời điểm bấy giờ), mất đi The KAfe, mình mất đi một cộng đồng những người trẻ Việt thích khám phá, mất đi một giấc mơ, và mất đi một nơi mình xem là “nhà".
Những mất mát này khiến mình buồn hơn nhiều so với việc mất đi tài sản, doanh nghiệp. Với mình, giá trị vật chất dễ đến dễ đi, điều khiến hành trình trở nên đặc biệt, chính là con người.
Giờ nhìn lại, The KAfe vẫn là một hình trình tuyệt đẹp - với rất nhiều thăng trầm, mồ hôi và nước mắt. Từ hành trình đó mà mình có được những người cộng sự thân thiết, đến tận bây giờ, cùng mình xây dựng GATHER.
Hành trình khởi nghiệp của chị luôn được mọi người quan tâm, trong đó có cả những lời phê bình. Chị đối diện với những lời nói đó như thế nào?
Đứng trước những lời nói đó, rất khó để tìm thấy động lực đi tiếp. Nhưng cũng chính vì biết rằng ngoài kia luôn có người đợi để đánh giá bạn, thậm chí có những người chỉ mong nhìn thấy bạn thất bại - với mình, hoá ra lại là điều may mắn.
Mình nhận được những ý kiến trái chiều từ rất sớm, khi The KAfe mới vừa thành lập. Lời phê bình như những cơn sóng, đến theo đợt, đôi khi còn là những cơn sóng lớn… Nhờ những lời phê bình như thế mà cái tôi của mình bé lại.
Đa phần những người mới khởi nghiệp đều có cái tôi lớn. Họ nghĩ mình khác biệt, có tư duy nhìn xa trông rộng và sở hữu một sản phẩm quá tốt để thế giới có thể ngó lơ. Đó là mình, những ngày mới bắt đầu The KAfe.
Rồi thực tại cho mình một cái tát trời giáng. Đến ngày hôm nay, mình vẫn là chủ đề của rất nhiều ý kiến và những lời phê bình. Mình xem đó là một cách học, một lời nhắc nhở rằng phải luôn khiếm tốn. Đừng để cái tôi dẫn lối.
Sau nhiều năm “luyện tập", giờ đây, mỗi lần thấy tên mình xuất hiện đâu đó, dù tiêu cực hay tích cực, mình đều hỏi bản thân “Có thật vậy không?” rồi quay lại hoàn thành những điều với mình là quan trọng: khách hàng, sản phẩm, dịch vụ… Còn hình ảnh, danh tiếng và sự mến mộ, mình không còn quan tâm nữa.
Chị có thể chia sẻ góc nhìn của mình về sự thất bại?
The KAfe là thất bại to lớn nhất và nhiều người biết đến nhất của mình. Trong quyển tự truyện “Trở Về Nhà", mình đã viết rất nhiều về thất bại và những điều mà mình nhận ra trong khoảng thời gian quan trọng này.
Thất bại khiến mình thay đổi để hoàn thiện hơn. Những mất mát và chịu đựng đã thức tỉnh mình, giúp mình nhận ra ý nghĩa thật sự của cuộc sống. Mình học từ thất bại nhiều hơn là từ thành công.
Với mình, từng thất bại là một bước tiến gần hơn đến điều mà mình thật sự muốn theo đuổi. Thất bại không phải là kết thúc, nó là bước chuyển tiếp, là một khởi đầu mới. Sau thất bại, bạn là một con người mới, ít sợ mất, sợ thua hơn - vì còn gì để mất nữa đâu?
Sau The KAfe, mình trở về với con số 0 tròn trĩnh. Mình nhận ra bản thân là một thất bại to lớn trong mắt nhiều người. Nó như một sự giải phóng cho chính mình.
Nếu bạn muốn biết thật-sự-tự-do là gì? Hãy thất bại thảm hại trước mắt mọi người. Đúng, mình đang khuyên bạn hãy thất bại, khi bạn còn trẻ, như mình đã từng. Khoảnh khắc đó bạn học được nhiều, và trưởng thành hơn rất nhiều.
Vậy còn thành công?
Định nghĩa thành công của mình khác dần theo thời gian. Sự công nhận và những lời khen ngợi với mình giờ là hư danh. Mình cũng không cần phải đạt được những cột mốc lớn lao. Miễn là cuối ngày, mình biết là mình đã cống hiến, đã tạo ra giá trị, đã phục vụ đội ngũ và khách hàng tận tâm, và đã cùng nhau trưởng thành. Thành công đơn giản chỉ có vậy.
Sau The KAfe và trước GATHER, cuộc sống khởi nghiệp của chị vẫn chưa bao giờ dừng lại, có phải không?
Đúng vậy. Trước The KAfe, mình đã khởi nghiệp với Kitchen Art, một đơn vị chuyên phân phối và bán lẻ các thiết bị bếp & nhà cửa. Đến giờ, Kitchen Art vẫn đang hoạt động ổn định và phát triển mà không cần nguồn vốn bên ngoài.
Sau The KAfe, mình còn thành lập một doanh nghiệp tư vấn F&B, giúp xây dựng chuỗi Yu Tang Teahouse cho Golden Gate, chuyên về trà sữa trân châu và đồ ăn đường phố Đài Loan.
Sau đó mình nghiên cứu về mảng wellness suốt 2 năm và đạt được chứng chỉ quốc tế về Nutrition Coaching, Personal Fitness & Pilates. Vốn kiến thức này giúp mình xây dựng ứng dụng wellness mang tên TGL (The Good Life), với các video tập luyện, bài học/xây dựng chế độ dinh dưỡng, các bài học về thiền, và chánh niệm.
Suốt 4 năm qua, dù “im hơi, lặng tiếng" nhưng mình chưa bao giờ ngừng “khởi nghiệp" hay học hỏi những điều mới. Đó chính là nền tảng vững chắc cho GATHER ngày hôm nay.
Hãy giới thiệu với chúng tôi về GATHER.
GATHER được sinh ra như một điều thiết yếu, đặc biệt là khi chúng ta vừa trải qua đại dịch của thế kỷ, sức khoẻ thể chất và tinh thần trở thành ưu tiên (và nỗi lo) hàng đầu của mọi người.
Khoảng thời gian này chúng ta cũng không thể đi du lịch nhiều, vì thế ai cũng cần nơi để “sạc pin" và đổi gió.
GATHER không chỉ là một địa điểm ăn uống hay nghỉ ngơi, tập tành, mà chính là một lối sống lành mạnh mới mà ai trong chúng ta có thể thưởng thức và trải nghiệm.
GATHER toạ lạc tại một căn villa Pháp cổ, rộng hơn 600 mét vuông, bao gồm G-Cafe (nhà hàng-cafe-quầy bar với thực đơn ăn uống lành mạnh, bổ dưỡng); G-Studio (studio tập nhóm với hơn 10 loại hình lớp đa dạng); và G-Spa (nơi chăm sóc thân thể với những liệu trình massage và bồn ngâm thư giãn).
Tại đây, chúng mình quy tụ một đội ngũ gồm các huấn luyện viên, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia tâm lý, đầu bếp và chuyên gia làm đẹp, mát xa… giàu kinh nghiệm và tâm huyết.
Họ sẽ giúp bạn được thư giãn, đánh thức mọi giác quan để trở về với chính mình và chăm sóc sức khoẻ cả tinh thần lẫn thể chất. Dù bạn ở đâu trên hành trình chăm sóc sức khoẻ và phát triển bản thân, GATHER sẽ luôn có chỗ dành riêng cho bạn.
Sau cuối, chị có lời khuyên nào dành cho người khởi nghiệp?
Cho những người mới bắt đầu, lời khuyên của mình là đừng “nghiêm trọng hoá” cũng đừng “cá nhân hoá” vấn đề. Có thể đối với bạn, cơ nghiệp này là xương máu, là tất cả những gì bạn có. Càng định danh bản thân bằng công việc, bạn sẽ càng đau nếu mọi thứ không diễn ra như mong đợi (phần lớn đều luôn diễn ra không như mong đợi). Trong trường hợp xấu nhất, bạn có thể sẽ mất đứa con tinh thần của mình.
Cách "lành mạnh" hơn để khởi nghiệp là tập trung phục vụ khác hàng, đội ngũ, và cộng đồng của mình. Khi cống hiến hết mình, kể cả có thất bại (do thiếu tiền đầu tư, nguồn lực hay trải nghiệm), bạn vẫn sẽ không cảm thấy mất mát hay bi kịch.
Rồi bạn sẽ tìm được cách để đứng lên và tiếp tục đi tiếp, một lần nữa - bằng sản phẩm khác, đối tác khác, và đội ngũ khác. Đường nào rồi cũng dẫn về Rome, miễn là đừng để cái tôi dẫn đường (để giàu nhanh, để trở nên nổi tiếng và được kính trọng…). Cuối cùng bạn sẽ đến nơi bạn muốn, dẫu cho có mất hàng trăm lần làm lại từ đầu.
Được chấp bút bởi Minh Ng.
'Tại sao không?' truyền cảm hứng để bạn bước ra khỏi vùng an toàn của mình - nghĩ khác, làm khác, sống khác. Series được mang đến cho bạn bởi Curnon.