4 Thuật ngữ để hiểu chuyện gì đang xảy ra giữa Israel và Palestine
Xung đột giữa Israel và Palestine leo thang chóng mặt sau cuộc đột kích của lực lượng quân sự Hamas vào ngày 7/10/2023. Chiến sự tại đây là chủ đề chính trên tất cả các phương tiện truyền thông và những tranh luận căng thẳng về nó.
Hiện tại, Israel liên tục không kích vào dải Gaza - một trong hai khu vực thuộc kiểm soát của người Palestine, cũng là nơi có lực lượng Hamas. Người dân tại dải Gaza gánh chịu những hậu quả nặng nề, không chỉ là những cuộc tấn công từ Israel, mà còn là khủng hoảng nhân đạo như thiếu lương thực, nước sạch, điện, vật tư y tế, v.v.
Hiểu về vấn đề Israel - Palestine không phải điều đơn giản, bởi khu vực này có lịch sử tranh chấp trải nhiều thập kỷ. Ta có thể khởi đầu bằng cách tìm hiểu những cột mốc và khái niệm gần đây nhất để hiểu về lý do của những hành động vũ lực hiện nay, cũng như làm tiền đề để tìm hiểu sâu hơn về quá khứ.
1. Blockade: Bế quan tỏa cảng
Blockade, tức phong tỏa, là một hành động khá dễ hiểu: kiềm tỏa một khu vực, ngăn chặn dòng người, dòng hàng hóa, và dòng liên lạc tới khu vực này hay từ đây ra các khu vực khác. Phong tỏa là chiến lược đã xuất hiện trong chính trị quốc tế từ rất lâu, với nhiều ví dụ điển hình từ thế kỷ 20 nhiều xung đột.
Đó cũng là điều đang xảy ra tại dải Gaza từ cuối thế kỷ trước và trầm trọng hơn từ năm 2007. Khi lực lượng Hamas giành quyền kiểm soát dải Gaza, Israel và Ai Cập đã cùng nhau phong tỏa khu vực này. Nhưng chính xác thì hành động này có ý nghĩa thế nào?
Chính quyền Israel biện minh cho hành động này rằng nó bảo vệ nhân dân Palestine khỏi nạn khủng bố. Trên thực tế, Israel đã biến dải Gaza thành một "nhà tù khổng lồ" bằng việc siết chặt đi lại, kiểm soát các loại hàng hóa, bao gồm cả vật liệu xây dựng - thứ đặc biệt cần thiết tại một khu vực chiến tranh liên tục.
Vì chính sách phong tỏa này, tỉ lệ thất nghiệp tại dải Gaza rất cao và tỉ lệ nghịch với mức sống, mức thu nhập. Tình hình còn trầm trọng hơn bởi điện và nước tại đây là do Israel cung cấp. Chính quyết định phong tỏa đã khiến đời sống tại dải Gaza khốn khó và phần nào kích động bạo lực trong khu vực.
2. Settlement: Ai ở đâu, ở yên
Settlement, tức các khu định cư, là khu vực sinh sống của một cộng đồng sắc tộc trong một khu vực của các nhóm dân cư khác. Trong bối cảnh xung đột Israel-Palestine, thuật ngữ settlement gợi nhắc tới những khu định cư của người Israel tại các khu vực do người Palestine kiểm soát như West Bank, dải Gaza, hay phía Đông của thành phố Jerusalem.
Các khu định cư này lần lượt xuất hiện từ những cuộc chiến trong quá khứ. Sau mỗi lần giành lợi thế ở các cuộc chiến với các nước Ả Rập, Israel khuyến khích người dân tới sống tại những khu vực mà chính phủ mới chiếm được. Tới khi cuộc chiến tạm ngưng, chính quyền Israel có thể đồng ý trả lại khu vực (hoặc không), nhưng những người đã di cư thì vẫn tiếp tục sống ở đó.
Dù Israel đã xóa bỏ toàn bộ các khu định cư tại Gaza, thì vẫn có nhiều settlement khác tại West Bank và Đông Jerusalem. Đây là một vấn đề lớn đối với người Palestine, là một trong những điều đang cản trở tiến trình hòa bình tại khu vực. Nó từng là một chủ đề thảo luận thường xuyên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Liên Hợp Quốc cũng lên án các khu định cư này vì chúng vi phạm công ước quốc tế. Lý do duy nhất mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chưa buộc Israel hủy bỏ các khu định cư là bởi sự che chở từ phía Mỹ - thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
3. Intelligence failure: Thất bại tình báo
Theo nhà nghiên cứu Ngô Di Lân, intelligence failure, tức thất bại tình báo, là việc cơ quan tình báo đã không thu thập, phân tích, và phổ biến thông tin một cách chính xác và kịp thời, dẫn đến những đánh giá sai hoặc không đầy đủ, gây hậu quả lớn cho an ninh quốc gia.
Thuật ngữ này quan trọng trong bối cảnh xung đột hiện tại bởi nó Israel hoàn toàn bất ngờ trước cuộc tấn công dù họ có một đội ngũ tình báo và phản gián rất uy tín. Có phải Israel đã mắc một thất bại tình báo?
Theo các nguồn tin từ Ai Cập và Mỹ, thì Ai Cập đã báo trước cho Israel rằng một cuộc tấn công có thể sẽ xảy ra, chỉ là chưa xác định được mức độ của nó. Israel làm gì với thông tin đó? Chúng ta không rõ, nhưng ta biết rằng họ vừa rơi vào thế bất ngờ, bị động, vừa phản ứng rất chậm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thất bại này, trong đó có sự khéo léo và cẩn mật của Hamas nhằm che giấu ý định của mình. Về phía Israel, họ cần nghiêm túc nhìn nhận lại vụ việc này để xác định ra các điểm mù trong quá trình phân tích thông tin và chính sách an ninh của mình.
4. Peace process: Tiến trình hòa bình
Peace process, tức tiến trình hòa bình, là quá trình ngăn chặn hoặc giảm thiểu xung đột. Đó có thể là việc ngăn cản một xung đột chính trị trở thành xung đột quân sự, giảm thiểu xung đột chính trị tại một khu vực, hoặc chấm dứt một cuộc xung đột quân sự đang diễn ra.
Tiến trình hòa bình là chuỗi những buổi đàm phán, gặp mặt, và thương lượng. Thông qua quá trình đối thoại, các bên cố gắng tìm ra điểm ở giữa để có thể chấm dứt xung đột.
Đây có thể là một trong những lý do tấn công của Hamas. Không phải là họ đang thực hiện một tiến trình hòa bình, mà bởi họ muốn ngăn chặn một tiến trình hòa bình đang diễn ra. Đó là những cuộc thương lượng giữa Israel và Ả Rập Saudi, và rộng ra là xu hướng hòa hoãn của các nước khối Ả Rập với Israel.
Tiến trình này bất lợi cho người Palestine, bởi trong quá khứ chính các nước Ả Rập đã giúp đỡ Palestine trong các hoạt động chính trị và quân sự. Nếu khối Ả Rập lại “mặn nồng,” hay ít ra là bớt lạnh nhạt với Israel, thì Palestine mất đi quyền lợi của mình.
Từ đây, ta hiểu rằng hòa bình là một thứ rất lỏng lẻo, hòa bình với người này chưa chắc đã là tương đương với người khác.