08 Thg 01, 2021Sáng TạoÂm Nhạc

Công thức tạo "hit": Vì sao chúng ta không ngừng ngân nga hát theo Sếp?

Bạn có biết rằng những ca khúc nhạc pop nổi tiếng nhất thế giới thực ra lại được viết theo cấu trúc rất khoa học và... toán học không?

Mai Trúc Quỳnh
Nguồn: Chang Nguyễn

Nguồn: Chang Nguyễn

Chúng ta có "hit" từ bao giờ?

Khái niệm về "hit" chính thức xuất hiện từ những năm 1950s, khi 2 bảng xếp hạng âm nhạc là UK Singles Chart (1952) và Billboard Hot 100 của Mỹ (1958) ra đời. Để được coi là "hit", 1 bài hát cần phải lọt vào top 40 của bảng xếp hạng và giữ vững vị trí đó trong ít nhất 1 tuần.

9 năm trước, 1 video dài 6 phút đã gây tiếng vang khi liên tục hát lại các bản nhạc nổi tiếng chỉ trên 1 nền nhạc duy nhất gồm 4 thanh âm.

Từ đây, những nhà sản xuất, công ty phát hành gia nhập cuộc đua thương-mại-hoá âm nhạc, với mục tiêu tìm ra cấu trúc cơ bản của những bản nhạc pop thịnh hành nhất.

Năm 2014, Spotify mua lại Echo Nest, 1 start-up sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích âm nhạc. Không chỉ đứng sau thuật toán đưa ra gợi ý danh sách nhạc phù hợp tới từng người dùng, Spotify còn phân loại ra 1 nhóm những người có đôi tai nhạy bén. Đây là nhóm người nghe nhạc đặc biệt nhất, bởi những ca khúc họ chọn nghe sau 1 thời gian sẽ bùng nổ và trở thành “hit".

Ngày nay, 2 nền tảng phát hành âm nhạc lớn nhất thế giới là Spotify và YouTube đều tạo ra bảng xếp hạng của riêng mình mang tên Wrapped và YouTube Trending nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng trên toàn thế giới.

Công thức cho những bản hit

Nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại Học Bristol đã nghiên cứu bảng xếp hạng âm nhạc UK trong 50 năm và cho ra công thức tạo nên 1 bài hit:

Công thức trên chấm-điểm 1 ca khúc dựa trên 23 tiêu chí như: nhịp điệu (tempo), độ sôi động, âm lượng, năng lượng của bài hát, hoà âm…

Những tiêu chí (f) được nhân với “cân nặng" (w) tương ứng trên thang điểm quy định, sau đó cộng 23 kết quả lại cho ra điểm số cuối cùng. Công thức của Score A Hit có độ chính xác lên tới 60% - cao nhất trong số các phương pháp tính toán từng được tạo ra.

Các yếu tố khác ảnh hưởng tới 1 ca khúc như ngân sách quảng cáo, marketing, MV, sức hút của ca sĩ, những yếu tố xã hội, lời nhạc… không được đưa vào. Mặc dù những điều này có vai trò quyết định không nhỏ, nhưng công thức trên được tạo ra để bất kì ai có khả năng sáng tác cũng có thể kiểm chứng độ thành công cho ca khúc của mình.

Ông hoàng thực sự đứng sau các bản hit: Max Martin

Bạn có thể chưa từng nghe về Max Martin, nhưng người đàn ông Thuỵ Điển này là nhà sản xuất ra số lượng bài hit cao nhất mọi thời đại, chỉ sau Elton John và McCartney. Max Martin là người đưa Taylor Swift từ nàng công chúa nhạc đồng quê trở thành nữ hoàng nhạc pop từ album Red (2012) trở đi. Và ông luôn nói rằng “có-cách" để tạo ra 1 bản pop đình đám!

Những người làm việc cùng Max Martin nói rằng Max có đôi tai tuyệt diệu dành cho những ca khúc nhạc pop số 1 thế giới. Ông có khả năng tự sáng tác, tìm ra lỗi trong những ca khúc của người khác và sắp xếp lại bài nhạc như cách bác sĩ sửa chữa 1 cơ thể bệnh tật.

“Những bài nhạc pop hay nhất thực tế là toán học. Chúng đều rất, rất có hệ thống. Đoạn hook (phần nhạc du dương và bắt tai trong bài hát nhưng không phải điệp khúc) phải được đặt ngay ở đầu bài nhằm thu hút người nghe, sau đó áp dụng chiến thuật lặp-lại. Đây là điều cơ bản để tạo hit.”

5 “Nguyên tố" làm nhạc pop của thiên tài Max Martin

Viết nhạc trước, lời sau

Max là 1 người Thuỵ Điển, không biết tiếng Anh và được học nhạc bài bản từ nhỏ. Điều đó làm ông nhận ra rằng có những bài hát mang giai điệu rất hay và thu hút mặc dù người nghe chẳng hiểu nội dung có gì.

Có phải bạn thường nghe nhạc của Sơn Tùng MTP và có cảm giác không thể nghe rõ phần lời ngay trong lần đầu tiên? Đó không phải chiêu thức “câu view” để làm bạn nghe đi nghe lại cho rõ lời hát như thường được đồn đại. Ngày nay, chúng ta không rộng rãi với thời gian của mình đến vậy.

