5 Cách luyện viết tiếng Anh hiệu quả cho người "lỡ cỡ"
Tôi vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên vào Đại học, được giao cho viết một bài luận bằng tiếng Anh mà ngồi khổ sở, cứ viết rồi lại xoá, “đánh vần” từng chữ để dịch ý ra từ tiếng Việt, toát cả mồ hôi cũng chưa viết xong nổi đoạn mở bài.
Lúc đó tôi mới nhận ra rằng những năm học phổ thông, mình mới chỉ học “đặt câu” thôi chứ chưa học “viết”. Kết quả, thứ tôi viết ra chỉ là những câu văn chắp vá, ngây ngô, và nông cạn hơn nhiều những điều tôi thực sự muốn diễn đạt.
N bên dưới tôi sẽ tập trung hoàn toàn vào các phương pháp thực hành để bạn có thể viết tiếng Anh như người “có học”.
1. Viết 750 từ hoặc 3 trang mỗi ngày
Để duy trì thói quen và nâng cao kỹ năng viết, tôi luôn cố gắng viết 750 từ đánh máy hoặc 3 trang viết tay tiếng Anh ít nhất 5 ngày/tuần.
Điểm quan trọng của phương pháp luyện tập này là viết tự do (writing freely), có nghĩa là trong một thời gian ngắn (khoảng 30 - 45 phút), viết nhanh tất cả những gì mình có trong đầu xuống, không cần phải sửa chữa ngữ pháp, không cần dàn ý, thậm chí không cần đọc lại.
Viết tự do cho phép người viết cảm thấy thoải mái, không bị gò bó trong ngữ pháp, chính tả, không cảm thấy bị đánh giá bởi khả năng viết, cứ viết một cách tự nhiên nhất có thể. Bạn có thể viết mọi thứ, từ công việc, tâm sự hàng ngày, đến luận án tốt nghiệp. Cá nhân tôi chọn làm Morning Pages bằng cách viết tay hoặc đánh máy trên 750words.com.
2. Viết blog/journal/note bằng tiếng Anh
Vào năm thứ 3 đại học, tôi tham gia một lớp học cùng các bạn Mỹ đến Việt Nam học trao đổi (exchange). Khóa học này yêu cầu mỗi học viên phải viết một blog tiếng Anh về trải nghiệm của mình.
Thời kỳ đó, kỹ năng viết của tôi còn chưa được tốt, nhất là chưa tư duy được bằng tiếng Anh nên cứ phải dịch chuyển ngữ trong đầu, dẫn đến việc viết rất chậm. Tuy nhiên, sau khi viết 1 - 2 trang blog/tuần trong 3 tháng, phản xạ viết tiếng Anh của tôi đã tăng lên rõ rệt. Cứ chạm tay vào bàn phím là tôi có thể nghĩ bằng tiếng Anh và ngôn ngữ tuôn ra một cách tự nhiên. Blog vì thế cũng có chiều sâu, tâm huyết và chất lượng hơn.
Khác với phương pháp 750 từ hoặc 3 trang phía trên, phương pháp này khuyến khích người viết xuất bản bài viết của mình tới bạn đọc (một số lượng nhỏ thôi cũng được). Cách này khiến người viết có động lực chỉnh sửa bài cho chau chuốt, hoàn chỉnh hơn.
Bạn có thể kết hợp cả 2 phương pháp nói trên bằng việc dùng 750 từ/3 trang để viết nháp và chuyển sang Blog/Facebook Note để viết thành bài hoàn chỉnh. Nếu không có thời gian viết đoạn dài hàng ngày, luyện tập viết 5 phút mỗi ngày bằng journal như The Five-Minute Journal cũng là khởi đầu tốt và tích cực.
3. Dùng từ điển collocation và thesaurus
Thesaurus là từ điển đồng nghĩa - trái nghĩa. Tra loại từ điển này khi viết giúp việc sử dụng từ ngữ (đặc biệt tính từ) được linh hoạt hơn, tránh lặp đi lặp lại. Từ điển collocation dùng để tra một từ hay đi kèm với loại từ nào khác (ví dụ danh từ này đi với động từ kia, động từ này đi với trạng từ kia). Sử dụng collocation tốt giúp việc viết bài mềm mại hơn và “bản ngữ” hơn nhiều.
4. Sửa bài viết cho người khác
Nghe có vẻ hơi ngược đời nhưng sửa bài cho người khác là cách vô cùng hữu hiệu để nâng cao kỹ năng viết tiếng Anh của chính mình. Khi còn ở Việt Nam, tôi đã học được rất nhiều từ việc sửa bài luận cho học trò luyện thi TOEFL và SAT. Ngày nay, tôi tiếp tục học thêm từ việc tình nguyện giúp bạn bè sửa bài luận xin học bổng du học.
Sửa bài là cách rất tốt để nhận ra các lỗi sai thường gặp khi viết – những lỗi có thể mình cũng mắc phải nhưng không nhận ra khi đọc bài của chính mình. Sửa bài cũng giúp nhìn được chất lượng bài viết từ góc độ người chấm bài – một kỹ năng quan trọng đối với người học ở bất kỳ lĩnh vực nào.
5. Dùng ứng dụng để soát lỗi
Không phải ai cũng có điều kiện để nhờ hoặc thuê người sửa lỗi bài viết tiếng Anh cho mình. Rất may mắn là hiện nay công nghệ đã hiện đại đủ để nhặt lỗi hộ ta khi viết. Một trong những ứng dụng tôi thích nhất và vẫn đang sử dụng hàng ngày là Grammarly.
Grammarly là ứng dụng hoàn toàn miễn phí và cực kỳ tiện tích. Nó cho phép người dùng đánh máy ngay trên ứng dụng, copy/upload bài viết lên ứng dụng, hoặc cài phần mở rộng lên Google Chrome (Chrome extension) để nhặt lỗi ngay khi người dùng đang đánh máy.
Cái hay nhất của ứng dụng này là nó không những chỉ ra lỗi sai mà còn giải thích cho người dùng biết tại sao nên sửa lỗi này. Qua đó, người dùng học được thêm về ngữ pháp, câu cú và cách dùng từ tiếng Anh để tự nâng cao trình độ.
Tất nhiên, vì sử dụng trí tuệ nhân tạo chứ không phải người thật nên Grammarly đôi khi cũng hơi cứng nhắc khi chỉ lỗi sai. Nhưng so với rất nhiều phần mềm và ứng dụng tương tự, Grammarly hiện vẫn là tốt nhất. Ngoài ra, ứng dụng còn tiếp tục học qua góp ý của người dùng để có thể hoàn thiện hơn.
Bản thân tôi luôn luôn kiểm tra tất cả những gì mình viết (bài luận, hợp đồng, email…) bằng tiếng Anh qua Grammarly trước khi nhấn nút “Gửi”.
Grammarly hoàn toàn miễn phí nhưng nếu cần, người dùng cũng có thể nâng cấp lên phiên bản trả phí nếu muốn phần mềm nhặt những lỗi nhỏ kỹ hơn, đưa ra giải thích cặn kẽ hơn.
Kết
Nhìn chung, nếu gọi là bí quyết thì tôi chỉ có một điều cốt lõi nhất, đó là: Hãy “enjoy” (tận hưởng) việc viết lách – coi nó như một thú vui, một phương pháp thể hiện bản thân một cách trí tuệ và hãy “tập viết” theo cách riêng của mình.
Viết đã đem lại cho cuộc sống của tôi rất nhiều điều tích cực, từ giải toả tâm lý khi stress, thể hiện tình cảm với người yêu khi ở xa, đến giành học bổng toàn phần, làm nghiên cứu xuất bản ở Mỹ… Viết giúp tôi kết nối với nhiều con người thú vị trên khắp thế giới. Viết cũng rèn cho tôi sự tập trung và tính kỷ luật cao trong mọi công việc mình làm.
Vì lẽ đó, tôi tin vào sức mạnh tích cực của viết và tôi chắc chắn rằng bạn đọc sẽ gặp nhiều cơ hội tuyệt vời từ việc viết tiếng Anh như người “có học” ngay từ hôm nay.