4 Tín hiệu tích cực về môi trường nhờ các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh
Dịch COVID-19 bùng phát khiến nhịp sống của người dân khắp thế giới phải thay đổi. Tính đến ngày 14/4, dịch bệnh lan đến 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 1.9 triệu ca nhiễm và hơn 119.000 ca tử vong.
Thế giới chịu tổn thất nặng nề là điều không thể phủ nhận, nhưng ngoài dự đoán là dịch bệnh đang mang đến những tín hiệu tích cực về môi trường. Nguyên nhân chính được cho là liên quan đến các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 ở nhiều quốc gia, tạo điều kiện cho môi trường phục hồi.
Chất lượng không khí được cải thiện
Trung Quốc – quốc gia đầu tiên bùng phát dịch đã ghi nhận các tín hiệu khả quan từ môi trường. 60% điện năng của quốc gia này phụ thuộc vào than đá khiến chất lượng không khí và môi trường ở đây chịu ảnh hưởng nhất định, tuy nhiên mọi chuyện đã thay đổi.
Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), các nhà máy nhiệt điện than quy mô lớn đã giảm 36% lượng tiêu thụ từ ngày 3/2 đến ngày 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cũng cho thấy nồng độ trung bình của bụi mịn PM2.5 trong tháng 2 đã giảm xuống thấp nhất trong 6 năm trở lại đây.
Không chỉ Trung Quốc, chất lượng không khí của Ý cũng được cải thiện. Người phát ngôn văn phòng thị trưởng Venice trả lời báo CNN: “Không khí ít bị ô nhiễm hơn nhờ lượng xe cộ và thuyền lưu thông đã giảm đi.” Vincent-Henri Peuch – Giám đốc Dịch vụ Giám sát Khí quyển cho biết, nồng độ NO2 trung bình đã giảm gần một nửa tại miền bắc nước Ý.
Tương tự, chỉ một thời gian ngắn sau khi lệnh phong tỏa được ban hành, mức độ ô nhiễm không khí tại Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp chưa từng có. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà máy đóng cửa và phương tiện giao thông bị hạn chế. Theo Hệ thống Đo lường chất lượng không khí và nghiên cứu, dự báo thời tiết (SAFAR) của chính phủ, các biện pháp ứng phó với COVID-19 đã giúp nồng độ bụi mịn PM2.5 giảm 30% ở New Delhi và 15% ở Ahmedabad và Pune.
Giảm lượng khí thải
Việc ngừng hoạt động các nhà máy ở Trung Quốc cũng góp phần giảm lượng khí thải phát tán vào không gian. Hình ảnh vệ tinh được công bố bởi NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho thấy lượng NO2 – hình thành từ việc vận hành phương tiện, nhà máy nhiệt điện và các cơ sở công nghiệp – giảm đáng kể tại các thành phố lớn của Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2/2020.
Ngoài ra, lượng khí CO2 – được giải phóng khi đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá – cũng có chiều hướng giảm. Từ ngày 3/2 đến ngày 1/3, lượng khí thải CO2 đã giảm ít nhất 25% nhờ các biện pháp ngăn chặn virus corona, theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA).
Tuy nhiên, giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu không phải là nguyên nhân duy nhất. Theo thống kê, một tàu du lịch thải ra lượng lưu huỳnh điôxit (SO2) trung bình mỗi ngày tương đương với lượng khí thải của 376.030.220 xe ô tô. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, việc nhiều hành khách hủy chuyến cùng với nhu cầu sử dụng tàu du lịch giảm đã tác động trực tiếp đến việc giảm lượng khí CO2 trên toàn cầu.
Tại New York, các nhà khoa học của Đại học Columbia cho biết, từ ngày 16 đến 22/3 lượng tham gia giao thông giảm 35%, kéo theo lượng khí thải CO2 giảm 5-10%.
Cấm buôn bán động vật hoang dã
Sau khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đã nhanh chóng ban hành lệnh cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Theo CGTN, lệnh cấm này nhằm xóa bỏ thói quen tiêu thụ động vật hoang dã, nhờ đó bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của người dân khỏi các bệnh lây từ động vật sang người.
The Guardian ghi nhận kể từ khi dịch bệnh bùng phát, gần 20.000 trang trại nuôi chim công, cầy hương, nhím, đà điểu và heo rừng đã đóng cửa. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng dù danh sách đầy đủ các loài được bảo vệ theo lệnh cấm mới vẫn chưa rõ ràng.
Lệnh cấm bao gồm động vật hoang dã đã được pháp luật bảo vệ, các động vật trên cạn “có giá trị sinh thái, khoa học và xã hội quan trọng” và động vật hoang dã trên cạn trong các trang trại chăn nuôi. Tuy nhiên động vật thủy sinh, gia súc, gia cầm và các động vật khác đã được nhân giống từ lâu ở nước này không được đưa vào lệnh cấm.
Thiên nhiên về đúng bản chất
Khi lệnh phong tỏa được ban hành tại Ý, quang cảnh nơi đây trở nên vắng vẻ hẳn, nhưng lại là dấu hiệu đáng mừng cho sự phục hồi của thiên nhiên. Dòng nước ở các kênh đào Venice được cho là trong nhất trong vòng 60 năm qua. Theo phát ngôn viên văn phòng thị trưởng Venice chia sẻ với CNN: “Lượng giao thông đường thuỷ dày đặc khiến trầm tích bị khuấy nổi lên bề mặt, còn bây giờ giao thông giảm cho phép trầm tích lắng xuống đáy, khiến nước nhìn trong hơn.”
Tuy chất lượng nước chưa được cải thiện nhưng việc nước trở nên trong hơn đã thu hút các sinh vật biển. Dù những tin tức về việc cá heo hoặc thiên nga được nhìn thấy ở các kênh đào Venice là không có thật, nhiều người dân đã khẳng định họ nhìn thấy những đàn cá nhỏ bơi xung quanh kênh đào.
Bên cạnh đó, do tác động từ dịch bệnh, các bãi biển ở Ấn Độ cũng trở nên yên tĩnh và vắng lặng. Điều này đã tạo điều kiện cho hơn 70.000 rùa biển Olive Ridley quay lại bờ biển Rushikulya để làm tổ đẻ trứng. Chính sự đông đúc, nhộn nhịp của khách du lịch và hoạt động của người dân địa phương đã khiến rùa biển hiếm khi xuất hiện tại khu vực này. Đây là lần đầu tiên sau 7 năm loài rùa biển này quay lại nơi đây.
Tương tự, loài rùa Hawksbill – một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng – cũng nhân lúc các bãi biển vắng người ở Brazil để làm tổ. Vào ngày 22/3, gần 100 con rùa biển đã nở tại Paulista, một thị trấn thuộc bang Pernambuco phía đông bắc, Brazil.
Kết
Sự thay đổi của thiên nhiên là tín hiệu đáng mừng, dù vậy các chuyên gia cũng cảnh báo rằng những tác động tích cực lên môi trường có thể chỉ là tạm thời.
Khi các thành phố, quốc gia và nền kinh tế phục hồi trở lại mọi chuyện sẽ quay về như cũ, trừ khi có thay đổi trong nhận thức của mọi người về bảo vệ môi trường và sức khỏe của chính mình. Những tín hiệu tích cực này nhắc nhở con người về vấn đề môi trường luôn tồn tại và là lời cảnh tỉnh cho các quốc gia đang xem nhẹ sức khoẻ con người và môi trường.
Bài viết này được thực hiện bởi Eira.
Xem thêm:
[Bài viết] Vì sao việc sống xanh vẫn còn “chậm” ở các đô thị “nhanh”?
[Bài viết] Việt Nam hậu COVID-19: Khi đại dịch qua đi, chỉ còn những nếp sống mới ở lại