Bi kịch tại buổi hòa nhạc của Travis Scott: Lỗi tại ai?
1. Chuyện gì đã xảy ra?
Bạo lực và hỗn loạn là những gì đã xảy ra vào tối ngày 05/11 tại Lễ hội âm nhạc Astroworld tại Houston, Texas do Travis Scott tổ chức. Với 50.000 người tham dự, đám đông này nhanh chóng trở nên quá khích và xô đẩy nhau ùa về phía sân khấu.
Chỉ trong chớp mắt, sự hỗn loạn đã khiến 8 người từ độ tuổi 14 đến 27 đã thiệt mạng và 300 người khác bị thương. Nguyên nhân dẫn tới việc này vẫn đang được điều tra rõ ràng xem liệu có sự can dự của chất kích thích.
Từ một buổi hòa nhạc tràn đầy hứng khởi và sôi động, những người tham gia hoảng hốt tìm cách chạy trốn và cầu cứu.
Nghịch lý nằm ở chỗ, rapper Travis Scott cũng vừa ra mắt MV “Escape Plan”. Nhưng có lẽ, những người tham gia không ai tự có “kế hoạch đào tẩu” nào cho chính mình khi tham gia sự kiện này.
2. Tại sao Travis Scott là tâm điểm của chỉ trích?
Astroworld là buổi hòa nhạc đặt theo tên album phòng thu thứ 3 của Travis Scott. Là người tổ chức lễ hội, Travis Scott nhận nhiều chỉ trích về khâu quản lý tổ chức. Ngoài ra, anh cũng bị cho là vô tâm khi tiếp tục biểu diễn mặc cho đám đông đang gào thét nhờ trợ giúp.
Tuy nhiên, theo như New York Times, Travis có dừng buổi diễn lại và kêu gọi sự giúp đỡ nhưng không có hiệu quả. Nam rapper cũng đã lên tiếng xin lỗi và nhận trách nhiệm về mình sau vụ việc.
Sau lễ hội, từ TikTok, Twitter và Instagram xuất hiện hàng loạt bài đăng về việc nhiều người đã cố gắng kêu cứu và nhờ sự trợ giúp từ nhân viên nhưng không có kết quả.
Chủ bút của HipHopDx đã nói với AP rằng, gu âm nhạc của Travis Scott mang đậm chất nổi loạn. Hip Hop đã tiếp nhận những di sản của punk rock, tạo ra một thế hệ mosh-pit mới. Vậy nên, không có gì lạ khi xuất hiện những hành vi cuồng nộ và hoang dã trong buổi hòa nhạc của Travis.
Mosh-pit tại một buổi hòa nhạc.
3. Các cơ quan thẩm quyền phản ứng ra sao?
Giới chính quyền đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh việc liệu buổi hòa nhạc có đảm bảo đủ số lượng bảo vệ, nhân viên y tế và sức chứa hay không.
Các nhà điều tra cũng đang phân tích hàng trăm video đã được quay tại buổi hòa nhạc để có thể tìm được nguyên nhân dẫn tới vụ việc khiến 8 người chết, cũng như dấu hiệu của lạm dụng chất kích thích. Cảnh sát trường thành phố, Troy Finner, cho biết rằng có khả năng có người đã tiêm chất kích thích cho các khán giả.
Đã có đơn kiện nộp lên tòa án thành phố Houston, trong đó nhấn mạnh về việc Travis đã có những lời nói kích động tình trạng hỗn loạn này.
4. Tai nạn ở hòa nhạc có phổ biến?
Sự kiện Astroworld tổ chức vào tháng 11 năm 2019 cũng từng khiến nhiều người nhập viện vì giẫm đạp lên nhau. New York Times khi viết về sự kiện năm nay đã nhận xét rằng, đây được xem như một buổi hòa nhạc chết chóc nhất của nước Mỹ trong nhiều năm qua.
NPR đã liệt kê ra có ít nhất 9 vụ thảm kịch tương tự đã xảy ra. Một trong số đó là buổi hòa nhạc của The Who năm 1979, với 11 người chết vì xô đẩy. Gần đây nhất là vụ tấn công khủng bố tại buổi diễn của Ariana Grande khiến 24 người chết.
5. Tại sao một đám đông có thể gây chết người?
G. Keith Still, giáo sư về khoa học đám đông tại Đại học Suffolk ở Anh, đã đưa ra kết luận rằng điểm tương đồng trong những thảm họa kiểu này chính là mật độ người tham gia. Khi có quá nhiều người kẹt trong không gian nhỏ, họ dễ trở nên hoảng sợ và hỗn loạn khi cảm thấy có sự đe doạ.
Ngoài ra, việc xô đẩy khiến những người bị kẹt trong đám đông phải chịu tác động lực từ nhiều phía khiến phổi của họ bị ảnh hưởng, dẫn tới thiếu không khí và ngạt thở. Đây cũng là nguyên nhân tử vong phổ biến.
Vậy nên, tại các sự kiện lớn với sự tham gia của nhiều người, các biện pháp dùng để kiểm soát đám đông là rất cần thiết. Những nạn nhân không may mắn chính là hệ quả của sự thiếu chuyên nghiệp trong khâu quản lý.
Các buổi hòa nhạc lớn thường được phân khu để hạn chế sự xô đẩy, giúp dễ quản lý, cũng như khiến lực lượng cứu trợ dễ dàng tiếp cận trong trường hợp khẩn cấp.
6. Chất kích thích đóng vai trò như thế nào?
Trong thảm kịch Astroworld, chất kích thích cũng đóng một vai trò quan trọng. Bên cạnh những báo cáo về việc nhiều người bị lén tiêm chất kích thích (bao gồm một bảo vệ), khi tình trạng hỗn loạn xảy ra, rất nhiều người vì chịu ảnh hưởng của thuốc mà đã không kịp phản ứng.
Tình trạng sử dụng chất kích thích tại hòa nhạc không phải hiếm thấy. Khoa học đã chỉ ra rằng nó làm tăng cảm nhận về âm nhạc của người sử dụng. Theo một khảo sát năm 2018, có khoảng 73.4% người đã sử dụng chất kích thích khi tham gia một lễ hội âm nhạc tại Úc.
Báo đài thường nhắc tới sốc thuốc như một nguyên nhân phổ biến gây ra cái chết tại các lễ hội âm nhạc. Tuy nhiên, hậu quả của việc sử dụng chất kích thích bị ảnh hưởng bởi nhiều lý do: môi trường xung quanh, tình trạng của người sử dụng, liều lượng và loại chất.
Dựa trên đó mà những hệ quả có khả năng xảy ra là: bị quấy rối khi không tỉnh táo, hoảng loạn, mất nước hay gặp rắc rối với cảnh sát. Hoặc đơn giản hơn, chất kích thích có khả năng gây kích động dẫn tới xô xát và bạo lực.
7. Liệu có cách nào để tự bảo vệ bản thân?
Khi tham gia một lễ hội âm nhạc, việc đi theo nhóm là cần thiết khi chúng ta có thể bảo vệ lẫn nhau. Việc luôn có một người tỉnh táo để chăm sóc những thành viên trong nhóm cũng rất quan trọng.
Theo The Conversation, khi tham gia lễ hội âm nhạc thì việc có một kế hoạch rõ ràng cùng nhóm bạn trong trường hợp khẩn cấp có thể sẽ rất có ích. Bên cạnh đó luôn phải để ý những báo động đỏ của cơ thể khi chẳng may bị “chuốc thuốc" hay sử dụng chất kích thích.
Tổ chức the Gateway cho biết, rất nhiều người sử dụng chất kích thích ở lễ hội âm nhạc vì họ cảm thấy áp lực bạn bè (peer pressure). Đây là lúc chúng ta cần nhận ra mình đang chịu ảnh hưởng bởi người khác và tập trung vào cảm xúc thật sự của bản thân để có một cuộc vui an toàn.