Việt Kiều: Người dẫn đầu hay kẻ quá giang?

”Những người mang danh Việt kiều về nước như tôi, là người dẫn đầu xu hướng hay chỉ là những kẻ quá giang sự đi lên của đất nước?”

Minh Do
Việt Kiều: Người dẫn đầu hay kẻ quá giang?

Việt Kiều: Người dẫn đầu hay kẻ quá giang?

Là một Việt kiều sinh sống và làm việc ở Việt Nam đã được tám năm, tôi luôn tự đặt cho mình một câu hỏi: ”Những người mang danh Việt kiều về nước như tôi, là người dẫn đầu xu hướng hay chỉ là những kẻ quá giang sự đi lên của đất nước?”

Năm 2015, Việt Nam đón lượng kiều hối 12,25 tỉ Đô, tương đương 6% trong tổng số 193,6 tỉ Đô GDP của Việt Nam cùng năm và hơn một nửa số tiền đầu tư nước ngoài Việt Nam nhận được trong năm đó, tức 23 tỉ Đô.

Nhưng đằng sau những con số kia, ta phải nhớ rằng đất nước này được thổi lửa bởi chính những doanh nhân Việt Nam. Bàn rộng ra về sự phát triển của nền kinh tế nước nhà, không thể không kể đến sự nỗ lực và đóng góp không nhỏ của các nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam như Vietjet Air, Vinamilk, MobileWorld, VNG hay Galaxy. Nhìn qua trang bìa những ấn bản mới nhất của Forbes Việt Nam, bạn sẽ có dịp điểm qua những gương mặt tiêu biểu trong việc xây dựng doanh nghiệp trong thời đại mới, có người đã là doanh nhân tên tuổi, cũng có người là tên tuổi trẻ đầy tiềm năng, nhưng tất cả đều là người Việt Nam. Nhìn chung, mặc dù nền kinh tế vĩ mô nước ta còn non kém ở một số lĩnh vực thì nó vẫn là sân chơi rộng lớn cho cả hàng ngũ doanh nhân nòng cốt lẫn các cá nhân trẻ khao khát khởi nghiệp.

Vậy trong số đó, có hay không những gương mặt Việt kiều từ các quốc gia như Mỹ, Pháp, Canada hay Đức trở về?

Dĩ nhiên là có! Bởi dễ thấy có rất nhiều ví dụ về doanh nghiệp của Việt kiều xa quê những vẫn đóng góp cho nền kinh tế nước nhà, ví dụ như Misfit Wearables, Global Cyberagent, Pyramid Software, KMS. Với họ, Việt Nam là một trong những nguồn thuê ngoài lý tưởng. Thêm vào đó, cũng không thiếu hình ảnh những Việt kiều mang đất nước hội nhập vào bối cảnh toàn cầu hóa. Có thể kể đến là nhà đầu tư của IDG Ventures, Henry Nguyễn, người đã mang các thương hiệu lớn về Việt Nam, trong đó có McDonald’s hay Johnny Trí NguyễnDustin Nguyễn, những diễn viên Việt kiều đã và đang làm giàu cho ngành công nghiệp giải trí nước nhà.

Những ví dụ trên để chứng minh rằng Việt kiều về nước và thành công không phải là trường hợp hiếm. Đó là chưa kể, chính Việt kiều mới thật sự là người khuấy động cuộc chơi trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ và giải trí. Có thể môi trường nước ngoài không cho họ nhiều cơ hội để thể hiện tài năng, nhưng ở Việt Nam, họ hoàn toàn có thể trở thành những kẻ dẫn đầu xu hướng, những nhân tố đột phá ở rất nhiều lĩnh vực.

Một lời nhắc nhở

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, trái với lĩnh vực giải trí và công nghệ, trong các lĩnh vực như bất động sản, nông nghiệp, xây dựng hoặc bán lẻ, Việt kiều lại thiệt thòi hơn so với những người sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Bởi lẽ họ không thể nào nắm bắt được thị trường và khách hàng Việt Nam khi vừa mới chỉ trở về và hòa nhập vào cuộc sống ở đây trong một thời gian ngắn. Thêm vào đó, ở một nước phát triển nhanh như Việt Nam, các yếu tố chính trị, văn hoá và xã hội cũng thay đổi nhanh chóng mặt. Tuy môi trường làm trong nước bây giờ có cởi mở hơn, nhân viên được đào tạo bài bản và sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính để giao tiếp thì kinh doanh ở Việt Nam vẫn đầy rẫy những cạm bẫy và mưu mẹo mà Việt kiều, hay ngay cả người bản xứ cũng không thể lường trước được.

Đó là chưa kể mức độ “thuần Việt” và dễ thích nghi của mỗi Việt kiều là vô cùng khác nhau. Việt kiều thì cũng chỉ “thuần Việt” ở dăm ba cấp độ: có người nói tiếng Việt lưu loát như dân bản địa thì cũng có người nhìn vào không thể phân biệt được đâu là Tây, đâu là ta, có người 50% “thuần Việt” thì cũng có người chỉ có 4% “thuần Việt”. Nhưng không phải vì thế mà Việt kiều được châm chước nếu có lỡ mắc lỗi trong cách hành xử và giao tiếp, vì trong mắt người dân ở đây, suy cho cùng Việt kiều vẫn là người Việt Nam, chứ không phải người ngoại quốc.

Nói tóm lại, sân chơi Việt chỉ dành cho người Việt.

Vậy, Việt kiều là người dẫn đầu hay chỉ là người quá giang?

Câu trả lời của tôi đó là: 90% Việt kiều là người quá giang và chỉ khoảng 10% còn lại mới thật sự là người dẫn đầu và tạo nên xu hướng. Có thể họ giỏi thật, cũng có thể là họ gặp may mắn khi có trong tay những mối quan hệ rộng lớn. Vì thế nên sự phân biệt giữa Việt kiều và người bản địa từ lâu vẫn luôn là một đề tài xã hội không có hồi kết.

Việt Nam đang phát triển, đang tự viết nên một trang sử mới mà ở đó, người ta không hy vọng Việt kiều làm được gì cho đất nước, mà họ chỉ muốn thấy Việt kiều trở về và sinh sống như một người con nước Việt thực thụ. Vậy nên, nếu có bao giờ bạn và tôi, những Việt kiều hồi hương có tự hỏi mình, thì câu hỏi nên là: liệu chúng ta có thích nghi được không? chúng ta đã đủ khiêm nhường chưa? Và liệu, khả năng giao tiếp của chúng ta đã đủ mạnh để phòng vệ và vượt qua các thách thức ngày trở về rồi chứ?

Bài viết được dịch bởi Minh Nguyen.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục