Bánh mì Huynh Hoa: 100 Nghìn vay vốn và 35 năm tạo nên biểu tượng Sài Gòn

“Chị theo đạo bánh mì, chị ăn, chị thấy thích thì muốn mời mọi người cùng ăn.”
Phương Thảo
Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

“26 Lê Thị Riêng… là em tới bánh mì Huynh Hoa hả?” Đó là câu hỏi tôi nhận được khi đặt xe đến địa điểm phỏng vấn. Một anh tài xế bất kỳ cũng nhớ rõ địa chỉ của tiệm bánh mì này. Nhưng thật ra cũng chẳng cần nhìn đến số nhà. Từ vòng xoay Phù Đổng rẽ vào con phố, cứ thấy nơi nào tấp nập nhất thì đó chính là Bánh mì Huynh Hoa.

Cả thế giới tưởng chừng đã thu gọn lại trong hàng dài thực khách đứng chờ trước cửa tiệm. Từ những em nhỏ học sinh đến các ông bà mái tóc bạc phơ, hay bao du khách quốc tế lỉnh kỉnh ba lô trên người, tất cả đều kiên nhẫn đứng chờ mua ổ bánh mì trứ danh. Không khó để hiểu vì sao Bánh mì Huynh Hoa vừa được vinh danh là giải thưởng Điểm đến ẩm thực lý tưởng cho du khách tại Flavors Awards 2024.

Tuy vậy, ít ai biết, đằng sau mỗi ổ bánh mì thực khách đang mong đợi thưởng thức là cả một sự kết hợp công phu từ 13 nguyên liệu. Và phía sau một thương hiệu bánh mì nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn với thâm niên hơn 35 năm, là từng đó năm bươn chải của người sáng lập - chị Lê Kim Hoa.

Gắn bó với nghề qua nhiều thập kỷ, hành trình của chị Hoa cũng như ổ bánh mì chị làm: đủ vị mặn, ngọt, chua, cay, và có nhiều lát cắt chưa từng được kể.

Thương hiệu bánh mì Huynh Hoa đã "ra lò" như thế nào?

Ngày xưa, quầy bánh tiêu, bánh quẩy, bánh mì của ba chị bán có tiếng ở vòng xoay Phù Đổng. Nhưng khi ba lui về, giao lại cho hai người chị gái, mọi thứ dần khác đi. Hai chị ấy không còn giữ nghề như xưa, mà nhập đồ bên ngoài về bán. Khách hàng dần dần thưa thớt, tiếng tăm ngày nào cũng phai nhạt theo.

Đến khi ba mất, chị nhìn lại chồng dụng cụ bán bánh của ba để trong góc rồi lấy từng cái đĩa một ra lau rồi xếp lại cẩn thận. Tiếng dao cắt bánh giòn rụm, lớp pate béo ngậy phết lên bánh mì thơm phức, từng chi tiết về chiếc bánh mì pate của ba được khơi gợi lại. Lúc đó, chị tự nhủ phải làm gì đó để giữ lấy hồn cốt của cái nghề gia truyền.

Chị vay mượn khắp nơi để có 100k làm vốn mở xe bánh mì. Tính cả lãi là 120k, may là được trả góp. Nhưng bán hàng có ngày nắng, ngày mưa, ngày ế, ngày chạy. Bán tới 2 giờ sáng nếu còn thừa cái gì phải chấp nhận đổ bỏ hết. Vậy nên vốn liếng cứ hao hụt dần.

Có lúc bí quá, tài sản giá trị nhất chỉ có chiếc xe Honda 78 đang chạy, chị cũng đành phải bán đi để xoay xở. Lúc đó đúng là tất tay. Nhưng nếu không liều, làm sao có được những chiếc bánh mì đầu tiên mang thương hiệu Huynh Hoa ra lò.

Cơ duyên đưa Huynh Hoa đến với địa chỉ 26 Lê Thị Riêng?

Năm 2008, thành phố thắt chặt quản lý, không cho bán hàng rong. Khi đang tìm mặt bằng mới thay cho xe bánh mì lề đường, chị vô tình trò chuyện với một người xa lạ và được khuyên nên chuyển về con phố Lê Thị Riêng.

Đúng lúc đó, có một cửa hàng vừa trả mặt bằng ở số 26. Cảm giác như thể được quý nhân chỉ đường, chị chuyển vào ngay mà không cân nhắc thêm địa điểm nào khác. Nhưng từ một xe đẩy nhỏ lẻ sang một cửa tiệm cố định là cả một sự thay đổi lớn. Khách cũ thì chưa quen, khách mới thì chưa biết. Thời gian đầu, cửa hàng bán chậm làm cho chị xuống tinh thần lắm. Vì vậy, chị giao việc cho nhân viên làm, còn bản thân thì lùi về sau.

Đến một đêm, chị bỗng nghe được câu nói từ người nào đó chạy ngang qua: “Huynh Hoa bây giờ rớt đài rồi, bán chán lắm.” Trong không gian tĩnh lặng, từng chữ lọt vào tai chị rõ mồn một.

Ngày hôm sau, chị quyết định sửa sang lại cửa hàng, quay về tự tay đứng bán mỗi ngày. Chỉ sau một tháng, mọi thứ thay đổi rõ rệt: khách quay lại, cửa hàng nhộn nhịp hơn. Cứ như thế, từ chỗ thuê mặt bằng, chị đã tích góp để mua luôn căn nhà này, biến nó thành một địa chỉ quen thuộc với mọi người.

Theo chị, lý do gì khiến Huynh Hoa chinh phục được khẩu vị của rất nhiều thực khách?

Chắc là do chị thật sự theo “đạo” bánh mì. Ngay từ những ngày còn nhỏ, khi ba chưa bắt đầu bán bánh mì, mỗi chiều phụ ba đi giao bánh tiêu, bánh quẩy cho khách xong là kiểu gì chị cũng phải đi mua ổ bánh mì. Nên khi quyết định kế nghiệp, chị chọn chuyên tâm theo bánh mì chứ không còn bán thêm bánh tiêu, bánh quẩy nữa.

Cho đến tận bây giờ, chị vẫn có thể ăn bánh mì mỗi ngày mà không hề chán. Bởi vậy, chị muốn giảm cân khó lắm, cứ nhìn mọi người ăn bánh mì là lại thấy thèm, lén lén đi về tiệm ăn nửa ổ (cười).

Cái lửa để làm bánh mì Huynh Hoa bao nhiêu năm qua là bởi chị ăn, chị thích thì chị muốn mời mọi người. Chứ chị không thích, chị nghỉ luôn, đâu có mời được, ngại lắm! Và khi mình thực sự yêu thích điều gì rồi sẽ dễ dàng lan tỏa được cảm xúc đó đến với mọi người.

Chuyển từ “làm chủ chính mình” sang “làm chủ nhiều mình”, chị đã gặp thách thức gì?

Thực ra là có cái lợi lớn hơn. Vì từng tự tay đứng quầy và làm mọi công đoạn từ chuẩn bị nguyên liệu cho đến chế biến, nên chỉ cần ăn thử một miếng thôi, chị có thể nhận ra ngay nguyên liệu nào còn thiếu, đồ chua ướp đủ đường hay chưa… để kịp thời điều chỉnh.

Từ kinh nghiệm này nên những bạn quản lý đắc lực ở Huynh Hoa đều là những người thợ được chị cất nhắc lên. Các bạn vốn tính chăm chỉ, biết việc nên sau khi được tạo điều kiện cho đi học thêm là đều làm tốt ở vai trò mới.

Còn cái khó lớn nhất lại là… những bình luận trên TikTok. Tính chị khép kín, không giỏi ăn nói, nên mỗi lần đứng trước ống kính đều rất lúng túng. Thêm nữa, khi ra ngoài, nếu có ai nhận ra và hỏi “bánh mì Huynh Hoa phải không?” là chị thấy ngại dữ lắm!

Nhưng bây giờ, việc quảng bá thương hiệu ngày càng quan trọng, chị hiểu mình không thể né tránh mãi. Chị đang học cách đối diện với những lời góp ý, thậm chí cả ý kiến chê bai và biến điều đó thành động lực để cải thiện bản thân từng ngày.

35 năm xây dựng Huynh Hoa, cái mất lớn nhất của chị là gì?

Là tuổi thanh xuân đã qua. Để dành thời gian xây dựng và phát triển thương hiệu Huynh Hoa, chị phải chấp giảm bớt thời gian với bạn bè, thậm chí là với bản thân.

Mỗi ngày chị ngủ 4-5 tiếng, hôm nào "cho phép" bản thân ngủ nướng cũng chỉ được 6 tiếng là đã lo tỉnh dậy kiểm tra cửa hàng. Ngay cả lúc bệnh, chị vẫn tranh thủ vừa đi khám vừa coi camera để đảm bảo công việc ở tiệm vẫn ổn thỏa.

Còn cái được lớn nhất là?

Có ba đứa con làm chị rất tự hào.

Hai cô con gái không chỉ yêu thích công việc làm bánh mà còn ngày càng thấu hiểu những vất vả của mẹ. Chị tin là với tình yêu thương và sự trân trọng đó, dù sau này các con chọn hướng đi nào, cũng sẽ tiếp tục phát triển và gìn giữ giá trị gia đình qua từng ổ bánh mì như điều ông và mẹ đã làm.

Đứa con thứ 3, cũng "nuôi" chẳng kém phần vất vả, chính là tiệm bánh mì Huynh Hoa này. Hành trình ấy, dù nhiều thăng trầm thật nhưng đã được đền đáp xứng đáng bằng tình yêu thương và sự đón nhận nồng nhiệt từ mọi người. Với chị, đó chính là phần thưởng to lớn và quý giá nhất.


Lời cảm ơn chân thành đến Nhà Tài Trợ Sản Phẩm BM Wine - một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối rượu vang tại Việt Nam với hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp những loại rượu vang chất lượng cao cho các doanh nghiệp lớn nhỏ trên khắp cả nước. BM Wine cam kết mang đến sự xuất sắc và thành công của đối tác chính là thành công của họ.

Flavors Vietnam, chuỗi sự kiện thường niên do Vietcetera cùng Mastercard đồng tổ chức, đã chính thức trở lại trong năm 2024. Kéo dài trong 5 tháng, Flavors Vietnam 2024 vẫn tiếp nối sứ mệnh vinh danh ngành F&B Việt Nam với thông điệp “Ẩm thực là để sẻ chia.”

Thuộc khuôn khổ Flavors Vietnam 2024, giải thưởng Flavors Awards (tên cũ là Giải thưởng Nhà hàng và Quán bar Việt Nam) là sự kiện tôn vinh những doanh nghiệp và dịch vụ F&B hàng đầu Việt Nam, đề cao những hương vị địa phương, những tài năng xuất sắc và nâng tầm giá trị của nền văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Năm nay, lễ trao giải sẽ là một phần của lễ hội Flavors Festival. Đây là lễ hội kết nối ẩm thực và văn hoá giải trí âm nhạc đầy sôi động đầu tiên của Flavors Vietnam.

Thông tin về Flavors Awards:
Địa điểm:
135 Nguyễn Huệ - 39 Lê Lợi, Quận 1, TP.HCM
Thời gian: 14/ 12/2024

Chân thành cảm ơn các nhà tài trợ và đối tác của Flavors Awards 2024: Title Sponsor: Mastercard; Major Sponsor: Diageo (Công ty sở hữu các thương hiệu Johnnie Walker, Tanqueray và Don Julio), Vikki và Menas; Category Sponsor: Vietdeli; Product Sponsor: Unios, Osterberg Quality và Bliss Premium Gelato; Travel Partner: be; Communication Partner: Vero; Creative Partner: InSpace-Creative; Event Partner: Trinity Live và Flava Live.

Tìm hiểu thêm về Flavors Awards 2024 tại .

Thưởng thức có trách nhiệm, 18+.
Không chia sẻ nội dung này cho người dưới 18 tuổi.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục