10 Điều bạn cần biết về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND

Bạn biết gì về cuộc bầu cử quan trọng này?
Nguyễn Xuân Long
bầu cử

Cứ 5 năm một lần, tại Việt Nam, cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lại được tổ chức | Nguồn: Hà Nội Mới

Cứ 5 năm một lần, tại Việt Nam, cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp lại được tổ chức. Hiện tại, cuộc bầu cử được tiến hành cho khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Vietcetera sẽ “giải ngố” cho bạn về những thắc mắc xung quanh sự kiện quan trọng này. 

1. Bầu cử diễn ra vào thời gian nào?

Cuộc bầu cử lần này sẽ diễn ra vào ngày 23/05/2021.

Luật Bầu cử cũng quy định chậm nhất là ngày 02/06/2021 phải công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã. 

Sau đó, chậm nhất là ngày 12/06/2021 phải công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội.

2. Việc đi bầu cử có bắt buộc không?

Ở thời điểm hiện tại, chưa có ghi nhận về quy định xử phạt đối với người đủ điều kiện bầu cử nhưng không tham gia bầu cử. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền bầu cử là điều được Nhà nước khuyến khích.

Việc tham gia bầu cử thể hiện cho tiếng nói và nguyện vọng của công dân - những con người làm chủ đất nước.

3. Có thể xem thông tin của các ứng viên trực tuyến ở đâu?

Hiện tại, bạn có thể xem danh sách các ứng cử viên cho các vị trí đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tại mỗi tỉnh, thành bằng cách truy cập vào cổng thông tin điện tử của chính quyền các tỉnh, thành phố đó.

Để làm việc này, hãy gõ từ khóa “danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND” cùng với tên tỉnh, thành phố mà bạn muốn truy cứu. Kết quả tìm kiếm sẽ hiện ra từ trang web của chính quyền các tỉnh, thành phố.

Thành phố Đà Nẵng cũng đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ để giao tiếp với công dân. Trong kỳ bầu cử lần này, thành phố đã bổ sung tính năng tra cứu bầu cử bằng chatbot trên website 1022, Facebook Messenger và Zalo, giúp người dân tìm nhanh các thông tin cần thiết.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm kiếm thông tin từ các trang báo thông tin đại chúng như Tuổi Trẻ và Thanh Niên. Đây là các trang báo chính thống thường xuyên cập nhật thông tin về các ứng cử viên. 

4. Đang dịch có nên đi bầu cử không?

Phương án bầu cử trong hoàn cảnh bùng phát dịch bệnh đã được các tỉnh, thành phố tính toán kĩ. Ngoài bộ tiêu chuẩn và hướng dẫn chung từ Chính phủ và Bộ Y tế, mỗi tỉnh thành cũng tự xây dựng và đề xuất các phương án đảm bảo an toàn cho người dân.

Một số phương án nổi bật được đề xuất có thể kể đến:

  • Hà Nội: Không quá 4.000 người/điểm bầu cử.
  • TP.HCM: Không quá 20 người ở điểm bỏ phiếu nếu có dịch
  • Bắc Giang: Chia nhỏ cử tri thành nhiều đợt.
  • Cần Thơ: Tiêm vắc xin trước ngày bỏ phiếu cho nhóm có nguy cơ.

5. Đi bầu cử ở đâu?

Địa điểm bỏ phiếu sẽ được bố trí ở những nơi công cộng như nhà văn hóa, hội trường, trường học,... nhằm thuận tiện cho cử tri cũng như thuận lợi cho việc bố trí các trang thiết bị phục vụ cho cuộc bầu cử. 

6. Không thể đến điểm bỏ phiếu thì làm như thế nào? Có thể nhờ người khác đi bầu cử hộ không?

Trong trường hợp bạn không thể đến nơi bỏ phiếu do điều kiện sức khỏe không cho phép, Tổ bầu cử sẽ mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở của bạn để bạn thực hiện quyền công dân.

Đối với người đang cai nghiện, bị tạm giam hoặc đang chấp hành các biện pháp giáo dưỡng, Tổ bầu cử cũng sẽ mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến địa điểm phù hợp để cử tri bỏ phiếu bầu.

Luật Bầu cử quy định bạn phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay và khi đi bầu phải xuất trình thẻ cử tri.

Như vậy, bạn không thể nhờ người khác bỏ phiếu hộ vì hành động này là vi phạm pháp luật.

7. Tôi muốn bỏ phiếu bầu online được không?

Rất tiếc là không. Hiện tại, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tại Việt Nam chỉ có một hình thức duy nhất là bầu cử trực tiếp. Theo đó, khi đi bầu cử bạn sẽ phải trực tiếp đi bầu cũng như tự tay cho lá phiếu của mình vào hòm phiếu.

8. Những ai không được đi bầu cử?

Những ai không đủ điều kiện được ghi tên vào danh sách cử tri thì không có quyền bầu cử.

Những trường hợp này có thể bao gồm:

  • Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
  • Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án.
  • Người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo.
  • Người mất năng lực hành vi dân sự.

9. Quy trình cử tri bỏ phiếu diễn ra như thế nào?

Bạn có thể tự mình đi bầu cử như sau:

Bước 1: Bạn tự mình đi đến phòng bỏ phiếu và xuất trình Thẻ cử tri để được nhận phiếu bầu.

Bước 2: 

Bạn sẽ được Tổ bầu cử hướng dẫn cách thức bỏ phiếu và gạch phiếu bầu.

Hãy đọc kĩ tên những người ứng cử trên phiếu bầu. Nếu bạn không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang cả họ và tên người ứng cử đó. Nếu gạch nhầm, bạn có quyền xin đổi phiếu bầu khác.

Bạn phải tự mình bỏ phiếu sau đó.

Bước 3: Tổ bầu cử sẽ đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào Thẻ cử tri của bạn sau khi xác nhận đã bỏ phiếu bầu xong. Quy trình bỏ phiếu của bạn kết thúc.

10. Tôi có được xin nghỉ phép để đi bầu cử không?

Ngày bầu cử diễn ra vào ngày chủ nhật 23/05/2021. Đây là ngày nghỉ toàn dân nên nếu bạn phải đi làm trong ngày chủ nhật, hãy cố gắng xin phép để đi bầu nhé.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục