Cái gì không giết được ta liệu có làm ta mạnh mẽ hơn?
Hồi học vỡ lòng, một lần tôi mếu máo về nhà mách mẹ rằng cô giáo đánh con. Mẹ tôi chạy luôn đến trường hỏi cho ra nhẽ. Cô giáo bảo, tôi và bạn cãi nhau, can không được, cốc cho mỗi đứa một cái. Mẹ kêu lên: "Tôi hơn 40 tuổi mới sinh được nó, cả nhà cưng như trứng. Cô cốc thế nó ngu đi thì sao?". Cô ngại quá bèn bảo mẹ yên tâm, cô sẽ không cốc đầu tôi nữa.
Bạn kia tôi nhớ cũng về nhà bắt chước tôi mách mẹ. Nào ngờ mẹ nó còn... cốc cho thêm mấy phát nữa đau lộng óc và mắng cho một trận: "Để tao bảo cô đánh mày vài trận nữa cho mày nhớ đời".
Sau này tình cờ gặp lại, bạn chả nhớ gì câu chuyện hồi 5 tuổi. Cũng như tất cả chúng ta đều quên phần lớn ký ức tuổi thơ, những gì đọng lại trong vài năm đầu của cuộc đời chỉ là những vệt cảm xúc rời rạc. Khoa học gọi đó là childhood amnesia - những tuổi thơ bị quên lãng.
Những ký ức tuổi thơ có thực sự mất đi?
Năm 2000, ngành thần kinh học xôn xao với một nghiên cứu so sánh trí nhớ tuổi thơ giữa ba nhóm dân New Zealand thuộc ba gốc văn hoá khác nhau: gốc Á, gốc Âu, và gốc Maori. Kết quả cho thấy các em bé gốc Á bị mất trí nhớ tuổi thơ lâu nhất, tới bốn tuổi rưỡi mới bắt đầu nhớ được chi tiết về các sự kiện trong đời. Trong khi đó, các bé gốc Âu bắt đầu sớm hơn lúc ba tuổi rưỡi, và các bé Maori bắt đầu sớm nhất lúc 2 tuổi rưỡi.
Trẻ con không hề quên đi những điều xảy ra trong những năm tháng thơ bé của cuộc đời. Chúng chỉ chưa phát triển đủ khả năng ngôn ngữ để lưu giữ một cách có nhận thức hơn. Các thí nghiệm với bé con cùng độ tuổi đều cho thấy, càng biết nói, biết đọc, biết viết sớm, các bé càng biết nhớ sớm hơn, và đương nhiên, có nhiều nguồn tư liệu sống hơn để phát triển trí óc.
Thậm chí, việc nuôi nấng trẻ trong một môi trường với các câu chuyện kể, những lời tâm sự, những chia sẻ của gia đình cũng khiến bé, dù chưa biết nói, hình thành khả năng tiếp cận và lưu giữ thông tin tốt hơn.
Người Á dù cũng có truyền thống kể chuyện như người Maori, nhưng truyền thống đó lại không mạnh mẽ như người các vùng văn hoá không có chữ viết. Vì không có chữ viết, văn hoá chỉ có thể được lưu truyền qua chuyện kể. Người Á có chữ viết, nên các bé gốc Á thường bị ba mẹ... chờ lớn để học chữ, vô tình kéo dài thời gian mất trí nhớ tuổi thơ.
Người gốc Âu cũng có chữ viết, nhưng lại có văn hoá tôn trọng trẻ con. Họ dành cho trẻ con sự quan tâm mang tính cá thể, chia sẻ chuyện trò với các bé với tư cách cá nhân độc lập, và khuyến khích các bé thể hiện bản thân. Ví dụ, bé sẽ hay được hỏi ý kiến "Con thấy thế nào" hơn là "Ba mẹ làm cho con nhé".
Ký ức xa đến tận đâu?
Như vậy, ký ức tuổi thơ không thực sự mất đi. Chúng được lưu giữ trong trí não của bé con, dù không thể diễn tả bằng lời, nhưng bằng rất nhiều cảm xúc. Đó là lý do tại sao hạnh phúc cũng như sang chấn từ thời thơ bé dù không thể gọi mặt chỉ tên, nhưng đóng vai trò là khuôn nền cho sự phát triển trí não của bé con suốt cả cuộc đời.
Chúng ta thường lầm tưởng rằng tạo hoá chỉ ưu đãi những kẻ sống sót dù trải qua muôn ngàn bão tố của cuộc đời. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Kẻ sống sót chưa chắc đã là kẻ có thể tiếp tục sống một cách hạnh phúc, cân bằng. Vấn đề không phải là sống, mà là sống thế nào?
Câu hỏi sống thế nào bắt đầu từ trước khi bé con chào đời. Bào thai nhận các tín hiệu từ cơ thể của mẹ để "hiểu" về thế giới mà bé sẽ sống. Nếu khi mang thai, mẹ có chuyện buồn, cơ thể mẹ sẽ gửi tín hiệu đến bé con rằng: "Con ơi, thế giới ngoài kia là bể khổ. Con hãy chuẩn bị tinh thần".
Nhận tín hiệu đó, bào thai sẽ phát triển theo một con đường lấy "phản vệ" làm phương châm sống. Đó có thể là việc bé sinh ra nhạy cảm hơn với các tín hiệu đe doạ, dễ lo sợ hơn, dễ mất bình tĩnh hơn, hoặc dễ trầm cảm hơn.
Vào cuối thế chiến hai, Đức Quốc Xã gây cạn kiệt nguồn lương thực khiến dân Hà Lan phải chịu nạn đói thảm khốc. Những bà mẹ mang thai trong thời gian này gửi tín hiệu đến cho những bào thai của mình rằng, thế giới ngoài kia vô cùng đói kém, không có mà ăn.
Bào thai tiếp nhận thông tin này từ mẹ, các gien lập tức thay đổi cách làm việc. Một số gien "đóng lại" không hoạt động nữa. Một số gien được kích hoạt hết cỡ. Khoa học gọi cơ chế thay đổi gien này là epigenetics. Cấu trúc của gien giữ nguyên, nhưng cách chúng hoạt động ra sao thì thay đổi, như một ngọn đèn có thể bật lên hay tắt đi vậy.
Vậy điều gì xảy ra với những người Hà Lan được sinh ra ngay sau khi nạn đói qua đi? Trí nhớ của họ được chuẩn bị sẵn sàng cho một thế giới bất ổn. May mắn là thế giới đó không còn tệ như trí nhớ của họ lưu giữ. Nhưng điều không may là cơ thể họ không hoàn toàn thích nghi.
Ký ức tuổi thơ trong bụng mẹ khiến họ tuy sống sót, nhưng phải đối mặt với tỷ lệ bệnh béo phì và bệnh tiểu đường cao gấp nhiều lần kẻ khác. Cơ thể họ theo lời chỉ dạy của ký ức tuổi thơ, làm việc cật lực để dự trữ năng lượng đề phòng đói kém.
Một nghiên cứu nổi tiếng khác về những nạn nhân Do Thái trong trại tập trung. Thế hệ con cháu của họ dù sinh ra trong thời bình nhưng vẫn dễ bị trầm cảm và mắc các căn bệnh tâm lý. Điều khủng khiếp ở đây là, epigenetics được truyền qua tận ba bốn đời.
Khi học về nghiên cứu này, tôi đã làm một bài luận nêu giả thuyết về các sang chấn tâm lý mà thế hệ sau chiến tranh ở Việt Nam phải chịu đựng. Thế hệ sau 75 có thể không biết bom đạn và chết chóc, nhưng cơ thể chúng ta vẫn đang hoạt động theo lời chỉ dẫn của một ký ức bào thai từ thời ông bà cha mẹ: rằng ngoài kia là tang thương, hiểm nguy và ly tán.
Liệu điều đó có góp phần vào những thương tổn tâm lý mà chúng ta vẫn đang vận lộn, dù chiến tranh đã kết thúc gần nửa thế kỷ chăng?
Khi ký ức là đau thương
Như vậy, ký ức tuổi thơ với vai trò bản lề cho sự phát triển có thể kéo dài đến tận quá khứ mấy đời, từ khi bào thai bắt đầu trong bụng của bà cố chúng ta. Ta không thể thay đổi được những gì đã xảy ra với thế hệ xưa, nhưng trong thế hệ này, ít nhất điều ta có thể làm là hạn chế những ký ức đau thương.
Một nghiên cứu năm 2016 cung cấp cho ta dữ liệu chi tiết về sự biến đổi cấu trúc não bộ khi bé con bị bạo hành. Đừng tưởng trẻ con không biết gì. Chúng có thể không nhớ ra bằng ngôn ngữ, nhưng cảm xúc sợ hãi, hình ảnh bạo lực, âm thanh đau đớn, mùi vị đắng chát, cảm giác bầm dập của thịt da không hề mất đi.
Những ký ức ấy được lưu giữ trong não, đóng vai trò là tín hiệu để các bé chuẩn bị hành trang cho cuộc đời. Nếu bé nhận thấy "roi vọt" là một tín hiệu của "yêu thương", bé sẽ dễ chấp nhận hơn nếu sau này gặp một bàn tay hôm trước còn vuốt ve, hôm sau đã tát bé đến bầm tím.
Hãy nhìn hình ảnh được công bố trong nghiên cứu trên. Ở cột thứ nhất, trong não của trẻ là nạn nhân của mắng chửi, dộ dày của não ở khu vực thính giác tăng lên. Nhưng sự kết nối giữa phần giúp trẻ nói năng mạch lạc (Broca) và phần giúp trẻ hiểu cũng như xử lý ngôn ngữ (Wernicke) thì lại bị đứt đoạn. Ta có thể giả thuyết rằng, trẻ lớn lên có thể rất nhạy cảm với lời nói, nhưng lại không thể chia sẻ, hiểu, và xử lý giao tiếp một cách hiệu quả.
- Ở cột thứ hai, chứng kiến gia đình bất hoà và bạo lực khiến phần não xử lý hình ảnh bị teo lại, đồng thời làm đứt đoạn kết nối giữa hình ảnh và phần não xử lý cảm xúc. Ta có thể giả thuyết rằng, trẻ lớn lên có thể bị trơ cùng bạo lực, coi đó là một giải pháp tất yếu của cuộc sống.
- Ở cột thứ ba, trẻ bị lạm dụng tình dục cũng bị teo não ở phần xử lý hình ảnh và phần xử lý các thông tin xúc giác, đặc biệt là phần não nhận thông tin đến từ các cơ quan sinh dục. Ta có thể giả thuyết rằng, trẻ lớn lên có thể bị xơ cứng cảm giác với tình dục, một nguyên nhân tại sao nhiều người bị lạm dụng tình dục hồi bé cũng có nguy cơ bị lãnh cảm.
Như vậy, ký ức tuổi thơ là một dạng kim chỉ nam cho cuộc đời phía trước. Điều này giải thích tại sao một tuổi thơ sóng gió có thể khiến ta dễ dàng trở thành nạn nhân của trầm cảm, nghiện ngập, các căn bệnh tâm lý, làm tăng khả năng tự sát, và làm giảm tuổi thọ tới 20 năm.
Câu nói ta thường dùng để an ủi nhau "những gì không giết được ta sẽ làm ta mạnh mẽ hơn", dù nghe rất lọt tai, nhưng chưa chắc đã đúng. Tại sao? Vì có nhiều cách để ta mạnh mẽ hơn là những đòn thù đến mức có thể "giết" ta.
Đó là khi ba mẹ tạo điều kiện để bé con phạm sai lầm và sửa sai một cách an toàn, với thương yêu và trìu mến. Đó là khi thày cô giáo chỉ ra lỗi của bé con và nâng đỡ bé làm lại từ đầu với sự kiên nhẫn và bao dung. Đó là khi xã hội thấy kẻ sa cơ không đạp thêm cho một cái để thoả mãn cái sự hả hê bé mọn của những phiên toà cảm xúc đám đông.
Hẳn nhiên, đời chẳng bao giờ hoàn hảo như vậy. Nhưng ít nhất là trong những năm tháng tuổi thơ của lũ thiên thần đẹp đẽ kia, những cú ngã, những vết thương, những xây xát... không nên đến một cách vô tình hay hữu ý từ chính bàn tay và bờ môi của những người đẻ ra chúng.