Freelancer không phải khởi nghiệp

Bạn đang khởi nghiệp hay thực chất chỉ đang làm freelance?

Christy Le
Freelancer không phải khởi nghiệp

Mình tốt nghiệp ra trường năm 2005, về Việt Nam đến 2006, thì thị trường chứng khoán Việt bước vào giai đoạn bùng nổ. Lúc đó sinh viên tài chính tốt nghiệp ra trường rất “đắt hàng”, chẳng những lương cao, được trọng vọng, mà nhiều bạn trong số đó còn dám bỏ việc, tự đầu tư và “thắng” khá đậm trên thị trường chứng khoán. 

15 năm sau nhìn lại, đa số những bạn nhanh nhạy này, mặc dù rất giỏi, không biết sao lại mất hút cả trong thị trường tài chính lẫn những lĩnh vực khác. 

Mình tự hỏi, tại sao những bạn trẻ với xuất phát điểm nhiều ưu thế (chẳng những chuyên môn giỏi, mà còn nhanh nhạy nắm bắt cơ hội thị trường) lại không thể đi xa?

Lịch sử lặp lại những năm gần đây khi mình làm trong ngành công nghệ. 

Có một nhóm các bạn kỹ sư lập trình, chuyên viên thiết kế, hoặc thậm chí các bạn digital marketer khá xuất sắc, sau khi đi làm khoảng 3-5 năm, có khả năng làm dự án cho khách hàng từ đầu đến cuối, đã mạnh dạn kết nối với một số khách hàng và “đánh lẻ dự án”. 

Sau một thời gian có nhiều dự án, các bạn mạnh dạn bỏ việc, và làm một mình, hoặc lập một nhóm vài người để trở thành các nhà cung cấp dịch vụ (service providers). 

Nhiều bạn hào hứng chia sẻ với mình các bạn đang khởi nghiệp. 

Mình mừng cho các bạn vì có thể kiếm sống tốt trên chuyên môn của mình, nhưng rất hoang mang, không biết các bạn có biết con đường các bạn đang đi là freelancer, mà 95% sẽ không rẽ sang con đường khởi nghiệp.

Khởi nghiệp cần có sự đầu tư nghiêm túc về chuyên môn

Các bạn trong ngành tài chính ngân hàng bung ra những năm đó, có rất nhiều bạn học hành bài bản từ nước ngoài về. Các bạn thật sự là “hàng hiếm” trên thị trường. Lương của các bạn trong các quỹ đầu tư, ngân hàng rất cao, nhưng chắc chắn không cao bằng phần “capital gain” (lời) các bạn thắng được từ thị trường chứng khoán. 

Không ngạc nhiên khi các bạn “tối đa hoá lợi nhuận” bằng cách chủ động ra riêng làm nhà đầu tư cá nhân. 

Tuy nhiên, việc đầu tư trên một vài cổ phiếu (mà bây giờ nhìn lại chủ yếu là “đầu cơ”) đã lấy mất cơ hội quý giá giúp các bạn hiểu được sự tương tác giữa thị trường cổ phiếu với các công cụ tài chính khác (trái phiếu, forex, bất động sản, M&A…). 

Vậy là khi cơn sốt chứng khoán qua đi, những bạn trẻ khác kiên nhẫn hơn đã tạo cho mình một nền tảng vững chắc, một tầm nhìn rộng và sâu sắc về đầu tư và tài chính, để có thể đi xa hơn trong lĩnh vực này.

Tương tự vậy, các bạn kỹ sư lập trình full stack (có thể vừa lập trình vừa thiết kế giao diện) có thể làm ra những sản phẩm từ A-Z cho khách hàng, nhưng những sản phẩm đó thường là sản phẩm đơn giản (ví dụ trang web bán hàng, sản phẩm app…). 

Các bạn mất đi cơ hội quý giá để đào sâu vào những lĩnh vực như machine learning, infrastructure, back-end,… vì khách hàng khi outsource dự án (thuê ngoài), chỉ tìm người làm những sản phẩm tương đối đơn giản, còn những sản phẩm là “lõi” của công nghệ, chắc chắn họ phải xây dựng từ chính đội ngũ trong công ty. 

“Shop” của các bạn càng đắt khách, các bạn càng bận rộn, càng đánh mất thời gian nghiêm túc đầu tư vào năng lực công nghệ của mình, trong khi thế giới công nghệ bên ngoài tiến nhanh không ngừng. 

Một ngày nào đó, để có thể khởi nghiệp một công ty công nghệ tương đối, kỹ năng của các bạn không đủ, có thể đã lỗi thời,…

Các bạn digital marketer cũng gặp trường hợp tương tự. Sẽ không lâu, các bạn thấy mình dành phần lớn thời gian “chạy ad” cho khách hàng và các bạn sẽ chạy rất giỏi. Nhưng các bạn mất dần thời gian lập chiến lược marketing bài bản cho sản phẩm, sẽ không có cơ hội học hỏi từ những anh chị marketer kỳ cựu về sự sáng tạo, cách tạo thông điệp bài bản đến người tiêu dùng,… 

Nếu sau này chán công việc freelancer, các bạn khó lòng có thể tự launch (triển khai) một sản phẩm từ đầu đến cuối, chứ đừng nói đến việc khởi nghiệp, lập ra một công ty có sản phẩm digital.

Khởi nghiệp đòi hỏi một người lãnh đạo

Nếu các bạn quan sát những người khởi nghiệp (entrepreneurs), các bạn sẽ dễ thấy điểm chung của những người này, cho dù là kỹ sư hay dân kinh doanh, là đều có khả năng tập hợp đội ngũ, giải quyết bất đồng và định hướng cả công ty hào hứng đi theo một mục tiêu. 

Kinh nghiệm này thật sự không có được, nếu các bạn không trưởng thành từ một tập thể. 

Cho dù quá trình đó có nhiều mỏi mệt, nhiều khi là cay đắng, tôi thành thật khuyên các bạn hãy kiên nhẫn chấp nhận để trưởng thành. 

Cũng như các bạn, tôi hiểu sự tự do độc lập trong suy nghĩ, trong hành động khi làm riêng phải nói là đem đến một sự thoả mãn khó tả. Nhưng đôi khi nó cũng lấy đi khả năng kiên nhẫn, đồng cảm với người khác, vốn rất quan trọng để trở thành người “đứng mũi chịu sào”.

Để tôi đưa ra một ví dụ: không khó để một kỹ sư giỏi có thể làm ra một sản phẩm app từ A-Z. Nhưng để tạo ra một sản phẩm có thể bán được và trưởng thành qua nhiều versions (phiên bản) khác nhau để đáp ứng nhu cầu của người dùng, sản phẩm đó cần một đội ngũ cả kỹ sư, lẫn kinh doanh. 

Một bạn freelancer giỏi có khả năng “cân” hết mọi thứ, nhưng nếu chưa trưởng thành qua công việc tập thể, sẽ rất lúng túng khi phải chia việc cho các kỹ sư khác, kiểm tra, đốc thúc,… và một ngày đẹp trời chợt nhận ra rằng, thế giới đã mất đi một kỹ sư giỏi, và có thêm một người lãnh đạo tồi đầy bất mãn.

Khởi nghiệp cần một tầm nhìn hay định hướng rõ ràng (clear vision)

Ở phần trên, mình chia sẻ 95% các bạn freelancer sẽ không rẽ sang con đường khởi nghiệp được. Vậy 5% còn lại là ai? 

Mình và ông xã đã có một cuộc tranh luận sôi nổi và cùng thống nhất rằng: turning point (cột mốc) để trở thành entrepreneur sẽ là lúc các bạn định hình được mình khởi nghiệp để giải quyết vấn đề gì (clear vision).

Kiếm được tiền từ khách hàng là tốt, nhưng đó chưa phải là entrepreneurship (khởi nghiệp). 

Trong trường hợp freelancer, các bạn đang bán khả năng chuyên môn của mình. Trong trường hợp các bạn mở shop online, cửa hàng trà sữa,… các bạn đang tự doanh, mua đi bán lại. Và trong nhiều trường hợp khác không thể gọi tên của nhiều startup Việt, các bạn đang có một mộng tưởng về tương lai.

Chừng nào có thể nói được các bạn muốn giải quyết vấn đề gì, tại sao xã hội/thị trường cần nó và bạn sẽ giải bài toán đó bằng cách nào với sản phẩm của mình, chừng đó các bạn mới chính thức bước chân vào con đường khởi nghiệp.

Kết

Bài chia sẻ này không phải để khuyến khích các bạn khởi nghiệp (thật ra, trong một dịp khác mình sẽ chia sẻ nhiều hơn tại sao các bạn không nên khởi nghiệp).

Chia sẻ này mục đích là để chỉ ra những ngộ nhận của các bạn trẻ khi đang đi con đường này, lại lầm tưởng mình đang đi con đường khác. 

Công việc freelancer chẳng những đáng trân trọng (vì các bạn đã kiếm tiền nghiêm túc từ chuyên môn giỏi của mình) mà còn hấp dẫn (vì cho các bạn sự chủ động trong công việc, cuộc sống). Tuy nhiên, nếu ước mơ của bạn là một ngày nào đó sẽ tạo dựng được một công ty khởi nghiệp, các bạn đang đi vào con đường hẹp khi trở thành freelancer. 

Một công ty khởi nghiệp muốn thành công, đòi hỏi có sự đầu tư nghiêm túc, và sự đầu tư lớn nhất sẽ bắt đầu từ chính BẠN. Đừng vội vã.

(Viết tặng cho các bạn freelancers mình rất yêu quý. Chúc các bạn phát huy tối đa năng lực của mình).


Christy Le (Lê Diệp Kiều Trang) là đồng sáng lập của Quỹ Alabaster, chuyên đầu tư vào những công ty cung cấp các giải pháp cấp tiến có sức ảnh hưởng tích cực trên phạm vi toàn cầu. Hơn 30 dự án đầu tư (cho giai đoạn đầu - early stage) của Quỹ đang tập trung vào các lĩnh vực khoa học vật liệu, công nghệ bán dẫn và công nghệ sinh học, với mục đích tạo nên những nguồn năng lượng, thực phẩm và hàng tiêu dùng tinh khiết với giá cả phải chăng hơn. 

Trước đó, Christy đã tích cực tham gia vào các công ty có nhiều phát kiến vượt bậc về công nghệ giúp nâng cao chất lượng sống và thúc đẩy tối đa tiềm năng của con người. Trong đó, những vai trò nổi bật cô có đảm nhiệm là Giám đốc Quốc gia của Facebook Việt Nam, Chủ tịch của Harrison.ai, Phó chủ tịch điều hành của Fossil Group, Giám đốc điều hành của Misfit (một công ty đạt nhiều giải thưởng trong lĩnh vực nhà thông minh và thiết bị đeo).

Christy từng hai lần đứng đầu danh sách tốt nghiệp đại học Oxford với tấm bằng Đại học và Thạc sĩ Kinh tế, cũng là một thành viên thuộc chương trình học Legatum Fellow (về khởi nghiệp) của trường kinh doanh MIT Sloan.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục