Bí quyết nào giúp cha mẹ và con cái hàn gắn những tổn thương?

Theo chuyên gia Nguyễn Trương Bảo Khuyên, khoảng cách thế hệ không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mâu thuẫn và tổn thương giữa cha mẹ và con cái.
Hiền Lê
Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Khoảng cách thế hệ là điều tất yếu sẽ xảy ra, khi những thế hệ trong gia đình trưởng thành trong bối cảnh kinh tế, xã hội khác nhau. Nhưng nó có thể gây ra “thiệt hại thứ cấp” (collateral damage) là những mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Vậy làm thế nào để hòa giải các tổn thương này, và nên nhìn nhận nó thế nào?

Những điều này sẽ được giải đáp trong tập 26 của EduStation, với khách mời là Thạc sĩ Nguyễn Trương Bảo Khuyên - Chuyên gia Phục hồi quan hệ và hòa giải. Dựa trên nền tảng giao tiếp trắc ẩn (empathic communication), cô Bảo Khuyên sẽ mang lại góc nhìn bao quát về mâu thuẫn thế hệ, đặc biệt trong mối quan hệ giữa các bạn gen Z trong độ tuổi thiếu niên và bố mẹ.

Đặc trưng trong mối quan hệ giữa thanh thiếu niên & bố mẹ?

Là giảng viên đại học, cô Bảo Khuyên có dịp quan sát các sinh viên ở độ tuổi 18-20 của mình. Đây là độ tuổi mang tính chuyển tiếp (transition), khi các bạn không còn là đứa bé trong gia đình, nhưng vẫn chưa chuyển hẳn sang trạng thái là một người lớn trưởng thành. Vì vậy, họ trải qua rất nhiều biến đổi về cả hoàn cảnh sống lẫn tính cách và nhân sinh quan.

Đa số sinh viên của chuyên gia Bảo Khuyên yêu thương và coi trọng mối quan hệ với bố mẹ, nhưng không thể hiện ra trước mặt họ. Khi gặp vấn đề, họ thường chọn chia sẻ với bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý (therapist) thay vì bố mẹ, bởi như vậy sẽ không bị phán xét. Về phía phụ huynh, họ cũng bận rộn hơn trong thời đại kinh tế phát triển, ít có thời gian chăm sóc, để ý đến con hơn trước kia.

Một đặc trưng khác của gen Z là có rất nhiều danh tính (identity). Họ là những phiên bản khác nhau ở trên mạng, ở ngoài đời, ở trong gia đình và ở trường học. Chuyên gia Bảo Khuyên cũng kể lại trường hợp một người bạn của cô từng mặc 1 cái quần đơn giản khi chuẩn bị rời nhà, nhưng khi gặp bạn bè lại thay 1 cái quần sặc sỡ để bố mẹ ko phát hiện ra.

Tựu chung lại, việc có nhiều danh tính vốn đã tồn tại ở các thế hệ trước, chỉ là đến gen Z thì các bạn có nhiều nền tảng (platform) hơn để thể hiện điều đó. Vì vậy, những ai có cơ hội “là mình” một cách nhất quán, có thể duy trì cho các danh tính không có sự khác biệt quá lớn là một điều may mắn trong xã hội ngày nay.

Nguyên nhân nào dẫn tới mâu thuẫn giữa các thế hệ?

Theo chuyên gia Bảo Khuyên, “khoảng cách thế hệ” không phải là nguyên nhân trực tiếp, bởi nó xảy ra là hệ quả tất yếu khi bố mẹ và con cái có trải nghiệm trưởng thành khác nhau. Điều tác động trực tiếp đến mối quan hệ giữa thanh thiếu niên và bố mẹ nằm ở cách giáo dục, mà cụ thể nằm ở 2 yếu tố:

Thứ nhất, chúng ta hầu như không được dạy về “nhu cầu”. Ta được dạy rằng để sống hòa hợp trong cộng đồng thì phải biết nghĩ đến người khác, đặt nhu cầu của họ lên trên mình.

Thực tế không có nhu cầu nào là sai hay nhỏ hơn, mà mọi nhu cầu đều quan trọng như nhau. Điều này khiến con cái ở tuổi mới lớn, và cả con cái đã ở tuổi trưởng thành không biết cách cân bằng giữa nhu cầu của mình và phụ huynh.

Chẳng hạn khi con cái giấu bố mẹ mua và mặc quần rách gối thời thượng, thì họ có nhu cầu được thuộc về, được một nhóm bạn cùng tuổi chấp nhận. Trong khi phụ huynh lại có nhu cầu bảo vệ con, nên họ cho rằng xã hội khiến con đua đòi hơn. Cả hai bên đều không nhìn thấy nhu cầu của đối phương.

Thứ hai, nhiều phụ huynh vô tình mắc lỗi “tình yêu có điều kiện” trong giáo dục con cái. Chẳng hạn họ cấm đoán con một số việc, nếu vi phạm sẽ “không yêu con nữa” - như vậy con vô tình hiểu rằng chúng chỉ được yêu thương nếu phục tùng phụ huynh. Hoặc họ đặt mình vào thế “người hy sinh”, rằng họ đã đánh đổi rất nhiều để nuôi dạy con trưởng thành, nên họ muốn đứa con sẽ trở thành phiên bản đúng như kỳ vọng của họ.

Điều này dẫn tới 2 trường hợp, là đứa con sẽ tự kìm nén nhu cầu của mình để thỏa mãn bố mẹ, hoặc sẽ “bật” lại bố mẹ. Nhu cầu một khi bị kìm nén quá lâu sẽ giống như chiếc thẻ tín dụng bị thấu chi, và đến một thời điểm sẽ “bùng nổ” những mâu thuẫn và tổn thương theo cách không bên nào mong muốn.

Giải pháp nào giúp bố mẹ và con cái giải quyết những tổn thương này?

Cả chuyên gia Bảo Khuyên và host Hùng Võ đều đồng tình rằng, chìa khóa giúp cả hai thế hệ hòa giải là chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Chúng ta cần chấp nhận rằng bố mẹ có những suy nghĩ và nhu cầu không bao giờ có thể thay đổi, và bố mẹ cũng cần hiểu rằng, con cái có những “khu vực an toàn” riêng mà họ không nên xâm phạm. Đây là ranh giới giúp hai thế hệ thấu hiểu lẫn nhau, và bảo vệ mối quan hệ này.

Bên cạnh đó, mỗi bên cần chủ động độc lập về tài chính và cảm xúc, để không quá phụ thuộc vào đối phương. Cụ thể, bố mẹ không nên là cây ATM của con cái, và con cái cũng không nên là “quỹ hưu trí” của bố mẹ. Về mặt cảm xúc, bố mẹ nên có những “lẽ sống”, những niềm vui khác ngoài con cái - đây là điều quan trọng khi con tới tuổi trưởng thành và có cuộc sống riêng.

Như vậy, cả hai bên đều không bị cảm giác “mắc nợ” đối phương và sẽ trân trọng nhau nhiều hơn. Một người bố/mẹ biết trân trọng sự tự do trong cuộc sống của mình cũng sẽ truyền cảm hứng cho con cái, giúp họ học cách yêu thương bản thân và xây dựng các mối quan hệ xã hội lành mạnh.

Cuối cùng, chuyên gia Bảo Khuyên gợi ý một bài tập đơn giản giúp bố mẹ và các con củng cố mối quan hệ: Lắng nghe đối phương chia sẻ trong 5 phút liên tiếp mà không ngắt lời, kể cả trong suy nghĩ.

Bạn không cần làm gì, chỉ cần tập trung lắng nghe bố/mẹ hoặc con mình chia sẻ điều họ cần nói trong thời gian đó. Biết đâu bạn sẽ có thêm “insight” mới về các vấn đề mà họ gặp phải, và có thời gian suy nghĩ thấu đáo hơn về cách trò chuyện cùng họ?


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục