Vì sao chúng ta muốn véo những thứ dễ thương?
Chúng ta luôn thích những gì trông dễ thương. Hẳn là bạn cũng biết cảm giác khi nhìn thấy một thứ đáng yêu đến mức không thể kiềm chế được mong muốn ‘nựng’ nó. Ví dụ như khi gặp em bé, cún hoặc mèo con. Hiện tượng này được gọi là ‘gây hấn dễ thương’ (cute aggression).
Gây hấn dễ thương là gì?
Gây hấn dễ thương (cute aggression) là khi bạn trải qua thôi thúc muốn cắn, véo và bóp những thứ trông quá đáng yêu, ví dụ trẻ sơ sinh hoặc động vật non.
Đây là một dạng ‘biểu hiện lưỡng hình’ (dimorphous expression). Hiểu nôm na, đó là khi những hành động hoặc biểu hiện bên ngoài của bạn không khớp với những gì bạn đang cảm thấy bên trong. Ngoài việc muốn véo những thứ dễ thương, khóc khi cảm thấy hạnh phúc cũng là một dạng ‘biểu hiện lưỡng hình’.
Theo nghiên cứu, cute aggression ảnh hưởng đến chúng ta theo nhiều mức độ. Có người báo cáo rằng chưa bao giờ trải qua sự thôi thúc này, cũng có người rất dễ bị sự dễ thương lấn át.
Khoảng 64% người cho biết họ chỉ thể hiện bằng lời nói như "dễ thương ghê, muốn véo quá đi" và khoảng 74% cho hay họ thật sự làm như vậy.
Nguyên nhân dẫn đến 'gây hấn dễ thương'?
Sự dễ thương là một cơ chế sinh tồn
Em bé hay động vật non không có khả năng tự sống sót. Vì vậy tự nhiên đã cho chúng sự dễ thương như một đặc điểm sinh tồn nhằm khiến người lớn có mong muốn được chăm sóc. Những đặc điểm dễ thương bao gồm đôi mắt to tròn, cặp má phúng phính, cái miệng nhỏ xinh,...
Tuy nhiên chính cơ chế này cũng khiến chúng ta bị quá tải
Trong nghiên cứu của Katherine Stavropoulos (nhà nghiên cứu về tâm lý học thần kinh tại Đại học California), người tham gia được cho xem ảnh của em bé và những loài động vật non (chó, mèo, thỏ, vịt,...) trong khi được đo điện não đồ.
Từ đó, các nhà khoa học đã phát hiện việc nhìn những thứ dễ thương kích hoạt hai vùng của não bộ, mà cụ thể là:
- Hệ thống trao thưởng (reward system): chịu trách nhiệm cho động lực, cảm giác mong muốn và sảng khoái.
- Hệ thống cảm xúc (emotion system): chịu trách nhiệm xử lý những xúc cảm như buồn, vui, giận dữ,...
Hoạt động đồng thời của hai phần não bộ khiến chúng ta cảm thấy bị quá tải. Và các nhà khoa học nghi ngờ đó là lý do tại sao não bắt đầu sản sinh ra những 'suy nghĩ hung hăng' (aggressive thoughts).
Véo là cách mà não bộ xử lý khi bị quá tải để giúp chúng ta bình tĩnh lại
Nghiên cứu cho rằng gây hấn dễ thương là một phản ứng điều chỉnh trong não bộ để bảo vệ chúng ta khi hệ thống trao thưởng bắt đầu mất kiểm soát. Nếu không có cơ chế này, đứa bé có khả năng chết đói bởi bạn sẽ không muốn chăm sóc nó do không chịu nổi sự dễ thương ấy.
Những hành động như nựng, nhéo, bóp giúp chúng ta không bị quá tải trước những cảm xúc tích cực dành cho em bé. Lúc này, sự tiêu cực (hành động gây hấn) sẽ "trung hòa" cảm xúc tích cực khi nó vượt quá khả năng chịu đựng của bạn.
Kết
Cảm giác muốn nựng là một cảm giác tích cực và ấm áp đến từ bản năng muốn chăm sóc của chúng ta. Miễn là bạn đừng quá... mạnh tay khi nựng em bé.
Nhà tâm lý học Oriana của Đại học Clemson cho biết việc nựng thật ra rất hữu ích đối với trẻ con. Bởi nó dạy em bé nhận ra sự khác biệt giữa gây hấn vô hại và gây hấn thật sự - điều sẽ xuất hiện thường xuyên trong cuộc đời của trẻ.