ByteDance bỏ chế độ 996: Tôn thờ công việc đến đâu là đủ?

Hệ tư tưởng của việc theo đuổi thành công bất chấp tất cả dường như đã bám sâu vào nhiều người.
Minh Anh
Chế độ làm việc bóc lột 996 của ByteDance nói gì về văn hóa làm việc?

Nguồn: SCMP

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Công ty ByteDance, chủ sở hữu của TikTok, đã bắt đầu thay đổi hệ thống làm việc của mình. Họ khuyến khích nhân viên làm việc theo chế độ 1075 (10 giờ sáng đến 7 giờ tối, 5 ngày trong tuần) thay vì 996 (9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày trong tuần). Nhân viên sẽ được trả thêm lương tăng ca và giới hạn thời gian làm việc ngoài giờ. 

Trước đó, văn hóa làm việc 996 rất phổ biến trong các công ty công nghệ của Trung Quốc. Các tập đoàn đều cổ vũ phong cách sống này để có thể thúc ép nhân viên làm thêm giờ mà không phải trả công. 

2. Các vấn đề xoay quanh chế độ 996 là gì?

Bộ luật Lao động của Trung Quốc và đa số các nước trên thế giới đều quy định thời gian tối thiểu để làm việc một tuần là 40 giờ. 

Tuy nhiên, đa phần các công ty đã lách luật bằng cách thêm cụm từ “thời gian làm việc linh hoạt" vào các bản hợp đồng. 

VICE đã có một phóng sự về những người trẻ làm việc với chế độ 996 đều phải trải qua cảm giác kiệt quệ. Tuy nhiên, họ không thể dừng lại bởi nó sẽ khiến họ trở thành kẻ lạc loài.

Tệ hơn, tại Trung Quốc đã có trường hợp một người trẻ qua đời sau khi làm việc tới 300 giờ mỗi tháng trong suốt một năm. 

3. Tại sao lại có sự thay đổi?

Văn hóa 996 đã luôn tồn tại ở Trung Quốc như một luật ngầm mà ai cũng biết và tự hiểu. Vấn đề này chỉ được đem ra mổ xẻ trong 2 năm gần đây khi các phong trào phản đối diễn ra liên tục tại Trung Quốc. Nổi bật nhất là cuộc vận động 996.ICU - nhằm ám chỉ việc những người làm công sẽ sớm vào khu điều trị tích cực ICU nếu cứ tiếp tục làm việc quá giờ.

Chính phủ Trung Quốc cũng nhiều lần chỉ trích cách làm việc này. Trong suốt một năm thúc đẩy chiến dịch Thịnh vượng chung, Bắc Kinh đã mạnh tay nhấn mạnh rằng hành vi này là bất hợp pháp. Họ thẳng thắn so sánh nó như một hình thức bóc lột lao động trắng trợn. 

Đối mặt trước sức ép từ nhân công và cả chính phủ, “thung lũng Silicon Trung Quốc” không còn cách nào khác phải dần thay đổi theo thời cuộc.

4. Hustle culture là gì?

Theo định nghĩa của hiện đại, “hustle culture” (tạm dịch: văn hóa đam mê kiếm tiền) khuyến khích mọi người lao động hăng say, tạo ra tài sản và của cải, dù cho điều này đồng nghĩa với làm việc nhiều hơn. New York Times gọi văn hóa 996 là một kiểu hustle culture. 

Chủ nghĩa tư bản khuyến khích chúng ta tích trữ nhiều tài sản như một cách mua tấm vé đổi đời. Đây cũng là lý do nhiều người tự nguyện hy sinh thời gian và cuộc sống riêng tư chỉ để phấn đấu cho sự nghiệp. 

Phong cách làm việc này bị chỉ trích khi hại nhiều hơn lợi. Nhiều báo cáo cũng chỉ ra rằng thời gian làm việc của nhân viên càng dài, năng suất làm việc của họ càng giảm.

Khi sự tham vọng và thành công biến thành danh tính, chúng ta tiếp tục làm việc cả ngày lẫn đêm để hợp lý hóa cho khái niệm “năng suất độc hại". 

5. Chúng ta được khuyến khích yêu công việc như thế nào?

Cốt lõi của chủ nghĩa tư bản và các tập đoàn đều xoay quanh lợi nhuận. Đây cũng chính là cách những nhà tư bản tô hồng chuyện làm việc quá độ với cái mác “làm vì đam mê".

Hệ tư tưởng này gói gọn trong câu nói sáo rỗng quen thuộc: “Hãy làm những gì bạn đam mê thì khi đó bạn sẽ không nhận ra mình đang làm việc". Khi đã có tư tưởng làm vì thích, bạn mặc nhiên hiến dâng thời gian rảnh rỗi của mình cho công ty. 

Ta thấy điều này ở cả những tập đoàn lớn như WeWork với chiếc túi tote “Do what we love" - Làm những công việc ta yêu. New York Times trong bài Viết “Tại sao chúng ta giả vờ yêu công việc" đã chỉ ra rằng, những người khuyến khích ta làm việc chăm chỉ, xem nó là đam mê và cuộc sống thường là những người chủ doanh nghiệp, những người thành công. Công việc và thu nhập của họ khác hẳn với một nhân viên làm công ăn lương phổ thông.

Những người nổi tiếng là giàu có và với sự nghiệp xán lạn như Elon Musk hay Jack Ma cũng luôn “động viên" người khác chăm làm thêm. Đó là cách chúng ta bị thao túng tâm lý để tự mình cống hiến cho văn hóa hustle. 

6. Hệ quả của chuyện này là gì?

Năm 2019, khái niệm burn out hay hội chứng kiệt sức đã được WHO gọi là một hiện tượng nghề nghiệp. Trong một cuộc khảo sát 1.500 người lao động Mỹ, 53% thừa nhận rằng họ đang hoàn toàn kiệt quệ.

Nhiều tờ báo lớn như The Economist, New York Times đều có những bài viết bàn luận về tại sao thế hệ này lại quá kiệt sức như vậy. 

Bề nổi nhiều người chỉ trích chủ doanh nghiệp hay gánh nặng công việc. Tuy nhiên, hệ tư tưởng của việc theo đuổi thành công bất chấp tất cả dường như đã bám sâu vào nhiều người.

Kết quả là nhiều người định giá bản thân bằng khả năng chống chịu áp lực, kiệt sức và xem đó như một thành tựu đáng tự hào.

7. Người trẻ phản ứng ra sao với chuyện này?

Năm 2018, lượng tìm kiếm từ khóa F.I.R.E tăng lên tới 96% trong vòng 5 năm. Trào lưu này nhanh chóng trở thành xu hướng khi khuyến khích người trẻ độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm. Đây là cách thế hệ trẻ ngắt đi sợi dây kết nối của mình với mô hình làm công ăn lương của các công ty. 

Tại Việt Nam, xu hướng này thể hiện qua câu nói bắt trend “về quê trồng cây nuôi cá". Cuộc sống làng quê chậm rãi và gần gũi với thiên nhiên trở nên được ưu ái hơn cả. 

Tại Trung Quốc, lối sống này được đưa lên một tầm cao mới có phần cực đoan với cái tên "nằm yên, mặc kệ đời” (VTV, 2021). Cố quá thì quá cố, khi đối mặt với áp lực bởi chủ nghĩa vật chất và công việc, nhiều người chọn buông bỏ tất cả. 

Về lâu dài nếu xu hướng này vẫn còn được lan rộng, rất nhiều chủ doanh nghiệp có lẽ sẽ phải coi lại môi trường làm việc của chính mình.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục