3 Tư duy hạn chế về tiền thường gặp

Mình từng nghĩ rằng bản thân chỉ có thể đi làm công ăn lương bởi mình sinh ra trong một gia đình trung lưu có bố mẹ làm công chức.
Chi Nguyễn (The Present Writer)
Nguồn: cottonbro/Pexels

Nguồn: cottonbro/Pexels

Các bạn trẻ thường có những hạn chế nào trong tư duy về tiền bạc? Bài viết này được truyền cảm hứng từ những suy nghĩ sai lầm của mình trong quá khứ, những bài học mình góp nhặt được từ quá trình trưởng thành và (buộc phải) độc lập tài chính sau khi ra nước ngoài.

1. Chờ có lương cao mới bắt đầu tiết kiệm, đầu tư

Đây là một trong những tư duy hạn chế mà mình cảm thấy hối tiếc nhất khi nhìn lại. Thời còn là sinh viên mình cứ nghĩ rằng, khi nào ra trường, có lương cao rồi mới bắt đầu tiết kiệm, đầu tư.

Thậm chí khi đã học cao học và có công việc bán thời gian bên Mỹ, mình vẫn nghĩ tiền kiếm được sẽ tập trung vào mua sách vở, đi hội thảo, mua quần áo hay đi ăn với bạn bè.

Sau một thời gian đọc rất nhiều sách về tài chính cá nhân và quan sát xung quanh mình mới nhận ra mình cần thay đổi. Có những người mang món nợ sinh viên (student loan debt) lên đến 200 ngàn đô rồi bắt đầu đi làm với đồng lương hạn hẹp mà họ vẫn có thể trả nợ rồi tiết kiệm, đầu tư nhờ vào sự kiên trì, cố gắng trong một khoảng thời gian dài.

Nếu họ chần chừ đợi tới khi lương cao mới trả nợ thì “lãi mẹ đẻ lãi con” khiến số tiền nợ ban đầu leo thang tới khủng khiếp. Khả năng trả nợ có thể còn thu hẹp hơn.

Nhìn lại lúc đó, mình có đồng lương nghiên cứu sinh rất thấp. Tiền thuê nhà đã chiếm đến 70% lương. Nếu mình muốn về thăm gia đình ở Việt Nam, mình cũng phải cố xem có tài trợ nghiên cứu liên quan nào không để được vé máy bay miễn phí.

Và với mình, điều kỳ diệu nhất là khi mình càng coi trọng công sức lao động và nghiêm túc nghĩ về cách kiếm tiền thì tiền lại tự nhiên đến. Nó giống như các cơ hội kiếm tiền lâu nay vẫn ở đó, nhưng mình không cố gắng với tới hay mở lòng đón nhận.

Điển hình là vào ba năm trước, khi còn làm nghiên cứu sinh, mình có làm việc với một giáo sư. Mình luôn cố gắng làm tốt công việc được giao và thậm chí là vượt hơn kỳ vọng của cô nên mối quan hệ của cả hai rất tốt. Đến hết học kỳ thì hợp đồng với giáo sư cũng hết hạn.

Lẽ ra, mình cũng phải ngưng làm việc và đi tìm công việc khác cho 3 tháng hè sắp tới. Nhưng mình đã mạnh dạn mở lời với cô rằng nếu cô muốn, mình có thể tiếp tục làm việc với cô cả một mùa hè nữa, vì mình muốn kiếm thêm và đầu tư cho tương lai sau tốt nghiệp.

Đây là điều mà mình ở phiên bản của một, hai năm trước đó, khi chưa có kiến thức nhiều về tài chính cá nhân sẽ không dám “mở lời”.

Bất ngờ là giáo sư của mình rất hoan nghênh và nói sẽ tìm cách hỗ trợ mình. Sau này khi viết đơn xin tài trợ cho dự án, giáo sư của mình đã viết thêm tên của mình vào đó, và đề đạt sẽ trả lương cho mình nếu xin tài trợ thành công. Kết quả là mình đã tiếp tục làm việc với cô ấy thêm hai mùa hè nữa và giữ mối quan hệ đồng tác giả đến tận bây giờ.

Lúc này khi đã có công việc ổn định và sự nghiệp vững chắc rồi, mình thấy việc cần tiết kiệm và đầu tư sớm lại càng đúng. Bởi khi càng trưởng thành, càng có nhiều mối quan hệ và công việc khác nhau thì nhu cầu chi tiêu lại càng phức tạp hơn, nên chưa chắc rằng khi có nhiều tiền hơn mình lại tiết kiệm được.

2. Là con “nhà nòi” mới kiếm tiền giỏi

Mình cũng từng nghĩ rằng bản thân chỉ có thể đi làm công ăn lương bởi mình sinh ra trong một gia đình trung lưu có bố mẹ làm công chức. Cả gia đình có gen viết lách, chứ không có truyền thống kinh doanh.

Nhưng lúc này mình đã nhận ra rằng đây là tư duy rất hạn chế bởi ngày nay kiếm tiền giỏi không còn đồng nghĩa với kinh doanh, mà có rất nhiều cách kiếm tiền khác nhau.

Chẳng hạn như sản xuất nội dung, xuất bản sách,... Cũng như ngày nay có nhiều hình thức đầu tư an toàn như quỹ chỉ số (index fund)ETF, mà bạn không cần phải tìm hiểu quá nhiều thị trường hay nhìn bảng chứng khoán liên tục.

Cụ thể, gói đầu tư quỹ chỉ số sẽ được chẻ nhỏ để đầu tư vào các cổ phiếu ổn định trên thị trường. Khi một nhóm cổ phiếu giảm thì có nhóm cổ phiếu khác tăng để bù vào. Trung bình cộng lại thì mình luôn có lãi, theo số liệu hiện nay là vào khoảng 8%/năm.

Bản thân mình đã đầu tư theo hình thức này từ khi mình còn trên ghế nhà trường. Nhận đồng lương nghiên cứu sinh hẹp hòi, mình để dư ra được khoản nào là chuyển khoản đó tới quỹ chỉ số.

Vào thời điểm đại dịch bùng phát năm 2020, có một giai đoạn cổ phiếu Mỹ xuống rất mạnh, mình mở tài khoản ra mỗi ngày lại thấy mất hàng ngàn đô la — mà đó là những đồng tiền khó khăn mình mới làm việc, tiết kiệm được để đầu tư chứ không ai cho mình dễ dàng cả.

Lúc đó, rất nhiều người khuyên mình nên bán cổ phiếu đi cắt lỗ; nhưng mình vẫn nói không vì mình tin vào kiến thức mình học được về tài chính, về tính chất ổn định của các quỹ chỉ số lớn trên thị trường. Cuối cùng, chỉ trong một thời gian ngắn, thị trường phục hồi, các gói cứu trợ được phát ra, đầu tư của mình tăng lên 30% so với trước thời điểm đại dịch.

Như vậy, không cần phải sinh ra là con nhà nòi “đếm tiền không mỏi tay” thì mới kiếm tiền giỏi. Xuất phát điểm cao có thể giúp con đường bạn đang đi dễ dàng hơn, nhưng xuất phát điểm thấp cũng có thể tạo ra động lực lớn giúp bạn tự học hỏi, trau dồi phát triển bản thân tốt hơn, trân trọng đồng tiền mình làm ra hơn.

3. Có nợ mới có động lực kiếm tiền

Có những người nghĩ rằng nợ là điều tất yếu nếu muốn làm nên chuyện lớn. Với mình, sau khoảng thời gian trả một khoản nợ khổng lồ (ít nhất là với mình khi đó), mình đã đặt quyết tâm trong suốt cả cuộc đời sau này mình không bao giờ muốn mang nợ nữa – nhất nợ tiêu dùng.

Tất nhiên có những người kinh doanh lớn, họ thành công một phần nhờ dám vay nợ ngân hàng, nợ nhà đất để tạo vốn. Những nhân vật như vậy thường xuất hiện trên báo chí như tấm gương cho người khác noi theo. Thế nhưng, có bao nhiêu người thất bại, phá sản, ngập chìm trong nợ nần không được báo chí đưa tin?

Không có gì sai nếu bạn nợ và có khả năng kiếm tiền nhanh hơn khoản nợ đó. Nhưng để đạt được khả năng đó, mình cần học hỏi rất nhiều để tự tin biết cách sử dụng tiền và để cả người khác tin tưởng cho mình vay.

Nếu bạn thuộc 80% số đông không quá xuất sắc về xoay vòng nợ và vốn thì hãy cố gắng tránh nợ nần càng xa càng tốt. Thay vì vay nợ rồi trả lãi, ngày nay bạn có thể để “tiền đẻ ra tiền” bằng những cách an toàn hơn như kinh doanh với số vốn thấp hay tập trung vào tăng lương và đầu tư khoản lương chênh lệch.

Khi mình mới “khởi nghiệp” làm video trên YouTube, rất nhiều người nói với mình rằng phải đầu tư vào thiết bị nhiều tiền, công nghệ cao thì mới ra được video đông người xem.

Nhưng với tư duy “đang ở đâu thì bắt đầu từ đó”, mình đã quay bằng điện thoại di động, rồi đến một chiếc máy ảnh giá thành thấp. Mình chọn quay trước cửa sổ với ánh sáng tự nhiên thay vì mua đèn studio ngay. Mình dựng video bằng phần mềm có sẵn, miễn phí trong máy…

Dần dần khi kênh phát triển hơn, bắt đầu có thu nhập, mình mới đầu tư trở lại trang thiết bị, phần mềm, ánh sáng, đội ngũ cộng tác… Đây là con đường mình cảm thấy đem lại sự an toàn, chắc chắn và truyền động lực cho mình làm việc hiệu quả, sáng tạo hơn.

Kết

Nhìn lại bản thân của 10 năm trước, mình cảm thấy tư duy về tiền của mình đã thay đổi rất nhiều. Phần vì mình có trải nghiệm một mình phải "chèo chống" nơi đất khách quê người từ khi còn trẻ, nên không có cách nào khác là phải học quản lý tài chính để bảo vệ bản thân.

Phần vì càng học mình càng thấy đam mê với quản lý tài chính cá nhân vì đây là một loại hình học tập thực sự "ấm vào thân" — học đến đâu thực hành được ngay đến đó. Khi tư duy, hành động thay đổi thì… số tài khoản ngân hàng của mình cũng thay đổi thấy rõ.

Mình hy vọng bạn cũng có được những thay đổi tích cực sau khi đọc bài viết này, thay vì phải trải qua giai đoạn 10 năm khó khăn tìm đường như mình trước đây.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục