Cẩm nang giữ nét khi đến quán bar
Quán bar hiện đang là một xu hướng thành thị không thể bỏ qua của giới trẻ. Để thực sự có được trải nghiệm trọn vẹn đúng chuẩn và tránh cảm thấy ngơ ngác, lúng túng, bạn cần tự trang bị cho mình một số kiến thức cơ bản trước khi mở cửa bước vào một quán bar bất kỳ.
Khoảng hai năm trở lại đây, cụm từ “đi uống” đang dần trở thành một hoạt động giải trí quen thuộc của giới trẻ thành thị. Khái niệm “đi bar” đã không còn lạ lẫm từ lâu, có chăng là mới mẻ hơn về hình thức chỉn chu. Các mô hình quán bar tại Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn và Hà Nội, vẫn không ngừng đầu tư hơn về không gian và đồ uống, nỗ lực đáp ứng các tiêu chí từ lối sống hiện đại và hội nhập của người trẻ. Quả không ngoa khi nói các quán bar nay đã trở thành một trong những xu hướng thành thị khó có thể bỏ qua nhất.
Thu hút là thế, nhưng để thực sự có được trải nghiệm trọn vẹn đúng chuẩn và tránh cảm thấy ngơ ngác, lúng túng, bạn cần tự trang bị cho mình một số kiến thức cơ bản trước khi mở cửa bước vào một quán bar bất kỳ.
Quán bar không đơn thuần là nơi chỉ có bia rượu
Ngày nay các quán bar không còn là nơi chỉ chuyên phục vụ thức uống có cồn nữa. Mà với lịch sử hình thành lâu đời, thậm chí ăn sâu vào lối sống và trở thành nét văn hoá ở nhiều quốc gia, nó còn phản chiếu hình ảnh xã hội của từng khu vực và thể hiện phong cách sống của các vị khách.
Tại Việt Nam cũng cố gắng tránh rập khuôn với nhiều phong cách riêng biệt. Mỗi phong cách đáp ứng với những nhu cầu khác nhau của khách hàng. Chúng thể hiện qua cách bài trí, thiết kế không gian, cách phục vụ cho đến thực đơn.
Nếu bạn là người ưa chuộng nơi náo nhiệt hay cần tổ chức một cuộc họp mặt sôi động, quán bar tầng thượng có thể sẽ phù hợp hơn với bạn. Nếu bạn chỉ muốn một chốn ‘ẩn mình’ hay gặp một hai người bạn để trò chuyện gần gũi, các quán thuộc loại hình speakeasy kín đáo sẽ là sự lựa chọn đúng đắn hơn các không gian mở.
Tương tự vậy, mỗi quán bar có chuyên môn pha chế khác nhau. Bạn không thể đến một bar chuyên rượu gin và thắc mắc tại sao trong thực đơn của họ không có lấy một ly bia thủ công nào, hay vì sao nhạc ở đây không đủ ‘xập xình’, cũng như không có TV để bạn theo dõi trận đá banh đang diễn ra.
Không khó để bạn làm một bước nghiên cứu nhỏ và chọn cho mình một địa điểm thích hợp khi đa phần các bar Việt Nam đều cập nhật đầy đủ thông tin giới thiệu, thực đơn, và hình ảnh trên các trang mạng xã hội.
Quầy bar không phải trạm sạc của bạn
Dĩ nhiên trải nghiệm trọn vẹn và thoải mái luôn là những tiêu chí ưu tiên hàng đầu của các dịch vụ ăn uống nói chung. Trách nhiệm chính của bartender cũng như nhân viên quán bar là phục vụ bạn những ly cocktail và món ăn hợp vị, kết hợp với một chỗ ngồi, không gian dễ chịu. Thế nhưng, không phải tất cả sự tiện lợi của bạn đều thuộc phạm vị trách nhiệm của nhân viên phục vụ.
Tuy nhiên, như việc điện thoại của bạn cần sạc pin chẳng hạn, là tài sản và nhu cầu cá nhân. Cho nên, bạn đừng cho rằng việc quầy bar trang bị ổ cắm sạc – từ Android cho đến iPhone – là điều đương nhiên. Việc đảm bảo điện thoại của bạn luôn đầy pin không phải là trách nhiệm hiển nhiên của họ. Chỉ vì họ chuyên nghiệp và lịch sự, nên họ mới hỗ trợ bạn dù vượt khỏi bổn phận của mình thôi.
Đừng tuỳ ý chạm vào đồ đạc và bartender vốn không phải là chuyên gia tâm lý của bạn.
Dãy bàn bạn ngồi và vị trí bartender đứng làm việc tuy gần, nhưng ở giữa luôn có một đường ranh giới. Bạn có thể thoải mái yêu cầu điều chỉnh hương vị cho ly cocktail của mình, nhưng không có nghĩa là bạn được với tay nhấc chai rượu này, chạm vào nguyên liệu kia. Dù với lí do gì đi nữa, hành vi can thiệp này của bạn đã vượt qua giới hạn và làm khó các bartender.
Ngoài ra, các bartender sẽ không giống trong phim, thường là người luôn sẵn sàng lắng nghe tâm sự của bạn. Ngoài đời, vai trò của họ là pha chế cho bạn, không hơn.
“Với cương vị là người ngoài xa lạ, mình còn không tiện nghe chuyện riêng tư của khách hàng, huống gì khuyên nhủ hay an ủi họ. Các bartender như mình không có chuyên môn về tâm lý để có thể giải quyết thỏa đáng các vấn đề tâm lý của khách hàng. Hơn nữa, mình quả thật còn rất nhiều khách đang chờ, nên việc một người khách liên tục chia sẻ vấn đề riêng tư và hỏi lời khuyên khiến mình rất khó xử.” Hạ, một bartender chia sẻ.
Hãy là người uống có chừng mực.
Không giống như các quán nhậu bình dân hay các night club thông thường, phần lớn quán bar ở Việt Nam đều chú trọng đến hình ảnh sang trọng và tinh tế. Cho nên, việc bạn say bét nhè, hành động thiếu kiểm soát, gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh là hành vi vô cùng phản cảm.
Ngoài ra, không thể phủ nhận rằng cả không gian lẫn tác động của chất cồn đều mang đến cho bạn tâm trạng vui vẻ, dễ chịu hơn. Từ đó, đôi khi bạn có xu hướng mở lòng hơn với người xung quanh, thậm chí là cả người lạ nào đó ngồi bàn bên. Tuy nhiên, từ khóa bạn cần ghi nhớ là ‘chừng mực’ và ‘kiểm soát’. Đừng để cuộc vui hay chất cồn cuốn bạn vào những tình huống không đáng.
Đừng quên tiền tip
Một điều quan trọng cần ghi nhớ khi đến các quán bar là đừng quên ‘boa’ cho bartender nếu bạn đã có một trải nghiệm hài lòng tại quán. Việc làm này không chỉ là một cách khen ngợi, ủng hộ cho bartender và nhân viên phục vụ, mà đó còn là cách cho thấy sự hiểu biết xã hội và văn hoá của bạn.
Thông thường, bình quân tiền tip thường dao động từ 10% – 20% tổng hoá đơn thanh toán, tuỳ vào khả năng tài chính và mức độ hài lòng của bạn dựa theo những tiêu chí sau:
- Thái độ phục vụ niềm nở, nhanh nhẹn và chuyên nghiệp, kể cả đối với các yêu cầu riêng tư và chi tiết.
- Hương vị ngon, cách phục vụ cũng như cách dàn xếp thời gian khéo léo và linh hoạt.
- Không chen ngang, tinh tế giữ khoảng cách để tạo không gian riêng tư cho khách hàng.
Xem thêm:
[Bài viết] Việt Nam Craft Bia mách nhỏ 4 điều nên và không nên khi uống bia thủ công
[Bài viết] Những quán bar ẩn mình tại trung tâm Sài Gòn – Phần 1