5 Điều cần ghi nhớ mỗi khi bạn thấy nghi ngờ chính mình

5 Cách biến sự nghi ngờ bản thân thành động lực

Diệu Linh
5 Điều cần ghi nhớ mỗi khi bạn thấy nghi ngờ chính mình

Bạn có bao giờ cảm thấy bản thân chưa đủ tốt? Bạn sợ sẽ làm hỏng việc ngay cả khi chưa bắt đầu? Bạn thấy mình kém cỏi khi so sánh với người khác? 

Những suy nghĩ ấy đều có một điểm chung, đó là sự hoài nghi bản thân.

Tôi và bạn, chúng ta đều đã từng trải qua những thời điểm nghi ngờ chính mình. Những khoảnh khắc đó không thể tránh khỏi, nên tôi đã học được 5 cách trấn an bản thân mỗi khi rơi vào trạng thái trên.

1. Biết rằng trong tương lai những suy nghĩ ấy sẽ giúp bạn

Ngay lúc này, chắc hẳn niềm tin của bạn đang bị lung lay và bạn cảm thấy tổn thương. Nhưng sẽ ra sao nếu sự hoài nghi về bản thân giúp ích cho tương lai của bạn? Bạn sẽ nghĩ gì nếu thực ra, bạn cần một chút nghi ngờ để xem bản thân quyết tâm cho một mục tiêu đến đâu? 

Một trong những ý nghĩ thường trực trong đầu tôi khi bắt tay vào công việc viết lách là: liệu mọi người có thích điều mình viết, liệu bài viết của mình có đủ sức thuyết phục như những cây bút đầy kinh nghiệm ngoài kia? Tuy nhiên, chính những suy nghĩ ấy đã giúp tôi quyết tâm đọc cũng như viết nhiều hơn, nhờ vậy khả năng của tôi tốt dần lên theo thời gian. Sự nghi ngờ có thể hữu dụng, nhưng giá trị của nó nằm ở tương lai, nên hãy kiên nhẫn nhé. 

2. Nghi ngờ là dấu hiệu cho thấy bạn đang trưởng thành 

Khi cuộc sống của bạn có sự thay đổi và xáo trộn, sự hoài nghi sẽ bắt đầu len lỏi và chiếm lấy suy nghĩ của bạn. Công việc mới có thể khiến bạn lo lắng, mối quan hệ mới chưa đủ làm bạn tin tưởng, hoặc việc chuyển tới một thành phố xa lạ khiến bạn mất niềm tin vào những gì bạn đã biết từ trước. Cũng như bạn, tôi từng không biết rằng, sự nghi ngờ là dấu hiệu cho thấy bạn đang bước ra xa khỏi vùng an toàn và tiến gần hơn tới sự trưởng thành. 

Đã bao giờ bạn cảm thấy tội lỗi khi trót dành cả ngày lướt Facebook trong vô định nhưng khi có mong muốn làm điều gì đó bạn lại bị sự hoài nghi dằn vặt rằng “liệu mình có thể làm tốt bằng những con người tài giỏi ngoài kia không?” (thường là những người mà bạn thấy khi đang lướt mạng xã hội).

Lúc này bạn có thể tự hỏi rằng điều gì đáng sợ hơn? Rằng bạn có thể sẽ không làm tốt bằng người khác hay bởi vì bạn không làm gì nên sẽ chẳng có điều gì thay đổi cả và cảm giác tội lỗi ấy sẽ tiếp tục “gặm nhấm” bạn ngày qua ngày. Hãy tận dụng sự nghi ngờ và điều hướng để chúng trở thành đòn bẩy giúp bạn thoát khỏi “vùng an toàn” của bản thân. 

3. Mọi thứ mới chỉ là khởi đầu

Mỗi khi bắt gặp bản thân ở trạng thái hoài nghi, thông thường là do bạn đang ở bước đầu của cuộc hành trình. Trong giai đoạn này, sẽ không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh kết quả hay kĩ năng của bạn. Điều này khiến bạn nghi ngờ bản thân. Trước khi để cảm xúc này chi phối và khiến bạn muốn bỏ cuộc, hãy tự nhủ rằng: bạn chỉ đang khởi động thôi mà. 

Hãy nghĩ về việc này như khi bạn đến tham dự một sự kiện quan trọng sớm hơn những người khác một chút. Cảm giác bỡ ngỡ ban đầu dễ khiến bạn lạc lõng và muốn bỏ về ngay lập tức, nhưng nếu bạn nán lại đến cùng thì điều mà bạn tìm kiếm biết đâu lại xuất hiện? 

4. Biến nguồn năng lượng tiêu cực thành niềm tin 

Nghi ngờ bản thân sẽ "hấp thu" rất nhiều năng lượng của bạn. Chẳng ai có thể đoán được tương lai nhưng ít nhất chúng ta có thể chọn tin tưởng vào bản thân ở hiện tại. Thay vì lãng phí năng lượng vào sự bất an, bạn có thể tận dụng nguồn năng lượng đó vào công việc mình đang làm. Sáng tạo thứ gì đó của riêng bạn. Tin vào cách làm việc của mình. Hãy để những nghi ngờ trở thành động lực giúp bạn phát triển bản thân.

5. Biết rằng cảm xúc này chỉ là tạm thời

Cho dù cảm xúc hiện tại của bạn là gì bạn nên biết rằng điều đó sẽ sớm biến mất. Một ngày, một tuần hay một tháng sau, bạn thậm chí sẽ không nhớ rằng bạn đã từng nghi ngờ chính mình. Chỉ cần vượt qua giai đoạn này bạn sẽ tiến rất xa trong tương lai. 

Nghi ngờ chính là khi nội tâm của bạn đang nói rằng “Tôi đang không biết tương lai sẽ ra sao nhưng tôi sẽ cố hết sức ở thời điểm hiện tại và đối mặt với mọi khó khăn có thể xảy đến.” Bây giờ bạn thấy bản thân yếu đuối không có nghĩa là bạn sẽ mãi mãi như vậy. Nghi ngờ bản thân sẽ tốt hơn việc tự cho rằng mình đã biết tất cả và đánh mất cơ hội để phát triển trong tương lai.

Kết

Cuộc sống của bạn sẽ khác đi rất nhiều nếu bạn thay đổi cách nghĩ về sự hoài nghi. Hãy nghĩ về nó như một tiền đề cho tương lai, đối xử với nó như một cảm giác thoáng qua, một dấu hiệu của sự phát triển, một nguồn năng lượng ít ai nghĩ đến và trên hết đó chỉ là sự bắt đầu của một điều phi thường. Làm được như vậy sẽ giúp bạn tận dụng được một “công cụ” hữu ích, và sự nghi ngờ ấy sẽ giúp bạn trở thành con người mà bạn hằng mong muốn.  

“Bài viết của tác giả trên , được chuyển ngữ bởi Diệu Linh."


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục