5 Bài học hàng ngày để trở thành một người khắc kỷ
“Có những thứ nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, và có những thứ không.” Đó là khẳng định của Epictetus - gương mặt tiêu biểu của chủ nghĩa Khắc kỷ (Stoicism).
Là một cá nhân, có rất nhiều thứ ta không thể kiểm soát nhưng vẫn cảm thấy sầu thảm vì nó. Vấn đề của con người là, chúng ta cứ lo lắng về những gì mình không thể can thiệp mà bỏ qua những điều bản thân có thể tác động và cải thiện.
Epictetus răn rằng, hãy nghĩ xem những cảm xúc kia có phải kết quả của việc đối mặt với những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Nếu đúng, thì hãy sẵn sàng chấp nhận rằng “Như vậy thì, đó không phải điều tôi cần phải quan tâm đến.”
Đây là luận điểm chính của chủ nghĩa Khắc kỷ - trường phái triết học hiếm hoi cung cấp những bài học thực tiễn để con người vượt qua khủng hoảng. Trong số Triết xuất sau, hãy cùng nhà Vietcetera tìm hiểu về 5 bài tập cụ thể giúp bạn trở thành một nhà khắc kỷ, và can đảm đối diện với thực tế.
1. Không lãng phí thời gian vào những việc vô nghĩa
Một đại diện khác của chủ nghĩa khắc kỷ - Seneca, triết gia La Mã - đã từng nói về việc loài người phung phí thời gian vào những việc vô bổ như thế nào. Cuốn On the Shortness of Life (Về sự ngắn ngủi của cuộc đời) của ông cho thấy đây là một vấn đề nghiêm trọng ngay từ thời cổ đại.
Seneca đã mô tả tính hư danh của con người: chỉ chăm chăm thỏa mãn ham muốn vật chất nhằm gây ấn tượng với người khác. Điều này đâu có khác gì so với những thần dân của “đế chế sống ảo” Facebook và Instagram, nơi người ta khoe mẽ về sự giàu có và những thú vui sáo rỗng.
Với Seneca, cuộc đời quá ngắn ngủi để phung phí vào phù phiếm. Thay vào đó, bằng cách sử dụng thời gian hợp lý, ví dụ như để lên kế hoạch chi tiết cho tương lai với từng bước tỉ mỉ, bạn sẽ đạt được điều mình mong muốn.
Bạn sẽ chưa thể là một người khắc kỷ nếu mọi thành công đều dựa trên sự may mắn. Giống như khi trúng lô đề, niềm vui sẽ chỉ tới trong chốc lát rồi tan biến.
Rốt cục, nếu như không thực sự đầu tư thời gian để đạt mục tiêu, ta sẽ lại lao vào thỏa mãn những ham vui vật chất, như những người hư danh và phàm ăn mà Seneca mô tả.
2. Sống tự giác, có kỷ luật
Bạn cần thực hiện công việc theo một trật tự cụ thể từ khó đến dễ. Mới đầu, ta đối diện với những thứ nhiều trở ngại, chịu khổ trước, rồi sau đó nhận lại món quà của sự vui sướng khi công việc đã hoàn thành.
Đây chính là sức mạnh tiềm tàng của “khổ trước sướng sau, thế mới giàu.” Chưa biết tình nghĩa anh em bền lâu tới đâu, nhưng khi ta đặt ưu tiên cho những công việc không mang lại thỏa mãn tức thời, thì ta sẽ đạt được nhiều đức tính để thành công sau này.
Chủ nghĩa khắc kỷ coi trọng sự rèn luyện về đạo đức. Với các triết gia khắc kỷ, điều duy nhất đáng để ta đau đáu nghĩ về không phải những thứ nằm ngoài quyết định của ta, mà là những giá trị phẩm hạnh bên trong mình.
Đây là cốt lõi kỷ cương của những người khắc kỷ: đối mặt với sự khó khăn của công cuộc hiểu về thế giới, thay vì dễ dàng buông thả mình với những xúc cảm có tính băng hoại.
3. Hiểu và tận dụng thế mạnh của bản thân
Với các nhà khắc kỷ (và đặc biệt trong thời buổi lạm phát), sự đầu tư vào bản thân là khoản đầu tư lớn nhất, bởi nó không bao giờ mất đi. Khoản đầu tư này không chỉ gồm tu dưỡng đạo đức và học cách xử thế đối nhân, mà còn bao hàm cả việc hiểu bản thân và những điểm mạnh, yếu mà bản thân có.
Từ đó, thay đổi bản thân mình thành phiên bản tốt hơn không phải là xóa bỏ mọi thứ đang là mình ở hiện tại, mà là phát triển đúng những thế mạnh, và từ từ khắc phục điểm yếu. Để làm được điều này, việc thẳng thắn tự đối diện với bản thân là một công đoạn quan trọng.
Tôi là ai? Tôi đang làm gì? Cuộc sống của tôi đang diễn ra như thế nào? Tôi đánh giá năng lực của bản thân ra sao và sự đánh giá ấy liệu có khách quan? Đó là những câu hỏi một người đặt ra để tự nhìn nhận bản thân mình.
Sau đó, hãy tận dụng những điều khiến bạn tự hào về bản thân và xây dựng kế hoạch hành động từ đó. Dần dần, khi đã quen với việc vận dụng điểm mạnh vào các tình huống thực tại và khắc phục điểm yếu bên trong, bạn sẽ kiểm soát được nhiều phần hơn trong cuộc sống của mình.
4. Sống chung với những điều không dễ chịu
Sự thoải mái với những niềm vui phàm tục như sở hữu nhiều của cải vật chất, đồ ăn ngon, hay là danh lợi không phải điều các nhà khắc kỷ hướng đến. Lâu dần, cảm giác quen thuộc với sự dễ chịu sẽ ngăn cản bạn đối mặt với những sự thật khó chấp nhận về thế giới này.
Để trở thành một nhà khắc kỷ, chúng ta cần biết cách đối mặt với những thử thách không hề dễ chịu của cuộc sống. Từ đó, ta sẽ không coi mọi điều dễ chịu xảy ra trên thế giới này là đương nhiên nữa. Hạnh phúc không có sẵn, sự dễ chịu không đương nhiên, và nhiều sự hi sinh phải diễn ra để cá nhân có được những giá trị ấy.
Đối mặt với sự khó chịu tức là đừng bỏ cuộc hay tìm kiếm trợ giúp ngay lập tức. Có như vậy, ta mới không đầu hàng trước những diễn biến điên rồ vốn xảy ra trên thế giới hàng ngày.
5. “Đừng phàn nàn!”
Bài học này dường như gói gọn thành quả của rèn luyện bốn bài học trước. Một cách bộc lộ vừa chân tình, vừa thẳng thắn khác sẽ là “Biết chấp nhận!”
Điều này không có nghĩa là các nhà khắc kỷ ích kỷ, chỉ quan tâm đến sự rèn luyện và tri thức của mình, hay họ là những người lạnh lùng và khắt khe. Không phải nhà khắc kỷ nào cũng trông như thế này:
Bài học lớn hơn đến từ sự không phàn nàn là, biết chuẩn bị và lường trước mọi biến cố của cuộc đời. Khi ta không ở trong thế bị động, ta tự chịu trách nhiệm với hậu quả, và tự hưởng thụ thành quả. Ta sẽ ngưng than vãn và bớt giận dữ với bản thân cũng như với cuộc sống.