Bạn có thật sự hiểu rõ hạnh phúc như mình tưởng? | Vietcetera
Billboard banner
28 Thg 05, 2023
Chất Lượng Sống

Bạn có thật sự hiểu rõ hạnh phúc như mình tưởng?

Theo Mark Manson, nhiều người nghĩ hạnh phúc là đích đến có thể đạt được khi mọi việc đều ổn. Trên thực tế, nó là một hành trình bao gồm nhiều điều không hoàn hảo khác.
Bạn có thật sự hiểu rõ hạnh phúc như mình tưởng?

Nguồn: Leohoho @ Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “An Unconventional Way to Happiness” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Chúng ta thường xuyên nhận những thông điệp khuyên nhủ rằng, bạn lúc nào cũng phải hạnh phúc. Và để hạnh phúc thì bạn phải có gì? Một công việc tốt, một người bạn đời tuyệt vời và một cuộc sống hoàn hảo. Chúng ta bị “thao túng tâm lý” để nghĩ rằng, bất cứ cái gì không hoàn hảo đều là thất bại và sẽ dẫn đến bất hạnh.

Nhưng hạnh phúc vốn không phải là đích đến. Nó không phải thứ bạn có thể đạt được bằng cách lập danh sách những thành tựu cần đạt rồi gạch dần các đầu mục. Bạn cũng đừng nghĩ kiếm được càng nhiều tiền, nhiều của thì sẽ càng hạnh phúc - nó là thứ không thể tìm thấy ở bên ngoài chúng ta.

Trên thực tế, hạnh phúc là một hành trình. Và đó là hành trình chúng ta phải lựa chọn mỗi ngày.

Thực sự thì hạnh phúc là gì?

Các nhà nghiên cứu có xu hướng tập trung vào 2 thành phần của hạnh phúc:

  1. Một cảm giác chủ quan về sự tích cực. Cụ thể thì, mỗi ngày bạn cảm thấy thế nào? Lưu ý rằng nó không đơn thuần là cảm giác dễ chịu 24/7. Nó là trải nghiệm những cảm xúc phức tạp hơn niềm vui đơn giản bề ngoài, chẳng hạn như lòng biết ơn và ý nghĩa.
  2. Sự hài lòng về cuộc sống. Khi lùi lại một bước để nhìn vào cuộc đời mình, bạn có hài lòng với những gì đang diễn tiến hay không? Bạn đã từng bước chân khỏi vùng an toàn hay chưa? Nếu kết quả là bạn thất bại, bạn có mừng vì ít nhất mình đã thử?

Về mặt học thuật, hạnh phúc là sự kết hợp giữa cảm xúc tích cực chủ quan và ý thức về mục đích/ý nghĩa trong cuộc sống. Tất nhiên có vô số cách giúp bạn đạt được những điều này để trở nên hạnh phúc hơn - các mối quan hệ bền vững, sức khỏe thể chất và tinh thần hay tìm kiếm ý nghĩa trong công việc mình làm.

Các cách trên đều hữu ích cả. Nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng, việc định nghĩa những gì không phải là hạnh phúc cũng quan trọng không kém.

Hạnh phúc không phải là sự thiếu vắng những cảm xúc tiêu cực

Chúng ta thường nghĩ hạnh phúc là cảm xúc đối lập với buồn bã, tức giận hay lo lắng. Nhưng trên thực tế, các cảm xúc tiêu cực là một phần tự nhiên của cuộc sống, và chúng cũng góp phần tạo nên hạnh phúc. Nếu không có chúng, bạn đâu thể coi trọng những cảm xúc tích cực?

Hạnh phúc không phải là lúc nào cũng vui vẻ, mà là học cách chấp nhận và quản lý mọi cung bậc cảm xúc bạn trải qua.

23may2023pexelsrunshizheng3788051jpg
Các cảm xúc tiêu cực cũng góp phần tạo nên hạnh phúc. | Nguồn: Pexels

Hạnh phúc không phải là thành công

Như tôi đã nói ở trên, chúng ta thường coi hạnh phúc là một to-do list các thành tựu mà ta phải gạch hết từng cái để có được. Nhưng cái đó thực ra là THÀNH CÔNG, chứ không phải HẠNH PHÚC. Thành công có thể mang lại sự thỏa mãn tạm thời, song không bền vững về lâu dài.

Hạnh phúc là khi bạn tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống, và theo đuổi những điều quan trọng với bạn bằng niềm đam mê và tận hiến. Điều đó có thể khác với những gì mà xã hội định nghĩa là “thành công”.

Hạnh phúc không phải một trạng thái cố định

Một hiểu nhầm phổ biến khác về hạnh phúc, là một khi chúng ta đạt được nó, sẽ có thể duy trì nó mãi mãi. Nhưng thực tế hạnh phúc là một trạng thái năng động, đòi hỏi nỗ lực và cam kết không ngừng.

Để tích cực nuôi dưỡng hạnh phúc trong cuộc sống, bạn phải tập trung vào những gì tiếp thêm cho bạn niềm vui, chẳng hạn như kết nối với người khác và tham gia các hoạt động mang tới ý thức về mục đích và sự hài lòng.

Hạnh phúc không phải thứ bạn có thể tìm thấy bên ngoài

Một số người cho rằng mình có thể hạnh phúc nếu thay đổi yếu tố ngoại cảnh. Điều này chỉ đúng một phần, vì hạnh phúc là trạng thái đến từ bên trong chính bạn.

23may2023chrisyang4tqqpiqxjxgunsplash1634531222617jpg
Hạnh phúc thực sự đến từ bên trong bạn, chứ không phải từ yếu tố ngoại cảnh. | Nguồn: Unsplash

Do đó, chúng ta cần học cách chấp nhận những gì xảy ra với mình trong cuộc sống, và tập trung vào những gì ta có thể kiểm soát. Khi nuôi dưỡng lòng biết ơn và biết đánh giá cao khoảnh khắc hiện tại, bạn có thể cảm nhận hạnh phúc ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất.

Điều gì làm người ta hạnh phúc?

Không có một công thức chung cụ thể nào cho hạnh phúc. Dù vậy, có những yếu tố tác động đến mức độ hạnh phúc của hầu hết mọi người. Tùy từng người mà mức độ ảnh hưởng chi tiết khác nhau, nhưng chúng ta nhìn chung đều cần sự kết hợp của những điều sau đây để sống cuộc sống thực sự hạnh phúc:

Các mối quan hệ lành mạnh

Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ nhận ra con người là một sinh vật kỳ lạ. Bởi so với đa số các loài động vật khác, chúng ta nhỏ bé, yếu ớt và dễ bị tổn thương hơn cả. Ấy vậy mà chúng ta lại thống trị thế giới theo cái cách mà không sinh vật nào khác làm được.

Đó là nhờ khả năng sống theo bầy đàn - một bản chất xã hội khiến chúng ta khác biệt trong thế giới muôn loài. Khả năng hợp tác thông qua tính xã hội có thể mở rộng chính là thứ định hình nên con người chúng ta.

Nếu như con hải ly xây đập để thể hiện tính “hải ly” của nó, thì con người vun đắp các mối quan hệ xã hội để thể hiện tính nhân văn của mình một cách đầy đủ nhất. Nói cách khác, các kết nối và tương tác xã hội là nền móng giúp chúng ta phát triển. Vì vậy, việc xây dựng mối quan hệ lành mạnh với gia đình, bạn bè và người thương giúp tăng cường sự hạnh phúc và viên mãn.

Nhận thức về mục đích và ý nghĩa cuộc sống

Vai trò của bạn trong thế giới rộng lớn này là gì? Bạn đang đóng góp gì cho nó? Bạn tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của người khác ra sao?

Khi có ý thức về phương hướng và mục đích trong cuộc sống, bạn sẽ thấy thỏa mãn và hài lòng hơn. Nó có thể đến từ việc theo đuổi một công việc có ý nghĩa, tham gia các hoạt động bạn yêu thích hoặc đóng góp cho một quỹ từ thiện bạn quan tâm.

Ảnh hưởng của bạn không nhất thiết phải thay đổi cả thế giới. Trên thực tế, bạn có thể tạo ra ảnh hưởng lớn nhất với chính những con người, sự vật hay sự việc quanh mình. Bạn chỉ cần giúp đỡ một người bạn, hàng xóm hoặc thậm chí người lạ, làm tình nguyện ở cộng đồng địa phương hoặc trích ra vài đồng quyên góp cho một quỹ từ thiện.

18nov2022pexelsthisiszun1139648jpg
Bạn có thể tạo ra ảnh hưởng lớn với chính những người xung quanh mình. | Nguồn: Pexels

Sức khỏe thể chất và tinh thần

Tập thể dục thường xuyên, ăn uống theo chế độ lành mạnh và ngủ đủ giấc đều góp phần khiến bạn khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Cái này thì chúng ta ai cũng biết rồi.

Nhưng bạn cũng cần lưu ý rằng, bạn chính là những gì bạn tiêu thụ. Khái niệm này không chỉ đúng với đồ ăn thức uống, mà với bất cứ thứ gì bạn tiêu thụ nói chung. Nói cách khác, để có một tinh thần khỏe mạnh, bạn cũng cần cho nó “ăn” những nội dung có ích.

Việc dừng tiêu thụ một số loại tin tức có thể tác động lớn đến sức khỏe tinh thần bạn mỗi ngày. Điều này cũng đúng với những nội dung truyền hình rác rưởi, hoặc lướt mạng xã hội trong vô thức.

Tài chính ổn định

Mọi người dường như đều đồng tình rằng, tiền không thể mua được hạnh phúc. Câu này đúng, nhưng cách để hiểu nó thì lại không đơn giản như bạn nghĩ.

Việc có tài chính ở mức độ an toàn nhất định có thể góp phần khiến bạn hạnh phúc. Bởi khi đó bạn không phải đau đầu với các khoản chi hàng tháng, hoặc sợ hãi nếu có biến cố xảy ra. Bạn sẽ có cuộc sống dễ thở hơn và không phải lúc nào cũng căng thẳng.

Nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi vượt quá một mức độ nào đó, thu nhập và của cải tăng thêm có tác động giảm dần với cảm giác hạnh phúc và bình ổn của chúng ta.

Tiền bạc vốn là một con dao hai lưỡi trong hạnh phúc ở chỗ, bạn có thể đau khổ vì không đủ tiền lo cho bản thân và gia đình, hoặc vì bị ám ảnh với việc phải kiếm nhiều tiền hơn nữa. Cả hai trường hợp đều dẫn đến stress tăng cao khiến bạn bất hạnh hơn.

Vậy làm thế nào để trở nên hạnh phúc hơn? Đối với tôi, có hai cách trả lời cho vấn đề này. Một cách thì khá thông thường, cách còn lại thì không thông thường cho lắm.

Còn tiếp…