Vẻ đẹp và bi kịch trong mùa phim Black Mirror ảm đạm nhất
Một nữ nhân viên đột nhiên bị đảo lộn cuộc sống bởi chuyện đời mình được dựng thành phim. Hai bạn trẻ trở về quê nhà, dự định làm phim về tội ác có thật (True Crime) rồi phát hiện ra bí mật kinh hoàng sau đó. Hay một người phụ nữ nhập cư đồng ý sát hại 3 con người trong 3 ngày liên tiếp để đổi lại thảm hoạ trái đất diệt vong không xảy ra.
Đó là 3 trong 5 câu chuyện mới của Black Mirror (Gương Đen) mùa 6 vừa lên sóng Netflix ngày 15/06 vừa qua. 2 câu chuyện còn lại là những bi kịch khác: hai phi hành gia đầy tổn thương, cô đơn, thù hận trong vũ trụ và nữ minh tinh chạy trốn paparazzi với cái kết khá là kỳ dị.
Có thể nói, Black Mirror mùa 6 vẫn giữ được không khí ám muội, tình tiết châm biếm dâng cao cùng một vài cú “twist” bất ngờ. Không chỉ khai thác chủ đề công nghệ trong ánh nhìn hậu tận thế, hơn nửa số tập phim mang đến những bi kịch khá cổ điển, cùng sự ảm đạm không lối thoát. Mỗi tập phim lại có một nét chấm phá rất riêng trong ngôn ngữ điện ảnh, mang đến vẻ đẹp trong cái bi kịch.
Joan is Awful - Đúng chất Black Mirror nhất
Đạo diễn: Ally Pankiw
Biên kịch: Charlie Brooker
Diễn viên: Annie Murphy, Salma Hayek, Michael Cera
Joan is Awful làm rất tốt nhiệm vụ mở màn cho Black Mirror mùa 6, chứa đựng các yếu tố vốn là đặc trưng của series này. Joan, một nữ nhân viên bình thường bỗng bị kéo vào mớ hỗn độn khi mọi hoạt động trong đời sống thực của cô được “truyền hình hoá" thành show ăn khách trên nền tảng chiếu phim trực tuyến.
Những tình tiết vừa đen tối lại vừa lố bịch trong Joan is Awful phần nào thoả mãn công chúng sau 4 năm chờ đợi. Họ cũng tò mò đuổi theo diễn biến câu chuyện ngày một leo thang, rồi hả hê với vài chi tiết châm biếm rất điển hình, vốn là thương hiệu của loạt phim này.
Joan is Awful bày ra những thứ tầm thường nhưng chính sự khuôn sáo này lại được sắp đặt tỉ mỉ và hấp dẫn không ngờ. Điều hay nhất của bộ phim không phải là những cảnh báo, hay giảng giải đạo lý về mặt trái của công nghệ mà là bộc lộ sự phức tạp, rối rắm về mối quan hệ giữa con người - công nghệ - luật pháp và đạo đức ngày nay.
Joan is Awful khiến khán giả vừa thích thú vừa nghi ngại, bởi họ thấy mình ở trong thế giới đó. Và bộ phim cũng là gợi ý để người xem tự hỏi chính mình, nếu rơi vào tình huống của Joan, ta có thể làm được gì?
Đừng hiểu nhầm, Netflix không tự giễu hay châm biếm chính mình thông qua tập phim này đâu. Đã bao lâu rồi bạn vô tư nhấn vào ô “Tôi đồng ý", “Chấp nhận tất cả" mà không mảy may suy nghĩ điều khoản sử dụng của một website, ứng dụng trực tuyến?
Loch Henry - Suýt thì xuất sắc
Đạo diễn: Sam Miller
Biên kịch: Charlie Brooker
Diễn viên: Samuel Blenkin, Myha’la Herrold, Daniel Portman
Tập phim Loch Henry mang đến màu sắc ảm đạm một cách chân thực cho người xem; từ sự lững thững của vùng thôn quê hẻo lánh, nơi sự lặng lẽ u tịch của thiên nhiên có thể thủ tiêu bất cứ người lạ nào tiến vào trong đó. Còn người bản địa thì ám muội và kỳ cục, cùng cách cư xử khó đoán định được.
Loch Henry có cách thực hiện tương tự như làm phim tài liệu (và giả tài liệu): dàn dựng tình tiết, góc quay, cách xây dựng tình tiết, đến sử dụng các hình ảnh tư liệu. Tất nhiên, phim cũng có cả những cảnh jump scare “gây lú”.
Điều mà bộ phim tạo dựng không phải là một kịch bản lớp lang như phim trinh thám, kinh dị nhưng là thuyết phục người xem rơi vào câu chuyện thật, với cảm xúc hoang mang rất thực.
Đừng nói là bạn không đặt câu hỏi về các nhân vật đáng ngờ trong Loch Henry? Hay cảm thấy lo lắng trong một vài cảnh hù doạ trong phim?… Có lẽ bộ phim đã kịp đưa vào tâm trí của khán giả những cảm xúc chân thực thông qua từng chi tiết dù nhỏ hay lớn.
Giá như Loch Henry đừng giải quyết nút thắt một cách “lãng xẹt" như thế thì đây hẳn là một dư vị đặc biệt trong mùa thứ 6 của Black Mirror. Nhưng mọi chuyện như nó vốn thế, dù thót tim và suy ngẫm ở một số trường đoạn nhưng vẫn thiếu điều gì đó đặc biệt ghim lại trong đầu khán giả sau khi thưởng thức.
Beyond the Sea - Tập phim đẹp đẽ (và bi kịch) nhất
Đạo diễn: John Crowley
Biên kịch: Charlie Brooker
Diễn viên: Aaron Paul, Josh Hartnett, Kate Mara
Beyond the Sea là một tập phim đẹp đẽ, bi kịch, và đặc biệt phù hợp cho những người yêu thích các tác phẩm văn chương. Những cuốn sách xuất hiện trong phim có thể kể câu chuyện một cách rành rọt.
Từ AirPort (Phi trường) của Arthur Hailey cho đến The Illustrated Man (Người minh hoạ) của Ray Bradbury có thể miêu tả về câu chuyện, tính cách, trạng thái, và tư tưởng của hai nhân vật chính Cliff (Aaron Paul) và David (Josh Hartnett.)
Trong khi đó, tiểu thuyết Valley of the Dolls (Thung lũng búp bê) của tác giả Jacqueline Susan xuất hiện trong phim phản ánh tâm trạng và suy tư của nữ chính Lana (Kate Mara.) Nhân vật nữ trong hai tác phẩm (sách và phim) đều đang đối diện với những vấn đề hôn nhân, đời sống tình dục, sự cô đơn, sức khoẻ tinh thần…
Ngoài ra, tập phim này còn nhắc đến cuốn sách khác là The Moon is a Harsh Mistress (Mặt trăng là một kẻ si tình tàn nhẫn) của nhà văn khoa học viễn tưởng Robert A. Heinlein. Trong tác phẩm này có nhắc đến kết nối (Internet of Things) giữa con người và thiết bị, robot. Với Beyond the Sea, đó là giao thức giữa người thật (trên tàu vũ trụ) của David và Cliff với robot (bản sao người máy) ở trái đất.
Nhưng rõ ràng, Beyond the Sea không chỉ có những cuốn sách “rải lông ngỗng” dẫn đường chúng ta vào cõi cô đơn, yên tĩnh mà đầy bi kịch, bạo lực. Mọi chi tiết đều có thể là một biểu tượng dẫn lỗi người xem bước vào bộ phim như bối cảnh năm 1969, cuộc đua du hành không gian, sự tĩnh lặng của vũ trụ...
Thông qua những góc máy đẹp đẽ, gợi đến sự hoài niệm, Beyond the Sea khiến chúng ta cảm nhận được sự mất kết nối và nỗi cô đơn; cảm giác cabin fever và một nỗi bức bối vì không thể kết nối với người khác, nơi khác.
Rõ ràng tập phim đưa ra một ám chỉ và gợi ý rằng, sống chung với cô đơn là khó nhường nào; và nếu vượt qua nó, hẳn ta sẽ có sức mạnh to lớn để không khiến chính mình rơi vào bi kịch.
Nỗi cô đơn, cùng trải nghiệm với nó, giúp ta có thể tồn tại và yêu thương đó là những điều mà hầu hết các nhân vật trong Beyond the Sea đã không thể làm được: tức là, vượt qua cô đơn.
Mazey Day - Tập phim kém phong độ nhất
Đạo diễn: Uta Briesewitz
Biên kịch: Charlie Brooker
Diễn viên: Zazie Beetz, Clara Rugaard, Danny Ramirez
Câu chuyện của Mazey Day đuổi theo nữ chính Bo (Zazie Beetz) hành nghề paparazzi chuyên chụp lén ngôi sao. Vì túng quẫn mà phải đi săn ảnh những minh tinh đang gặp bê bối. Tuy nhiên mỗi cuộc "đi săn" của cô đều để lại một vết thương, khi thì ám ảnh kinh hoàng, lúc thì trầm cảm tội lỗi.
Mượn hình tượng chiếc máy ảnh và hoạt động nhiếp ảnh, một “món vũ khí” có quyền lực khủng khiếp chẳng khác gì súng đạn, bộ phim mang đến một nỗi hoảng sợ khác. Mỗi lần màn trập máy ảnh đóng lại, dù chụp một ảnh hay liên tiếp, người xem đều cảm nhận được như là súng bắn quanh tai mình (và chắc chắn sẽ có một ai đó ngã xuống.)
Hành động cầm máy ảnh, giơ lên, ngắm và lấy nét không khác gì hành động giơ súng lên, giương cò và ngắm bắn. Chụp ảnh và bắn súng đều có mục tiêu, và đều có thể tạo ra sự tàn nhẫn như nhau. Tập phim Mazey Day đã khắc hoạ điều này một cách chi tiết, và rùng rợn nhất thông qua nhân vật Bo và những paparazzi khác.
Nhưng tập phim này lại đi vào lối mòn trong việc châm biếm truyền thông, đặc biệt là các tay săn ảnh, có thể huỷ hoại một ngôi sao, hay giết chết một con người. Trong khi đạo đức nghề nghiệp kêu gọi (bằng cách nhắc đến giải Pulitzer cao quý) nhưng lại thiếu đi đạo đức về mặt con người như sự cảm thông, quyền riêng tư…
Mazey Day có là lẽ tập phim “yếu" nhất trong mùa 6 của Black Mirror dù nó không hề tệ hay thiếu hấp dẫn (nhất là ở đoạn cuối.) Khán giả hoàn toàn bị cuốn hút bằng cách kể chuyện, cùng các tình tiết bất ngờ diễn ra trong phim. Tuy nhiên, nó vẫn thiếu một cái gì đó để trở nên kịch tính hơn, châm biếm hơn, hấp dẫn hơn.
Demon 79 - “Ngọc ẩn” của mùa thứ 6
Đạo diễn: Toby Haynes
Biên kịch: Charlie Brooker, Bisha K.Ali
Diễn viên: Anjana Vasan, Paapa Essiedu, Katherine Rose Morley
Sau khi đã thưởng thức Joan is Awful đậm chất Black Mirror và Beyond the Sea với sự cô đơn chết chóc của mất kết nối, khán giả dường như khó có thể tìm thấy một tập nào hay hơn trong mùa phim này. Nhưng tập cuối cùng - Demon 79 - lại mang đến một sự bất ngờ nho nhỏ, một viên ngọc ẩn hấp dẫn một cách khiêm tốn.
Phim bắt đầu từ khi cô gái Nida (Anjana Vasan) vô tình giao kèo máu với quỷ Gaap (Paapa Essiedu.) Cả hai phải giết được 3 người trước ngày 01/05 nếu không thế giới của Nida bị diệt vong còn Gaap bị đẩy vào cõi vô vọng. Nida và Gaap đích thực là OTP và cả hai đã tạo nên một show diễn tuyệt vời, truy tìm kẻ xấu và thay trời hành đạo.
Tuy nhiên, Demon 79 còn nhiều lớp nghĩa và cách hiểu khác nữa, về niềm tin và chính trị, về người nhập cư và thảm hoạ... những thứ vẫn nóng hổi ngày nay. Nhưng ngay cả khi cài cắm những thông điệp này một cách lộ liễu và kín kẽ, nó cũng không thể che đi vẻ đẹp của tập phim.
Demon 79 là tập phim bạo lực nhất nhưng cũng hài hước nhất; khó hiểu nhất mà cũng dễ cảm nhất. Các yếu tố bất ngờ, dễ thương, kinh dị, màu sắc hư vô, hài đen... được bố trí một cách nhịp nhàng khiến cho trải nghiệm Demon 79 đầy thú vị.
Màu vàng là màu của chết chóc, của quỷ satan, của tận thế. Demon 79 bao phủ một màu vàng đó, nhưng nhờ có Nida và Gaap mà cũng dịu dàng đáng yêu.