Cách nỗi sợ, sự xấu hổ và tình yêu “thao túng” hành vi của bạn
Tiếp nối bài viết “Điều gì giật dây hạnh phúc, nỗi buồn và hờn giận?”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “How to Understand Your Emotions” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Nỗi sợ hãi
Đây chính là yếu tố “chạy” trong phản ứng chiến hay chạy tôi đề cập ở phần trước. Sợ hãi là một cảm xúc lành mạnh, có tác dụng cảnh báo bạn về một mối đe dọa thực sự và bảo vệ bạn khỏi những mối nguy hiểm tiềm tàng. Nó giúp bạn cảnh giác khi ở gần ai có hành vi bất ổn hoặc không bình thường - tốt nhất là tránh xa họ ra.
Nhưng giống như tức giận, cảm xúc này cũng dễ bị nhầm lẫn. Nhiều khi bạn sợ những thứ không phải mối đe dọa thực sự. Có những nỗi sợ ám ảnh bạn từ thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành vẫn chưa thể vượt qua. Cũng có những nỗi sợ trừu tượng mà bạn có nhưng không hề nhận ra.
Nhiều người cố níu kéo một mối quan hệ độc hại chỉ vì sợ cảnh cô độc. Số khác không dám bỏ việc để khởi nghiệp vì sợ người ngoài cười chê ý tưởng kinh doanh của họ. Và đa số chúng ta không dám cho người thân hay bạn bè biết một sự thật phũ phàng mà họ cần nghe, vì sợ họ sẽ nổi đóa với mình.
Vậy làm thế nào để vượt qua những nỗi sợ này?
Nếu để ý, bạn sẽ nhận ra một khuôn mẫu chung: tìm cách né tránh các cảm xúc tiêu cực bạn có thể phải trải qua trong mỗi tình huống. Đây không phải là cách giải quyết hiệu quả cho những vấn đề này. Thay vào đó, bạn cần tìm cách thích nghi với từng cảm xúc để có thể hưởng lợi ích chúng đem lại.
Nếu nhìn nỗi sợ theo khía cạnh này, nó chính là dấu hiệu cho thấy bạn sắp trải qua một thời điểm quan trọng trong đời. Vì chúng ta nhìn chung đều sợ thay đổi và những gì không chắc chắn. Nhưng trùng hợp thay, đó cũng là kết quả của những việc quan trọng nhất chúng ta từng làm. Có một mối tương quan chặt chẽ giữa nỗi sợ và các dấu mốc cuộc đời.
Từ đây chúng ta có một quy luật: càng sợ điều gì, bạn càng phải giải quyết nó. Nói cách khác, bạn phải ra khỏi vùng an toàn của bản thân.
Bạn có thể phải ra một quyết định mạo hiểm trong kinh doanh, thảo luận về một vấn đề khó nói hoặc đơn giản là thử thách bản thân làm điều khiến bạn sợ (như thuyết trình trước đám đông). Và nỗi sợ luôn tỉ lệ thuận với lợi ích bạn có được từ việc này: nỗi sợ càng lớn, lợi ích bạn có được càng lớn.
Dĩ nhiên để làm được điều này thì bạn phải luyện tập. Bởi khi cảm nhận được nỗi sợ, phản ứng tự nhiên của chúng ta là chạy trốn khỏi nó. Nhưng thực tế là nỗi sợ của bạn không tự động biến mất, nó chỉ bị chôn vùi dưới sự phân tâm và ép buộc.
Đến một thời điểm nào đó, bạn sẽ phải đối mặt với nỗi sợ của mình. Có nhiều chiến lược giúp bạn kiểm soát nỗi sợ để bắt đầu hành động. Nhưng chung quy lại thì nỗi sợ sẽ luôn là một phần cơ bản trong cuộc sống.
Sự xấu hổ
Sự xấu hổ giống như viên cảnh sát của thế giới cảm xúc. Trong điều kiện lý tưởng, nó thực thi các chuẩn mực xã hội, giữ hòa khí và ngăn bạn làm những điều kinh khủng hay làm tổn thương người khác. Nhưng trong những thời khắc tồi tệ nhất, cũng chính nó đánh gục và tước đi sự bình yên trong tâm hồn bạn.
Sự xấu hổ là một dạng rào cản xã hội. Bạn không “bĩnh” ra quần bởi bạn sẽ chết vì xấu hổ. Bạn không trộm tiền từ bố mẹ hay ông bà, vì không thể vượt qua cảm giác xấu hổ và tội lỗi nếu bị phát hiện. Đây chính là tác dụng nổi bật nhất của sự xấu hổ: ngăn bạn làm những điều ngu ngốc.
Cũng giống như nỗi sợ, nhiều khi cảm giác xấu hổ lại đến từ chính những gì đôi tai (và cặp mắt) của bạn tiếp thu. Và chúng ta cũng thường hình thành sự xấu hổ phi lý từ thời thơ ấu.
Tuy nhiên nếu nỗi sợ được hình thành từ nhận thức của bạn về sự an toàn, thì sự xấu hổ lại mang tính xã hội hơn. Chẳng hạn nếu từng bị bắt nạt và từ chối khi còn nhỏ, bạn sẽ cảm thấy khá xấu hổ với một số hành vi nhất định khi lớn lên.
Sau cùng thì bản chất của xấu hổ là sự từ chối chính mình. Nói cách khác, nó là cách bạn nhận thấy mình là kẻ tệ hại vì lý do nào đó. Trong vài trường hợp (như ăn trộm tiền) thì nó là nguyên nhân hợp lý. Nhưng khi bạn xấu hổ vì những trải nghiệm hay hành vi hết sức bình thường (như tỏ tình với crush rồi bị từ chối), thì thần kinh bạn dễ trở nên rối loạn.
Sự xấu hổ kỳ lạ ở chỗ, dù nó khiến bạn tự trừng phạt bản thân, nó cũng biến bạn trở thành kẻ ái kỷ theo cách không ai ngờ tới. Những ai mang quá nhiều nỗi xấu hổ thường có cái nhìn méo mó về bản thân. Họ cho rằng họ phải chịu những nỗi khổ to lớn và độc đáo đến mức không ai khác có thể hiểu được. Họ hình thành những niềm tin phi lý, chẳng hạn cho rằng ngoài họ ra chưa từng có ai khác bị crush từ chối. Đó là một hình thức ái kỷ tinh vi nhưng nguy hiểm.
Sự xấu hổ dễ khiến bạn tự kỷ ám thị. Vì vậy, cách tốt nhất để chống lại nó là tập trung vào giúp đỡ người khác, đặc biệt ở những khía cạnh bạn cảm thấy ngại ngùng. Ví dụ nếu có nỗi xấu hổ sâu sắc với tình dục hay sự thân mật, bạn nên chia sẻ chúng một cách cởi mở hơn. Cách này sẽ giúp bình thường hóa trải nghiệm của bạn và cả của họ.
Phơi nắng là một trong các cách khử trùng đồ vật tốt nhất. Việc chia sẻ điều bạn xấu hổ cũng vậy. Bằng cách mở lòng, bạn có thể biến nỗi xấu hổ thành ưu điểm, và nỗi sợ thành sức mạnh.
Tình yêu
Tôi đã mở đầu chuỗi bài này bằng hạnh phúc - điều không thực sự được coi là cảm xúc. Vậy nên tôi cũng sẽ kết thúc bằng một điều tương tự: tình yêu.
Tôi hiểu là đối với hầu hết chúng ta, tình yêu chinh phục tất cả. Nó là “liều thuốc” cho mọi bệnh tật của xã hội, là mọi thứ chúng ta cần. Vậy nên hãy thứ lỗi cho tôi nếu điều tôi sắp nói ra khiến bạn “vỡ mộng”: Tình yêu thật tuyệt vời, nhưng nó chẳng giải quyết được vấn đề gì cả.
Người ta ai cũng “rơi vào yêu” và nghĩ chỉ cần như vậy là có một mối quan hệ hoàn hảo. Vì vậy khi tình yêu cạn kiệt, họ mới nhận ra chỉ tình yêu thôi thì chưa đủ. Nhưng thay vì tìm xem các yếu tố còn lại là gì, họ lại đi tìm thêm tình yêu ở người khác.
Đây thực ra không phải tình yêu, mà chỉ là sự lãng mạn. Nó khác hoàn toàn với tình yêu chân thành và vô điều kiện.
Tình yêu xảy ra khi bạn cảm thấy niềm vui rõ rệt khi một người khác được hưởng lợi. Nói cách khác, bạn có tình yêu với một người (hoặc chính mình) khi bạn thật tâm mong muốn những điều tốt lành đến với họ, và bạn hạnh phúc khi điều đó xảy ra.
Điều này nghe thật tuyệt vời. Nhưng cái hầu hết mọi người không hiểu, là tình yêu vô điều kiện không hề dễ dàng. Đó là khi bạn yêu một người vì chính họ, chứ không phải vì yêu mù quáng bất chấp những khuyết điểm của họ. Đó là khi bạn và người ấy tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau mà không mong đợi đối phương sẽ cho mình một phần thưởng hay lợi ích nào đó. Đó là khi bạn hiểu rằng, không phải lúc nào bạn cũng đồng tình hay muốn ở bên họ.
Tình yêu thực ra là một cảm xúc khá phức tạp, nhưng nó tô điểm thêm nhiều ý nghĩa cho cuộc sống. Nó cho bạn một ý thức về mục đích sống, từ đó cảm thấy cuộc đời này đáng sống. Vì vậy dù tình yêu phức tạp, nó xứng đáng là vua của mọi cảm xúc.
Vài lời tạm kết về cảm xúc
Nếu đọc lại cả 3 bài viết, bạn sẽ nhận thấy chúng ta tập trung phân tích những cảm xúc tiêu cực nhiều hơn. Thực tế là cả 6 cảm xúc trên (bao gồm hạnh phúc và tình yêu) đều có cái giá riêng của chúng.
Các chuyên gia tâm lý tranh luận rất nhiều về cảm xúc, nhưng họ đều đồng tình rằng con người có nhiều cảm xúc tiêu cực hơn tích cực. Chúng ta cũng trải qua các cảm xúc tiêu cực mãnh liệt hơn và coi trọng chúng hơn. Thế nên không phải tôi đang nghĩ tiêu cực đâu - tất cả chúng ta đều như vậy. Thiên kiến tiêu cực là điều tạo hóa đã “ban” cho chúng ta.
Điều này xảy ra vì nhân loại tiến hóa không phải để hạnh phúc, mà là để sinh tồn. Ở thời tiền sử, tổ tiên chúng ta phải chú ý nhiều hơn đến những thứ nguy hiểm và đáng sợ để không trở thành con mồi của một loài nào khác. Thế nên về mặt sinh học tiến hóa, các cảm xúc tiêu cực có ích cho bạn nhiều hơn những gì khiến bạn có thể “high” cả ngày.
Đến đây bạn có thể nghĩ rằng, việc có nhiều cảm xúc tiêu cực sẽ vẽ nên một bức tranh ảm đạm về cuộc sống. Nhưng một khi hiểu rằng đời vốn dĩ là bể khổ, thì bạn có thể chọn những hình thức “chịu khổ” tốt hơn. Bạn có thể nhìn nhận các trải nghiệm tiêu cực như những viên gạch giúp bạn xây dựng nền móng vững chắc hơn cho cuộc sống. Bạn có thể trưởng thành nhờ nỗi đau, thậm chí tìm ra những “nỗi đau” mà bạn thích.
Ngay chính hạnh phúc hay tình yêu cũng không thể giúp bạn loại bỏ hoàn toàn đau khổ. Mục đích chúng tồn tại là để giúp bạn đánh giá cao và tìm ra những điểm sáng trong nỗi khổ của mình. Chỉ có sự kết hợp giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa được và mất, giữa hạnh phúc và đau khổ mới giúp bạn thực sự làm chủ cảm xúc của chính mình.