Vé máy bay trong nước đắt: Một vạn câu hỏi vì sao?
1. Chuyện gì đang xảy ra?
Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 sắp tới gần, nhưng người dân tỏ ra khá thờ ơ với các tour du lịch hay những lộ trình du lịch nội địa bởi giá vé máy bay rất đắt. Một số chặng bay trong nước còn tốn nhiều tiền hơn những chặng bay trong khu vực Đông Nam Á hay Bắc Á.
Theo khảo sát của Vietcetera vào chiều ngày 9/4, giá vé khứ hồi từ ngày 27/4 tới 1/5 từ Hà Nội hoặc Sài Gòn tới những thành phố du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Phan Thiết, Phú Yên, v.v. đều có giá thấp nhất khoảng trên 3 triệu đồng vào các giờ bay xấu và lên tới trên 5 triệu đồng tùy theo từng giờ bay và hãng bay khác.
Trong khi đó, cũng với số tiền tương tự, người dân có thể mua các tour du lịch giá rẻ đi Thái Lan bằng đường hàng không hoặc đi Trung Quốc qua đường bộ. Điều này khiến cho ngành du lịch trong nước lép vế trước các tour du lịch nước ngoài.
2. Tại sao vé máy bay luôn đắt vào dịp lễ?
Sự gia tăng nhu cầu đi lại vào các dịp nghỉ lễ là nguyên nhân đầu tiên khiến vé máy bay tăng giá. Bên cạnh đó, những dải vé máy bay giá rẻ đã thuộc về những đơn vị lữ hành hoặc những cá nhân chủ động săn vé từ rất sớm, chỉ chừa lại những dải vé máy bay giá cao hơn.
Một lý do khác là tình trạng “lệch đầu” của các chuyến bay: chiều đi đông nhưng chiều về vắng. Chênh lệch trong tỷ lệ lấp đầy khiến các hãng hàng không phải tăng giá vé để bù chi phí.
Ngoài những lý do kể trên và một số vấn đề khách quan, giá vé máy bay dịp nghỉ lễ năm nay đặc biệt đắt hơn các năm trước còn bởi tình trạng thiếu máy bay và những biến động khiến cho Bamboo Airways và Pacific Airlines phải cắt giảm hoạt động.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, số máy bay hoạt động thương mại của 6 hãng bay trong nước vào thời điểm cuối tháng 3 là khoảng 170 chiếc, giảm 40-45 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái.
3. Chuyện gì đã xảy ra với Bamboo Airways và Pacific Airlines?
Mới đây, Bamboo Airways đã tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp và cắt giảm quy mô các đội bay. Trước đây hãng có 28 máy bay, nay chỉ còn 8 chiếc sau khi đã trả máy bay cho đơn vị cho thuê.
Đồng thời, hãng cùng ngừng khai thác toàn bộ chặng bay quốc tế và nhiều chặng bay trong nước, trong đó có đường bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo.
Trong khi đó, mới đây Pacific Airlines thông báo hãng đã trả hết 6 tàu bay Airbus 320 về đơn vị cho thuê để tái cấu trúc. Hiện nay, Pacific Airlines không còn tàu bay và đang tập trung vào thực hiện các dịch vụ mặt đất cho Bamboo Airways.
Nguyên nhân khiến hai hãng này phải cắt giảm đội bay và tái cấu trúc doanh nghiệp là do tình hình làm ăn thua lỗ. Cụ thể, Bamboo Airways đã lỗ sau thuế hơn 17 ngàn tỉ đồng trong năm 2022 và vốn chủ sở hữu âm 836 tỉ đồng. Trước khi cắt giảm đội bay, hãng đã thay phần lớn thành viên trong Hội đồng Quản trị.
Trường hợp của Pacific Airlines là minh chứng cho việc hãng bay không thể vực dậy nổi sau dịch COVID-19. Khi đại dịch ập tới, hãng đã mất đi một trong hai cổ đông lớn nhất của mình, khiến cho 98% cổ phần của hãng rơi vào tay Vietnam Airlines trong năm 2020. Một năm sau, hãng tuyên bố đang ở trong tình trạng tài chính cực kỳ nguy hiểm và kêu gọi tái cấu trúc.
4. Các hãng bay nội địa khác có thiếu máy bay?
Hai hãng bay quen thuộc khác là Vietnam Airlines và Vietjet Air cũng thiếu máy bay do phải bảo dưỡng và sửa chữa động cơ. Đây là nguyên nhân khách quan tới từ nhà sản xuất động cơ.
Cụ thể, vào tháng 9/2023, Nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) thông báo thu hồi động cơ PW1100 để kiểm tra và sửa chữa nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Vì vậy, Vietnam Airlines đã phải đưa 12 máy bay Airbus A321 đi bảo dưỡng.
Một số tàu bay Airbus A321 của Vietjet Air cũng chịu tình cảnh tương tự. Theo Cục Hàng không Việt Nam thì việc thu hồi động cơ “sẽ làm cho các tàu bay trên phải dừng khai thác trong năm 2024 và 2025.”
5. Thiếu máy bay là tình trạng toàn cầu?
Theo Wall Street Journal, thiếu máy bay đang là vấn đề nghiêm trọng của ngành hàng không toàn cầu. Một loạt các sự cố liên quan tới các dòng máy bay Boeing, Airbus xảy ra trong năm 2023 vừa khiến các hãng bay thiếu máy bay vì vấn đề bảo dưỡng, vừa khiến việc sản xuất máy bay mới chậm hơn.
Theo ước tính, việc thu hồi động cơ PW1100 có thể ảnh hưởng đến 600-700 động cơ của nhiều hãng bay trên toàn cầu, tương ứng với hàng ngàn chiếc máy bay không thể hoạt động.
Bên cạnh đó, sự đứt gãy chuỗi cung ứng hậu COVID-19 khiến cho quá trình bảo dưỡng động cơ kéo dài ra tương đối, từ 100-120 ngày lên tới 250-300 ngày. Việc thiếu hụt lao động nhà nghề khiến quá trình sửa chữa và sản xuất máy bay của các đơn vị bảo dưỡng và hãng sản xuất chậm hơn đáng kể.