Vì sao ngân hàng số Tyme chọn Việt Nam là nơi đặt trung tâm công nghệ?

Minh Lê, Giám đốc Điều hành (General Director) của Tyme Việt Nam, nói về sự phát triển của ngân hàng số và sự dồi dào nhân tài công nghệ ở Việt Nam.
Hiezle Bual
Minh Lê - Giám đốc Điều hành (General Director) của Tyme Việt Nam | Nguồn: Rita Hạ Vũ cho Vietcetera

Minh Lê - Giám đốc Điều hành (General Director) của Tyme Việt Nam | Nguồn: Rita Hạ Vũ cho Vietcetera

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators” bản tiếng Anh tại: Vietcetera Podcast | Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators (Tiếng Việt)” tại: Podcast Vietcetera | Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Ngân hàng số (digital banking) là hình thức số hoá tất cả các dịch vụ và hoạt động của ngân hàng truyền thống, cho phép khách hàng thực hiện giao dịch và các dịch vụ tiện ích khác mọi lúc, mọi nơi trên nền tảng số mà không cần đến văn phòng giao dịch.

Ngân hàng số thường bị nhầm lẫn với khái niệm ngân hàng điện tử (online banking). Ngân hàng điện tử chỉ cho phép người dùng thực hiện các giao dịch cơ bản, vốn là tính năng cốt lõi của ngân hàng. Nói cách khác, ngân hàng điện tử chỉ là một dịch vụ tiện ích của ngân hàng truyền thống. Trong khi đó, ngân hàng số là một hệ thống ngân hàng hoàn chỉnh, bao gồm tất cả các tính năng và hoạt động của một ngân hàng thông thường.

Trong tập Vietnam Innovators lần này, host Hảo Trần trò chuyện với anh Minh Lê, Giám đốc Điều hành (General Director) của Tyme Việt Nam, thuộc tập đoàn Tyme - một trong những tập đoàn phát triển ngân hàng số nhanh nhất thế giới. Anh Minh chia sẻ lý do đặt Tech Hub – Trung tâm phát triển công nghệ và sản phẩm của Tyme tại Việt Nam và sự khác biệt trong quản lý nhân sự giữa Tyme với các công ty công nghệ tài chính khác.

Khi anh Minh vừa gia nhập, Tyme Việt Nam lúc đó chỉ có vỏn vẹn 130 nhân viên. Sau hơn một năm, quy mô nhân sự của Tech Hub đã tăng trưởng hơn gấp đôi, đến khoảng 270 người. Đội ngũ Tyme Việt Nam có chuyên môn cao về sử dụng công nghệ điện toán đám mây như Amazon Web Services (AWS), xây dựng kiến trúc dịch vụ vi mô (microservices), hệ thống lõi ngân hàng dựa trên điện toán đám mây (Cloud Core banking), hoạt động ngân hàng xuyên biên giới, am hiểu và có khả năng quản lý dự án theo mô hình Scrum (một quy trình phát triển phần mềm theo phương pháp Agile, giúp loại bỏ những công đoạn phức tạp và chỉ tập trung vào những phần cần thiết đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.).

Năm 2018 ở Việt Nam, Tyme Group đã mua lại Tech Hub, vốn thuộc sở hữu của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA), và cho ra đời Tyme Việt Nam - trung tâm phát triển công nghệ và sản phẩm thuộc tập đoàn phát triển hệ thống ngân hàng số đa quốc gia Tyme. Một năm sau đó, Tyme Group cùng Tyme Việt Nam đã cho ra mắt Ngân hàng số TymeBank tại Nam Phi. Anh Minh nhấn mạnh hai lý do Tyme chọn Việt Nam là nơi đặt Trung tâm phát triển công nghệ và sản phẩm (Tech Hub):

