Viet Nam Week: Khi văn hoá và nghệ thuật Việt cất tiếng trên đất Mỹ
Diễn ra lần đầu tiên từ 29/10 - 5/11 tại Washington DC (Mỹ), Viet Nam Week với những phương tiện biểu đạt của nghệ thuật và văn hóa Việt là cơ hội để mang tới cái nhìn mới và truyền cảm hứng cho công chúng. Đó là khát vọng của Vietnam Society và cả cộng đồng Việt Nam tại Mỹ lẫn khán giả quốc tế.
Từng sống và làm việc tại Việt Nam gần 30 năm, có một tình yêu lớn với văn hóa truyền thống và nghệ thuật Việt Nam, cặp vợ chồng nhà sáng lập (Phương “Erin” Steinhauer và Peter Steinhauer) đã biến giấc mơ của họ thành hiện thực.
Mong muốn của họ là giới thiệu văn hóa, nghệ thuật Việt dưới những hình thức tinh túy, thuần khiết nhất và lan tỏa chúng đến với một cộng đồng lớn hơn tại Mỹ. Họ cũng tin rằng, sức mạnh siêu việt của văn hóa và nghệ thuật sẽ góp phần lấp đầy những khoảng trống.
Đồng thời, nó cũng vượt qua các ranh giới chính trị, giúp mọi người kết nối và tôn vinh những sáng tạo nguyên bản của những nghệ sĩ đương đại. Đặc biệt là những tên tuổi tìm các hướng đi mới để biểu đạt tinh thần tự do của họ. Có mặt trực tiếp tại Mỹ để tham dự sự kiện này, tôi đã có nhiều hơn những góc nhìn mới về văn hoá nghệ thuật Việt Nam đương đại.
Khái niệm “về nhà” của nhà văn Nguyễn Thanh Việt
Trước sự kiện khai mạc tối 29/10, một cuộc trò chuyện giữa cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius và nhà văn gốc Việt Nguyễn Thanh Việt với những chủ đề sâu sắc đã diễn ra tại bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Sackler Freer.
Nhà văn đoạt giải Pulitzer đã có những chia sẻ thẳng thắn và sâu sắc về các chủ đề như sự dịch chuyển, trôi dạt và ký ức, thân phận của những người Việt từ quá khứ cho đến hiện tại. Ông cũng nói đến căn tính và chấn thương của họ, khát vọng gìn giữ ngôn ngữ và khái niệm “Nhà” theo cách nhìn mới mẻ của ông.
Đối với nhà văn Nguyễn Thanh Việt, chủ đề “Nhà” chứa đầy những yếu tố cực đoan. Nó vừa thô ráp vừa trực diện, vừa tích cực vừa tiêu cực, vừa tràn đầy tình yêu thương nhưng cũng không thiếu những yếu tố lạm dụng và bạo hành. Đặc biệt là khi bàn đến các vấn đề liên quan như chấn thương tinh thần của người Việt tị nạn.
Chủ đề “Nhà” trong tác phẩm và cuộc đối thoại của ông không dễ để đồng cảm tức thì, vì hơi phức tạp. Nhưng theo ông, chính sự phức tạp này đã gắn kết mọi thứ lại với nhau.
Những chủ đề này đã từng được ông thể hiện trong các tác phẩm văn chương gây tiếng vang của mình, và được mở rộng qua cuộc đối thoại với cái nhìn đầy sắc sảo của ông. Đặc biệt là khi đề cập đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong quá khứ, hiện tại qua cuộc trò chuyện với cựu đại sứ Ted Osius.
Cuộc trò chuyện với khán giả cũng diễn ra sôi nổi với rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Ví dụ như những khuôn mẫu của người Việt hay cách “cuộc chiến” được mô tả ở văn học, phim ảnh và văn hóa đại chúng.
Nguyễn Thanh Việt từng chỉ trích nhiều bộ phim Hollywood đã “bóp méo” hoặc đưa ra hình ảnh phiến diện về người Việt Nam trong các bộ phim của họ. Như là bộ phim Da 5 Bloods (2020) của đạo diễn da màu Spike Lee từng quay tại Việt Nam gần đây.
“Vậy khi bắt đầu gia nhập vào Hollywood, đặc biệt là khi tiểu thuyết The Sympathizer của anh sắp được Hollywood chuyển thể thành series truyền hình phát trên HBO, liệu hình ảnh và “căn tính” của người Việt có được thay đổi và cải thiện?” - Đó là câu hỏi mà Trần Dân Chí, sinh viên năm 3 đang học truyền thông và điện ảnh tại trường đại học New York nhiều lần giơ cánh tay lên để muốn đặt câu hỏi cho nhà văn Nguyễn Thanh Việt, nhưng không được chọn.
Sau buổi thảo luận, trò chuyện với người viết, chàng sinh viên trẻ này bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho nhà văn Nguyễn Thanh Việt, trước những chủ đề mới mẻ và sâu sắc mà ông đưa ra.
“Nhà văn luôn nỗ lực để tạo ra sự đại diện cho người Việt hiện tại, đặc biệt là những người Việt đang sống tại Mỹ với những câu chuyện và vấn đề của họ. Điều tôi ngưỡng mộ và yêu thích ở tác phẩm của nhà văn là ông luôn muốn đại diện cho sự thật và muốn xây dựng những nhân vật người Việt thực sự bằng xương bằng thịt, có tâm hồn chứ không phải qua tưởng tượng và mô tả của người Mỹ” – Chí chia sẻ.
Những góc nhìn mới từ ba bộ phim Việt đương đại
Ba bộ phim Việt đương đại cũng được tuyển chọn khá gắt gao từ danh sách 10 bộ phim, được người viết tuyển lựa trong hơn 10 năm qua, để trình chiếu tới cộng đồng khán giả Việt Nam tại Mỹ, cũng như khán giả quốc tế.
Tối 29/10, sau lễ khai mạc, bộ phim mới ra mắt năm 2022 Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã có buổi chiếu đầu tiên trên đất Mỹ, với đông đảo khán giả tham gia.
Khác với phản ứng trái chiều của khán giả Việt Nam, bộ phim tiểu sử hư cấu về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những nàng thơ của ông nhận được sự ủng hộ khá nồng nhiệt của khán giả tại Mỹ.
Có lẽ cảm xúc “xa nhà” (với khán giả gốc Việt) cộng với những khác biệt về văn hóa khiến khán giả tại Mỹ không quá chú tâm vào “sự thật” hay “hư cấu,” trong một tác phẩm điện ảnh về chân dung của một nhạc sĩ nổi tiếng.
Nhiều khán giả cả người Việt và người Mỹ sau buổi chiếu đã đến gặp và trò chuyện với đạo diễn. Một nữ khán giả lớn tuổi người Mỹ cho rằng đây là lần đầu tiên bà được xem một bộ phim nói về chiến tranh Việt Nam, nhưng lại được kể qua những lát cắt trong cuộc đời của một người nhạc sĩ và những nàng thơ của ông.
Tuần lễ phim còn tiếp nối với 2 bộ phim độc lập thành công, gây tiếng vang trong vài năm qua, là phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương của đạo diễn Hà Lệ Diễm và Ròm của Trần Dũng Thanh Huy.
Những đứa trẻ trong sương (Children of the Mist) là bộ phim tài liệu theo phong cách Varan của nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm. Tác phẩm đã nhận được hàng loạt đánh giá tích cực của các cây bút phê bình quốc tế và tham gia nhiều LHP tài liệu lớn trên thế giới.
Hà Lệ Diễm đã giành được giải thưởng quan trọng đầu tiên là giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại IDFA (International Documentary Film Festival Amsterdam) năm 2021, đồng thời được tờ báo chuyên điện ảnh Variety đánh giá là “phi thường”.
Bộ phim là cuộc hành trình cảm động và đầy thử thách của Di, một cô gái 14 tuổi người H’Mong phải đối mặt, nhất là những phong tục cổ xưa lẫn giá trị hiện đại của người dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Hành trình của Di khi chống lại “tục bắt vợ” của người H’Mong vào dịp Tết Nguyên đán được mô tả trong bộ phim đầy mới mẻ. Nó cho thấy cô gái mới lớn này vừa bướng bỉnh vừa có tư duy độc lập, không muốn biến mình trở thành một nạn nhân của hủ tục.
Trong khi đó Ròm (2019) - bộ phim từng thắng giải cao nhất của hạng mục New Currents tại LHP Busan 2019 và thắng lớn tại phòng vé Việt Nam là bước đột phá của dòng phim độc lập. Tác phẩm đã chinh phục được đông đảo khán giả đại chúng, cho dù gây ra sự chia rẽ trong nhận định của họ.
Bộ phim được thực hiện trong 7 năm với năng lượng mạnh mẽ của tinh thần độc lập và tuổi trẻ. Qua những góc máy sáng tạo và cách nắm bắt hiện thực, Ròm đã mang đến một hình ảnh Việt Nam đầy mới mẻ, nhất là khi mô tả cuộc sống khó khăn và đầy thử thách của những đứa trẻ bán vé dò tại một khu ổ chuột ở Sài Gòn.
Để những tác phẩm nghệ thuật Việt Nam được đi xa hơn
Những cuộc đối thoại thẳng thắn về văn chương, những bộ phim đương đại gây tiếng vang, hay những cuộc trình diễn về lễ cưới truyền thống Việt Nam, và phô bày ẩm thực của đầu bếp người gốc Việt nổi tiếng Kevin Tien… đã diễn ra liên tục trong dịp cuối tuần của hai tuần liên tiếp ở Washington DC.
Chuỗi sự kiện thực sự mở ra một cây cầu mới để văn hóa và nghệ thuật Việt Nam được “lên tiếng” và truyền cảm hứng cho khán giả, về một Việt Nam mới. Đồng thời, cũng góp phần xóa nhòa những “khoảng trống” của văn hóa Việt Nam tại Mỹ.
Không chỉ thế, sự kiện này cũng mở ra nhiều cơ hội cho những tác phẩm nghệ thuật đương đại có sức lan tỏa cao. Những tác phẩm điện ảnh như vậy sẽ được tiếp cận với khán giả Mỹ gốc Việt hoặc khán giả nước ngoài trong những năm tiếp theo.
Và biết đâu, sẽ có nhiều hơn cơ hội quảng bá hay đầu tư cho những tài năng trẻ của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Để từ đó đưa tác phẩm của họ đi xa hơn, bắt đầu từ Viet Nam Week, qua những cuộc gặp gỡ, thảo luận sôi nổi bên lề sự kiện như thế này.