Vì sao EQ quan trọng hơn IQ trong việc thăng tiến?
Ngày nay, EQ (trí tuệ cảm xúc) đã trở thành một trong những tiêu chí quan trọng nhất của việc tuyển dụng và thăng tiến.
Sự cần thiết của EQ đã được nhắc đến từ những năm 2011, khi các nghiên cứu của trang CareerBuilder chỉ ra rằng 75% nhà tuyển dụng quan tâm đến chỉ số EQ hơn IQ. Thậm chí 59% còn nói rằng họ sẽ không nhận ứng cử viên thông minh nhưng có chỉ số EQ thấp.
Thực tế ở Việt Nam hiện nay, EQ đã bắt đầu được đưa vào quy trình tuyển dụng và đề bạt thăng tiến.
Chị Trần Thị Ngọc Thảo, Trưởng bộ phận chiến lược nhân sự của Global Cybersoft, từng cho biết: “Ngày càng nhiều công ty lồng ghép những bài kiểm tra về chỉ số cảm xúc, tính cách khi tuyển dụng bởi kết quả này sẽ phản ánh được ứng viên có phù hợp với công việc hay không thông qua tương tác, cách ứng xử và thái độ của ứng viên.”
Susan Vitale, trưởng phòng Marketing ở iCIMS, cũng giải thích về tầm quan trọng của EQ trong thăng tiến rằng: Việc thăng tiến đồng nghĩa với việc quản lý những người khác. Vì vậy, những kỹ năng như giao tiếp, ra quyết định, quản lý cảm xúc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
1. Hiểu về trí tuệ cảm xúc trong công việc
Trí tuệ cảm xúc (EQ) là chỉ số thể hiện năng lực nhận thức cảm xúc của bản thân và của người khác. Theo nhà tâm lý học Daniel Goleman, các yếu tố hình thành nên EQ là:
Có trí tuệ cảm xúc cao, chúng ta tránh được bẫy của thiên kiến nhận thức. Từ đó việc giao tiếp và ra quyết định được khách quan, hợp lý hơn, giúp quá trình làm việc với người khác hiệu quả hơn.
Cụ thể, Pepsi đã phát hiện các quản lý có EQ cao làm việc năng suất hơn 10% và tăng hiệu suất lợi nhuận lên 1000%. Nhân viên bán hàng có EQ cao của L'Oreal đem đến doanh thu cao hơn 2,5 triệu USD so với người khác.
Lồng ghép nội dung về trí tuệ cảm xúc trong một chương trình phát triển kỹ năng và chuyên môn cho lãnh đạo, FedEx Express phát hiện 72% người tham gia có sự phát triển vượt bậc về kỹ năng ra quyết định, 60% cải thiện được chất lượng sống và 58% nâng tầm được sức ảnh hưởng của mình.
2. Nâng cao trí tuệ cảm xúc trong công việc
Trí tuệ cảm xúc có thể được cải thiện đến 40% dựa trên trải nghiệm sống.
Đầu tiên của quá trình cải thiện này là nhận thức được mức độ phát triển EQ của bản thân. Bạn có thể kiểm tra nhanh EQ trong công việc của mình qua các nguồn sau:
- Test your E.I: Free EQ quiz
- Emotional Intelligence Test
- How Emotionally Intelligent are You? Boosting Your People Skills.
Tiếp đó, bạn có thể bắt đầu tìm cách phát triển EQ dựa trên các khía cạnh của trí tuệ cảm xúc.
Thường xuyên nhận thức cảm xúc của bản thân
Một cách để hiểu được bạn muốn gì là sử dụng ngôn ngữ để mô tả cảm xúc trong khoảnh khắc hiện tại. Việc gọi hay viết ra được tên cảm xúc sẽ giúp bạn kết nối với bản thân tốt hơn.
Trong trường hợp chưa quen với việc gọi tên, bạn có thể liên tưởng cảm xúc này với một điều đem lại cảm giác tương tự. Chẳng hạn, cảm giác như đang xem một trận đá banh với nhịp thi đấu nhanh hay cảm giác như đang nghe một bản giao hưởng nhẹ nhàng, chậm rãi.
Khi đã nhận thức được cảm xúc, bạn có thể tìm hiểu nguyên nhân cho cảm xúc này bằng cách đặt ra các câu hỏi “Tại sao?”, hoặc đối chiếu với các trường hợp đã tạo ra cảm xúc tương tự để thực sự xác định được nguồn gốc của chúng.
Kiểm soát chính mình
Sau khi đã hiểu cảm xúc của bản thân và lý do, điều tiếp theo cần làm là điều hướng cho phù hợp.
Chẳng hạn bạn xác định được mình nổi giận là vì có cảm giác bất lực, không kiểm soát được quy trình làm việc của nhóm, chứ không phải vì một thành viên đã quên không báo cáo công việc, thì điều trước tiên cần làm là không chỉ trích và đổ tội lỗi lên đầu nhân vật kia. Sau đó, từ từ xác định vì đâu mình lại không kiểm soát được và tìm ra cách giải quyết.
Để tránh ra các nhận định và quyết định thiếu chính xác, bạn sẽ cần lập tức ngừng lại khi có cảm giác không thoải mái và xác định xem cảm xúc đó là gì, cũng như nguyên nhân. Luyện tập điều này thường xuyên sẽ tạo cho bạn thói quen suy nghĩ kỹ trước khi hành động.
Thấu cảm với người khác
Thấu cảm chính là khả năng kết nối được với cảm xúc của người đối diện để thực sự thấy được góc nhìn và lý do cho những hành động của họ.
Trong quá trình giao tiếp, hãy sử dụng phương pháp “phản chiếu" thay vì “phản ánh". Cụ thể là không đưa góc nhìn của mình vào mà hướng dẫn đối phương mở rộng góc nhìn, cởi mở với việc bộc lộ và đánh giá bản thân để nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh. Từ đó, cho họ cơ hội được lựa chọn cách giải quyết vấn đề.
Bạn có thể tham khảo cách phát triển kỹ năng “phản chiếu” khi feedback trong bài viết “Feedback chỉ thực sự hiệu quả khi là cuộc đối thoại hai chiều” của Vietcetera.
Cải thiện kỹ năng xã hội
Kỹ năng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trí tuệ cảm xúc. Đây là khả năng kết hợp kỹ năng giao tiếp như lắng nghe, ngôn ngữ cơ thể và quản lý cảm xúc để giải quyết tình huống và xây dựng, duy trì mối quan hệ.
Trong trường hợp xung đột xảy ra, hãy luôn đảm bảo giúp các bên ghi nhớ việc:
- Tìm ra cốt lõi vấn đề là điều quan trọng nhất cần tập trung.
- Không để các hiềm khích cá nhân xen vào.
- Cởi mở trước ý tưởng mới và ưu tiên tính hiệu quả của các cách giải quyết.
Làm việc với động lực nội tại
Trong quá trình làm việc, hãy tập trung vào khía cạnh bạn hứng thú nhất và tìm cảm hứng từ nó. Khi ấy, bạn sẽ dám dấn thân vào những thử thách khác nhau và học hỏi được nhiều nhất từ các trải nghiệm.
Song song đó, hãy giúp phát triển khả năng này cho cả đồng nghiệp và cả tập thể sẽ cùng có thể vươn tới những thành tựu cao nhất trong khả năng của mình.