  • Nguồn tài nguyên công nghệ cao và nhân lực sẵn có: Theo anh Minh, “(Khi Tyme mua lại Tech Hub ở Việt Nam vào năm 2018), chúng tôi đã có sẵn một nền tảng vững chắc về công nghệ và nhân lực có kiến thức chuyên môn về ngân hàng. Nhờ đó, chúng tôi có thể dễ dàng đưa sản phẩm của mình vào hệ thống và tiếp tục phát triển lên.” Khi xây dựng một đội ngũ toàn cầu, Tyme ưu tiên lựa chọn những thành viên đã có kinh nghiệm để triển khai sản phẩm một cách nhanh chóng nhất.
  • Tài năng: "Đội ngũ của chúng tôi rất tài năng" – Anh Minh tự hào khẳng định Tyme Việt Nam đã giải quyết được rất nhiều vấn đề chông gai. Ông cũng tự tin rằng trong tương lai, đội ngũ của mình có thể thành công đương đầu nhiều vấn đề thách thức hơn nữa.

Sau thành công ở thị trường Nam Phi với hơn 5 triệu người dùng, Tyme sẽ ra mắt Ngân hàng GOTyme tại Philippines trong năm nay. GOTyme là một ngân hàng số hợp tác với JG Summit Group, một tập đoàn đa ngành hàng đầu Philippines. Theo anh Minh, việc mở rộng này đã chứng minh tính hiệu quả và năng suất của đội ngũ Tyme Việt Nam trong thiết kế, xây dựng và vận hành hệ sinh thái ngân hàng số toàn cầu.

Là một tập đoàn phát triển chuỗi ngân hàng số, Tyme luôn cố gắng vượt trội trong mô hình kinh doanh và văn hóa làm việc của mình. Khi được hỏi Tyme Việt Nam có gì khác biệt với các công ty Fintech khác, anh Minh giải thích: “Khi nhìn vào các công ty Fintech, tôi thấy sự tồn tại của hai đầu cực. Một đầu là các công ty khởi nghiệp muốn hiện thực hoá lý tưởng của mình, và đầu cực còn lại các ngân hàng truyền thống muốn số hóa. Chúng tôi nằm ở đâu đó ở giữa.”

Ngoài ra, những yếu tố khác có thể kể đến:

  • Văn hóa: Đội ngũ Tyme Việt Nam định nghĩa văn hóa công ty là: “Hãy trao dồi những gì bạn đã học được và phát triển nó cùng với doanh nghiệp”.
  • Phát triển theo chiều ngang: Chúng tôi không chỉ mở rộng ở một thị trường (phát triển theo chiều dọc) mà là nhiều thị trường (phát triển theo chiều ngang). Thiết kế kiến trúc nền tảng ngân hàng vận hành đa quốc gia của chúng tôi vì vậy cho phép mở rộng theo chiều ngang.
  • Quy định nghiêm ngặt: Không giống như các công ty Fintech khác, Tyme là một ngân hàng và phải tuân thủ các quy định ngân hàng ở mỗi quốc gia mà Tyme hoạt động. Xây dựng một chiến lược để điều hướng và tùy chỉnh theo quy định ở mỗi nơi là một thách thức thú vị.

Ngoài ra, các nhà developer (nhà phát triển) của Tyme có thể phát triển năng lực và thăng tiến trong sự nghiệp và từ đó mang lại sản phẩm cho nhiều thị trường hơn. “Ví dụ như ở Tyme Việt Nam, khi xây dựng một sản phẩm cho vay, bạn phải đảm bảo rằng sản phẩm này có thể hoạt động ở nhiều khu vực, quốc gia khác nhau như Nam Phi và Philippines. Quá trình này đòi hỏi người xây dựng sản phẩm phải liên tục cập nhật, học hỏi công nghệ mới và tìm giải pháp thích nghi với từng thị trường khác nhau. Chính vì vậy mà năng lực của bạn sẽ tự động được nâng cao.”

Đối với anh Minh, một sản phẩm sử dụng công nghệ tiên tiến nhất và được nhiều khách hàng sử dụng là chuyện đáng mừng. Tuy nhiên, với ngân hàng thì quan trọng nhất là sản phẩm phải đáng tin cậy và sử dụng mượt mà, dễ dàng. “Nếu sản phẩm ngân hàng của bạn không đáng tin cậy và không mang lại trải nghiệm người dùng tuyệt vời, khách hàng sẽ tự động rời bỏ bạn.”

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Chuyển ngữ bởi Bích Trâm


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục