Uống để biết: Thế nào là bia thủ công Việt Nam?
“Uống để biết” là loạt bài chuyên phân tích bia thủ công Việt qua cái nhìn của người bản địa. Trong phần này, hãy cùng tìm hiểu về bia thủ công Việt Nam
Phúc Trần cùng cộng sự chung tay gây dựng nên một trong những quán bar bia thủ công mới nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh, Brewlliant – Craft Beer Gastropub. Chúng tôi đã gặp gỡ Phúc Trần tại “thư viện bia” của anh ở 58 Võ Thị Sáu, Quận 1. Tại đây, chúng tôi vinh dự được Phúc mời một ly Loose Rivet New England IPA đến từ Heart of Darkness Brewery để mọi người có thể thoải mái hơn trước khi bắt đầu trò chuyện về bia thủ công Việt. Chúng tôi tìm đến anh không chỉ để bàn về bia, mà còn khám phá bia thủ công qua cái nhìn của người tiêu dùng Việt và các chuyên gia.
Trong quá trình định hình chính mình của bia thủ công Việt, Việt Nam có điểm gì đặc biệt thuận lợi khi sánh vai với cộng đồng bia thủ công quốc tế? Các chuyên gia có cái nhìn ra sao về tương lai của thị trường bia thủ công tại đây? Hãy cùng Vietcetera tìm hiểu qua bài viết này.
Vì chưa từng ra nước ngoài nên những trải nghiệm của bạn về bia thủ công chỉ giới hạn trong Việt Nam. Bạn biết đến bia thủ công như thế nào?
Tôi biết đến bia thủ công vào ba năm trước. Khi ấy công ty mà tôi đang làm việc vừa tuyển một quản lý mới người Thái Lan. Sau giờ làm, tôi đưa anh ấy đi uống nhưng anh lại không thích những loại bia mà chúng ta thường uống.
Rồi anh hỏi tôi có biết bia thủ công không. Khi thấy tôi ngơ ngác nhìn lại, anh lập tức bắt ngay một chuyến taxi và đưa tôi tới BiaCraft Artisan Ales tại Quận 3. Anh gọi cho tôi một khay thử gồm bốn ly bia và bắt đầu giải thích về loại bia này, cũng như thứ tự uống khay bia thử như thế nào.
Loại bia thủ công đầu tiên mà bạn uống là gì? Trải nghiệm khi đó ra sao?
Tôi không bao giờ quên được hớp bia thủ công đầu tiên tôi thử. Tôi bắt đầu với Platinum Golden Ale và hoàn toàn bị thuyết phục. Tôi không ngờ là nó có thể ngon đến vậy. Tiếp đến là bia White Ale của Tê Tê Craft Beers, bia Pale Ale của Fuzzy Logic Brewing Co., và bia Mango IPA của LẠC Brewing.
Sau khi chúng tôi uống hết, anh nhìn vào thực đơn rồi nói “giờ thì cậu còn 46 loại khác chờ thử đấy.” Thế là trong vòng một tuần kế tiếp, chúng tôi đã thử hết 50 loại bia thủ công có trong thực đơn. Điên dễ sợ!
Từ góc nhìn của một người Việt, điểm đặc sắc của bia thủ công là gì? Có gì khác với các loại bia thông thường?
Ngoại trừ hương vị ra thì điểm khác biệt lớn nhất là trải nghiệm. Tại Việt Nam, văn hoá uống, hay chúng ta thường gọi là “nhậu”, là một hoạt động ăn uống cùng bạn bè sau giờ làm. Một buổi nhậu dường như là một cuộc thi uống: hầu hết mọi người không quan tâm loại bia họ đang uống là gì, mà chỉ xem mình cạn được bao nhiêu ly bia.
Còn với bia thủ công, cách suy nghĩ lại khác hoàn toàn. Đối với những người lần đầu thử bia thủ công, đây chính xác là một bước chuyển lớn. Một cuộc trò chuyện giữa bạn và ly bia, cũng như những người xung quanh là điều không thể thiếu. Khác với những chủ đề về rắc rối trong công việc hay gia đình như khi nhậu, khi uống bia thủ công thì bạn chỉ tập trung vào những gì có trong ly bia của mình mà thôi.
Toàn bộ trải nghiệm bao gồm từ lúc người pha chế rót bia vào ly, cho tới khi bạn cạn sạch ly bia. Bởi vì bia thủ công thường đắt hơn và có nồng độ cồn cao hơn, người uống sẽ thường uống chậm hơn và tập trung vào việc thưởng thức hương vị.
Sau sáu năm phát triển, hiện tại chúng ta đang chào đón nhiều nơi nấu bia thủ công sử dụng nguyên liệu địa phương hơn. Theo anh, “bia thủ công Việt” là gì?
Đây là một câu hỏi rất hay. Mặc dù sẽ có nhiều người không đồng tình với tôi về điều này, nhưng tôi vẫn cho rằng những công ty bia như C-Brewmaster và Đông Sơn chính là những nơi đang sản xuất ra những loại “bia thủ công Việt” mang bản sắc riêng đầu tiên tại Việt Nam.
Không chỉ là cách kết hợp những nguyên liệu địa phương, mà còn là cách các thương hiệu làm marketing. Theo tôi, để một sản phẩm được phân định là bia thủ công Việt thì hình ảnh thương hiệu phải thuần Việt trước đã. Loại bia đó phải được sản xuất bởi người Việt và định vị thương hiệu phải theo hướng dành cho người tiêu dùng Việt.
Khi bạn giới thiệu bia thủ công đến với bạn bè người Việt, phản ứng đầu tiên của họ ra sao?
Bối rối là phản ứng ban đầu thường thấy nhất. Nếu chỉ đưa thực đơn cho những người vừa biết đến bia thủ công thì chắc chắn họ sẽ không biết phải bắt đầu từ đâu. Họ không biết những điều cơ bản như ABV và IBU là gì. Tính ra thì tôi khá may mắn vì ngay từ đầu đã có một người hướng dẫn, nên tôi nghĩ ai cũng cần được hướng dẫn vào thời gian đầu.
Theo bản năng thì hầu hết mọi người sẽ ngửi bia trước khi nhấp thử. Nếu bạn đã biết về bia thủ công thì bạn sẽ hiểu, mùi hương là một phần của quá trình trải nghiệm. Các anh bạn người Việt của tôi luôn bị ấn tượng bởi những mùi hương của bia thủ công. Những khách hàng khi vừa bắt đầu từ những loại bia cơ bản nhất thì đều có phản ứng rất tích cực.
Loại bia thủ công nào hiện đang phổ biến nhất tại Việt Nam?
Thời tiết là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới mức tiêu thụ của các loại bia. Việt Nam là một quốc gia có khí hậu nhiệt đới nên những loại bia như IPA rất khó bán vì nó khá đắng và khô (chỉ những loại bia bị lên men hoàn toàn và còn lại rất ít đường). Khi uống vào sẽ không có cảm giác thanh mát, không thích hợp với khí hậu khô nóng.
Vì bia thủ công chỉ vừa du nhập vào Việt Nam, khách hàng thường ưu ái những loại cơ bản và nhẹ hơn. Chẳng hạn như White Ale của Tê Tê và Rooster Blonde là những loại bia “nhập môn” hoàn hảo bởi đây đều là những loại nhẹ và rất phù hợp với khí hậu nóng.
Đây đều là những loại bia không quá mạnh và có vị ngon hơn hẳn so với các loại bia thông thường, thích hợp trong khoảng thời gian đầu khi vừa tìm hiểu về bia thủ công. Khoảng thời gian đầu này rất quan trọng. Nhiệm vụ của chúng tôi là mang đến một trải nghiệm chuyển giao một cách êm đềm nhất và giúp mọi người hiểu được những kiến thức cơ bản trước khi bắt đầu. Ai cũng cần được hướng dẫn vào buổi đầu mà.
Hiện nay các khách hàng đã dần hiểu biết hơn về các hương vị của bia thủ công, theo bạn thì loại bia thủ công nào sẽ phổ biến hơn trong tương lai?
Trong vài năm tới, sau khi khách hàng Việt đã quen dần với bia thủ công, tôi nghĩ IPA (India Pale Ale) sẽ bùng nổ, đặc biệt là IPA New England. Hiện tại Loose Rivet New England IPA của Heart of Darkness Brewery là loại bia yêu thích của tôi đấy.
Bạn hãy giới thiệu đôi nét về Brewlliant cho độc giả được biết đi. Hướng đi và sứ mệnh của các bạn là gì?
Brewlliant – Craft Beer Gastropub là một nơi mang lại trải nghiệm bia thủ công một cách đầy đủ nhất. Tôi xem Brewlliant như một thư viện về bia thủ công. Trước đây bất cứ khi nào muốn tìm kiếm giải pháp cho những rắc rối trong cuộc sống, tôi đều đọc sách để mở rộng tâm trí. Còn mỗi khi bị bế tắc ý tưởng, bia thủ công luôn là giải pháp mà tôi cần. Tôi muốn rằng tất cả những giải pháp trong cuộc sống đều có thể được tìm thấy trong “thư viện bia” của chúng tôi.
Sứ mệnh lâu dài của chúng tôi là tạo điều kiện để các khách hàng địa phương quen thuộc với bia thủ công Việt cũng như các loại bia của Bỉ, Đức và Mỹ. Mục tiêu của chúng tôi là giúp bia thủ công dễ dàng tiếp cận hơn và truyền tải đầy đủ kiến thức về thế giới bia thủ công đến với khách hàng.
Đâu là loại bia “nhập môn” nên thử tại Brewlliant?
Nếu có khách hàng chưa quen thuộc lắm với bia thủ công đến với Brewlliant, tôi luôn đề nghị họ thử khay bốn loại bia cơ bản để không bị ngợp bởi những loại bia quá mạnh. Vừa bắt đầu mà quá nặng và quá vội thì không tốt lắm đâu.
Cho những người mới thử thì Golden Ale của Platinum là một lựa chọn rất ổn. Tiếp đến họ có thể thử bia Summer Hefeweizen của East West Brewing Company. Cuối cùng, tôi rất muốn thấy phản ứng của họ khi thử Loose Rivet New England IPA của Heart of Darkness Brewery.
Chúng tôi nên trò chuyện cùng ai tiếp theo?
Bạn Nhân đến từ Hornbill Snackbar tại 58D Trần Quốc Thảo, Quận 3. Họ có rất nhiều bia Bỉ nhập bên cạnh những loại bia thủ công Việt được nấu tại chỗ.
Chúng tôi đều rất đam mê về bia thủ công và thích giới thiệu các loại bia thủ công đến với khách hàng. Thậm chí nhiều người còn nhầm chúng tôi là anh em vì vẻ ngoài lẫn cách chúng tôi nói về bia đều rất tương tự!
Xem thêm:
[Bài viết] Shamoji Robata Yaki: Không gian ẩm thực truyền thống Nhật tại Sài Gòn
[Bài viết] Marcel Gourmet Burger và thường thức ẩm thực nước Pháp