Bạn có biết “bí quyết” thực sự dẫn đến hạnh phúc?
Tiếp nối bài viết “Bạn có thật sự hiểu rõ hạnh phúc như mình tưởng?”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “An Unconventional Way to Happiness”, đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Con đường thông thường dẫn đến hạnh phúc
Chúng ta không thiếu những bài báo và sách vở nói về các phương pháp để hạnh phúc hơn. Hầu hết các tài liệu này đều nói về việc cải thiện một số lĩnh vực trong cuộc sống của bạn như:
- Các mối quan hệ
- Sức khỏe thể chất và tinh thần
- Công việc và tình hình tài chính
Những lời khuyên này đương nhiên rất giá trị. Chúng dẫn bạn tiến gần tới hạnh phúc hơn, nhưng không phải theo cái cách đa số chúng ta nghĩ.
Các mối quan hệ, sức khỏe, công việc hay tài chính là điều kiện tiên quyết giúp bạn không đau khổ. Nó không đồng nghĩa với hạnh phúc thực sự, nhưng bạn không thể hạnh phúc nếu bạn đau khổ, nên nó cũng có lý ở đây. Vì vậy, hãy bắt đầu ngay với việc:
- Loại bỏ những mối quan hệ độc hại khỏi cuộc đời bạn. Dành thời gian bên những người bạn thực sự yêu quý, những người thực lòng yêu thương và ủng hộ bạn.
- Chăm sóc sức khỏe thể chất. Ăn uống điều độ, vận động cơ thể và ngủ cho đủ giấc.
- Chăm sóc sức khỏe tinh thần. Bớt xem tin tức lại, đừng lướt điện thoại liên tục nữa. Tắt các thiết bị điện tử khi cần. Thực hiện một số phương pháp thiền và chánh niệm, và đi trị liệu tâm lý nếu cần thiết.
- Tìm một công việc không hút hết linh hồn bạn khỏi thân xác, mà vẫn giúp bạn trang trải chi phí sinh hoạt và tận hưởng cuộc sống một chút.
Nếu cuộc đời bạn đang bế tắc ở một hoặc nhiều khía cạnh trong số này, dĩ nhiên bạn sẽ không hạnh phúc. Vì vậy, việc sắp xếp chúng sẽ giúp tăng mức độ hạnh phúc của bạn mỗi ngày. Dù vậy, có một khía cạnh khác của hạnh phúc vốn không được thảo luận thường xuyên.
Con đường dị thường dẫn đến hạnh phúc
Cá nhân tôi nhận thấy rằng, ngoài những biện pháp hữu hình nêu trên, còn có những cách khá… nghịch lý và phản trực giác khác có thể giúp bạn đạt được sự hài lòng và bình yên trong cuộc sống ở một cấp độ mới.
Ghi nhớ về cái chết mỗi ngày
Trước hết hãy bắt đầu với cái chết của chính bạn. Một chủ đề không vui vẻ tí nào, nhưng nó lại rất quan trọng.
Cái chết mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Khi nhận ra nhân sinh chỉ là cõi tạm, rằng mọi thứ bạn yêu thương và quan tâm rồi sẽ rời bạn mà đi, thì bạn buộc phải lựa chọn điều quan trọng với mình ngay lúc này. Nói cách khác, thời gian hữu hình trên Trái Đất buộc ta phải chọn lựa xem nên quan tâm những gì.
Trước cái bóng của cõi vĩnh hằng, mọi sự phù phiếm của cuộc sống đều tan biến. Mọi tài sản vật chất, mọi thành tựu bên ngoài, thậm chí cậu nhân viên ghi sai order nước của bạn - chẳng còn gì quan trọng khi bạn nhận ra rằng, mình sẽ nằm dưới mồ lâu hơn nhiều so với khi còn sống.
Thay vào đó, khi nhìn cuộc sống qua lăng kính của cái chết, điều gì quan trọng đều trở nên rõ ràng. Hãy dành một vài khoảnh khắc bên người bạn yêu quý, hay giúp đỡ người khác vì họ cũng bị ném vào vũ trụ này giống bạn. Hoặc đơn giản nhất, bạn chỉ cần đắm chìm trong sự thật rằng, việc mình đang sống đã là một phép màu.
Yêu lấy những khuyết điểm của mình
Rất nhiều người tập trung vào “cải thiện” bản thân, nghĩa là họ cố gắng thay đổi điều gì đó họ không thích ở chính mình. Tôi cho rằng đây là mục tiêu cao cả, nhưng nó nên dừng lại ở thời điểm thích hợp để bạn tập trung vào những điều khác quan trọng hơn.
Một số người quá tập trung vào “sửa chữa” bản thân, mà vô tình bỏ bê việc phát huy một số phẩm chất đáng quý hơn của mình. Số khác lại tập trung thái quá vào yếu tố “bản thân” đến mức trở nên tự mãn và bỏ bê những khía cạnh khác họ cần phải chú ý.
Cũng có không ít người cải thiện bản thân để làm hài lòng người khác. Họ làm mọi cách để gây ấn tượng khiến người khác thích mình, để chứng minh họ có thể thỏa mãn mọi tiêu chuẩn kỳ cục mà người khác đặt ra.
Trong quá trình này, hiếm khi người ta tạm dừng để phản tư xem điều gì thực sự khiến họ hạnh phúc và bình yên hơn với chính mình, kể cả với những khuyết điểm của họ.
Thất bại - và thất bại thật đau đớn
Năm 1910, Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt từng có bài phát biểu nổi tiếng mang tên “The Man in the Arena” (tạm dịch: Người đàn ông trong đấu trường). Trong đó, ông khuyên khán giả đừng tiếp tục hoài nghi các vận động viên, mà hãy đặt cược vào chính họ:
“Cuối cùng, chẳng ai còn nhớ kẻ chỉ trích, hay đứa đứng đó kể lan man về sự ngã xuống của những kẻ mạnh, hay chuyện lẽ ra một ai đó cần phải làm tốt hơn như thế. Câu chuyện của nhân loại, là câu chuyện của người xông vào đấu trường, với gương mặt bám đầy bụi, mồ hôi và máu, người dũng cảm xông lên, người mắc phải sai lầm, người vấp ngã hết lần này đến lần khác, người đứng lên vì đại nghĩa, người nếm mùi thành công và thất bại. Nhưng dù có thất bại, họ đã dám xông lên, và vì vậy, linh hồn của họ sẽ chẳng bao giờ mắc kẹt cùng những linh hồn lạnh lẽo & sợ hãi, những linh hồn chưa một lần được chạm vào thất bại, thành công.”
(Bản dịch trích đăng từ blog của tác giả Nguyễn Phi Vân)
Roosevelt nhận ra rằng, hầu như mọi người đều đánh đồng thất bại với đau khổ - đến mức độ họ né tránh thất bại bằng mọi giá. Thay vào đó, họ đứng ngoài lề bình luận để khiến bản thân cảm thấy tốt hơn về việc không hành động. “Rủi ro” là một từ nhơ nhuốc với họ, nên họ tuyệt đối không chấp nhận nó.
Ý nghĩ “mình là một tên ngốc” của người mới bắt đầu khiến họ lo lắng đến mức luôn chọn cách an toàn. Không làm công việc mới, không thử sở thích mới, thậm chí không có ý tưởng nào mới để suy ngẫm.
Nỗi sợ bị từ chối khiến nhiều người không dám rời khỏi vòng an toàn để hẹn hò hay kết bạn với những người mới. Nhưng đây cũng chính là những kiểu rủi ro chúng ta phải mạo hiểm dấn thân và chấp nhận để thực sự hạnh phúc.
Đừng “gồng" lên để hạnh phúc
Hạnh phúc vận hành dựa trên một nguyên lý mà tôi gọi là “luật nghịch đảo”, phát biểu như sau:
Với bất cứ việc gì bạn chủ động làm một cách có ý thức, nỗ lực và kết quả sẽ có quan hệ nghịch đảo.
Nói cách khác, bạn càng cố thay đổi trạng thái bên trong của một sự vật/sự việc, thì càng khó đạt kết quả như ý. Đó là bởi bản thân việc mong muốn có trải nghiệm tích cực đã là một điều tiêu cực. Trong khi đó, việc chấp nhận một trải nghiệm tiêu cực lại chính là một điều tích cực.
Vì vậy, việc “gồng” lên để hạnh phúc chỉ xoáy sâu hơn vào những khía cạnh khiến bạn bất hạnh. Mặt khác, việc hiểu rằng “đời là bể khổ” lại giúp bạn nhẹ nhàng chấp nhận bản chất vốn có của cuộc đời, và biết quý trọng những khoảnh khắc hạnh phúc nhiều hơn khi chúng đến.
Thế nên đừng gồng lên nữa nhé. Đừng tìm kiếm “bí quyết” của hạnh phúc nữa. Cũng đừng tối ưu hóa mọi thứ trong cuộc sống, với hy vọng nó khiến bạn hạnh phúc hơn. Hãy dừng tất cả các việc đó lại, và bắt đầu sống cuộc đời của bạn thôi.