Xavier Dolan: Quẳng triết lý đi mà sáng tạo
Xavier Dolan có thể là cái tên xa lạ đối với những khán giả đại chúng, nhưng là thần đồng điện ảnh trong giới làm phim arthouse (nghệ thuật.) Những tác phẩm của anh như I Killed My Mother, Tom At The Farm, Mommy… đều được giới phê bình đánh giá cao.
Từ năm lên 6, Xavier đã trở thành diễn viên nhí nổi tiếng tại Canada. 9 tuổi, anh bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tiên. 19 tuổi, Xavier thực hiện phim dài đầu tay. 20 tuổi, anh đến thẳng Cannes, được ưu ái gọi là thần đồng điện ảnh. Ở tuổi 25, Xavier sở hữu 5 tác phẩm điện ảnh được giới phê bình yêu thích. Bây giờ, ở tuổi 34, anh trở thành chủ tịch Hội đồng của hạng mục Un Certain Regard (Một góc nhìn khác) tại Cannes.
Dolan nổi tiếng với cả tài năng diễn xuất lẫn đạo diễn nhưng anh luôn gọi mình là diễn viên đầu tiên. Diễn xuất giúp anh cảm thấy được sự giải phóng. Trong khi đó, vai trò đạo diễn giúp Dolan hấp thụ mọi thứ: sai lầm, bài học, trách nhiệm, kỳ vọng.
Nhưng làm sao một đứa trẻ nổi loạn; một người đồng tính từng bị bắt nạt ở trường nội trú; một nhà làm phim không qua trường lớp lại được phong thành đồng điện ảnh với những tác phẩm xuất sắc?
Thần đồng không triết lý
Năm 8 tuổi, Dolan được mẹ cho xem Titanic. Anh lập tức mê tác phẩm của James Cameron như điếu đổ. Anh viết thư tay cho Leonardo DiCaprio để bày tỏ lòng mến mộ. Anh chia sẻ rằng Kate Winslet, bằng một cách nào đó, đã thay đổi cuộc đời anh. Titanic đưa anh đến với giấc mơ điện ảnh bằng việc viết những truyện ngắn đầu tiên, vẽ hàng trăm bộ trang phục và bối cảnh…
Dolan viết kịch bản bộ phim đầu tay (I Killed My Mother) năm 17 tuổi, "chiến đấu" để làm phim ở tuổi 18. Năm 19 tuổi, Dolan bắt tay vào thực hiện và khi vừa bước sang tuổi 20, anh hoàn thành tác phẩm đầu tay của mình. Chỉ 5 năm sau I Killed My Mother, Dolan đã hoàn thành thêm 4 bộ phim khác, để lại những dấu ấn về một tài năng đặc biệt.
Ở độ tuổi 20, Xavier Dolan đã trở thành hiện tượng của dòng phim nghệ thuật. Anh được Cannes chào đón và chiều chuộng. Con đường điện ảnh của anh rộng mở, và rộng mở hơn bao giờ hết.
Sự thành công của Xavier Dolan khiến không ít nhà phê bình thích thú và tò mò. Họ quan tâm đến triết lý làm phim của đạo diễn trẻ, thứ "nguyên lý" giúp anh chàng tạo ra những khoảnh khắc điện ảnh đáng nhớ dù còn rất trẻ. Đáp lại sự tò mò đó, Dolan chia sẻ một cách thành thực: triết lý làm phim là không triết lý nào cả.
Tôi không thuộc về bất kỳ một trường phái nào cả. Tôi còn không có bất kỳ một ý tưởng nào định sẵn trong đầu nữa kìa. Tôi cố gắng phụng sự câu chuyện chứ không phải một thể loại hay một phong cách.
Xavier Dolan chưa từng học làm phim chuyên nghiệp và theo đuổi giấc mơ điện ảnh của riêng mình khi vừa rời ghế nhà trường phổ thông. Nhiều khi, Dolan cảm thấy việc lao vào con đường làm phim quá sớm đã cướp mất đi khoảng thời gian Đại học, để tận hưởng cũng như tìm kiếm, trải nghiệm những điều mới mẻ.
Nhưng làm phim từ khi còn rất trẻ đã mang đến cho Dolan cách tiếp cận điện ảnh khác biệt, không giáo điều. Anh thích sự sáng tạo và chú tâm vào cảm xúc. Với Dolan, một tác phẩm không có khả năng khơi gợi cảm xúc thì không thể gọi là một bộ phim.
Người ta thường so sánh Xavier Dolan với nhà làm phim đại tài khác. Ví dụ như, Tom At The Farm của Dolan được so sánh với phong cách làm phim của Alfred Hitchcock. Nhưng Xavier Dolan có theo "bè phái" hay phong cách nào đâu. Anh đi theo tiếng gọi của cảm xúc, thể hiện câu chuyện bằng chính ngôn ngữ và một phần cuộc đời mình.
Nói thế không có nghĩa là Dolan không định hình phong cách riêng. Trái lại, những tác phẩm của anh luôn độc đáo. Anh thường sử dụng màu phim Kodak hoài cổ, sử dụng hội hoạ, âm nhạc và truyền hình làm phương tiện truyền tải cảm xúc. Phim của Dolan cũng có xu hướng bức bối với các góc máy cận (ở đầu) và thoáng đãng với góc máy toàn ở cuối phim.
Ở tác phẩm Mommy anh còn táo bạo hơn khi dùng khung hình 1:1 gần như toàn bộ thời lượng phim để chỉ sự cố định, bức bối, lèn chặt cảm xúc của từng nhân vật. Bộ phim chỉ mở ra khung hình 16:9 ở cuối, khi nhân vật tìm thấy hướng ra và giải thoát cho chính mình.
Quẳng luôn định kiến về phim 'gay' để tạo ra cái hay
Những yếu tố về LGBTQ+, khủng hoảng tuổi trưởng thành, mối bất hoà với người thân (thường là người mẹ)… được Xavier Dolan truyền tải bằng thẩm mỹ điện ảnh độc đáo và riêng biệt. Trong đó, chủ đề đồng tính xuất hiện trong nhiều bộ phim dễ khiến người khác hiểu nhầm anh là "nhà làm phim gay."
Trên thực tế, Xavier Dolan là một người đồng tính nam. Nhiều bộ phim của anh có liên hệ mật thiết về chủ đề này. Ở bộ phim đầu tay I Killed My Mother, nhân vật chính là một thiếu niên đồng tính bất hoà với người mẹ của mình. Tom At The Farm lại kể một thanh niên đồng tính về nông thôn tham gia lễ an táng của người tình vừa qua đời. Trong khi đó Laurence Anyways lại là câu chuyện về một người chuyển giới…
Tất nhiên, chủ đề LGBTQ+ còn xuất hiện trong các bộ phim khác của Dolan.
Nhưng với Dolan, không có cái gì gọi là điện ảnh đồng tính và ham muốn điện ảnh không thuộc về bất kỳ giới tính nào. Thế hệ của Xavier Dolan có những ranh giới về tình dục, nhục dục hoàn toàn khác với thế hệ trước đó. Thứ anh mang đến trong điện ảnh của mình là "cánh tay mở rộng của sự đa dạng" chứ không phải loa truyền thông về cộng đồng LGBTQ+...
Vì thế, Dolan không chỉ "quẳng đi" triết lý/lý thuyết làm phim mà còn "quẳng luôn" những định kiến về điện ảnh và điện ảnh đồng tính. Đối với Dolan, I Killed My Mother còn là sức mạnh, sự chủ động, tính dễ vụn vỡ, đức hy sinh của người phụ nữ, người mẹ. Laurence Anyways không chỉ là câu chuyện của người chuyển giới mà là sự cô độc và cảm thông của người đời. Mối tình trong Matthias & Maxime là tình yêu chứ không phải là tình yêu đồng tính.
Có thể nói, Xavier Dolan làm phim "gay" nhưng cái hay lại nằm ở những giá trị khác, thường lớn lao hơn rất nhiều. Khán giả luôn tìm thấy một điều gì đó vượt lên câu chuyện và chủ đề mà bộ phim chuyển tải để đến với sự lớn lao hơn: sự khoan dung, sự cảm thông và tình yêu.
Dolan tự nhận là người thích quan sát và ưa rình mò. Anh yêu mọi thứ từ cuộc sống và truyền tải ý tưởng đó một cách ý nghĩa nhất vào điện ảnh bằng những điều nhỏ nhặt nhất.