Bác sĩ sao phải đi bán rau trong khi máy móc tiền tỷ xếp xó?
1. Chuyện gì đã xảy ra?
Báo Lao Động vừa qua đã có loạt bài về tình trạng nợ lương 160 bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Từ tháng 05/2021, nhân viên của bệnh viện chỉ được nhận 50% mức lương.
Ngoài ra, nhiều người lao động tại bệnh viện cũng phản ánh họ đã bị cắt bỏ các khoản tiền như phúc lợi xã hội hay thu nhập tăng thêm. Điều này khiến nhân viên bệnh viện gặp nhiều khó khăn, họ phải chuyển qua làm những việc kiếm thêm như bán rau hay ship hàng hóa.
2. Nguyên nhân tới từ đâu?
Theo PGS.TS Phạm Thanh Bình, nguồn cơn của sự việc tới từ 3 lý do. Đầu tiên là vì Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã chuyển sang cơ chế tự chủ quá nóng vội mà chưa có sự chuẩn bị đầy đủ. Bên cạnh đó, lĩnh vực chính của bệnh viện lại là y học cổ truyền, một ngành thường gặp khó khăn. Cuối cùng là đại dịch COVID-19 khiến bệnh viện mất doanh thu khi không có bệnh nhân.
Tuy nhiên, Bệnh viện Tuệ Tĩnh ban đầu được lập ra với mục đích làm cơ sở thực hành cho sinh viên. Số giường bệnh tại đây cũng chỉ chiếm một phần nhỏ. (VTV, 2021)
Sự chuyển đổi đột ngột sang cơ chế tự chủ và khám chữa bệnh dịch vụ đã tạo ra nhiều bối rối cho lao động tại bệnh viện, nhất là khi 84,32% không đồng tính với quyết định này.
Trước những phản ánh, đại diện của Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam thông báo sẽ trả lời sau khi có kết quả của Thanh tra Bộ Y tế.
3. Ngân sách đã đi đâu?
Theo như VTV, Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã xin tự chủ vào tháng 06/2019, đây cũng là lúc tình hình bệnh viện bắt đầu đi xuống.
Tuy nhiên trước đó, từ năm 2018 - 2019, tháng nào cũng có công văn từ bệnh viện gửi xin tiền để mua thêm các thiết bị y tế. Cụ thể, năm 2020 đơn vị này được trang bị 21 thiết bị lên tới hơn 16 tỷ. Sang năm 2021, thì số tiền đầu tư cho thiết bị lên 18 tỷ 2 trăm 33 triệu đồng.
Nghịch lý lại nằm ở chỗ, dù nhân viên bệnh viện gặp nhiều khó khăn, các trang thiết bị y tế đắt tiền lại chỉ nằm không đắp chiếu. Đã có sự mâu thuẫn trong cơ chế tự chủ tài chính của bệnh viện và việc liên tục sắm các trang thiết bị chỉ để “trưng bày".
4. Cơ chế tự chủ là gì?
Cơ chế tự chủ của các bệnh viện công lập là một chính sách khuyến khích các đơn vị này tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng và tài chính, thay vì nhờ vào ngân sách nhà nước.
Việc chuyển đổi này được cho là cần thiết khi giúp hạn chế tham nhũng, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của bệnh viện. Một trong số đó là giải quyết các vấn đề liên quan tới thu nhập của nhân viên y tế.
Nghiên cứu về cơ chế tự chủ tài chính được đăng trên Health Policy and Planning (2018) chỉ ra, khác với các nước phát triển, việc áp dụng hình thức này tại các nước đang phát triển như Việt Nam được cho là còn nhiều thách thức.
Báo Nhân Dân cũng cho rằng việc chuyển đổi này gặp nhiều khó khăn xoay quanh ba vấn đề: tài chính, nhân lực và cơ chế vận hành. Các bệnh viện công lập trước giờ đã luôn phụ thuộc vào ngân sách, sự thay đổi này tạo ra nhiều khó khăn cho bệnh viện khi họ không thể đảm bảo được đời sống cho cán bộ và nhân viên.
5. Chế độ đãi ngộ nhân viên y tế tại Việt Nam ra sao?
Sở Y Tế đã đưa ra nhiều chính sách để giúp nhân viên y tế, trong đó có đề xuất hỗ trợ hàng tháng từ 3 - 5 triệu đồng đối với bác sĩ, nhân viên y tế tùy theo trình độ. Tuy nhiên theo như báo Dân Trí, rất nhiều người vẫn chưa nhận được tiền dù đã thoái hóa cột sống.
Dưới áp lực công việc làm cả tuần với nhân sự ít tại nhiều trạm y tế, khoản tiền hỗ trợ này dường như không thấm vào đâu, không đủ để trang trải cuộc sống. Ngay cả đối với bệnh viện hạng 1 thì mức tiền trả thêm cho nhân viên trực 24/24 cũng chỉ là 115.000 VNĐ. (kinhtedothi.vn)
Trạm trưởng trạm Y Tế xã Trung Chánh (Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, lương của ông còn chỉ khoảng 6 - 7 triệu VNĐ, thì lương của nhân viên còn thấp hơn. Đó là chưa kể đến nhiều nơi, nhân viên còn bị giảm lương. Trong khi đó, mức lương trung bình của người lao động tại thành phố Hồ Chí Minh là 8,9 triệu đồng.
6. Các nước trên thế giới có gặp vấn đề tương tự?
Theo một khảo sát của Đại học Chicago và Associated Press - NORC, đa phần người Mỹ nhận thấy rằng các y tá và điều dưỡng đang bị trả lương quá thấp dù phải thường xuyên làm việc quá sức. Điều này tệ hơn khi dịch bệnh diễn ra.
Tại Philippines, mặc cho dịch bệnh leo thang, nhiều nhân viên y tế vẫn quyết tâm xuống đường để biểu tình khi mà họ không được trả lương trong một thời gian dài.
Có tới 127.332 nhân viên y tế nước này vẫn đang chờ để nhận được khoảng tiền chi phí rủi ro (hazard pay) cho công việc của họ.
7. Hệ quả của những việc này là gì?
Đại dịch có thể chỉ là giọt nước tràn ly cho các vấn đề mà nhân viên y tế phải đối mặt. Trong đợt dịch vừa qua, rất nhiều nhân viên y tế đã quyết định phải bỏ nghề khi mà đồng lương và mức hỗ trợ không tương xứng với áp lực công việc. Nhiều người gọi đây là sự di cư của những thiên thần áo trắng.
Theo WHO, nhiều bác sĩ đã chọn chuyển công tác sang những bệnh viện có ít áp lực hơn hay “di cư” hẳn sang nước ngoài để làm việc, nơi có mức lương cao hơn hiện tại. Tại Mỹ, 80% nhân viên y tế nói rằng họ còn cân nhắc đổi nghề khi mà công việc hiện tại đang quá tải; 49% còn suy nghĩ đến việc không nên khuyên con cái học nghề y. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn lực y tế tại nhiều quốc gia.
Không chỉ nằm ở đồng lương mà những nhân viên y tế còn phải chịu nhiều bất công trong quá trình hành nghề. Chỉ trong vòng 1 tuần vừa qua đã có quá nhiều bài báo về việc nhân viên y tế bị hành hung, bị đe dọa bằng súng.
Có lẽ ngay cả thiên thần áo trắng cũng không thể mãi mỉm cười bao dung trước những bất hợp lý. Vậy nên mặc cho đã làm đúng lời tuyên thệ Hippocrates, nhiều bác sĩ vẫn không thể sống nổi chỉ với lòng yêu nghề.
“Nếu tôi giữ lời thề này một cách thành khẩn, tôi sẽ được an hưởng đời tôi và thực hành nghề tôi, được mọi người kính trọng mãi mãi.”