Chris Do: Sáng tạo không nên chỉ bó buộc với danh phận “Freelancer"
Nếu không muốn chỉ mãi làm theo những đơn đặt hàng, người sáng tạo cần học tư duy của một doanh nhân, nhận định chính bản thân như một doanh nghiệp.
Bất kỳ ai quan tâm đến lĩnh vực thiết kế và vận hành doanh nghiệp sáng tạo đều đã từng nghe đến Chris Do.
Chris là một nhà thiết kế đồ họa từng đạt giải Emmy, giám đốc và Founder của Blind - khởi điểm là một graphic motion studio tiên phong và nay là một agency cung cấp giải pháp branding toàn diện. Chris cũng là người sáng lập và host của The Futur, một nền tảng học trực tuyến với 1.72 triệu lượt theo dõi trên Youtube.
Kiến thức về kinh doanh sẽ là đòn bẩy phát triển cho người sáng tạo
Ai làm sáng tạo cũng phải kiếm sống - nhưng đáng tiếc, cộng đồng sáng tạo vẫn còn ít khi thảo luận về tiền. Còn Chris chính là một người tiên phong phổ biến kiến thức kinh doanh và lập nghiệp trong thị trường sáng tạo. Chris khẳng định:
“Nếu bạn không hiểu cách việc kinh doanh vận hành, bạn có thể giới hạn sự phát triển của mình và bị bó buộc thành một kẻ “nhận đơn hàng.”
“If you don't learn the language of business, you may limit your growth and be relegated to the role of an “order taker."
Theo Chris, đối ngược với việc nhận đơn hàng là những định giá dựa trên giá trị (value-based-pricing). Những nhà thiết kế hoặc agency có thể tạo nên giá trị thực sự khách hàng khi có thể cùng họ bóc tách vấn đề và tìm ra giải pháp, thay vì nhận từng chỉ thị cụ thể.
Để có được sự tự chủ trong một dự án sáng tạo, người làm sáng tạo cần được coi như một người giải quyết vấn đề, chứ không chỉ như một bánh răng thực hiện một nhiệm vụ đơn lẻ.
Muốn đạt được value-based pricing, người kinh doanh sáng tạo cần từ bỏ tâm thế của một người bán sản phẩm (salesperson) đang cố gắng bán dịch vụ, và trở thành một nhà tư vấn. Họ phải tư duy dựa trên lợi ích của khách, thay vì chỉ quan tâm đến bản thân.
Khi này, việc người thiết kế hiểu ngôn ngữ kinh doanh mới có thể nhận diện rõ các khó khăn của khách hàng. Trước mỗi dự án mới, họ phải có một khung câu hỏi để cùng khách hàng bóc tách vấn đề, và luôn làm rõ “Đâu là tiêu chí tiên quyết để khách hàng lựa chọn phương án cuối cùng?”
Chris khuyên người sáng tạo tự do không nên bó buộc bản thân với "danh phận freelancer"- người đi làm thuê tạm thời cho những công ty khác. Họ nên coi bản thân như một doanh nghiệp - chủ động tìm kiếm khách hàng và được vận hành bởi nhiều bộ phận.
Người sáng tạo tự do từ đó cần học một hệ thống các kĩ năng: cách để rao bán dự án và thuyết phục khách hàng, báo giá, làm hợp đồng và các thủ tục pháp chế, làm việc từ xa và độc lập cũng như hợp tác với người khác. Họ là doanh nghiệp với sứ mệnh bán “sản phẩm” - tài năng sáng tạo của mình.
Thông qua The Futur, Chris Do đang lấp đầy khoảng trống trong giáo dục sáng tạo: nhiều trường nghệ thuật - thiết kế có học phí đắt đỏ, nhưng không trang bị cho sinh viên tư duy kinh doanh và kỹ năng làm việc. The Futur là một kho kiến thức-kỹ năng đa dạng, tập trung vào:
- Tư duy (Mindset)
- Quảng bá (Marketing)
- (Sales & Negotiations)
- Báo giá (Pricing)
- Động lực (Motivation)
Hệ thống kiến thức này phù hợp cho cả freelancer tự lập hay người ấp ủ mở một doanh nghiệp sáng tạo, hoặc những nhà quản lý đang điều hành một tập thể.
Xây dựng thương hiệu cá nhân là một hành trình dài
Nhiều người sáng tạo tin rằng sức cạnh tranh của họ chỉ đến từ một portfolio dự án, mà bỏ qua việc marketing. Nhưng Chris nhấn mạnh trong một clip trên kênh The Futur:
- Chỉ trình bày những dự án cũ sẽ không đủ để giúp bạn tìm được những dự án mới. Bạn đồng thời cần xây dựng và quảng bá một thương hiệu cá nhân bền vững.
- Riêng bản thân sản phẩm là không đủ. Bởi ngoài kia, rất nhiều người có kỹ năng ngang bằng và hơn bạn.
- Chính câu chuyện cá nhân sẽ giúp định hình trải nghiệm mà khách hàng tin rằng họ có thể nhận được khi cộng tác cùng bạn. Từ đó giá trị của dự án (cả về mặt tài chính cũng như tinh thần) cũng được nâng cao.
“Chất lượng tác phẩm không quyết định tất cả” tưởng chừng đi ngược lại niềm tin của chúng ta vào sức mạnh độc tôn của sự sáng tạo. Nhưng Chris chỉ ra những nhà sáng tạo nổi bật nhất luôn được biết đến cùng với câu chuyện, cá nhân và niềm tin của họ.
Chính việc kể câu chuyện cá nhân giúp họ tìm ra chất riêng, từ đó tạo được chỗ đứng trong lòng khán giả.
Bài toán khó của việc xây dựng thương chính là trả lời câu hỏi: “Tôi phải nói điều gì? Bằng cách? Tôi sẽ định vị bản thân như thế nào?” - Những giá trị cốt lõi này của bạn cần được truyền đạt mạch lạc, đồng bộ xuyên suốt các nền tảng.
Một trong những bước để xây dựng thương hiệu cá nhân chính là sáng tạo nội dung. Chris giải thích: Nếu bạn chỉ làm nội dung để quảng cáo dịch vụ của mình, bạn sẽ không thể tạo nên một cộng đồng fan và kết nối với khách hàng.
Hãy khiến khán giả yêu quý bạn như một “con người thật” có tài năng sáng tạo. Từ đó mong muốn làm việc cùng với bạn.
Không cần tìm đâu xa, bạn hãy bắt đầu kể những mẩu chuyện trong cuộc sống của mình. Một gợi ý đơn giản là: Nhớ về một người đã giúp đỡ bạn, và kể về những gì bạn đã học được.
Đúng là việc xây dựng thương hiệu và quảng bá bản thân rất nhọc nhằn - người sáng tạo nên coi đó là một phần cần thiết của nghề nghiệp. Việc sáng tạo nội dung đòi hỏi công sức trong thời gian dài - giống như gieo hạt xuống đất, sẽ có hạt lên mầm, có hạt không.
Phải chăm chút rất lâu mới đến ngày thu hoạch, nhưng phải bắt đầu ươm mầm thì mới có ngày hái quả.