Bà Xuân Phượng: Dùng trăm năm chọn tình và trọn tình
Con tim không già thì tại sao chúng ta lại già. Trái tim tôi bây giờ vẫn thổn thức với mùa thu, rung động trước những bản nhạc hay, và trái tim tôi cũng muốn yêu thương… mà tôi thì không thể từ chối trái tim mình.
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Xuân Phượng trong buổi trò chuyện “Giữ lửa tuổi thanh xuân”, vào năm 2022, khi ấy bà 93 tuổi. Đôi mắt đã chứng kiến từ khung cảnh vua Bảo Đại thoái vị tại cửa Ngọ Môn, cho tới khoảnh khắc lịch sử đi theo trung đoàn xe tăng tiến vào Dinh Độc lập ngày thống nhất.
Đôi tay bà đã làm qua việc rải truyền đơn, chế tạo thuốc nổ, đi chữa bệnh cứu người, miệt mài biên dịch, viết báo, viết sách, đạo diễn những thước phim tài liệu và nuôi dưỡng cho tài năng nghệ thuật Việt vươn xa.
Cả một đời gần trăm năm, bà đi qua xiết bao thăng trầm của dân tộc và của phận mình với một trái tim không hề già đi. Dẫu là cô thiếu nữ 16 tuổi năm xưa hay thiếu nữ tuổi 95 bây giờ, dù có chuyện gì tới vẫn sống hết mình, dù là tình yêu nào đều yêu hết lòng.
Từ tuổi 16 nguyện vọng chỉ có 7 chữ: “Giành lại độc lập cho đất nước”
“Hồi đi học, ai đó hỏi tôi kể tội ác của Pháp, tôi chả biết kể gì!”. Cô bé Xuân Phượng của thời thơ ấu là một tiểu thư với mái tóc uốn, diện những bộ váy may đo cẩn thận, “phơi phới ngồi trong chiếc xe hơi nhà duy nhất của Đà Lạt”.
Nhưng rồi, dần trải qua những biến động của thời cuộc, năm 16 tuổi bà đã quyết định trốn gia đình đi theo cách mạng. Bà kể ngày ra đi hành trang của bà chỉ có 1 đôi sandal, 1 bộ quần áo, và tấm lòng trong sáng như pha lê, chỉ nghĩ: “Đi là để bỏ kiếp nô lệ. Và xác định đã đi là đi đến cùng…”
Sau một năm hoạt động ở đoàn tuyên truyền, bà chuyển sang quân y vụ. Ở đây, có một bác sĩ lãnh đạo đã tìm cách làm nhục bà. Bà bỏ nơi ấy đi, nộp đơn tình nguyện vào Bộ quốc phòng học làm thuốc nổ. Nhờ biết tiếng Pháp, bà là người nữ duy nhất được chọn về làm việc ở Quân giới Liên khu IV và trở thành một trong 3 người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chế tạo thuốc nổ.
Bà chia sẻ: “Tôi phụ trách 1 tổ Pulmynate (thuốc làm kíp nổ), 2gr = 1 mạng người mà tôi làm cả ký lô. Nghĩ lại lúc đó sao dũng cảm thế (cười)...” Nhưng sau này có người hỏi bà tại sao là phụ nữ mà dám đi làm thuốc nổ, bà trả lời:
Nếu một người đang sống trong gia đình bình thường, mà có người bắn phá gia đình mình, thì dù là phụ nữ, là ai đi nữa bạn cũng sẽ làm như vậy thôi.
Những năm sau đó bà lăn lộn ở chiến khu Việt Bắc, chuyên môn công việc có thêm nghiên cứu đường bay đạn đại bác, làm báo, học lớp y sĩ cao cấp rồi trở thành trưởng phòng khám nhi. Bước ngoặt lớn tiếp theo đến vào lúc bà đang phụ trách Phòng Khám bệnh tại Ủy ban Liên lạc Văn hóa với Nước ngoài.
Một ngày, bà được Bác Hồ giao trọng trách làm phiên dịch và chăm sóc sức khỏe cho vợ chồng đạo diễn người Hà Lan Joris Ivens và Marceline Loridan khi họ thực hiện bộ phim Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân tại Vĩnh Linh.
Sau chuyến đi, đạo diễn Ivens thấy bà có khả năng để làm nghề đạo diễn nên tâm sự: “Tôi hết lòng mong muốn Phượng mạnh dạn làm cuộc cách mạng cho chính đời mình”. Bà nghĩ mãi về câu nói ấy, năm đó bà 37 tuổi, đang có việc lương cao, chuẩn bị được đề bạt làm thứ trưởng nếu chuyển qua làm phóng viên chiến trường là trở về lương khởi điểm, bằng chị lao công.
Nhưng kết quả bà đã bắt đầu những bước chân chập chững vào nghề và trở thành nữ đạo diễn, phóng viên chiến trường đầu tiên của Việt Nam. Chuyến đi Vĩnh Linh với bà tuy đi có một đoạn đường nhưng mà học được nhiều hơn một sàng khôn, thay đổi cách nhìn cuộc sống, thay đổi cái tôi nhân văn, cách đánh giá con người, làm một người “phóng viên chiến trường tự nguyện hăng say cho đến ngày đất nước hoà bình”.
Bỏ một sự an toàn tương đối, lấy một cái chết 70%. Bạn bè bảo tôi điên rồi. Cuộc đời tôi sống khi làm phim chiến trường đúng là khổ rất nhiều, nhưng phải nói những điều vui sướng và niềm tự hào cũng không ít đâu.
“Trong 1 giây, tôi đã nhận lời làm vợ một người mà trước đó 1 phút tôi chưa hề yêu”
Vì chiến tranh, bà và mối tình đầu bị chia cắt không cách nào liên lạc. Dẫu vậy, bà vẫn một lòng chung thủy, chờ ngày đoàn tụ với người chồng chưa cưới. Bẵng đi 4 năm, khi được báo tin: “Phượng ơi, anh Nam lấy vợ rồi”. Nghe xong bà chỉ muốn ngất.
Sau đó, khi làm quân giới, bà chứng kiến một tai nạn kinh hoàng, hai người bạn gặp quả mìn phát nổ máu trào khắp người. Khi đó “anh Hoàng” đã đến bên vỗ về, quan hệ hai người cũng dần xích lại gần nhau hơn. Rồi bà nhận lời ngỏ ý: “Anh rất yêu em, em có đồng ý làm vợ của anh không?”. Giữa rừng sâu hiểm nguy luôn rình rập, có một người chân thành cho mình bờ vai để nương tựa, bà gật đầu đồng ý.
Đến một hôm bà xin nghỉ sớm vì bị ốm nghén, bà bất ngờ gặp lại mối tình đầu đã vượt gần 500 cây số đi tìm: "Hai nhà chúng mình đã ăn hỏi, anh sẽ đến gặp Hoàng xin lại Phượng". Hóa ra “anh Nam” chưa hề lấy vợ nhưng nghĩ cho đứa bé tội tình gì phải chia cách cha nên trầm ngâm ra quyết định: "Mai tôi đi".
Bà Xuân Phượng tiễn người yêu cũ ra tận bến đò sông Lô, trọn nghĩa mối tình xưa rồi quay về. Lúc đó, chồng bà đứng đợi trước cửa nhà đầy thấu hiểu và độ lượng.
Khi cả hai gia đình về sống ở Hà Nội, một lần ông Nam đến gặp bà xin phép đặt tên “Nam Phượng” (ghép từ tên hai người) cho con gái đầu lòng của ông. Bà vừa nói vừa khóc nhưng dứt khoát: “Anh không nguôi là việc của anh còn anh đặt tên thế này gây đau đớn cho người đàn bà là vợ anh, là người vừa mang nặng đẻ đau”. Cuối cùng, cô bé được đặt tên là Nam Phương, nhân duyên xoay vòng sau này lại trở thành học trò thân yêu của ông Hoàng.
Người ta có thể sống với một tình yêu và một tình nghĩa vợ chồng hay không? Riêng tôi, có thể được. Và muốn ba người - một người yêu, một người chồng, một người vợ có thể có cuộc sống không ai chê trách được thì ba người đó phải xứng đáng với nhau.
Và rồi 62 năm sau đó là chặng đường hôn nhân hai vợ chồng bà cùng đồng hành cho đến khi ông Hoàng qua đời vào năm 2011. Những tháng ngày xa nhau nhiều hơn gần kề nhưng lưu lại trong bà sự thấu hiểu, cảm động trước “tầm trí thức, lòng tốt, sự bao dung của anh ấy”.
Có lẽ tình cảm đó là động lực lớn nhất để bà vượt qua muôn trùng khó khăn khi không có chồng ở bên. Lúc chuyển dạ, bà đẻ người con đầu lòng ngay trên bến đò sông nước dập dềnh. Ngày chồng được lệnh hành quân gấp trong đêm, không thể đem theo gia đình, bà tự băng rừng “một bên đòn gánh là cái thúng với ba con gà nhốt trong lồng và một cái xoong khuấy bột. Bên kia Phước ngồi với mấy bộ quần áo rách. Tôi địu cháu Phương sau lưng”.
Thậm chí tới ngày đất nước hòa bình, hai vợ chồng ở hai đầu đất nước bà vẫn “dè sẻn từng đồng một, nhiều khi chỉ có nước mắm ớt tỏi chan bún để dành dụm tiền bay ra Hà Nội” thăm chồng. Bà cứ thế hết lòng, hết dạ, gánh gánh gồng gồng, vì chồng, vì con.
“Tại sao để người ta thương hại mình như thế!” và tình yêu hội họa
Năm 1988, bà về hưu. Lương 300 đồng, không đủ ăn. Bà được chồng kiếm giúp một công việc… đi giữ xe đạp ở Nhà hát Lớn. Bà trộm nghĩ trong lòng: “Cử nhân Pháp văn, về hưu buổi tối ra nhận trông xe. Việc đó không xấu, nhưng không hợp với mình”.
Nghĩ về những quan hệ thân tình trong bao năm làm việc, bà viết thư nhờ cậy bạn bè bên Pháp tìm việc. Trong 2 năm tiếp theo bà sống ở Paris, bạn bè xung quanh bà người cho mượn nhà ở, người lo thuốc men, người đưa bà đi thăm thú phong cảnh nước Pháp, bà cảm động “thật không gì may mắn hơn”.
Nhưng thời gian ấy, bà thường xuyên nghe những lời thương xót ái Việt Nam khổ quá, bị chiến tranh hủy diệt, con người đói, nghèo tội nghiệp quá… Nghe mãi bà sinh lòng tự ái: “Tại sao cứ để người ta thương hại mình như thế? Nước chúng ta còn cả một nền văn hóa bốn nghìn năm kia mà”.
Ý tưởng mở phòng tranh để quảng bá nghệ thuật cũng lóe ra từ đây. Nghĩ là làm, năm 1991, bà về nước mở phòng tranh Lotus. Một lần nữa bắt đầu công việc mới, tình yêu mới trong đời.
Thời gian đầu, chồng bà không ủng hộ, ông bước ra từ môi trường quân ngũ nên có những suy nghĩ rất cứng nhắc: “Phượng à, từ khi Phượng bắt đầu con đường trở thành con buôn thì Phượng đã quên con đường đi vào thư viện rồi”. Bà buồn mà không nói gì.
Lúc triển lãm tranh bên Pháp, giá nhân công cao bà tìm tới xưởng tự đóng khung tranh để tiết kiệm chi phí. Có những khi bà bán trang sức, cầm cố đồ của mình để phòng tranh hoạt động. Bà thấy trời cho mình “mát tay”, từ những người họa sĩ tiềm năng chưa có tên tuổi, sau khi được bà nâng đỡ tài năng của họ đều thành danh vang xa.
Tranh của họa sĩ Trương Đình Hào được bà tìm thấy ở cái sân gạch tróc lở, gần chuồng gà, phải cắm bó đuốc hai bên để soi sau này có giá cả chục nghìn đô, bán được mấy nghìn bức. Nhìn những biến chuyển trong cuộc sống của người họa sĩ nhờ vào tiền bán tranh, dần dần, chồng bà cũng không còn gay gắt nữa.
Ở độ tuổi ngoài 90, bà vẫn miệt mài tổ chức triển lãm tranh ở khắp các quốc gia. Có một nhà báo ngỡ ngàng hỏi: “Tuổi này mà sao bà còn làm triển lãm tranh?”. Bà thẳng thừng hỏi lại: “Tại sao ở tuổi này, tôi không có quyền làm triển lãm tranh?”
Ai cũng sống một đời và chết một lần. Thật vô lý khi đang sống mà cứ nghĩ đến cái chết để lo sợ, hoang mang, để khước từ niềm vui và khát vọng sống.
Nếu không né được cái chết thì tôi “đăng ký” được chết khi đang triển lãm tranh (một công việc mà tôi say mê, đặt bao tâm huyết) hơn là chết trên giường bệnh, bị quăng quật bởi cơn đau.
Bởi vậy, sống một cuộc đời gần trăm năm, bà vẫn thấy thời gian sao ngắn quá. Bà đã có một cuốn hồi ký kể lại đời mình, cuốn thứ hai về hành trình tình yêu với tranh mới được hoàn thành gần đây. Và bà dự định có cuốn thứ ba nói về những ngày tháng làm phim chiến trường.
Cứ tranh thủ lúc nào làm lúc ấy, với bà, cuộc đời được ngừng lại trong lúc đang làm việc, có lẽ là ra đi trong yêu thương. Và đó là một điều hạnh phúc.