Điều khiến bạn “replay" bài hát là do sự lôi cuốn của giai điệu. Mà Sơn Tùng MTP luôn làm rất thành công điều đó trong các bài hát của mình.

Tính thức thời

Ở bất kì thời đại nào, giới trẻ cũng đóng vai trò định hình và tạo nên xu hướng. Sự tập trung của chúng ta đang dần trở nên ngắn hơn. Chính vì vậy, phần lớn các bài nhạc hit sẽ “” chỉ trong 10s đầu tiên, với đoạn điệp khúc xuất hiện ngay trong 50s đầu.

“Em bỏ hút thuốc chưa?” là ca khúc comeback của Bích Phương vào tháng 5/2020. Lời ca được cất lên vào giây 0:10 của bài hát như 1 cách gây ấn tượng ngay lập tức với chúng ta.

K.I.S.S ME - Keep It Simple, Singable and Memorable

Nghĩa là: đơn giản, dễ hát theo và dễ nhớ.

Câu chữ phải có-vần-điệu để khi cất lên tự nó sẽ có sự du dương. Hiệu ứng này gọi là speech-to-song (từ-lời-nói-tới-âm-nhạc: khi 1 câu nói được lặp đi lặp lại nhiều lần, chúng ta sẽ nghe giống như đang hát hơn là đọc). Đồng thời, áp dụng phản đề (antimetabole) để tạo sự tương phản trong lời bài hát.

Dù thích hay không thích nội dung chủ đề ca khúc mới của Min, thì cứ nghe tên bài hát thôi là giai điệu của nó sẽ chập chờn tự phát lên trong đầu bạn. Phần điệp khúc gãy gọn, lặp đi lặp lại, kể 1 câu chuyện nghe có vẻ “sai sai" và viết theo vần “iêu".

Được vui biết bao nhiêu

Khi có người nuông chiều
(...)
Được vui biết bao nhiêu

Khi có người thấu hiểu

Không phải người yêu mà vui hơn rất nhiều (yah) x3

Rất nhiều x3

Kết hợp hợp âm thứ với hợp âm trưởng để tạo nút thắt bất ngờ

Đây là cách để lấp đầy những bài hát buồn với năng lượng tích cực, đồng thời làm cho bài hát vui phảng phất chiều sâu nội tâm. Nói cách khác, tạo ra 1 bài hát phù hợp với mọi tâm trạng.

Lady Gaga đã chiêu mộ những nhà soạn nhạc “đỉnh của chóp" để tạo nên Stupid Love, 1 ca khúc bắt tai, gây nghiện với phần lời lặp đi lặp lại mà... không mang ý nghĩa gì.

Áp dụng phương-pháp-lặp nhưng không đơn điệu

Chúng ta thích-và-ghét việc nghe 1 đoạn nhạc lặp-đi-lặp-lại. Ghét bởi nó dẫn tới sự đơn điệu và ở lì trong đầu như 1 con “sâu tai” khó chịu.

Nhưng nếu 1 ca khúc có vòng lặp được “bỏ bùa” với những “gia vị” bất ngờ để thưởng thức thì sao? Khi ấy nhà soạn nhạc sẽ có 1 bản hit, bởi họ đã thành công trong việc làm thính giả nghe đi nghe lại mà không-biết-ngán.

Bạn có nhớ trong Rap Viet 2020, Ricky Star vừa cất lên đúng 7 từ “Bắc kim thang! Ô Bắc kim thang!" thì 3 huấn luyện viên (Binz, Wowy, Suboi) ngay lập tức bấm nút chọn? Khi Binz nhận xét Ricky có tố chất của “1 ngôi sao", điều đó được hiểu là “có khả năng tạo hit". Ricky biết cách làm nhạc bài bản, và còn làm rất ấn tượng.

Bắc kim thang! Ô bắc kim thang!

Câu hát cũ nhưng khi nghe lại thì như buộc thắt tim gan

Đóng hết cửatắt hết đèn để nghe chuyện kể dân gian

Bỏ vào lon 1 2 viên kẹo xong rồi mình thắp cây nhang

Công thức tạo hit không dành cho tất cả

Không phải nhạc sĩ nào cũng sáng tác được hit, kể cả đã nắm được “bí kíp" trong tay. Và không phải nhạc sĩ nào cũng cần đi theo đúng khuôn mẫu này mới có thể tạo ra bản nhạc để đời.

Nhóm nhạc huyền thoại Queen và ca khúc Bohemian Rhapsody là 1 ví dụ vượt ra ngoài mọi tưởng tượng. Bohemian Rhapsody có độ dài 6 phút, bao gồm 1 đoạn intro, 1 phân khúc ballad, 1 trường đoạn opera, 1 phần rock và 1 đoạn coda kết thúc.

Âm nhạc đang dần được công-thức-hoá và dữ-liệu-hoá để phục vụ cả người nghe lẫn nhà sản xuất. Nhưng điều đó không đóng khung sự sáng tạo và những thử nghiệm không ngừng của thế hệ mới.

Điều này góp phần khẳng định tính trí-tuệ-cao của nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Trong cuộc chạy đua với trí tuệ nhân tạo, dường như con người tìm thấy được những điều nhân bản và thuộc về mình nhất. Trí tuệ đó cổ xưa và thông thái như câu nói của nhà triết học Hy Lạp Socrates: “Người khôn ngoan là người biết rằng mình chẳng biết gì cả.”


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục