Làm sao để vượt qua cảm xúc và chấp nhận rủi ro? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
26 Thg 02, 2023
Chất Lượng Sống

Làm sao để vượt qua cảm xúc và chấp nhận rủi ro?

Theo Mark Manson, chúng ta thường đánh đồng cảm xúc với danh tính của mình. Một khi tách được chúng ra, bạn sẽ làm được nhiều điều hơn bạn nghĩ.
Làm sao để vượt qua cảm xúc và chấp nhận rủi ro?

Nguồn: Rachel Martin @ Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “How to Take Risks”, đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Hồi còn nhỏ, tôi tò mò lắm. Mỗi lần bố mẹ sắm cái đầu VCR hay dàn âm thanh mới, tôi ấn hết 7749 cái nút, cắm và rút tất cả các dây xem điều gì xảy ra. Dần dần, tôi thông thạo hết công dụng của từng cái. Và nghiễm nhiên tôi trở thành “chuyên gia” duy nhất về những công cụ này trong nhà.

Bố mẹ tôi lấy làm lạ lắm. Họ xem tôi như thần đồng, bởi tôi có thể sử dụng mọi chức năng mà không cần nhìn quyển hướng dẫn. Họ luôn hỏi tôi nút này có chức năng gì, dây cáp này phải cắm vào đâu. Lúc đó tôi thực sự không hiểu sao họ phải hỏi vậy, vì họ chỉ cần bấm hoặc cắm thử là biết ngay. Sau vài lần sai thì sẽ biết cách làm đúng thôi mà.

Cái chứng sợ công nghệ của thế hệ bố mẹ tôi hồi đó thì đúng là buồn cười. Nhưng càng lớn, tôi càng hiểu ra chúng ta cũng có những vấn đề giống họ. Chúng khiến ta vò đầu bứt tai vì không biết phải làm thế nào. Trong khi sự thực là chỉ cần bắt tay vào làm, ta sẽ có đáp án.

Năm nào cũng có không ít độc giả gửi cho tôi những câu hỏi kiểu này. Và thực lòng tôi không biết phải trả lời họ thế nào.

Chẳng hạn một bạn đọc có bố mẹ nhập cư đã tiết kiệm cả đời để đủ tiền cho bạn học Y khoa. Nhưng khi theo học, bạn nhận ra mình không thích ngành Y và không muốn làm bác sĩ. Bạn bế tắc đến nỗi email cho một người lạ trên mạng để hỏi xem làm thế nào để bỏ học.

Hay một chàng sinh viên cử nhân phải lòng chị gia sư đang học thạc sĩ, và không thể vượt qua những ranh giới vô hình giữa họ. Thế là cậu khổ sở mỗi lần cười nói và trò chuyện với cô. Cậu viết cho tôi một email dài 28 trang, kết thúc với câu hỏi không thể hiển nhiên hơn: “Làm sao để rủ cô ấy đi hẹn hò?

Hoặc một bà mẹ đơn thân có 2 đứa con đều bỏ học. Họ ăn không ngồi rồi ở nhà cả ngày và không tôn trọng sự riêng tư của bà. Bà muốn họ chuyển ra ngoài, và bà cũng muốn sống tiếp cuộc đời mình. Nhưng bà lại rất sợ phải đẩy con khỏi nhà, nên bà nhắn hỏi tôi làm cách nào để nói với chúng về việc này.

Những câu hỏi này cũng tương tự câu hỏi của bố mẹ tôi về cái đầu VCR. Nhìn từ quan điểm người ngoài thì đáp án đơn giản lắm: cứ làm là sẽ biết kết quả. Nhưng đứng vào vị trí của từng người thì chúng trở nên vô cùng phức tạp.

23feb2023ronlachjpg
Nhìn từ quan điểm người trong cuộc, những câu hỏi tưởng chừng đơn giản lại trở nên vô cùng phức tạp. | Nguồn: Unsplash

Vấn đề mấu chốt ở đây là cảm xúc. Muốn bỏ học trường Y rất dễ, chỉ cần nộp đơn xin thôi học. Nhưng làm bố mẹ đau lòng tột độ thì không. Muốn hẹn hò gia sư thì chỉ cần ngỏ lời, nhưng đối mặt với sự xấu hổ khi bị từ chối thì không đơn giản như thế. Muốn con chuyển ra ngoài thì chỉ cần hạ lệnh, nhưng nó sẽ khiến bạn cảm giác như đang bỏ rơi chúng.

Bản thân tôi cũng vật lộn với chứng lo âu xã hội trong suốt thời niên thiếu & những năm đầu tuổi trẻ. Tôi vùi đầu vào chơi game, uống rượu và hút thuốc để xua đi cảm giác khó chịu. Suốt nhiều năm trời, chỉ nghĩ đến việc bắt chuyện với một người lạ (đặc biệt nếu tôi cảm thấy “người lạ” đó hấp dẫn) là tôi sợ rồi.

Tôi tự đặt cho mình những câu hỏi ngu ngốc kiểu như “Làm thế nào để bắt chuyện với người khác? Làm sao người ta làm được nhỉ?”. Tôi có đủ loại niềm tin sai lệch về điều này, rằng thì là mà tôi phải có một lý do chính đáng để bắt chuyện với người khác. Rằng phụ nữ sẽ nghĩ tôi biến thái nếu tôi hay bắt chuyện với họ.

Nhưng vấn đề thực sự nằm ở chỗ tôi để cảm xúc quyết định bản dạng của mình. Vì cảm thấy người khác không muốn nói chuyện với mình, tôi tin rằng mình là đối tượng không ai muốn bắt chuyện, và tự vấn những câu ngớ ngẩn như trên.

Tôi không thể tách rời cảm xúc và con người thực tế của mình. Cũng vì vậy mà tôi không thoát được khỏi tầm nhìn hạn chế của bản thân và nhìn vấn đề theo đúng bản chất của nó. Muốn nói chuyện với ai, tôi chỉ cần tiến đến và mở lời thôi mà.

Chấp nhận rủi ro và “chướng ngại” cảm xúc

Trí não của bạn vốn không đáng tin, bởi nó bị không ít thiên kiến làm nhiễu loạn. Chính vì vậy bạn phải hết sức cẩn thận khi đánh giá người khác, và đừng tin vào cái gì ngay lập tức mà không có chút nghi ngờ nào.

Tương tự như vậy, cảm xúc của bạn cũng không đáng tin. Không phải bạn cứ cảm thấy cái gì tệ là nó thực sự tệ - điều này bao gồm cả những gì bạn đang nghĩ về chính mình. Nhưng con người dễ bị cảm xúc chi phối, nên bạn dễ trở nên “hợp nhất” với chúng.

Chẳng hạn nhiều người nói “tôi sợ” thay vì “tôi thấy sợ”. Cách nói thứ hai có chữ “thấy” tách biệt được chủ thể (tôi) và cảm xúc của bạn (sợ), trong khi cách thứ nhất không có. Lâu dần, bạn vô thức coi cảm xúc là danh tính và số phận của mình.

Đây chính là chướng ngại vật lớn nhất của bạn trên tiến trình cải thiện cuộc sống. Khi bạn tin sái cổ vào cảm xúc của mình mà không chút hoài nghi hay phản biện, nó sẽ khơi dậy trong bạn lòng tự ái ngấm ngầm.

Một khi bị ám ảnh với cảm xúc và sự hài lòng của chính mình, bạn sẽ không thể thoát khỏi tầm nhìn hạn hẹp của bản thân mà đặt mình vào vị trí người khác. Bạn cũng sẽ không “thấm” được những giá trị vượt ngoài quyền hạn và lợi ích của mình.

Đáng tiếc là kiểu ích kỷ tinh tế này đã trở thành một nét văn hóa. Việc đồng nhất cá nhân với cảm xúc và ham muốn cảm thấy tốt hơn được khích lệ nhiệt tình. Nó xuất hiện khắp mọi nơi, từ băng rôn quảng cáo đến phim ảnh, văn học và các sách self-help.

23feb2023pexelsjessicaticozzelli4393080jpg
Trớ trêu thay, việc đồng nhất cá nhân với cảm xúc lại được khích lệ nhiệt tình. | Nguồn: Pexels

Nếu bạn thấy điều gì tốt, thì bản chất nó là tốt; còn bạn thấy điều gì tệ thì nghiễm nhiên là nó tệ. Những khẩu hiệu rỗng tuếch kiểu như “hãy tin vào trực giác của bạn”, “sống cho hôm nay”, “hãy để trái tim bạn dẫn lối” thể hiện rõ lối tư duy này. Chúng vấy bẩn tâm trí và “rào” bạn trong mớ cảm xúc của chính mình, thay vì để bạn khám phá thêm những giới hạn khác của bản thân.

Bạn có thể giận mẹ, nhưng cơn giận đó không định hình mối quan hệ của mẹ con bạn. Bạn lo lắng trước một quyết định lớn trong đời, nhưng như vậy không có nghĩa bạn phải lo lắng cả phần đời còn lại. Bạn thấy tội lỗi vì đặt ra ranh giới trong mối quan hệ, song cảm xúc này không quyết định bản dạng và giá trị bạn theo đuổi.

Bạn không phải là cảm xúc của bạn, mà là một thực thể lớn hơn thế nhiều. Chúng ta cần học cách giải phóng bản thân khỏi cảm xúc của mình, để tư duy độc lập với những gì ta cảm nhận.

Đương nhiên tôi không phủ nhận là cảm xúc quan trọng. Bạn thấy tệ vì bỏ học trường Y khiến bố mẹ đau lòng, tôi hiểu cảm giác đó. Nhưng khi phải lựa chọn làm gì với cuộc đời, thì cảm xúc chắc chắn không phải yếu tố duy nhất giúp bạn quyết định. Bạn không cần từ chối cảm xúc, nhưng đừng để chúng định nghĩa bạn và quyết định bạn đưa ra.

Cảm xúc tuy hữu ích, song chúng chỉ là phản ứng về mặt sinh học chứ không phải hiệu lệnh của cơ thể.

Hồi tiểu học tôi có một cô giáo, mà mỗi lần tôi hỏi xem có được đi vệ sinh không, cô đều đáp “Cô không biết, em có đi được không?” một cách châm biếm như thể tôi tự nhiên mất chân vậy. Nghe thì hơi khó chịu, nhưng sự châm biếm của cô đã dạy tôi một bài học: có sự khác biệt giữa cái bạn làm được, và cái bạn cho phép mình làm. Hầu hết chúng ta không nhận ra điều đó.

Bố mẹ tôi hồi đó không bao giờ dám bấm thử từng nút trên đầu VCR, vì họ sợ làm hỏng một món đồ đắt tiền. Họ chưa từng nhận ra rằng họ hoàn toàn có thể sử dụng thiết bị này. Còn tôi cũng không dám trò chuyện tự do với ai suốt nhiều năm trời, vì tôi cảm thấy mình không đủ giỏi. Tôi đã để cảm xúc đó định hình danh tính và tình hình thực tế của mình.

23feb2023cottonbro1jpg
Cảm xúc chính là ranh giới ngăn bạn làm điều mình có thể làm. | Nguồn: Pexels

Tôi hy vọng một ngày không xa, bạn gái kia sẽ bỏ học Y vì bạn ghét nó, dù điều đó khiến bố mẹ bạn thất vọng. Chàng trai kia sẽ liều mình rủ gia sư đi hẹn hò, và bà mẹ thì dứt khoát yêu cầu các con mình chuyển ra.

Khi làm những điều đó, họ sẽ thấy sự thất vọng và phán xét từ những người xung quanh. Họ có thể sợ hãi và xấu hổ đến tột cùng, như thể đó là dấu chấm hết cho cuộc đời họ. Nhưng một cách vô thức hay có ý thức, họ cũng sẽ nhận ra đó chỉ là cảm xúc của họ thôi. Chúng sẽ qua đi và tan biến, nên thực chất họ không mạo hiểm điều gì cả.

Đây sẽ là tiền đề giúp họ vượt qua rào chắn cảm xúc. Họ sẽ khiến nhiều người (và cả bản thân họ) thất vọng và đau đớn. Nhưng họ cũng sẽ phá vỡ những giới hạn mà cảm xúc đã dựng lên, để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.