#WFHTips: Burnout khi làm việc tại nhà, bạn đã biết cách giải quyết?
Các tỉnh thành khắp Việt Nam đã bắt đầu giãn cách ly xã hội từ 23/4. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều công ty cho nhân viên làm việc tại nhà để chờ tín hiệu chắc chắn hơn về dịch bệnh.
Ngoài ra, một vài dự đoán về sự thay đổi trong việc vận hành công việc để đảm bảo an toàn như:
- Chia ca làm việc trong các khung giờ khác nhau
- Chia nhóm làm việc ở các địa điểm khác nhau, nhóm làm tại nhà, nhóm làm tại công ty
- …
Cũng sẽ ảnh hưởng đến năng suất của bạn.
Đặt ra ranh giới giữa công việc và đời sống là vấn đề khó khăn trong khoảng thời gian này. Cụ thể là việc giữ vững năng lượng khi có sự đang xen, chồng lấp giữa các hoạt động công việc và cá nhân.
Vậy làm cách nào để những nhân viên công sở có thể tránh được tình trạng hết năng lượng (còn gọi là hội chứng burnout) trong thời điểm này? Và các quản lý có thể hỗ trợ như thế nào?
Duy trì những hoạt động chuyển tiếp
Theo Blake Ashforth, nhà nghiên cứu thuộc Đại Học Bang Arizona:
Thực hiện “các hành động chuyển đổi” là cách giúp bạn phân chia giữa công việc và đời sống cá nhân.
Ví dụ, bạn mặc bộ phục trang để đi làm, và bắt xe từ nhà đến công ty – đó là những hành động chỉ ra rằng vừa có sự thay đổi. Bạn vừa chuyển bản thân từ trạng thái “ở nhà” sang “đi làm”.
Vì thế, hãy cố duy trì những ranh giới này ngay cả khi làm việc tại nhà. Hãy luôn mặc một bộ đồ chỉn chu vào mỗi buổi sáng. Việc bắt đầu mỗi buổi sáng bằng việc tản bộ quanh khu nhà trước khi ngồi xuống làm việc cũng là một cách hữu hiệu.
Đặt ra những quy định về giờ giấc
Duy trì giờ giấc là việc thiết yếu để giữ vững sức khỏe và sự tập trung vào công việc. Điều này lại càng đúng hơn khi các nhân viên giờ sẽ phải đối mặt với những thách thức từ việc chăm sóc gia đình trong giờ làm việc.
Bám sát lịch trình thông thường nhiều khi là không thể, nhưng:
Hãy tìm ra quỹ giờ làm phù hợp nhất cho bản thân. Song song đó, nắm bắt thời gian làm việc khác biệt của các đồng nghiệp. Từ đó, bạn có thể tạo ra những “khoảng nghỉ” để tập trung cho các việc cá nhân.
Một cách khác là báo trước cho mọi người rằng mình sẽ chậm hơn một chút trong việc hồi đáp để giảm sự nóng lòng của họ.
Việc tạo ra một quy định thời gian rõ ràng thường phải phụ thuộc vào khả năng phối hợp cùng nhau giữa mọi người. Điều này đòi hỏi các bậc quản lý phải giúp đỡ nhân viên của mình trong việc xây dựng, quản lý và điều phối nhịp làm việc. Điều này có thể được thực hiện bằng cách thường xuyên tổ chức các buổi họp bàn với nhân viên, hoặc cho họ một không gian làm việc ảo.
Tập trung vào các công việc quan trọng
Đây không phải khoảng thời gian để bạn làm bù đầu. Bạn nên tập trung năng lượng cho các vấn đề có tính ưu tiên cao nhất.
Khi làm tại nhà, nhân viên có thể cảm thấy buộc phải duy trì hiệu năng công việc, và điều đó dẫn đến việc họ sẽ chọn làm những công việc ngắn hạn trước những công việc quan trọng. Theo nhiều nghiên cứu, điều này sẽ làm giảm năng suất công việc dài hạn, ngay cả khi nó tăng một chút hiệu năng tức thời.
Làm việc mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi đó là các công việc quan trọng, cũng không tốt chút nào.
Theo ước lượng một nhân viên bình thường chỉ đạt hiệu năng tối đa trong khoảng 3 giờ mỗi ngày, khi hoàn toàn không có sự gián đoạn hay làm nhiều việc cùng lúc.
Vì thế hãy dành ra một khoảng thời gian chỉ riêng để tập trung hoàn thành công việc. Phần còn lại trong ngày là cho các hoạt động đời sống.
Kết
Thực tế, không chỉ khi làm việc tại nhà bạn mới dễ dàng hết năng lượng. Về mặt dài hạn, việc cố nhồi nhét công việc hay trả lời email vào bất cứ khi nào có thể, ngay cả khi đó chỉ là một hai phút đồng hồ – trong giờ nghỉ trưa, cuối tuần, hay khi đang xem phim – không chỉ phản hiệu năng, mà còn gây ảnh hưởng xấu đến đời sống tinh thần. Hãy cho phép bản thân và người khác được nghỉ ngơi.
Trên đây chỉ là một vài lời khuyên có thể giúp các bạn duy trì được ranh giới giữa đời sống công việc và cá nhân, từ đó tránh được tình trạng hết năng lượng khi làm việc dài hạn. Trong thời kỳ phức tạp như hiện tại, hãy linh động thử nghiệm nhiều cách để tìm ra phương pháp phù hợp nhất với bản thân.
Bài viết được chuyển ngữ bởi Anh Vũ, từ bài viết của Laura M. Giurge và Vanessa K. Bohns đăng trên Harvard Business Review.