Biến khủng hoảng một phần tư cuộc đời thành 'cú chuyển mình'

Khủng hoảng tuổi một phần tư cuộc đời thường khiến chúng ta mất phương hướng và lo âu. Làm thế nào để vượt qua giai đoạn này?

Chu Thuy Quynh Anh
Biến khủng hoảng một phần tư cuộc đời thành 'cú chuyển mình'

Nguồn: thebigland/Shutterstock

"Khủng hoảng 1/4 cuộc đời" (quarter-life crisis) là trạng thái lo âu, mất phương hướng về mọi mặt trong cuộc sống: từ nghề nghiệp, tài chính cho đến các mối quan hệ. Hiện tượng này thường xuất hiện từ giai đoạn đầu hoặc giữa những năm 20 tuổi đến những năm đầu tuổi 30.

Vậy phải đối mặt với cơn khủng hoảng này ra sao?

Đừng lo lắng, bạn không phải là người duy nhất

Trước tiên, hãy chấp nhận những cảm xúc mà bạn đang trải qua và hiểu rằng đó là một điều hết sức bình thường trong quá trình trưởng thành. Theo nhà tâm lý học Carl Rogers, con người luôn có xu hướng và nhu cầu hiện thực hóa tất cả những tiềm năng của bản thân.

Những băn khoăn, hoang mang mà bạn đang gặp phải chính là tín hiệu của sự thay đổi.

Và sự thay đổi trong cuộc sống là điều cần thiết. Sở dĩ nó có tên là "khủng hoảng 1/4 cuộc đời", bởi đây là độ tuổi chúng ta đứng trước những thay đổi lớn trong cuộc sống: rời xa trường lớp, thoát khỏi sự bảo bọc của gia đình và thật sự bước vào "thế giới thực".

Khủng hoảng đơn thuần là sự thay đổi. Nếu như bạn đang trải qua quãng thời gian không mấy dễ chịu này, thì bạn không hề cô đơn. Bởi nếu nó đã được đặt cho một cái tên, nghĩa là có rất nhiều người đã trải qua điều này giống như bạn.

Quyền định nghĩa thành công thuộc về bạn

Luôn có những mâu thuẫn nhất định về thành công giữa chúng ta và thế hệ đi trước. Ở thế hệ bố mẹ, thành công thường được đong đếm bằng địa vị, vật chất, vợ chồng hòa thuận, con cái giỏi giang.

Định nghĩa này phần nào không còn phù hợp với thế hệ chúng ta nữa.

Chúng ta đã và đang đưa ra những quyết định trái ngược với "khuôn mẫu" trước đây về thành công như: bỏ học đại học, sống chung với nhau trước khi kết hôn, làm bố hoặc mẹ đơn thân, làm việc cho một start-up thay vì những công ty nhắc đến "ai cũng phải biết",...

Việc dùng những định nghĩa về thành công trước đây để gán lên mình, vô tình khiến ta tự tạo khủng hoảng cho bản thân.

Để có thể vượt qua điều này, chúng ta phải tái định nghĩa lại thành công bằng việc tự hỏi bản thân"Liệu mình thật sự muốn điều này?".

Hãy cho bản thân có quyền định nghĩa thành công theo cách của bạn. Và đôi khi biết được những điều bản thân không muốn, còn quan trọng hơn những điều mình muốn.

Ở bên những người cho bạn năng lượng tích cực

Theo tiến sĩ triết học Maarten van Doorn, chúng ta trở nên giống với những người mà chúng ta chọn để ở bên.

Chẳng hạn, khi bạn nói nói muốn theo đuổi một dự án cá nhân, thay vì bảo bạn:“Công việc đang ổn định, tự nhiên lại muốn rước khổ vào thân làm gì?”. Những người có niềm tin về việc theo đuổi mục tiêu trong cuộc sống, sẽ ủng hộ và sẵn sàng đóng góp ý cho bạn.

Tập trung và tận hưởng con đường mình đã chọn

Khi đã tìm ra mục tiêu mình muốn hướng tới, hãy tập trung, kiên trì và có trách nhiệm. Để có thể làm điều đó bạn cần đặt ưu tiên ở đúng chỗ.

Bạn có thể ứng dụng Bullet Journal để tổng hợp những kế hoạch của bạn theo ngày (daily log), theo tháng (monthly log) và tương lai (future log). Điều này sẽ giúp bạn sắp xếp được sự ưu tiên, tránh bị ‘đuối sức’ trên hành trình của mình. 

Việc ghi lại sẽ giúp bạn nhắc nhở bản thân mỗi ngày về con đường bạn đang đi, so sánh mình của hiện tại với phiên bản của quá khứ và động viên bạn trước mỗi thành tựu nhỏ.

Đừng ngại sai, bạn luôn có thể thử lại

Hãy chấp nhận một thực tế rằng không phải lúc nào bạn cũng thành công ngay lần thử đầu tiên và thậm chí nhiều lần thử sau đó. Mọi thành tựu đều đòi hỏi những nỗ lực bền bỉ và chân chính. Hãy cho phép bản thân có thời gian trải nghiệm và lớn lên với những sai lầm mình mắc phải. Để mỗi lần thử tiếp theo bạn có thể đến gần hơn với phiên bản mong muốn của chính mình.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục