Brexit - Giải thích ngắn gọn dễ hiểu nhất Trái Đất

Cuộc 'ly hôn' giữa Anh Quốc và hiệp hội EU đã thu hút sự quan tâm trên toàn thế giới với cái tên: Brexit. Vậy Brexit là gì và tại sao nó lại đang xảy ra?
Cao Miêu
Tóm Lại Là: Brexit - Giải thích ngắn gọn dễ hiểu nhất Trái Đất

Tóm Lại Là: Brexit - Giải thích ngắn gọn dễ hiểu nhất Trái Đất

1. Brexit là gì?

‘Brexit’ = ‘British’ (Anh) + ‘exit’ (rời khỏi)

Brexit là một từ ghép chỉ việc Anh Quốc rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU).

2. EU hoạt động như thế nào?

EU là một khối đoàn kết gồm 28 quốc gia châu Âu với một nghị viện và tiền tệ (đồng euro) chung.

Giữa các quốc gia này, hàng hóa, dịch vụ và con người được di chuyển thoải mái như trong một đất nước lớn – không thuế nhập khẩu, không visa.

Sau Thế chiến II, EU được lập ra trên một ý tưởng đơn giản: nếu các nước nhận được lợi ích thương mại khi bắt tay với nhau, họ sẽ không gây chiến. Hòa bình được duy trì, và kinh tế có thêm vô vàn cơ hội phát triển.

3. Tại sao Anh lại muốn rời khỏi EU?

Nhìn qua thì EU là một “gia đình kiểu mẫu”, đoàn kết và thịnh vượng. Nhưng “ở trong chăn mới biết chăn có rận”.

Trước các biến động thế giới, mỗi nước trong EU muốn phản ứng một kiểu (theo theatlantic.com).

Theo reuters.com, những quốc gia này tranh luận gay gắt về nhập cư và thương mại. Họ cảm thấy bực bội vì bị “vạ lây” từ những nước hàng xóm trong khủng hoảng kinh tế hay làn sóng dân tị nạn.

Nước Anh sớm nhận ra mặt trái của khối này. Anh duy trì tiền tệ của riêng mình (Bảng Anh) xuyên suốt 45 năm tại EU, và lần đầu bỏ phiếu về Brexit chỉ 2 năm sau khi tham gia khối liên minh.

4. Trong nội bộ Anh ai muốn ở, ai muốn đi?

48% số người bỏ phiếu (bao gồm Cựu Thủ tướng David Cameron) cho rằng Anh nên ở lại EU. Họ thấy khối đại đoàn kết cho nước Anh nhiều sự bình ổn và cơ hội kinh tế.

51.9% còn lại (bao gồm Thủ tướng đương nhiệm Boris Johnson) cho rằng mái nhà chung EU đang trở nên gò bó với Anh Quốc.

EU quyết định quá nhiều luật trên các nước thành viên, khiến Anh thấy mình mất tự chủ quốc gia.

Để tiếp tục là thành viên của EU, Anh phải đóng hàng tỷ Bảng Anh mỗi năm. Nhiều người Anh cho rằng lợi ích nhận lại không đáng đồng tiền bát gạo.

5. Khi nào Brexit mới được gói gọn?

Hóa ra thủ tục chia tay EU sau 45 năm không hề đơn giản (cer.eu).

Nó bao gồm các vòng trưng cầu dân ý, tuyên bố trước dân, tuyên bố trước EU, nộp đơn, duyệt đơn, đàm phán và hơn thế nữa.

Được ví như một cuộc ly hôn, Anh và EU đều đang cố đàm phán lợi ích cho bên mình và những “đứa con chung” như công dân.

Mỗi khi đàm phán không thành hay Anh bầu thủ tướng, ngày nước Anh gói gọn Brexit lại bị trì hoãn. Từ 2016 đến 2020, Anh đã chứng kiến 3 nhiệm kỳ thủ tướng mà vẫn chưa xong Brexit.

Ngày Brexit Chính Thức đã bị dời tới 2 lần, cuối cùng cũng diễn ra vào 31/01/2020.

Nhưng sau đó vẫn còn một Giai đoạn chuyển giao để Anh và EU tiếp tục đàm phán.

6. Có bao nhiêu điểm Anh và EU phải đàm phán xung quanh “cuộc ly hôn” này?

Rất nhiều, trong đó theo tờ bbc.com có 4 điểm chính:

  • Anh phải bồi thường bao nhiêu tiền cho EU vì đã chủ động dứt áo ra đi (khoảng 39 tỷ Bảng Anh theo ước tính);
  • Chuyện gì sẽ xảy ra với công dân Anh đang sinh sống tại EU, và công dân EU sinh sống tại Anh;
  • Làm sao để không gây xáo trộn trên biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, vốn cũng là biên giới giữa Anh và EU;
  • Tương lai mối quan hệ giữa Anh và EU sẽ đi theo hướng nào.

Giai đoạn đàm phán này gọi là Giai đoạn chuyển giao, dự tính kéo dài đến hết năm 2020.

7. Brexit ảnh hưởng gì đến thế giới?

Tác động của Brexit vẫn đang được đo lường và dự đoán bởi các chuyên gia.

Về kinh tế và thương mại, một cường quốc như Anh tách khỏi một thị trường lớn như EU sẽ gây ra nhiều xáo trộn trên thị trường tài chính, giá cả hàng hóa, và các nguồn vốn đầu tư.

Ví dụ, khi kết quả bỏ phiếu quyết định Anh rời EU, đồng euro rớt giá thảm. Du học sinh Việt tạm mừng, trong khi dân chứng khoán “khóc” vì 25.400 tỷ đồng “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. (theo dantri.com)

Những công ty coi Anh như cửa ngõ vào EU cũng rục rịch rời trụ sở.

Về chính trị và xã hội, Brexit đề cao chủ nghĩa dân tộc và đi ngược lại xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu. (Theo tờ Washingtonpost.com)

Tương tự việc Mỹ bầu Donald Trump lên làm tổng thống, kết quả bầu cử Brexit được cho là ví dụ điển hình của chủ nghĩa dân túy – một hiện tượng nóng của chính trị phương Tây (theo báo Nhân dân).


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục